Bệnh tưởng

Thứ Hai, 22/06/2009, 09:18
Trong xã hội hiện đại, các bác sĩ lắm khi vẫn đóng một vai trò của các thầy phù thuỷ gắn bùa vào cho người bệnh. Đó là quan điểm vừa được đưa ra trên tạp chí The New Scientist trong số ra mới đây. Nhà báo Helen Pilcher cho rằng, một khi ai đó có uy tín đối với bệnh nhân nói với họ rằng căn bệnh không thể nào chữa khỏi được thì bệnh nhân sẽ chết, bất luận lời chuẩn đoán ấy có thể là sai. Người tưởng mình sẽ chết tất yếu sẽ chết.

Tất nhiên, lịch sử y học đã biết không ít thí dụ lạc quan hơn. Khoảng 80 năm trước, bác sĩ Drayton Doherty đã cứu sống được một cư dân ở Alabama tên là Vance Vanders. Ông này sau khi cãi cọ với thầy phù thủy địa phương đã trở nên ốm yếu trông thấy rõ vì một căn bệnh bí hiểm nào đó.

Doherty đã nói với Vance rằng, do những lời nguyền rủa của thầy phù thuỷ nên trong bụng của Vance đã có một con rắn mối chui vào và ăn dần nội tạng của ông này. Và vị bác sĩ tinh quái đã tiêm cho Vance một liều thuốc tháo mạnh và khi thuốc bắt đầu có tác dụng, đã kín đáo lôi từ trong túi ra một con rắn mối đã được chuẩn bị trước. Doherty đưa con rắn mối đó ra trước mắt bệnh nhân và long trọng tuyên bố: "Phép thuật của thầy phù thủy đã được hóa giải". Một tuần sau, bệnh nhân Vance đã trở nên khỏe mạnh hoàn toàn!

Những trường hợp mê tín hiện đại như thế đã được bác sĩ Clifton Meador ở Trường Y Vanderbilt tại Nashville, bang Tennessee, sưu tập khá nhiều. Thí dụ, trong những năm 70 của thế kỷ trước, một người tên là Sam Shoeman đã bị phát hiện ra đang mắc bệnh ung thư gan ở giai đoạn cuối. Shoeman đã chết sau khi biết được tin mình mắc bệnh có vài tháng, đúng như các bác sĩ đã dự đoán. Thế nhưng, khi xác người chết được giải phẫu, thì hóa ra cái u rất nhỏ. "Nếu bạn bị đối xử như bạn đang hấp hối thì quả thực là rồi bạn cũng tin vào điều đó" - bác sĩ Meador giải thích.

Theo quan điểm của nhà báo Helen Pilcher, câu chuyện của Shoeman là biểu hiện quá đà của một hiện tượng  bệnh tưởng khá phổ biến trong Y học, khi tinh thần làm hại thể xác. Thí dụ, nhiều bệnh nhân bị ám ảnh bởi những tác dụng tiêu cực phụ trong sử dụng thuốc chỉ cảm thấy những triệu chứng như thế vì họ đã được các bác sĩ cảnh báo rằng, có thể sẽ bị như thế.

Hơn thế nữa, nếu con người tin rằng anh ta rất có khả năng mắc một căn bệnh nhất định nào đó thì cuối cùng xác suất mà anh ta mắc đúng căn bệnh đó sẽ lớn hơn nhiều so với người cũng ở trong những điều kiện nguy hiểm như vậy nhưng lại không biết gì về nguy cơ đang treo lơ lửng trên đầu mình như thanh gươm Damocles.

"Đã xác minh được bằng con đường thí nghiệm chi tiết rằng, có thể sử dụng sức mạnh của ám thị để củng cố sức khỏe: đó là hiệu ứng placebo rất quen thuộc với nhân loại. Nhưng đi kèm với hiệu ứng placebo còn có anh em sinh đôi độc ác của nó, hiệu ứng nocebo (dịch từ tiếng Latinh có nghĩa là "tôi mang tới cái hại").

Thuật ngữ nocebo mới xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước và cơ chế tác động của hiệu ứng này cho tới nay vẫn chưa được nghiên cứu kỹ bởi lẽ, rất khó nhận được sự đồng ý tiến hành những thí nghiệm mà chưa làm đã biết là có tác động xấu tới sức khoẻ của con người.

"Nếu con người quả thực có thể chết vì bùa thì đó chỉ là một biểu hiện quá đà của hiện tương nocebo - chuyên gia về hiệu ứng này, nhà nghiên cứu nhân chủng học Robert Hahn ở Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật quốc gia ở Atlanta, bang Georgia, nhận xét.

Khi thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc, gần một phần tư số những bệnh nhân trong các nhóm tham gia nhận được những viên thuốc "trắng" nhưng vẫn  thấy có các cảm giác phụ,å lắm khi còn khó chịu hơn cả khi uống những viên thuốc thật cần thử nghiệm. Đôi khi những hiệu ứng này thậm chí còn nguy hiểm đối với tính mạng con người. Gần 60% bệnh nhân phải trải qua các trị liệu hóa học bắt đầu cảm thấy buồn nôn trước khi bắt đầu chữa bệnh.

