Bất ngờ tại bảo tàng năng lượng ở Sydney

Thứ Ba, 06/12/2016, 15:26
Nhà hát Opéra Sydney với kiến trúc hình vỏ sò đã thành biểu tượng quen thuộc của đất nước Australia với thế giới.

Đến xứ sở chuột túi (từ 15/10 đến 15/11/2016), thăm con gái từng du học và hiện là dược sĩ tại đây, tôi lại phát hiện được nhiều yếu tố trên đất nước rộng lớn và đa dạng văn hóa này ở châu Úc, quốc gia đại diện cho châu lục còn đầy bí hiểm với chúng ta. Một trong số đó là Bảo tàng Năng lượng ở Sydney.

Hai chữ "năng lượng" thông thường làm ta liên tưởng đến: điện, than, củi,... những vật liệu đơn giản cùng động cơ máy nổ, tiếng quạt phành phạch không hấp dẫn du khách. 

Năng lượng (énergie) theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là "sức động". Năng lượng tạo nên một lực cho phép hoạt động. Năng lượng có khả năng làm thay đổi tình trạng và làm cho chuyển động, tạo hơi ấm và ánh sáng. Không có năng lượng thì không chuyển động, không có ánh sáng và sự sống.

Nhưng Bảo tàng "Nhà năng lượng" (Housepower Museum) ở Sydney (địa chỉ: 500 Harris St, Ultimo NSW 2007) đã và sẽ gây bất ngờ cho người tham quan. Triển lãm với tên không mấy hấp dẫn, nhưng thu hút được rất nhiều  khách tới xem.

Triển lãm nằm ở ngay gần khu Opéra với kiến trúc hình con sò nổi tiếng ngay giữa trung tâm thành phố. Nơi đây, trưng bày tất cả các phương tiện giao thông mọi thời đại. Từ xích lô kéo, xe đạp chuyển động bằng sức người đến xe máy, tàu hỏa chạy bằng hơi nước, điện, tàu thủy, tàu điện, tàu hỏa và hàng không vũ trụ...

Tượng Gagarine.

Ngay vào cổng là tượng anh hùng vũ trụ Gagarine người Nga được đặt rất trân trọng. Khoa học luôn khách quan và tôn trọng những người có công trong nền văn minh nhân loại, dù họ thuộc quốc tịch nào, chính đảng nào. Khoa học không phân biệt tôn giáo, chính kiến chính trị. Đó là khoa học chân chính vì con người. 

Những tàu vũ trụ của CCCP (Liên Xô cũ) được trưng bày bên cạnh những bánh xe do Trung Quốc phát minh, xe xích lô kéo đầu tiên của Nhật Bản, và Amstrong (Mỹ) - người đầu tiên lên mặt trăng, mô hình các máy thăm dò trên sao Hỏa...

Tầng một là nơi trưng bày lịch sử tìm ra năng lượng qua các mô hình tàu, xe với những nhà ga xe lửa, máy bay đầu tiên. Một sảnh lớn treo các mô hình máy bay. Hàng loạt tàu cổ, những chiếc xe đầu tiên thu hút những ai ham tìm hiểu xe cổ.

Tuyệt vời và thú vị là triển lãm năng lượng không chỉ ca ngợi thế giới Internet, công nghệ máy tính, máy số, kỹ thuật điện ảnh 3, 4 chiều (3D, 4D) cùng điện thoại không dây, Hãng Apple,... mà giới thiệu cả thế giới huyền ảo của phụ nữ. Phụ nữ rất ít có mặt trong những công trình phát minh, vì thời trước nữ giới thiệt thòi không được đến trường như đàn ông, phụ nữ bị chế độ Trung cổ, phong kiến giao cho bổn phận duy nhất lo nội trợ gia đình và sinh nở. 

Tận đầu thế kỷ XX, Marie Curie (1867-1934) là người phụ nữ đầu tiên đứng lên giảng đường đại học giảng về vật lý; người phụ nữ duy nhất được vinh quang nhận 2 giải Nobel và là người phụ nữ đầu tiên được trang trọng rước vào nằm ở Điện Panthéon - nơi dành cho các vĩ nhân làm vinh danh nước Pháp.

Thật bất ngờ khi đang ở tầng ba đầy sao, hình ảnh sao Hỏa khô cằn với nhiều mẫu hàng không vũ trụ, máy móc bằng kim loại nặng nề khô cứng, chuỗi hình ảnh những người đàn ông đầu tiên lên vũ trụ trong bộ quần áo to sù sụ... bỗng khách lạc vào tầng trên cùng lối vào, bỗng tối dần đi... kích thích sự tò mò trong ánh đèn nhấp nháy như sao. Một thế giới đàn bà kiều diễm trong các bộ trang phục siêu mẫu long lanh hấp dẫn.

Tầng cuối cùng cao nhất là tầng giới thiệu lịch sử mốt quần áo phụ nữ, đặc biệt là đồ lót. Các chàng có lên trời mênh mông phiêu lưu tìm sao cũng phải quay về bồng bềnh với các nàng. Sao trời không lung linh sống động bằng các thiếu nữ thon thả trong những bộ váy bay bay. Nào yếm, xu-chiêng (soutien), quần lót được sáng tạo bồng bềnh không kém trong vũ trụ đèn mờ. 

