Bức tranh vô thường

Thứ Bảy, 26/12/2020, 14:45
Các nhà sư của tu viện Namgyal ở Ấn Độ tham gia vào một nghi lễ thiêng liêng với một mạn-đà-la (mandala, một vòng tròn có nhiều hình vẽ, biểu thị cho vũ trụ dưới cái nhìn của một người giác ngộ) tạo bằng cát. Với kích thước lớn hơn 3 mét, mỗi mạn-đà-la như thế đòi hỏi vài tuần làm việc chăm chỉ: các nhà sư sẽ phải tỉ mỉ rải cát thành hình, theo các vết phấn vạch trước, và rồi các hình vẽ cổ từ từ hình thành.


Hỗn loạn và trật tự

Sau khi tạo mạn-đà-la xong xuôi, các nhà sư cầu nguyện, dừng lại một chút và sau đó… quét sạch sẽ tất cả cát đã tỉ mẩn rải vài tuần chỉ trong vòng năm phút.

Đối với các Phật tử, việc tạo ra và phá hủy một mạn-đà-la như thế tượng trưng cho sự vô thường của tồn tại trần thế, và sự cộng sinh sâu sắc của trật tự cùng hỗn loạn đã làm nên thế giới của chúng ta.

Thế giới này luôn chuyển động từ trật tự (trái) sang hỗn loạn (phải). Nguồn ảnh: Getty.

Với con người, sự hỗn loạn là điều ta luôn muốn tránh khỏi, nhưng đáng ngạc nhiên là, thiên nhiên không chỉ đòi hỏi sự hỗn loạn, mà còn phát triển mạnh mẽ nhờ nó. Thậm chí con người cũng vậy: chúng ta nhìn nhận nó trong một chiếc giỏ duy tâm, với các khái niệm gom góp vào đó là tính ngẫu nhiên, sự mới lạ, tính tự phát, tự do ý chí và bất khả tri. Ở phía đối lập, chúng ta tập hợp các khái niệm vào trong chiếc giỏ trật tự, như là hệ thống, luật lệ, lý trí, hợp lý, khuôn mẫu, và sự báo. Như hoàng hôn và bình minh, hai chiếc giỏ này có nhiều điểm chung, dù thoạt nhìn, chúng trái ngược nhau.

Sức hấp dẫn của trật tự và hỗn loạn được thể hiện rõ nhất trong thẩm mỹ hiện đại. Chúng ta thích đối xứng và khuôn mẫu, nhưng chúng ta cũng thích sự bất đối xứng. Sử gia nghệ thuật người Anh Ernst Gombrich tin rằng, mặc dù con người bị hấp dẫn sâu sắc đối với trật tự, nhưng trật tự quá hoàn hảo trong nghệ thuật thì chẳng thú vị chút nào.

Ông viết trong quyển “The Sense of Order” (tạm dịch: Xúc cảm trong trật tự): "Tuy chúng ta phân tích sự khác biệt giữa bình thường và bất bình thường, chúng ta rốt cục vẫn phải có khả năng lưu tâm đến thực tế cơ bản nhất của trải nghiệm thẩm mỹ, thực tế là hứng khởi nằm ở đâu đó giữa buồn chán và bối rối".

Quá khuôn khổ, chúng ta dễ mất hứng. Quá hỗn loạn thì chẳng có gì đáng quan tâm. Một họa sĩ giỏi luôn đặt một mảng màu khác biệt vào góc của bức tranh, làm mất cân bằng, và từ đó khiến tranh hấp dẫn hơn. Ấn tượng ngọt ngào về hình ảnh của chúng ta nằm đâu đó giữa "buồn chán và bối rối", giữa những gì có thể dự báo được và sự mới mẻ.

Con người thường mâu thuẫn với trật tự và hỗn loạn, luân phiên bị thu hút từ chỗ này sang chỗ khác. Chúng ta ngưỡng mộ các quy tắc, pháp luật và trật tự. Chúng ta đi tìm nguyên nhân và hệ quả, cũng như các dự báo. Đôi khi mọi chuyện hoàn toàn khác. Chúng ta cũng coi trọng cả sự tự phát, không thể đoán trước, mới lạ, và tự do không gò bó.

Chúng ta yêu cả cấu trúc hoàn hảo trong âm nhạc cổ điển phương Tây, cũng như nhịp điệu ngẫu hứng của nhạc jazz. Ta bị thu hút bởi sự đối xứng của một bông tuyết, nhưng cũng say mê luôn cả một đám mây vô định hình trôi lững lờ. Ta đánh giá cao các đặc điểm bình thường của động vật thuần chủng, nhưng cũng bị thu hút bởi các giống lai. Ta tôn trọng những người sống hợp lý và có cuộc sống nghiêm túc, ngay thẳng, nhưng cũng yêu cả những kẻ hoang dã phá vỡ khuôn mẫu, ca ngợi sự không thể đoán trước của loài người.

