Bóng đá Việt Nam: No quá & Đói quá!

Thứ Năm, 13/11/2014, 11:35

No với những đứa trẻ U.19 mới ra đời và đã bị “vắt kiệt” với trên dưới 40 trận đấu/năm, mà trận đấu nào cũng phải gồng lên đá hết mình để phục vụ người hâm mộ. Đói với một mùa V.League sắp khởi tranh nhưng nhìn lên nhìn xuống chợt thấy vấn đề “đầu tiên” (tiền đâu ấy mà) sao mà nan giải quá.

Từ chuyện “no dồn”

 Một chuyện gia bóng đá có thể nói là hiểu U.19 Việt Nam từ trong bụng hiểu ra (nhưng vì nhiều lý do tế nhị đã đề nghị không nêu tên lên báo) phân tích với người viết: “Các cầu thủ V.League nhiều lắm cũng chỉ đá một năm khoảng 30 trận, mà trong đó phải nói thật là có rất nhiều trận đấu vui vẻ, không mất sức. Thế nên các cầu thủ U.19 phải đá một năm tới trên dưới 40 trận thì khổ thật”. Sau đó thì chuyên gia này so sánh đường đi của U.19 Việt Nam với U.19 Myanmar từ giải U.22 Đông Nam Á đến giải U.19 châu Á mà cả hai đội đều cùng tham dự.

Cụ thể ở giải U.22 Đông Nam Á, cả Việt Nam lẫn Myanmar đều bung sức ra đá, và đá ở sân trung lập Brunei. Kết quả thế nào mọi người đều biết, Myanmar thắng thuyết phục 4-3 ở trận chung kết. Đến giải U.19 Đông Nam Á mở rộng tại Hà Nội, trong khi Việt Nam vẫn phải đá hết ga hết số để bảo vệ thương hiệu của mình trong sự soi xét, yêu quý của người hâm mộ nước nhà  thì theo chuyên gia này, Myanmar lại có dấu hiệu... nhả sức rất rõ ràng. Và cuối cùng, ở giải đấu mang tầm quyết chiến chiến lược với cả hai - VCK U.19 châu Á, trong khi Myanmar đạt được trạng thái phong độ tốt nhất và đã trở thành đại diện Đông Nam Á duy nhất giành vé dự VCK U.20 thế giới thì nhiều cầu thủ Việt Nam thậm chí không đủ sức đá 30 phút cuối các trận đấu. Cảm giác như Myanmar tính toán điểm rơi chuẩn xác hơn, phân bố sức lực hợp lý hơn so với một ĐT U.19 Việt Nam cứ phải gồng lên đá tới mức bội thực.

Cái hay của những Công Phượng, Văn Toàn, Đông Triều, Hồng Duy... nằm ở chỗ các em rất hồn nhiên đá, và luôn cố đá bằng tất cả sức lực của mình. Nhưng kiểu đá liên miên, hết mình, trải từ giải đấu này đến giải đấu khác vừa khiến các em đứng trước nguy cơ vỡ sức, vừa rất dễ đối diện với cảm giác chán bóng và sợ bóng. (Mong sao điều này không xảy ra). Những cái này thì những nhà hoạch định chiến lược có biết không? Theo chúng tôi, nếu bảo không biết là vô lý, nhưng giữa việc biết mà vẫn nhắm mắt “theo lao” và nhờ “theo lao” mà mà gặt được nhiều cái khác lại có một khoảng cách rất gần.

Ở đây, cũng phải thấy là chuyện “no dồn” của U.19 không chỉ đến từ những trận đấu, mà còn đến từ những lời khen, thậm chí cả những lời tâng, trong đó từng có người tâng đến mức ví đấy là “con ngoan”, khác hẳn với những ĐT khác mà theo vị này là “con hư, con dại”. Chuyện no dồn của U.19 cũng đến từ việc các em cứ phải gánh hết thương hiệu này đến thương hiệu kia trên ngực áo, và đáng chú ý nhất là việc ngay cả khi mặc áo trắng dự lễ khai giảng ở Đại học TDTT TPHCM thì trên ngực áo của các em cũng phải có thương hiệu nhà tài trợ - khác hẳn với những chiếc áo trắng tinh khôi của các bạn đồng trang lứa.

Chuyện no dồn của U.19, và no ở tất cả các phương diện từ đá bóng đến đánh bóng cho người ta một cảm giác: những đứa trẻ đã bị “vắt” đến kiệt cùng!

Việc “no dồn” của U.19 chắc chắn sẽ để lại những hậu quả không ngờ.

...Đến chuyện “đói góp”

Sau khi quá no nê với U.19, và lo lắng với việc năm tới, các cầu thủ U.19 sẽ đá V.League ra sao thì người ta mới sực tỉnh nhận ra một điều: cái V.League ấy đang đói quá! Đói vì có một tân binh Sanna Khánh Hoà thoạt nhìn thì bóng bẩy, nhưng phía sau lại là hàng loạt những nan giải ở vấn đề kinh phí. Đói vì có một Cao Su Đồng Tháp cứ phải chênh vênh với việc: rốt cuộc mình có dự giải được không? Thậm chí, rốt cuộc đội bóng có bị giải thể không? Trong khi kinh phí mà tỉnh rót xuống chẳng thấm là bao thì hàng loạt nhà tài trợ, trong đó có nhà tài trợ chính của đội đang gặp khó về kinh tế, và thế là cái nguy cơ hàng chục con người bị “rút ống thở” bỗng trở thành nguy cơ hiển hiện. Một số đội V.League khác tuy không đói đến mức ấy, nhưng cũng đang đối diện với viễn cảnh chạy ăn từng bữa, và với những nhà tổ chức như VPF, VFF thì đấy chẳng khác gì những quả bom nổ chậm.

