Byzance sụp đổ: Khi vận mệnh nằm trong tay kẻ khác

Thứ Tư, 08/01/2020, 20:20
Ngày 29-5-1453, quân Thổ Nhĩ Kỳ tràn vào kinh thành Constantinople. Đế quốc Đông La Mã (Byzance) chính thức cáo chung, sau 1123 năm hiện hữu.

Thay thế họ thống trị vùng ngã ba Âu - Phi - Á, kể từ đó, là đế quốc Ottoman của người Thổ. Một sự chấm dứt đáng lẽ đã phải diễn ra từ sớm hơn rất nhiều.

Sự xâm thực của Tây Âu

Suốt nhiều thế kỷ dài sau khi người anh em song sinh - Đế quốc Tây La Mã - sụp đổ (năm 476), Byzance vẫn đứng vững trước sức tấn công mãnh liệt của cả những sắc dân du mục lẫn Đế quốc Hồi giáo. 

Nguyên nhân của điều này, đầu tiên, là việc Byzance liên tục duy trì được bản sắc văn hóa Chính Thống giáo cũng như tính độc lập về cả chính trị - kinh tế - quân sự, để luôn luôn có thể tự hào rằng họ mới chính là những hậu duệ chân chính của Augustus Đại đế hay Constantinus Đại đế, chứ không phải là triều đình Đế chế La Mã thần thánh của các tộc Germanics (Holy Roman Empire of the Germanics) mà họ xem là những kẻ tiếm vị.

Tuy nhiên, trong 372 năm cuối cùng, mọi thứ đã thay đổi một cách chóng mặt. Byzance ngày càng xa lạ với chính mình, để trở thành bản sao nhợt nhạt của thế giới phong kiến Tây Âu, và đánh mất sự gắn kết vô giá trong nội tại - điều từng giúp quân đội của họ nắm quyền bá chủ ở khu vực, cũng như giúp các đoàn thương thuyền của họ kiến tạo nên sự thịnh vượng mà cả Tây Âu thèm khát.

Có một "điểm ngoặt" hay được giới nghiên cứu lịch sử quốc tế nhắc đến: Năm 1081, Alexis I lên ngôi hoàng đế Byzance, và cho phép các đại điền chủ (những công thần ủng hộ mình) tha hồ bành trướng, gia tăng đất đai lẫn lực lượng nông nô. Điều này, ngay lập tức, xói mòn khả năng kiểm soát của triều đình trung ương đối với chư hầu ở địa phương. 

Cho dù các hoàng đế Byzance ở thời cực thịnh cũng vẫn cai trị với một tư tưởng khá "phóng khoáng": Đất đai phải có người cày, thì mới sinh lợi; thì cũng chưa từng có lúc nào họ để mình rơi vào thế phải phụ thuộc vào các dịch vụ đóng góp quân sự từ những người được chính mình ban tặng bổng lộc.

Trên lý thuyết, các đại điền chủ Byzance không được quyền thế tập (truyền lại cho con cháu). Nhưng trên thực tế, hình thức phong kiến theo kiểu các vương quốc Anh, Pháp hay Đế chế La Mã thần thánh đã hình thành, và nhanh chóng ăn sâu vào sự vận hành của xã hội Byzance. Nói một cách khác, tinh thần "vọng ngoại" cũng như sự dập khuôn máy móc theo những mô hình mới đã khiến Byzance suy yếu đến lụn bại, đặc biệt là với sự cộng hưởng từ các cuộc Thập tự chinh.

Lãnh thổ Byzance (phần in đậm) vào những thời điểm cuối cùng.

Áp bức và đấu tranh

Quá trình thay đổi quá nhanh và quá bạo liệt trên thượng tầng chính trị làm nền kinh tế Byzance bị phân mảnh, để rồi các giai tầng dưới đáy xã hội trở nên cơ cực, lầm than và bần cùng hóa, cũng với gia tốc tương ứng. Tất yếu, mâu thuẫn xã hội xuất hiện, và các hình thức phản kháng cũng xuất hiện. 

