“Cái án” mù chữ

Thứ Năm, 29/04/2021, 08:29
Sự việc học sinh lớp 6 ở Đồng Tháp không thể đọc thông viết thạo làm chúng ta phải băn khoăn đặt ra nhiều dấu hỏi về trách nhiệm của ngành giáo dục địa phương trong việc quan tâm, theo sát những đối tượng giáo dục thiểu số trong guồng quay của mình.


Mù chữ có thể là bệnh lý

Ghi chép của Quỹ Giáo dục kinh tế ở Mỹ vào năm 1854 vẫn lưu lại một câu chuyện đau lòng. Một thầy giáo ở Michigan miệt thị cậu học trò mới 7 tuổi của mình là đồ tâm thần, đần độn. Cậu bé hầu như không thể đọc chữ và cứ mỗi lần như thế, thầy lại đánh cậu bằng roi da. Giai thoại kể lại rằng trong bức thư cuối cùng viết cho bà mẹ của cậu, thầy giáo đã mỉa mai rằng “trường học này bé quá, không có người thầy đủ tốt để dạy nó” và đề xuất rằng “xin để nó tự dạy chính mình”. Mẹ cậu bé khóc òa, đón con về và từ đó trở thành người thầy duy nhất thời ấu thơ của cậu.

Gần một thế kỷ sau, một cậu bé khác cũng mắc vấn đề tương tự: cậu gặp khó khăn khi đánh vần, thường ngồi cuối lớp và gần như không bao giờ hiểu thầy giáo đang nói gì. Các giáo viên đều thống nhất rằng cậu có vấn đề về đọc hiểu. Cậu bị bạn học bắt nạt mỗi ngày vì không thể theo kịp lớp học, tự thấy rằng mình “ở dưới đáy của lớp về mọi mặt”. Cậu bé chịu đựng, trong sự tức giận và phẫn nộ, đến nỗi đã đưa ra một lựa chọn: cậu muốn trả thù, trở nên giàu có và nổi tiếng để cho những người thầy không biết cảm thông sáng mắt ra.

Nhà phát minh Thomas Edison hồi nhỏ mắc chứng khó đọc, đến nỗi phải nghỉ học. Nguồn ảnh: Getty.

Lại có một đứa bé khác, bất chấp việc bộc lộ khả năng vẽ từ rất sớm, lại gặp khó khăn trong việc đọc. Cậu gặp rắc rối khi phải phân biệt hình dạng các chữ cái, bị các thầy giáo coi là thiếu khả năng đọc hiểu và chứng bệnh này sẽ theo cậu suốt phần đời còn lại.

Bạn có thể ngạc nhiên khi biết danh tính 3 đứa trẻ kể trên. Người thứ nhất là nhà phát minh Thomas Edison. Người thứ hai là diễn viên từng giành giải Oscar Anthony Hopkins. Người thứ ba là danh họa Pablo Picasso. Những cái tên tự nó đã có sức nặng, khi chúng ta cần tìm ví dụ về tài năng của con người.

Họ bị mắc hội chứng khó đọc, một loại bệnh phổ biến hơn chúng ta tưởng. Được phát hiện từ cuối những năm 1800, hội chứng này hiện gây ảnh hưởng đến 3-7% dân số trên thế giới. Những người nổi tiếng trong lịch sử được cho là từng mắc phải nó thậm chí có cả đạo diễn Steven Spielberg, nhạc sĩ John Lennon, diễn viên Keanu Reeves và tay đấm quyền Anh huyền thoại Mohammed Ali.

Năm 1896, bác sĩ người Anh có tên W. Pringle Morgan đã công bố mô tả chi tiết nhất về chứng bệnh này trên một tạp chí y khoa. Ông viết về trường hợp của một cậu bé 14 tuổi nhưng không hề biết chữ, dù thể hiện trí thông minh bình thường và thông thạo các hoạt động khác. Morgan cho rằng khuyết tật đọc bẩm sinh là do phát triển khiếm khuyết ở khu vực con quay hồi chuyển góc trái của não.

Nhan đề của bài viết này là “Mù chữ bẩm sinh”. Bạn đọc không hề nghe nhầm: Từ hơn 100 năm trước, đã có người bổ sung “mù chữ” vào danh sách các từ vựng có tính khoa học. Ngày nay, khi nghe đến nó, chúng ta thường liên tưởng đến một vấn đề giáo dục hoặc thậm chí có tính xã hội. Thậm chí tệ hơn, đứa trẻ có thể bị cho là có vấn đề về trí tuệ.

Cách nghĩ này chi phối chúng ta trong những quyết định rất quan trọng. Sau khi phát hiện đến 6 học sinh lớp 6 trong một trường học ở Đồng Tháp vẫn không đọc thông viết thạo mới đây, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh nhanh chóng vào cuộc và các giải pháp được đề ra rất nhanh chóng: phân công giáo viên kèm thêm học sinh yếu và xem xét lại những chỉ tiêu thi đua do cơ sở giáo dục đề ra không phù hợp.