Không gian mốt phụ nữ.

Những chùm đèn pha lê ba chiều rủ xuống như hình bầy thiếu nữ quyến rũ treo trong phòng đợi chàng mệt mỏi sau một chuyến dài vất vả nguy hiểm từ vũ trụ trở về. Nói một cách nôm na kiểu đồng quê Việt Nam: "Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương"

Dù chàng bôn ba, bươn chải để làm trai cho chí nên trai, cũng không quên gia đình - điểm tựa đầu tiên để các chàng xuất phát, nơi đêm đêm làm ấm lòng chàng. Phụ nữ được coi như yếu tố cơ bản của thiên nhiên, cũng tạo ra năng lượng làm cho cuộc sống trở nên sinh động. 

Cuộc đời thiếu phụ nữ như thiếu ánh sáng, màn đêm thiếu lung linh. Ngay ở tầng hai, nơi trưng bày công nghệ máy tính, người xem gặp một thiếu nữ xinh đẹp mặc váy trẻ trung đạp xe đạp với những vòng táo xanh vòng quanh đầu để quảng cáo cho Hãng Apple (quả táo trong tiếng Anh). Mọi phát minh khoa học đều để phục vụ gia đình dành cho Em. Tất cả vũ trụ này là sở hữu của các nàng. Em là vũ trụ quay cuồng bên Anh.

Vai trò văn hóa làm vui cuộc sống lại đặt ở tầng dưới cùng nơi trưng bày y tế và giáo dục, và một không gian chơi cho thiếu nhi. Các kiểu đàn guitar điện, những ban nhạc nổi tiếng, cùng vô số trò chơi giải trí cho trẻ em và gia đình. Văn hóa giáo dục chính là nền tảng thúc đẩy xã hội tiến lên. 

Dù có lên vũ trụ, khi quay về trái đất cũng thèm giải trí, khát khao tiếng dịu hiền êm ái của người phụ nữ và tiếng bi bô của trẻ thơ. Âm nhạc, ca hát, sẽ giảm đi stress đè nặng cuộc sống. 

Thể thao không chỉ là trò giải trí mà còn là bạn đồng hành với y học giúp cho sức khỏe. Không đủ sức khỏe, không thể bay lên vũ trụ, lặn xuống biển khám phá bao bí ẩn của thiên nhiên. Trẻ em là nền tảng của xã hội. Giáo dục trẻ em là điều quan trọng. Chăm lo sức khỏe cũng là một yếu tố quan trọng như giáo dục.

Không gian văn hóa.

Mọi tiến bộ văn minh đều nhằm phục vụ cho nhân loại. Văn hóa đem lại niềm vui và khích lệ con người tin yêu và hy sinh vì cuộc sống. Bởi thế, văn hóa giáo dục y tế là hạ tầng cơ sở, là bàn đạp để xã hội vươn lên, đặt nằm ở tầng hầm dưới cùng của bảo tàng. Nhờ có văn hóa, con người vươn ra ánh sáng, vì văn hóa tạo nên khát vọng chinh phục thiên nhiên, thế giới tinh thần.

Vai trò phụ nữ làm đẹp trong xã hội và gia đình đã phủ lên trên hết. Người phụ nữ là nòng cốt để ổn định xã hội hài hòa và phát triển. Trân trọng phụ nữ là bảo vệ một xã hội văn hóa và chính là bảo vệ trẻ em. 

Bạn có lên vũ trụ, đừng quên tầng dưới đất là những đứa trẻ đang chờ ngóng và tự hào về những gì bạn làm cho thế giới đẹp huyền ảo. Chúng vẫn ngước lên chiêm ngưỡng bạn như vì sao sáng. Mẹ của chúng cũng là ngôi sao lấp lánh nên cha phải đi chinh phục.

Cách sắp xếp trưng bày của bốn tầng bảo tàng mang đầy ý nghĩa nhân văn. Năng lượng cũng là để cống hiến cho đời sống con người.

Đây thực sự là bảo tàng không chỉ để hiểu thêm lịch sử phát triển văn hóa và văn minh con người, mà còn là hình thức giải trí, giáo dục lành mạnh để du khách bốn phương biết trân trọng những gì chúng ta có ngày hôm nay. Bất cứ bảo tàng nào muốn thu hút người xem đều mang tính nhân văn cao và đòi hòi trình độ người thiết kế, trưng bày.

Tất cả những gì chuyển động ngược lại cũng tạo ra năng lượng. Con người tìm ra cách làm năng lượng. Con người chính là năng lượng. Yêu quý chăm sóc con người là yêu năng lượng. Phụ nữ không chỉ là năng lượng đơn thuần để nấu cơm, gắn bó với gian bếp, với ngọn lửa mỗi ngày làm nên tổ ấm gia đình. Phái đẹp là năng lượng huyền bí mạnh vô cùng thúc đẩy đấng nam nhi hoạt động vì xã hội, tiếp tục chinh phục thiên nhiên. 

Hãy trân trọng phụ nữ - một nửa hình thành nên xã hội. Văn hóa giáo dục y tế chính là nền tảng giúp cho xã hội phát triển. Đây là thông điệp quý báu của Bảo tàng Năng lượng ở Sydney.

Trần Thu Dung
.
.