Định luật Archimedes được khám phá bởi nhà bác học vĩ đại cùng tên vào năm 250 trước Công nguyên, đã trở thành một trong những ngọn đuốc đầu tiên soi sáng thời đại khoa học: "Bất kỳ một vật nào nhúng vào chất lỏng đều bị chất lỏng đẩy thẳng đứng từ dưới lên với lực có độ lớn bằng trọng lượng của phần chất lỏng mà vật chiếm chỗ". Để chứng minh định luật này, Archimedes đã thử nghiệm nhiều lần với nhiều vật thể có hình dạng và kích thước khác nhau, thậm chí với các chất lỏng khác nhau như nước và thủy ngân.

Rõ ràng, thế giới của khối lượng và lực là nằm trong một trật tự, có thể định lượng và dự đoán được. Tuy nhiên, hai thế kỷ trước, triết gia vĩ đại Socrates đã ca ngợi sức mạnh sáng tạo đến từ sự điên rồ như thế này: "Kẻ nào, chưa từng chạm đến nàng thơ điên rồ trong tâm hồn anh ta, dám đến trước cửa và nghĩ rằng anh ta có thể vào được ngôi đền nghệ thuật - anh ta, tôi bảo rằng, lẫn thơ của hắn đều chưa được thừa nhận; một kẻ chuẩn mực tan biến và chẳng đi đến đâu cả nếu phải là đối thủ với một gã điên rồ".

Sáng tạo luôn gắn liền với sự mới lạ, bất ngờ và cái mà các nhà tâm lý lẫn khoa học thần kinh gọi là tư duy phân kỳ: khả năng khám phá ra nhiều con đường và giải pháp khác nhau một cách tự phát và không theo trật tự. Ngược lại, tư duy hội tụ là cách tiếp cận vấn đề từng bước hợp lý và có trật tự.

Nhà toán học người Pháp Henri Poincare vào năm 1910 đã mô tả quá trình thai nghén kéo dài 15 ngày để rút ra một trong những khám phá toán học của ông như một vũ điệu giữa hai cách tư duy kể trên:

"Khi đó tôi rất ngu dốt; hàng ngày tôi ngồi vào bàn làm việc, một hoặc hai tiếng, thử nhiều cách kết hợp và không thu được gì. Một buổi tối, trái lệ thường, tôi uống cà phê đen và không ngủ được. Ý tưởng nở bung. Tôi cảm thấy chúng va chạm cho đến khi nhập vào nhau, có thể nói, tạo ra sự kết hợp ổn định. Thế là sáng hôm sau…".

Entropy và gien lang thang

Thế nhưng, vai trò quan trọng của sự hỗn loạn không được làm rõ cho đến tận 2000 năm sau ngày Socrates ca ngợi những nhà thơ điên. Nhiệm vụ này thuộc về nhà vật lý học người Đức Rudolf Clausius. Giống như Albert Einstein, Clausius là một nhà vật lý lý thuyết, có nghĩa là tất cả các công trình nghiên cứu nổi tiếng của ông, bao gồm cả công trình về sự hỗn loạn, đều được biểu diễn chỉ bằng bút chì và giấy.

Phát hiện vĩ đại của ông về sự hỗn loạn có tên "thuyết cơ khí của nhiệt", chỉ ra rằng sự thay đổi của thế giới vật chất gắn liền với chuyển động không thể tránh khỏi từ trạng thái trật tự sang hỗn loạn. Nôm na là vũ trụ hay bất kỳ một thực thể nào của nó đều sẽ phải rơi vào hỗn loạn.

Thật vậy, nếu không có rối loạn, trật tự của vũ trụ sẽ không bao giờ thay đổi, như một hàng quân cờ domino thẳng đứng vĩnh cửu, hoặc một mạn-đà-la cát được cất trong két sắt vĩnh viễn, để bảo vệ nó khỏi chổi của các nhà sư tại Namgyal.

