Các kỳ quan thế giới được xây dựng như thế nào?
Song mới đây, các chuyên gia xây dựng đã công bố bản đồ họa thông tin (infographic), trong đó nêu chi tiết về một số kỹ thuật xây dựng đã được người xưa áp dụng. Bản đồ họa thông tin này cho thấy người Inca đã cắt đá và ghép những tảng đá lại với nhau giống như một trò chơi lắp hình để xây nên Machu Picchu hay người La Mã đã làm ra những khối bê tông thân thiện với môi trường ra sao.
Kim tự tháp Giza ở Ai Cập
Kim tự tháp Giza được dựng lên từ 2,4 triệu khối đá vôi, mỗi khối nặng khoảng 2,5 tấn. Các chuyên gia cho rằng, nhân công thời đó đã chuyển khoảng 40 khối đá/ngày và người Ai Cập cổ có kỹ thuật nâng các khối đá lên một cách khá dễ dàng.
Một hình ảnh minh họa trong ngôi mộ của Djhuihotep, thuộc triều đại thứ 12 của Ai Cập, mô tả 172 người đàn ông đang kéo một bức tượng trên một chiếc xe trượt. Qua đó, một số chuyên gia cho rằng người Ai Cập cổ đại đã sử dụng kỹ thuật tương tự để vận chuyển những khối đá xây kim tự tháp.
Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng người Ai Cập đã đổ nước ra đường để làm trơn và vận chuyển đá dễ dàng hơn. Song một số người lại nghĩ nhân công đã vần những khối đá đó. Tư liệu lịch sử ghi, người ta đã tạo nên những con dốc để nhân công đưa những khối đá lên kim tự tháp. Song mới đây, một chuyên gia lại đặt giả thuyết, các kim tự tháp được xây dựng từ bên trong ra.
Bản thiết kế đồ họa cũng đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau nhằm giải thích các kim tự tháp đồ sộ được xây dựng như thế nào. Ý kiến gần đây nhất cho rằng, người xưa đã sử dụng nhiều dụng cụ và đòn bẩy để đưa các khối đá vào vị trí, trong khi các con dốc giúp 14.567 nhân công chuyển các khối đá vào đúng vị trí và họ làm việc như vậy trong suốt hơn 20 năm.
Quần thể đền Angkor Wat ở Campuchia. |
Hồi năm ngoái, các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Amsterdam nói rằng người Ai Cập đã dùng cát ướt và xe trượt để kéo các khối đá nặng qua sa mạc. Các thử nghiệm của họ đã chứng minh, tạo độ ẩm chính xác trong cát có thể kéo được một lực cần thiết. Giả thuyết này được củng cố thêm khi có một chữ tượng hình ám chỉ công nghệ này đã được vận dụng để xây dựng ít nhất một kim tự tháp.
Đền Parthenon ở Hy Lạp
Người Hy Lạp cổ đã phát minh ra “Tỷ lệ Vàng” và công thức này đã truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ, kiến trúc sư như Dali và Dali và Le Corbusier. Người ta cho rằng đền Parthenon ở Athens, được xây dựng vào khoảng năm 447 - 438 trước Công nguyên, áp dụng tỷ số này. Song nhiều người tranh cãi, “Tỷ lệ Vàng” được hình thành sau khi ngôi đền được hoàn tất. Mãi đến năm 300 trước Công nguyên, nhà toán học lỗi lạc Euclid mới viết về “Tỷ lệ Vàng” trong cuốn Elements.
Theo bản thiết kế đồ họa, công trình này kết hợp nhiều loại đá vôi và đá cẩm thạch khác nhau, trong đó có 13.400 tấn được vận chuyển từ núi Pantelakos cách Acropolis 16km. Các chuyên gia tin rằng, ngôi đền ngoạn mục này được hoàn tất trong vòng 15 năm và được tái xây dựng vào năm 490 trước Công nguyên.
Đấu trường Colosseum ở Roma
Được xây dựng vào khoảng năm 70-80 sau Công nguyên, đấu trường Colosseum ở Roma có sức chứa khoảng 50 - 80 nghìn người cho những sự kiện như các màn đấu của võ sĩ giác đấu. Do cấu trúc này hình tròn và được xây dựng trong một thung lũng, nên người La Mã đã làm hệ thống cống ở bên dưới võ đài nhằm thoát nước chảy từ các quả đồi xuống. Họ còn chôn nhiều cột chống sâu tới 12m dưới đất và sử dụng hình vòm để đỡ sức nặng của cấu trúc.