Thí dụ, khi những kẻ cai trị xem mỗi lần ấn định lại thuế khóa là một cơ hội để bóc lột dân chúng, thì lập tức, quanh các vùng duyên hải, số lượng những toán cướp biển hoành hành tăng vọt. Ở một khía cạnh khác, vì không còn phương tiện sinh nhai, những đoàn tu sĩ lang thang bất hòa với các giáo sĩ quản hạt (những người có "của ăn của để"), và hầu như cũng trở thành quân cướp đường.   

Đến cuối thế kỷ XII, thực trạng Byzance đã trở nên vô cùng tiêu cực. Những cuộc Thập tự chinh khiến đế quốc ấy phải san sẻ cả sự phồn thịnh, cả tầm ảnh hưởng lẫn các mối lợi của mình cho những đoàn hiệp sĩ Tây Âu - cũng là những kẻ thực dân mới nhăm nhe "thủ lợi" quanh Đất Thánh. Năm 1171, hoàng đế Manuel Comnenus quyết định "mạnh tay". 

Ông ra lệnh tống giam hơn 10.000 thương gia đến từ nước cộng hòa - thị quốc Venezia (Venise). Nhưng rồi, trước sức ép của thế lực nắm quyền lũng đoạn thương mại trên Địa Trung Hải nhờ những đội quân đánh thuê thiện chiến ấy, Manuel lại nhanh chóng phải phục hồi toàn bộ đặc quyền cho họ.

Bốn năm sau, năm 1182, hàng nghìn người Tây Âu sinh sống tại Byzance bị tàn sát, trong một cơn cuồng hận bộc phát của dân chúng. Để trả thù, năm 1185, người Normandie đến từ Sicily làm cỏ Thessalonique - đô thị lớn thứ nhì của Byzance. 

Tiếp đó, quân Normandie tiến tới Constantinople, và hoàng đế Andronicus I bị dân chúng điên khùng xé xác thành từng mảnh. Một dòng họ nhu nhược, với những hoàng đế nhu nhược - dòng Angeoloi - lên thay thế dòng Comnenus, chỉ khiến lòng tham của các vương hầu Tây Âu thêm bỏng cháy.

Năm 1198, Giáo hoàng Innocent phát động Cuộc Thập tự chinh thứ tư. Song, người Venezia nhận chuyên chở quân đội với một cái giá cao đến mức Thập tự quân không thể trả nổi; đồng thời đóng góp 50 chiến thuyền với điều kiện là họ sẽ được hưởng một nửa đất đai chiếm được. 

Thẩm phán tối cao Venezia "ra giá": Tạm thời cho hoãn nợ, nếu Thập tự quân giúp Venezia chiếm được Zara - một thành phố nổi loạn tại vùng Dalmatia (ngày nay là Croatia), trên bờ biển Andriatic. Thế là, cuộc thánh chiến ấy bắt đầu bằng việc tàn phá một thành phố Ki-tô giáo (năm 1202), và Giáo hoàng nổi giận tuyên rút phép thông công với đoàn viễn chinh.

Song song, Thái tử Alexis - con trai của hoàng đế Isaac Angelus (bị em mình truất phế năm 1195) bắt liên lạc với Venezia, nhận trả hết nợ và ban đặc quyền cho họ, nếu họ đến Constantinople để phục vị cha mình. Dĩ nhiên, Venezia và nhiều lãnh chúa Thập tự quân đồng ý. 

Tháng 7-1203, Thập tự quân đánh chiếm Constantinople. Isaac được giải thoát, còn Alexis lên ngôi, hiệu là Alexis IV. Alexis IV, hoặc là không đủ sức hoàn tất các cam kết ngay, hoặc là muốn "xù nợ", và đến lượt mình, lập tức bị trả giá. 

Thập tự quân chiếm kinh đô một lần nữa, hất nhà Angelus xuống đài, tàn phá Constantinople, cướp bóc của cải, thiêu hủy kinh sách… Toàn lãnh thổ Byzance bị chia làm 4 phần, 3 phần chia đều cho Venezia và các đồng minh, 1 phần giao cho một hoàng đế Latin (Tây Âu) cai trị.

