Bí ẩn não người

Chủ Nhật, 26/07/2009, 15:50
Người ta trước đây vẫn cho rằng, não người tạo ra ý nghĩ hay cảm xúc tương tự như gan tiết ra mật. Quan niệm này đã là chủ đạo trong ngót ba trăm năm qua. Trong giai đoạn đó, loài người gần như đã từ bỏ những hình dung lý tưởng về đời sống tâm hồn của mình và dồn nó về những cơ chế hoạt động não bộ nào đó.

Thế nhưng Tiến sĩ Khoa học Tâm lý kiêm Tiến sĩ Y học người Nga Mikhail Reshetnikov lại cho rằng, vai trò của não trong đời sống con người cần phải được xem xét lại. Trong hệ thống tư duy mới, vai trò đó sẽ khiêm nhường hơn - đó là vai trò của khâu kết nối giữa tinh thần và thực tại, hay nói theo ngôn ngữ hiện đại, đó là một cơ quan sinh học trung gian.

TS Mikhail Reshetnikov gần như tin tưởng chắc chắn rằng, có thể ai đó trong số các đồng nghiệp buộc cho ông tội báng bổ hay mê tín. Tuy nhiên, theo tạp chí Nga Itogi, cả hai thứ này đều rất xa lạ với ông.

TS Mikhail Reshetnikov từng làm việc trong ngành y và trong lĩnh vực trị liệu tâm lý trên dưới ba chục năm. Trong suốt thời gian đó, ông từng nghe rất nhiều  câu chuyện từ các bệnh nhân về những dự cảm khác nhau mà về sau đã trở thành chuyện thực, về việc người ta dù không nhận được tin tức gì vẫn cảm nhận được từ xa khi con em mình bị ốm...

TS Reshetnikov cũng từng nghe nhiều bài giảng của các đồng nghiệp nước ngoài về việc khi đã được cắt rốn rồi thì mối liên hệ sinh học giữa người mẹ và con mình vẫn không bị gián đoạn. Ông cũng nhiều lần chứng kiến những thí nghiệm với các nhà ngoại cảm có khả năng cung cấp những thông tin mà họ hoàn toàn không được thâu nhận trực tiếp mà chỉ mơ hồ cảm thấy bằng một cách nào đó bí ẩn.

Và rốt cuộc là TS Reshetnikov đã đưa ra giả thuyết về việc, có lẽ vai trò đúng hơn cả của não bộ, đó là cơ quan sinh học trung gian. Tức là không hơn một bộ phận nối giữa thông tin tinh thần, tồn tại ngoài thể xác con người, với thế giới hiện thực. Thế giới của thông tin tinh thần, đó là một thế giới đặc biệt.

Theo TS Reshetnikov, chỉ cần nghĩ tới việc bước vào thế giới đó thôi là đủ cảm thấy chột dạ. Ông tâm sự với phóng viên tạp chí Itogi: "Cá nhân tôi thực sự kinh hãi. Có những người cho rằng, với sự trợ giúp của thế giới đó, ta có thể nhìn về kiếp trước của mình và nói là, đã từng có những trường hợp không thể nào quay lại từ đó nữa. Còn tôi thì chủ trương không đề cập tới những chuyện như vậy".

Khoa học luôn luôn dành cho ý thức một ý nghĩa lớn. Nhưng ý nghĩ, đó hoàn toàn chưa phải là toàn bộ tâm thần của con người, thậm chí cũng không phải là đại bộ phận của nó. Một phần rất lớn các thông tin mà chúng ta nhận được là nhờ tiềm thức hoặc thậm chí là vô thức. Như các thí nghiệm nghiên cứu về tiềm thức cho thấy, trong hoạt động thần kinh của con người vai trò quan trọng thuộc về những nơron nhanh và chậm. Khi chúng ta suy nghĩ về điều gì đó, đưa ra một quyết định nào thì trong quá trình ấy có sự tham gia của các nơron chậm. Còn khi nảy sinh tình huống bất thường, phản ứng được thực hiện với sự tham gia của các nơron nhanh. Chính chúng ta cũng không hiểu tại sao bỗng dưng mình lại nhảy tránh sang một bên và chỉ khi định thần lại rồi mới nhìn thấy cái xe hơi đang lao thẳng vào chỗ mình vừa đứng.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng, việc xâu chuỗi các thông tin được thực hiện mạnh nhất ở trong tiềm thức khi được tô đậm một cách cảm tính, trùng khít với những trải nghiệm của một con người cụ thể, cũng như khi nói nằm ở ngoài khu vực trung tâm thị giác.