Đôi khi hiệu ứng nocebo trở thành dịch bệnh, lây truyền đơn giản theo con đường tinh thần. Các nhà nghiên cứu Y học từ hàng trăm năm trước đã ghi lại được những trường hợp như thế. Hai nhà tâm lý học Irving Kirsch và Giuliana Mazzoni ở Trường Đại học Tổng hợp Hull (Anh quốc) mới đây đã tiến hành một loạt các thí nghiệm.

Một nhóm sinh viên được mời xem những mẫu không khí mà theo người tiến hành thí nghiệm nói, có chứa những chất độc có thể gây nên đau đầu, buồn nôn, ngứa ngáy và  buồn ngủ. Một phần trong nhóm sinh viên đó được đề nghị thử hít thứ không khí ấy. Một nửa số sinh viên khác được tận mắt chứng kiến cảnh một phụ nữ sau khi thở thứ không khí ấy đã cảm thấy khó ở vô cùng.

Thực tế thì thứ không khí ấy không hề chứa đựng bất cứ một chất độc hại nào, nhưng nhiều sinh viên đã thở nó về sau đã kêu ca về đúng những triệu chứng mà người tiến hành thí nghiệm nêu ra. Những triệu chứng này được cảm thấy rõ nhất ở các nữ sinh viên, đặc biệt là ở những ai được tận mắt chứng kiến cảnh một phụ nữ giả vờ bị khó chịu vì thở thứ không khí ấy.

Kết quả của thí nghiệm trên đặt các bác sĩ vào một tình thế khó khăn: một mặt, cần phải cảnh báo trước cho người bệnh về những tác dụng phụ có thể xảy ra. Mặt khác, những cảnh báo như thế lại làm gia tăng khả năng xuất hiện những cảm giác như thế ở người bệnh. Các nhà tâm lý học đưa ra lời khuyên đối với các bác sĩ là cần phải lựa lời cẩn thận hoặc cần phải dùng phép thôi miên để làm giảm mối lo ở các bệnh nhân.

Trong những hoàn cảnh như thế nào thì xuất hiện hiệu ứng nocebo và các triệu chứng của hiệu ứng này sẽ tồn tại lâu đến đâu? Trong khung cảnh bệnh viện, hiệu ứng nocebo, cũng như hiệu ứng procebo, thường sẽ xuất hiện mạnh hơn, đó là cảnh báo của nhà tâm lý học Paul Enck từ bệnh viện Trường Đại học Tổng hợp ở Tubingen (CHLB Đức).

Ông Enck đã chứng minh được rằng ở nam giới, các triệu chứng nocebo xuất hiện chủ yếu là do tiên liệu trước các sự kiện. Còn ở nữ giới thì mọi chuyện xảy ra ngược lại: họ thường tin theo những kinh nghiệm đã có của mình.

Năm 2008, nhà nghiên cứu Jon-Kar Zubieta từ Trường Đại học Tổng hợp Michigan đã chứng minh được bằng phương pháp chụp tia X cắt lớp quang phổ posotron rằng, ở những người bị hiệu ứng nocebo, suy giảm khả năng sinh sản dopamine và các chất  thuộc dạng opie. "Chính vì thế nên có thể hiểu được, bằng cách nào mà hiệu ứng nocebo làm tăng cảm giác đau đớn", - nhà báo Pilcher nhận xét và nhấn mạnh, hiệu ứng placebo, đúng như cần phải nghĩ, tạo ra cảm giác ngược lại.

Nhà nghiên cứu Fabrizio Benedetti từ Trường Đại học Tổng hợp Turin (Italia) đã phát hiện ra rằng, có thể loại bỏ cảm giác đau đớn do hiệu ứng nocebo gây nên bằng một loại thuốc đủ khả năng phong tỏa cơ quan thụ cảm hoócmôn cholecystokinin. "Thông thường, sự chờ đợi cảm giác đau gây nên những lo lắng và cơ quan thụ cảm loại hoócmôn này bắt đầu khởi động" - nhà báo lý giải.

Muốn nói gì thì nói, nguyên nhân bắt đầu hiệu ứng nocebo trước hết vẫn là quan điểm của con người. "Các nhà phẫu thuật rất ngại giải phẫu cho những bệnh nhân chưa gì đã sợ chết  - kết cục bi thảm thường xảy ra trong nhóm người này hơn cả" - nhà báo Pilcher nhận xét trên cơ sở các kết luận của nhà nhân chủng học Robert Hahn.

Những người phụ nữ tin chắc rằng họ đang bị những cơn nhồi máu cơ tim đe doạ thường bị chết vì những căn bệnh liên quan tới tim mạch nhiều gấp bốn lần so với những người phụ nữ khác cũng liên quan tới các triệu chứng tương tự nhưng lại không quá lo nghĩ.

Nhà báo Pilcher còn kể lại một câu chuyện khá thú vị xảy ra với một người tên là Derek Adams. Anh này vì thất tình đã định tự tử bằng cách uống 29 viên thuốc an thần mà anh ta từng tham gia thử nghiệm lâm sàng. Và ngay lập tức sau khi nuốt hết số thuốc đó, anh ta cảm thấy ân hận và tới bệnh viện với những cảm giác cực kỳ khó chịu. Và chỉ khi Adams được các bác sĩ cho biết, những viên thuốc mà anh ta vừa nuốt là thuốc "trắng", anh ta cảm thấy dễ chịu liền

Đặng Minh
.
.