Trong bài viết trên Báo Tuổi trẻ về sự việc này, khi phóng viên đến nhà hỏi, một em rơm rớm nước mắt nói về lý do muốn bỏ học: “Vì em không biết chữ, em mặc cảm với bạn bè”. Một sự thật kinh hoàng được phát hiện. Cho đến lớp 5, thầy cô chưa một lần gọi em lên trả bài.

Trường lớp đã chọn cách lờ đi các trường hợp này, vì những chỉ tiêu quan liêu. Các thầy cô giáo, với áp lực phải hoàn thành tỉ lệ phần trăm học sinh lên lớp, cũng chọn cách đẩy các em này lên và từ chối thừa nhận thực trạng bằng cách biến các em thành vô hình. Chúng không thuộc về đa số, cho nên coi như không tồn tại.

Hệ thống “dạy để thi”

Đấy là câu chuyện mà chúng ta không biết nên đổ lỗi cho ai. Hệ thống giáo dục đã và vẫn đang được thiết kế để củng cố những mục tiêu này: học là để kiểm tra, lên lớp và có bằng cấp. Trong quá trình đó, nó không có tư duy nhìn ra những trường hợp cá biệt. Chỗ chúng tôi hay lắm, làm sao có học trò mù chữ được? Kiểu như vậy.

Nếu biết về chứng khó đọc, sự phổ biến của nó và những con người tài năng nhường nào đã từng mắc phải nó, thì “mù chữ” không đáng phải bị kỳ thị. Nó có thể đơn thuần chỉ là một bệnh lý và những người mắc cần được giúp đỡ.

Trong một chuyến công tác ở Tiền Giang cuối năm ngoái, tôi gặp một nông dân làm sầu riêng lâu năm. Ông khỏe mạnh, nói chuyện rất thú vị, hay cười, kiếm tiền giỏi. Một năm với vài công sầu riêng, ông thu hoạch có khi lên đến 200 triệu/vụ. Hàng xóm láng giềng yêu quý, có phần kính trọng ông.

Mù chữ chưa chắc đã khiến bạn gục ngã ngay nhưng cách mà hệ thống giáo dục đối xử với người không may mắc phải mù chữ, có thể khiến những người cứng rắn nhất phải buông xuôi.

Tôi hơi ngạc nhiên, khi đưa tấm thiếp liên lạc của mình cho ông thì ông thẳng thắn rằng “tui không biết chữ”. Ông bảo mình cũng từng được học nhưng chỉ biết được mặt chữ, chứ đến ghép vần là gặp khó khăn. Sau khi biết rằng mình không thể học chữ, ông nghỉ học, bắt đầu làm nông, rồi trồng sầu riêng trên miếng đất nhỏ của gia đình, rồi có vốn thì mua thêm để làm, gần như tay trắng làm nên.

Tất nhiên là ông vẫn học, từ đó đến giờ. Kinh nghiệm trồng sầu riêng học từ người cha và những nông dân lớn tuổi khác, tin tức thì xem tivi, hoặc nhờ con cháu đọc lại cho nghe. Kiến thức khác và thậm chí phim ảnh, ông biết nhờ lên YouTube. Ông chỉ không biết chữ. Nếu có ai đó, vì muốn đủ chỉ tiêu, lờ đi việc ông không biết chữ và cố đẩy lên lớp, có lẽ đã không có người đàn ông ngồi trước mặt tôi ngày hôm nay.

Các trường lớp vừa làm xong một việc tàn nhẫn: những đứa trẻ bị phát hiện ngồi nhầm lớp có thể không bao giờ lấy lại được tự tin, cũng như khôi phục ý nghĩ rằng các em vẫn là những người bình thường, ngay cả khi mắc một vấn đề khó chữa nào đó. Các em vẫn có thể sống hạnh phúc và vẫn hiểu biết như người nông dân tôi đã gặp, ngay cả khi cũng như ông, đã hoàn toàn tuyệt vọng về sự giúp đỡ của hệ thống giáo dục với những trường hợp cá biệt.

“Dạy để kiểm tra và học thi”, với những chỉ tiêu cứng đi kèm, thì ngày càng chiếm ưu thế trong các trường công lập và ngoài việc không có thời gian để ý về tình trạng mù chữ bệnh lý, nó tạo ra bầu không khí thụ động. Trong một khảo sát về tâm lý trong các trường đại học nói chung trên thế giới, 87% giảng viên nói rằng việc phải “dạy để thi” là yếu tố chính dẫn đến việc sinh viên không được chuẩn bị tinh thần đúng để học đại học.

Trong một cuộc phỏng vấn bên lề hội nghị về tương lai giáo dục ở Davos 2016, một sinh viên đến từ Hong Kong cho biết anh cảm thấy rằng cách tiếp cận ở hầu hết các trường học mang lại những “thiên tài luyện thi hàng loạt được sản xuất kiểu công nghiệp”, những người xuất sắc trong các kỳ thi nhưng lại “dễ dàng gục ngã khi phải đối mặt thách thức”.

Phạm An
.
.