Mà ngay cả VPF, VFF cũng đang có nhiều cái chậm. Kết thúc mùa giải năm ngoái, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã xa gần nói về việc nhà tài trợ chính của V.League - Eximbank, nơi ông Dũng trước đây từng có ghế trong HĐQT sẽ rút chân. Nếu điều này quả thực diễn ra thì nhà tài trợ nào sẽ thay thế, và nguồn sữa nào sẽ giúp V.League sống được qua cơn hiểm nghèo? Khoảng 2 tháng nữa bóng lăn, nhưng câu trả lời đến giờ vẫn chưa có gì sáng sủa.

Sau khi kết thúc mùa giải năm ngoái, một đội bóng V.League là HV.An Giang đã phải giải thể vì nhiều lẽ, trong đó lẽ quan trọng nhất là không có tiền. Sau khi kết thúc mùa giải năm kia, một đội bóng V.League khác là K.Kiên Giang cũng tạm dừng hoạt động vì lý do tương tự. Mà trước khi tuyên bố “tạm dừng”, những đội bóng này cứ cố đá V.League, và cố chạy vạy để lo từng bữa ăn, từng chiếc vé máy bay đi sân khách. Hậu quả là khi bóng chưa lăn, người ta đã biết những đội bóng này sẽ phải đối diện với những trận thua tan tác như thế nào rồi. Và V.League mất điểm rất nhiều từ những đội bóng sống kiểu vật vờ rồi những trận đấu gần như biết trước kết quả đến từ những đội bóng vật vờ như thế. Kể ra cũng thật tàn nhẫn, vì một đội bóng giải thể cũng đồng nghĩa với việc cả chục cầu thủ bỗng dưng bị đẩy ra đường, mà thực tế cho thấy có rất nhiều người bị “đẩy ra đường” của Kiên Giang, An Giang cho đến tận lúc này vẫn đang trơ trọi, bơ vơ trên con đường không lối thoát.

Một nền bóng đá sau 14 năm chuyên nghiệp rốt cuộc đã tạo nên những đội bóng dễ thành rồi dễ tan như vậy đấy! Một nền bóng đá sau 14 năm chuyên nghiệp rốt cuộc đã khiến số phận các cầu thủ trở nên mong manh, vô định như vậy đấy. Những cái thuộc về sự “no dồn” của U.19 rõ ràng là không che đậy được những cái thuộc về “đói góp” như thế này. Một màu hồng được kích hoạt mỗi lúc một lớn ở U.19 rõ ràng không thể xoá đi những sắc màu ảm đạm đang bao phủ bức tranh bóng đá như lúc này. 

Đời người, no quá cũng đứng trước nguy cơ chết, mà đói quá cũng dễ tiệm cận với trạng thái hy sinh. Vậy nên mong là những nhà điều hành nền bóng đá sẽ điều chỉnh sự no - đói một cách cân bằng, tử tế hơn. Và sự điều chỉnh ấy không đơn thuần nằm ở chuyện đầu tư, chuyện quan tâm chăm bẵm, mà còn nằm ở cách phát ngôn, cách tung hứng ví von này nọ.

Tương phản

Liên quan đến chuyện “no dồn” của U.19, có một câu chuyện hết sức khó hiểu, đó là khi ĐT đang dự giải U.19 châu Á (diễn ra từ ngày 9 đến 23 tháng 10 tại Myanmar) thì việc họ phải rời Myanmar để đá giải U.21 trong nước (diễn ra ngày 21 tháng 10 tại Cần Thơ) cũng đã được tính trước. Và để đảm bảo con tính này, thì rõ ràng là U.19 Việt Nam không thể đá giải U.19 châu Á tới cùng - một giải đấu mà thoạt tiên chúng ta đặt mục tiêu lọt vào Top 4 để giành vé dự giải U.20 thế giới vào năm sau. Câu hỏi đặt ra: Giữa một giải đấu tầm vóc, mang tầm chiến lược như U.19 châu Á với một giải trong nước như giải U.21, rốt cuộc thì giải đấu nào mới thuộc diện ưu tiên thực sự? Hay thực ra cũng chẳng có giải đấu nào phải ưu tiên cả, vấn đề là U.19 cứ phải đá hết giải này đến giải khác để vừa “ghi điểm” cho mình, vừa “ghi điểm” cho ai đó ngoài mình?.

Còn liên quan đến chuyện “đói góp” ở V.League, một lãnh đội của một đội bóng nghèo chia sẻ với chúng tôi: “Hồi mới nhận chức, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng tuyên bố với báo chí nước ngoài là sẽ kiếm về khoảng 383 tỷ đồng/năm, và nếu đúng thế thì việc trích một phần số tiền đó để giúp một vài đội bóng đói ăn cũng là điều nên làm. Nhưng hiện tại, cũng chưa thấy ai nói về chuyện này. Hay con số 383 là không có thực?”.

Ngọc Anh 

Phan Đăng
.
.