Người được chọn làm hoàng đế Byzance mới là bá tước Baudoin của nước Pháp. Có lẽ, kể từ khi ấy, Byzance đã đáng bị xem như không còn tồn tại nữa.

Quân Thổ công hạ, nhưng Constantinople đâu chỉ sụp đổ trong một ngày?

Những vật vã cuối cùng

Tuy nhiên, cũng phải thêm hai trăm năm, cơ đồ từng một thời hiển hách ấy mới thực sự bị xóa sổ. Baudoin và dòng họ của mình cai trị được 57 năm, còn Venezia chọn vị Giáo trưởng Constantinople người Latin đầu tiên. Byzance trở thành một quốc gia kỳ quặc, với triều đình mà một nửa là cận thần của hoàng đế, nửa kia là các thương gia Venezia được lãnh đạo bởi "thống đốc" của họ.

Người dân Byzance bản địa gốc Hy Lạp không tuân phục triều đình đó. Họ di cư, và lập nên thị quốc Nicea ở bên kia eo biển Darnaelles. Ngoài ải, có một đại địch mới xuất hiện là đế quốc của người Bulgar (Bulgaria) mới thành lập. Vua Bulgaria đánh bại, rồi giết Baudoin. Trong khi đó, ở "hậu phương", các Giáo hoàng Vatican bất hòa với Hoàng đế đế chế La Mã Frederick II.

Nhân cơ hội đó, năm 1261, người Hy Lạp từ Nicea trở về tái lập Byzance. Song, đứa con thừa tự yếu ớt này bị bao vây bởi hàng loạt thị quốc Latin mà Thập tự quân (các hiệp sĩ Dòng Đền, Dòng Cứu Tế hay Dòng Teutonic) thiết lập. Byzance mới chỉ khống chế được vài mảnh đất nhỏ và vài hòn đảo nhỏ. Nói đúng ra, nó chỉ còn là một tiểu quốc, luôn phải nhún nhường với cả người Pháp, người Đức, người Sicily, người Genova và người Venezia… để được tồn tại.

Thế rồi, người Thổ Ottoman trỗi dậy. Với tài thao lược của các vua sáng nghiệp, họ nhanh chóng thách thức quyền lực quân sự của mọi thế lực quanh Byzance. Với khả năng cai trị "dễ thở" của người Thổ, rất nhiều người Hy Lạp chấp nhận cải sang Hồi giáo.

Byzance được thở nốt những hơi tàn cho đến tận năm 1453, có lẽ đầu tiên là vì Ottoman muốn bành trướng ở bán đảo Balkan trước. Lần lượt, họ tiến chiếm Bulgaria, rồi Serbia. Nhưng, cuối cùng, cái gì phải đến đã đến. Hồi vương Mohammed II ra lệnh công hãm Constantinople. Biết là không thể chống đỡ, cả người Hy Lạp lẫn người Latin trong thành cùng nhau làm lễ trong Đại thánh đường Saint Sophia lần cuối. Vị hoàng đế Byzance cuối cùng - Constantin XI - anh dũng tử chiến.

29-5-1453, quân Ottoman kéo vào thành, làm lễ tạ ơn Allah tại Saint Sophia, đập nát các ảnh tượng Thiên Chúa giáo. Gần 400 năm cuối cùng tồn tại với vận mệnh được đặt vào tay kẻ khác của Byzance đã chính thức hạ màn…

* Chỉ trong vòng chưa đầy hai thế hệ, người Thổ Ottoman đã đồng hóa xong người Hy Lạp nguyên quán tại vùng Anatolie. Những tổ chức của họ kiêm quản cả ba vai trò: cơ quan xã hội, dòng đạo và phường thương mại. Điều đó khiến sự cai trị của họ trở nên nhất quán và giàu trọng lượng.

* Lần lượt vào các năm 1247 và 1439, các hoàng đế Byzance hai lần phải chấp nhận thống nhất chính thức về tôn giáo với Giáo hội Vatican, khiến dư luận Chính Thống Giáo phản đối kịch liệt. Mối hiềm khích này cũng là một trong những sự chia rẽ khiến Byzance suy yếu trầm trọng.

Đông Quân
.
.