Trong một bài tiểu luận sau đó, Clausius đã đặt ra thuật ngữ entropy như một đơn vị định lượng sự hỗn loạn. Từ này xuất phát từ tiếng Hy Lạp: v (en), có nghĩa là "trong", và tpottn (tropè), có nghĩa là "biến đổi" . Sự gia tăng entropy liên quan đến thay đổi của thế giới. Hỗn loạn càng nhiều, entropy càng nhiều. Hai câu cuối then chốt trong bài tiểu luận năm 1850 của Clausius là thế này:

1.         Năng lượng của vũ trụ là không đổi.

2.         Entropy của vũ trụ có xu hướng tiến tới cực đại.

Trật tự chắc chắn dẫn đến hỗn loạn, và entropy sẽ tăng cho đến khi nó không thể tăng thêm nữa. Cơ chế này chi phối thế giới của chúng ta: phòng sạch sẽ trở nên đầy bụi. Những ngôi đền từ từ đổ nát. Chúng ta già đi, xương giòn hơn, bị bệnh, và chết đi. Các ngôi sao bị đốt cháy, tiêu hao nhiệt vào không gian và đồng thời cung cấp hơi ấm lẫn sự sống cho các hành tinh xung quanh. Chúng ta đang sống trong tình trạng entropy gia tăng không ngừng này.

Ngay cả một cái gì đó cơ bản như hướng của thời gian cũng bị chi phối bởi chuyển động từ trật tự sang hỗn loạn. Hãy xem xét một cảnh biểu thị chuyển đổi này rõ ràng nhất: chiếc cốc thủy tinh rơi khỏi bàn và vỡ tan trên sàn. Nếu chúng ta thấy cảnh này diễn ra theo trật tự là các mảnh vỡ gom góp lại thành chiếc ly lành lặn, ta sẽ nói rằng nó được phát đi ngược thời gian. Vì sao? Mọi thứ chuyển động từ trật tự sang hỗn loạn khi chúng ta tiến về tương lai. Hướng về phía trước của véc-tơ thời gian đồng nghĩa với gia tăng sự hỗn loạn.

Nếu không có những thay đổi này, chúng ta sẽ không có cách nào phân biệt được tính trước sau của sự kiện. Sẽ không có đồng hồ, không có tiếng chim đập cánh, không có lá cây bay trong gió khi lìa cành, không luôn cả thở ra và hít vào. Vũ trụ sẽ là một bức ảnh tĩnh vật muôn đời.

Và dường như có một điều gì đó rất sâu sắc trong tâm hồn chúng ta, một thứ gì đó nguyên thủy, đã khắc sâu trong tâm khảm chúng ta từ trước cả Clausius hay Socrates. Có lẽ sự chi phối qua lại của cả trật tự và hỗn loạn đã mang lại lợi thế thích nghi cho tổ tiên của chúng ta từ nhiều triệu năm trước.

Nếu quá tự mãn với thói quen và khả năng dự báo, loài người sẽ không thể phản ứng khi mọi thứ thay đổi, khi con hổ đột nhiên xuất hiện trên con đường mà ta đã đi cả ngàn lần. Và chúng ta cũng sẽ không chấp nhận rủi ro, vì sợ phải rời khỏi những nơi quen thuộc. Có nghĩa là con người đã tiến hóa và sống sót bằng cách nghĩ về những điều dự báo được, và cả những điều không thể đoán định.

Các nhà nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra một biến thể của một gien được gọi là DRD4-7R, hay gọi nôm na là "gien lang thang". Nó xuất hiện ở khoảng 20% dân số loài người và dường như có liên quan đến xu hướng khám phá và mạo hiểm. Điều hợp lý là chúng ta hầu hết đều muốn ở nhà, làm mọi việc theo các thói quen bên lò sưởi. Nhưng chúng ta cũng cần những người dấn thân vào những cuộc thám hiểm, để tìm những cơ hội mới.

Vì cả trật tự lẫn hỗn loạn rõ ràng đều có lợi cho con người, nên đôi khi chúng ta cần phải kiểm tra lại các khuynh hướng của chúng ta, đặc biệt là phương Tây, nơi chia mọi thứ thành các cực đối lập, với một hệ thống phân loại các giá trị giả định, chia thế giới bằng một vách ngăn đối lập, thay vì xem xét những thứ đối lập dưới góc độ cân bằng.

Văn hóa Trung Hoa nói riêng và phương Đông nói chung từ lâu đã đề cao điều này, được biểu thị dưới quan niệm âm dương của Đạo gia: vạn vật tồn tại như những mặt đối lập không thể tách rời, dù vẫn mâu thuẫn với nhau. Biểu tượng của âm và dương - hai vòng xoáy quấn lấy nhau, một đen và một trắng, gợi ý rằng chúng tồn tại hài hòa, không có cái nào chiếm ưu thế hơn.

Vũ trụ là trật tự, và cũng là hỗn loạn. Con người tìm kiếm sự ổn định, nhưng cũng khao khát cái mới. Trong bức tranh lớn này, chúng ta, dù nhỏ bé, vẫn có thể tự chủ giữa hai vòng xoáy khốc liệt nhưng đẹp đẽ này, và vẽ ra một man-đà-la cho số phận của mình, cũng như chấp nhận sự tàn lụi (có thể rất) chóng vánh của nó.

Ban Cầm
.
.