Cái chết của Thượng đế và sự sinh sôi của virus

Thứ Năm, 19/03/2020, 12:35
“Tôi không bao giờ quên được những thời khắc này đã giết chết vị Thượng đế của tôi và hồn tôi, biến những ước mơ của tôi thành tro tàn”, Elie Weisel - người từng nhận giải Nobel hòa bình - hồi tưởng lại những ký ức của ông về trại tập trung Auschwitz dưới thời Đức Quốc xã.

Ông nhớ lại lần mà quân đội Gestapo cho treo cổ một đứa trẻ và khi đứa bé bước lên giá treo, Weisel nghe một tù nhân khác lặng lẽ hỏi: “Thượng đế ở đâu? Ngài ở đâu”. Trong tâm tư, Weisel trả lời: “Ngài ở đây - đang bị treo cổ trên chiếc giá này”.

Thực ra không cần phải đợi tới Auschwitz thì người ta mới bắt đầu nghi ngờ về sự tồn tại của Thượng đế. Suốt thế kỷ 19, nhiều triết gia lớn đã thách thức những quan điểm truyền thống về Thượng đế, về Chúa. Cùng với đó, việc khoa học thay thế thần học trở thành động lực chính cho sự phát triển về trí tuệ và đời sống con người khiến cho vị thế của Chúa giờ đây ngày càng lung lay. Trong cuốn Lịch sử thượng đế của Karen Armmstrong, tác giả không ngần ngại dành hẳn một chương để nói về “Cái chết của Thượng đế”.

Giáo chủ Lee Man-hee của Shincheonji tự nhận mình là Jesus tái xuất.

Vậy nhưng, bên cạnh sự trỗi dậy của vô thần thì ở một chiều hướng ngược lại, lại có những giáo phái bị xếp vào dạng “cuồng giáo” tạo sức ảnh hưởng lớn và tạo sức ảnh hưởng một cách nhìn thấy được.

Đó là giáo phái Aum Shinrikyo ở Nhật Bản và vụ đầu độc khí sarin ở nhà ga Tokyo mà câu chuyện của nó đã trở thành chất liệu để tạo nên cuốn sách tư liệu nổi tiếng do Haruki Murakami biên soạn mang tên Ngầm. Đó là giáo phái Mặc Môn với tục đa thê đê gây ra thảm họa di truyền tại một số vùng nước Mỹ. Gần đây nhất, đó là Hội thánh Tân Thiên Địa của “Chúa Jesus” (Shincheonji) với cáo buộc là nguyên nhân gây lây lan virus COVID-19 tại Hàn Quốc.

Chỉ mới ra đời vào năm 1984, tức là còn sau cả Madonna khi lần đầu xuất hiện nhưng giáo phái Shincheonji đến nay đã thu nạp được hơn 300.000 thành viên. Giáo chủ của giáo phái này, ông Lee Man-hee, tự xưng mình là Jesus tái xuất. Điều đó có nghĩa, hơn 300.000 thành viên của giáo phái này, họ thực sự tin một người đàn ông sinh năm 1931 ở Cheongdo chính là Jesus.

Nhưng, ông Lee không phải người duy nhất tự xưng mình là Jesus. Có hẳn một trang trên Wikipedia liệt kê sơ bộ những người tự nhận là Jesus và nếu như trong thế kỷ 18 chỉ có 2 người, thế kỷ 19 có 6 người thì thế kỷ 20 đã có gần 30 người, còn thế kỷ 21, dù mới trôi qua 2 thập kỷ, hiện đã có 6 người.

Những người này có lý lịch cực kỳ đa dạng. Có người từng là chính trị gia, người là ca sĩ nhạc rock, người làm kỹ sư cơ khí, người làm nhà thơ. Có người Mỹ, có người Brazil, có người Nga, có người Nhật Bản. Riêng ở Hàn Quốc, ngoài Lee Man-hee còn có một người nữa là Ahn Sahng-hong - chính là giáo chủ của Hội Thánh Đức Chúa Trời từng một thời truyền giáo rầm rộ ở Việt Nam và khiến nhiều người hoang mang.