Tuy nhiên, cho đến giờ người ta vẫn không thể hiểu nổi người La Mã đã vận dụng kỹ thuật gì để xây dựng công trình này. Các chuyên gia tại Trường Đại học California, Berkeley, đã sử dụng chùm tia X để nghiên cứu về vữa, đá tạo thành từ tro núi lửa và gạch được dùng để xây Colosseum. Qua đó, các nhà khoa học đã nhận thấy có những thay đổi khoáng vật trong vữa mà họ chế ra trong hơn 180 ngày thí nghiệm và so sánh với các mẫu vật gốc có niên đại 1.900 năm. Nhóm nghiên cứu này phát hiện ra rằng, tro núi lửa tạo nên một cấu trúc tinh thể có thể ngăn chặn các vết nứt nhỏ lan rộng.
Bể chứa nước ngầm Basilica ở Thổ Nhĩ Kỳ
Tương truyền, có 7 nghìn nô lệ tham gia xây dựng bể chứa nước ngầm Basilica ở Istanbul hồi năm 532. Song cũng giống như Kim tự tháp ở Ai Cập, có nhiều tranh cãi về kỹ thuật xây dựng công trình này. Theo tư liệu cổ, Basilica ban đầu có các khu vườn, được bao quanh bởi các hàng cột và cung cấp một hệ thống lọc nước cho Cung điện Constantinople và nhiều công trình khác.
Bể nước, có kích cỡ như một nhà thờ, là một phòng ngầm có diện tích 9.800m² và trữ được 80 nghìn m² nước. Các trần được hỗ trợ bởi 336 cột bằng đá cẩm thạch. Để không bị thấm nước, bể nước này có những bức tường dày 4m xung quanh.
Bể chứa nước ngầm Basilica ở Istanbul. |
Quần thể đền Angkor Wat ở Campuchia
Giống như các bức khắc và tranh trong đền, kỹ thuật xây dựng quần thể đền Angkor Wat vẫn là một bí ẩn. Ngôi đền này được xây dựng vào khoảng năm 1113 - 1150 sau Công nguyên, với 6-10 triệu khối đá sa thạch, mỗi khối nặng khoảng 1,5 tấn và nhiều khối đá có những bức tranh khắc dài tới 1km. Nhiều chuyên gia cho rằng các khối đá khắc này được gắn với nhau bằng mộng và mộng khớp chứ không dùng xi măng. Họ đưa ra giả thuyết, nhân công xây dựng đã dùng giàn giáo bằng tre, dây thừng và voi để vận chuyển các khối đá vào đúng vị trí trước khi gắn chúng lại với nhau.
Hồi năm ngoái, các nhà khảo cổ đã sử dụng công nghệ Nasa để phát lộ được 200 bức tranh bị che khuất trong tường của ngôi đền này và họ cho rằng ngay từ đầu chúng đã bị phủ bằng màu vẽ. Họ tin các tác phẩm nghệ thuật này do những người hành hương tới thăm ngôi đền linh thiêng tạo nên sau khi Angkor Wat bị bỏ hoang trong thế kỷ XV.
Tháp nghiên Pisa ở Italy
Công trình này bắt đầu được thi công từ năm 1173, tuy nhiên ngay trong quá trình xây dựng người ta đã phát hiện tháp bị nghiêng do nền đất không vững và công trình này bị ngừng thi công trong suốt 1 thế kỷ, cho đến khi các kỹ sư xây một cạnh của tòa tháp cao hơn cạnh kia để bù lại cho độ nghiêng của nó và làm những tầng trên cong. Giai đoạn xây dựng thứ 3, gồm cả việc xây phòng chuông, được hoàn tất vào năm 1372. Công trình này được phủ bằng đá cẩm thạch trắng. Tuy nhiên, phải đến năm 2013, tháp Pisa mới giảm độ nghiêng sau 11 năm tiến hành dự án tu bổ.
Trước đó, độ nghiêng của tháp chuông mỗi năm tăng hơn 1mm và tình trạng này khiến tòa tháp có nguy cơ đổ sụp. Năm 1993, tháp đã bị nghiêng tới 5,4m, so với hồi năm 1817 là 3,8m và năm 1350 chỉ là 1,4m. Tòa tháp nặng 14.500 tấn này phải đóng cửa 1 thập kỷ trong quá trình củng cố lại phần móng và hút nước từ bên dưới.
Machu Picchu ở Peru
Giống như bể chứa nước ngầm Basilica, Machu Picchu ở Peru được xây bằng những khối đá được cắt chính xác đến mức chúng được ghép với nhau giống như một trò chơi xếp hình mà không cần phải dùng vữa. Một số khối đá được đặt khít nhau đến mức người ta không thể luồn một lưỡi dao qua đó.
Tuy nhiên, cho đến giờ các chuyên gia vẫn chưa hiểu người xưa đã làm thế nào để cắt các khối đá thẳng và nhẵn đến vậy. Song họ cho rằng, có khoảng 5 nghìn người đã tham gia xây dựng quần thể này vào giữa những năm 1400 trên một sườn dốc cách mực nước biển 2.450m ở vùng Peruvian Andes, với những bậc thang được làm bằng đá granite. Theo các chuyên gia, công trình này là điện thờ của người Inca.