"Nhiều phát minh căn bản trong lĩnh vực hoạt động thần kinh đã được xác định bởi học thuyết lừng danh của Ivan Pavlov (1849-1936), nhà khoa học Nga, người sáng lập ra bộ môn khoa học về hoạt động thần kinh cao cấp về phản xạ, - TS Reshetnikov nhận định. - Tuy nhiên, không một phát minh nào sau đó có thể lý giải được những hình thức phức tạp của một hành vi nhằm mục tiêu rõ rệt, quá trình tư duy, những hứng khởi sáng tạo và các xúc cảm".

Bản chất của các luận thuyết thuần tuý sinh lý học chung quy chỉ là việc, não người có thể không chỉ tự phản ứng thích hợp với các tác động từ bên ngoài, mà còn... nhìn thấy trước tương lai, tích cực xây dựng những kế hoạch hành động cho mình và thực thi chung trong hoạt động và chính não được bẩm sinh có chức năng "phản ảnh trước hiện thực". Và như vậy, cá nhân thân thể chẳng có vai trò gì chủ động - mọi sự đều do não trù tính trước và thực thi nhờ thân thể. Tuy nhiên, nếu nhận định này là đúng, thì phải chăng não đã "lạm quyền"?

Các công trình của Ivan Pavlov hiển nhiên đã tạo nên một cuộc cách mạng trong nghiên cứu hoạt động thần kinh và đã tạo nên những nguyên tắc chung của xử lý lô gích và các thao tác trí tuệ theo thuật toán đã được xác định trước.

Hiện nay tất cả đã quá quen thuộc với các computer (máy tính) nhưng dẫu những cỗ máy thông minh này có khả năng thực hiện những thao tác phức tạp nhất nhưng chắc chẳng ai nghĩ rằng, CPU (đơn vị xử lý trung tâm của máy tính) là một dạng tương tự như bộ máy thần kinh.

TS Reshetnikov tin chắc rằng, hoàn toàn có thể coi nó như một thứ tương tự như não bộ: "Nếu bạn có một cơ quan trung gian tốt, thì bạn có thể xử lý được vô khối thông tin. Dĩ nhiên, mọi sự còn phụ thuộc nhiều vào việc nó sẽ nhận được những điều chỉnh chương trình nào. Có những chương trình được thiên nhiên đặt sẵn vào trong nó - thí dụ như các năng lực toán học, văn học, âm nhạc. Nhưng cũng có những thứ hình thành dần trong quá trình học tập... Trong thực tế, quá trình đào tạo con người chính là  việc "gài" chương trình cho não bộ.

Không phải là bí mật việc có những người sống đơn thuần trong khuôn khổ của những gì đã được lập trình sẵn trong cơ quan trung gian sinh học của họ. Những người ấy không bao giờ làm nên một phát minh nào, không thể bao giờ tạo ra được những công trình vĩ đại. Nhưng cũng có những người luôn cố gắng tìm hiểu những gì mà những người khác không biết; họ sống trong sự tìm tòi không mệt mỏi, tức là não của họ luôn bận bịu với cái mà Platon gọi là hồi tưởng lại kiến thức.

Tất nhiên, sự di truyền cũng rất quan trọng. Nhưng để đạt được một cái gì đó, con người không chỉ cần có một cơ quan trung gian tốt, mà còn cần phải chăm chỉ, bền bỉ học tập và rèn luyện. "Kiến thức chỉ đến với những ai tìm kiếm nó" - TS Reshetnikov khẳng định.