Không chỉ Jesus là nhân vật duy nhất được được tranh nhau mạo nhận, nhiều người còn khẳng định mình chính là em trai của Jesus hay con sư tử của Judah, có người còn khẳng định mình là Đức Phật hay nhà tiên tri Hồi giáo. Đáng nói là, tất cả những nhà lãnh đạo tâm linh này, không nhiều thì ít, đều có những tín đồ cuồng nhiệt.

Thậm chí, như giáo phái Mặc Môn (hay tên gọi khác là Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Jesus Kito), một giáo phái mà nhiều người cho là cuồng giáo hay tà giáo, lại là tôn giáo lớn thứ tư ở nước Mỹ, xét về số lượng tín đồ, với số tín đồ chiếm khoảng 2% dân số. Còn trên toàn thế giới, Mặc Môn có 16 triệu tín đồ, một con số không hề ít ỏi.

Vậy câu hỏi đặt ra, tại sao lại có nhiều người đến thế và là những con người hoàn toàn bình thường trong xã hội, một số trong đó còn thành đạt, lại có thể đặt niềm tin vào những thứ... khó tin đến vậy, như là một ai đó đến từ Hàn Quốc là Chúa Jesus tái xuất, hay tin rằng hôn nhân đa thê giúp con người ta vượt qua trạng thái thiên thần để trở thành... một vị thần (đa thê là tập tục truyền thống của phái Mặc Môn, dù sau này đã bị bãi bỏ vì những tranh cãi nó gây ra)?

Tất cả những tổ chức tôn giáo kiểu này được gọi chung là “Làn sóng tôn giáo mới”, bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ 18. Đến tận giữa những năm 1970, phần lớn các nước phương Tây vẫn tin rằng, tẩy não, hay thuật ngữ khoa học là “thao túng tâm lí”, chính là cách mà các tôn giáo này thu phục tín đồ.

Đền thờ Mặc Môn ở Roma, gần Vatican là một công trình lộng lẫy và gợi sự tò mò.

Một bài báo từ năm 1996 trên tờ New York Times mang tên Tâm lí học của trải nghiệm cuồng tín có trích lời John G. Clark Jr., một giáo sư tâm thần học tại Đại học Y Havard về thủ thuật tẩy não: “Thường thì các nhóm này thiết lập một triết lý mang tính chúng tôi - bọn họ: Chúng tôi nắm giữ chân lý, còn bạn thì không”.

Theo những nghiên cứu của giáo sư Clark, những “nạn nhân” dễ bị thu phục nhất là những con người dễ bị tổn thương hoặc vừa trải qua cảm giác mất mát, hoặc đơn giản là những người cô đơn đang truy cầu những gắn kết có ý nghĩa hay một nơi mà ta thực sự thuộc về. Và bằng cách đẩy những con người này vào trạng thái mệt mỏi, suy nhược, mất ngủ, thường xuyên thiền định, ăn uống kham khổ, làm việc nặng nhọc, tham gia vào các hoạt động đơn điệu, các giáo phái này khiến cho các tín đồ có những thay đổi về não trạng và hành vi.

Ngược lại, có những học giả kiên quyết phủ nhận giả thiết tẩy não. Sau 7 năm ròng nghiên cứu về Giáo hội Thống Nhất, một tổ chức tôn giáo bị gọi là “cuồng giáo hủy hoại”, tác giả Eileen Barker cho ra mắt cuốn sách Sự hình thành của một Moonie: là lựa chọn hay do tẩy não. Moonie là từ chỉ một thành viên của Giáo hội Thống Nhất. Và từ các phỏng vấn chuyên sâu với tín đồ, cựu tín đồ và cả những người từ chối không tham gia Moonie, Barker một mực bác bỏ giả thuyết giáo phái này sử dụng những phương pháp thao túng tâm trí con người.

Còn đối với những cáo buộc liên quan tới việc lạm dụng tình dục cùng nạn bạo hành âm ỉ trong các giáo phái này, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, ngay ở những giáo hội được coi là chính thống, những tội ác đó vẫn diễn ra. Hồi năm 2018, khi đề cập tới một trường hợp tố cáo nạn xâm hại tình dục trong nhà thờ ở Chile, Giáo hoàng Francis đã cho rằng những nạn nhân này đang thêu dệt câu chuyện nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ngài đã lên tiếng xin lỗi về “sai lầm bi kịch” này. Và những mảng tối đó là vấn đề chung của loài người chứ không phải chỉ của riêng tôn giáo.

Nhưng, nói gì đi nữa, sau vụ việc giáo phái Shincheonji, một lần nữa phong trào chống cuồng giáo lại bùng lên. Liệu sau những biến động vừa qua, giáo phái này có mất đi chỗ đứng của nó trong đời sống tôn giáo hay không? Và rộng hơn, những giáo phái như vậy liệu có trở thành đối tượng bị kỳ thị hay chăng?

Đọc những tin tức về việc chính quyền đột kích buộc giáo chủ Lee Man-hee xét nghiệm virus, tôi nghĩ câu trả lời đã có ở đó. Nó là một cuộc khủng hoảng nhưng không chỉ với các tôn giáo mới mà sâu xa hơn, có lẽ là tôn giáo nói chung.

Vào khoảng thời điểm này đúng một năm trước, một sự kiện lịch sử diễn ra khi lần đầu tiên người đứng đầu Giáo hội Công giáo Roma, tức Giáo hoàng Francis, gặp gỡ Chủ tịch Giáo hội các thánh hữu ngày sau của Chúa Jesus Kito, tức Russel M.Nelson, có cuộc gặp gỡ kéo dài 33 phút tại Vatican. Chuyến viếng thăm này xảy ra một ngày trước khi đền thờ đầu tiên của phái Mặc Môn xuất hiện ở thành phố Roma - trung tâm Công giáo phương Tây.

Mặc dù Vatican không đưa ra một thông tin nào cụ thể sau cuộc gặp nhưng bản thân Chủ tịch Nelson thì nhận xét rằng Giáo hoàng “thật là một người đàn ông dễ chịu và tuyệt vời, người Công giáo thật may mắn làm sao khi có một vị lãnh đạo nhã nhặn, ân cần, đầy yêu thương và tài năng”.

Sau đó ông tường thuật lại nội dung cuộc đối thoại giữa hai người: “Chúng tôi đã trò chuyện về những mối quan tâm chung với những con người đang đau khổ trên toàn thế giới này và muốn xoa dịu những nỗi đau khổ ấy. Chúng tôi nói về tầm quan trọng của tự do tôn giáo, tầm quan trọng của gia đình, những mối quan tâm chung đối với giới trẻ và nhà thờ, về sự thế tục hóa của thế giới và sự cần thiết của việc con người đến với Chúa và tôn kính ngài, cầu nguyện với ngài và họ sẽ có được sự vững vàng nhờ niềm tin dành cho Chúa Jesus”.

Thực ra thì đến Vatican cũng phải chấp nhận, hay nhượng bộ, những giáo phái với những đức tin khác biệt. Bởi bản thân tôn giáo nói chung đang phải đương đầu với vô vàn khó khăn đến từ sự phát triển không ngừng nghỉ của khoa học và con người dần tìm thấy niềm hạnh phúc, sự an ủi nơi công nghệ và những hình thức giải trí vô biên thay vì tìm đến một đấng siêu việt nào đó. Người ta không còn niềm tin vào những điều mầu nhiệm. Giáo chủ Shincheonji tự nhận mình là Jesus tái xuất, điều đó cũng không có nghĩa ông không thể không mắc... virus.

Mà ngay Giáo Hoàng Francis thì cũng chỉ là một con người bình thường và cũng phải đi xét nghiệm COVID-19 như ai. Cho nên, đây không còn là thời Trung cổ, để Giáo hoàng kêu gọi mọi người đứng lên chống lại người Hồi giáo, phục hồi quyền lực của đạo Cơ Đốc nơi miền đất thánh. Đây không còn là thời đại phù hợp để những người đứng đầu các tôn giáo chỉ trích và bài xích lẫn nhau. Đây là thời mà họ phải cùng liên hiệp với nhau vì một mục đích chung, để Thượng đế không bao giờ chết.

Hiền Trang
.
.