Nhà khoa học người Áo Sigmund Freid cho rằng, bất cứ một thông tin, cảm xúc, cảm giác nào đều không biến mất và không lẫn đi; chúng đều được duy trì bền lâu và đặc tính đó được gọi là định luật bảo toàn những nội dung tâm lý. Thế nhưng, nếu như nội dung đó bỗng dưng trở thành đau đớn đối với con người thì hệ thần kinh sẽ cố biến đổi nó. Và khi hệ thần kinh không làm được việc này thì sẽ xảy ra sự tách rời khỏi hiện thực. Đó là triệu chứng chính của căn bệnh rối loạn thần kinh. Về bản chất, đó là khi cơ quan trung gian bị hỏng.

Các bác sĩ tâm lý cho rằng, để chạy chữa và điều chỉnh các căn bệnh rối loạn thần kinh cần phải tác động lên não bằng những chất hóa học nào đó. Nhưng theo quan điểm của TS Reshetnikov, chúng ta có thể thành công như thế khi muốn xử lý các hỏng hóc trong lập trình bằng cách tác động tới "tâm sắt" của computer bằng một số chất hóa học nào đó. Liệu có thể sửa chữa bộ phận trung gian được không? Cho tới nay vẫn hiếm có chuyện bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm lý được phục hồi hoàn toàn.

Các loại thuốc đang có, theo TS Reshetnikov, không tác động tới một khởi thủy cụ thể nào. Chúng chỉ dập bớt được sự trào sôi của cảm xúc hay những đau đớn tinh thần. Khi sử dụng chúng trong thời gian dài, chúng sẽ làm thay đổi nhân cách con người. Và sau vài năm chạy chữa các căn bệnh rối loạn thần kinh, sẽ không còn ai để hỏi xem bệnh tình thuyên giảm đến đâu. Vì nhân cách của con người mà các bác sĩ bắt đầu chữa bệnh trước đó, đã không còn là như cũ nữa. Họ đã bị "biến thái".

TS Reshetnikov tin chắc rằng, khi chữa bệnh cho những người mắc chứng rối loạn thần kinh, cần phải rất lưu ý tới những điểm trên và phải tác động không phải tới bản thân não bộ mà trước hết phải nghiên cứu kỹ thông tin đã được truyền và tiếp tục được truyền tới não bộ từ thế giới tinh thần. Trong bất cứ một chấn thương tinh thần nào cũng có nhịp điệu nội tâm riêng, nó cần được thấu hiểu và vượt qua. Và có lẽ chỉ sau đó cơ quan trung gian não bộ của con người mới có thể trở lại với cơ chế làm việc bình thường.

Theo GS, TS Y khoa Yuri Sivolav, công tác tại Viện Hàn lâm Y học Moskva mang tên I. Sechenov, bộ não với tất cả những đa dạng về khả năng của nó, ở đại bộ phận con người chỉ có thể xử lý được một số lượng rất hữu hạn những ý tưởng và khái niệm. Vì thế, những ý nghĩ, quan niệm và lý thuyết có thể nảy sinh ra ở bất kỳ ai, trong bất cứ lúc nào, đã từng xuất hiện từ khi nào đó rồi.

Không hiếm trường hợp một ý tưởng khoa học ở một mức độ phát triển nhất định nào đó của khoa học kỹ thuật cùng một lúc nảy sinh ra trong đầu của không chỉ một người. Và những người này sau đó sẽ tranh nhau quyền là tác giả đầu tiên. Đó chính là hiện tượng được gọi là "ý tưởng treo trong không khí".

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là não bộ được tiếp nối với một hệ thống chung với những kênh vô hình đó mà nói lên rằng, chất xám mặc dầu có tiềm năng khổng lồ nhưng đã được xác định trước một số lượng không lớn những phản ứng và những kiến giải nhất định. Tức là, nó là vạn năng đối với loài người, dù đôi khi cũng có những hiện tượng đột biến như kiểu Albert Einstein. Chỉ những đột biến đó mới đưa ra được những quan điểm độc đáo đích thực. Trong các trường hợp còn lại, mọi người đều có chung một hình mẫu. Và vì thế mới tạo ra cảm giác là, một ý thức chung toàn thế giới đang tồn tại quanh ta.

Phương Thủy
.
.