Bắt đầu một cuộc đua tiền tệ?

Thứ Hai, 13/04/2020, 15:07
Đại dịch COVID-19 lan rộng đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặt ra nhiều câu hỏi về tính ổn định của thị trường tài chính thế giới. Trong bối cảnh này, giới quan sát hoài nghi về khả năng tiếp tục thống trị của đồng USD trước nguy cơ những cuộc chiến tranh tiền tệ có thể bùng nổ.

Chưa hết, họ cũng dự báo gia tăng mức độ cạnh tranh giữa tiền mặt và thanh toán điện tử, thậm chí COVID-19 đã và đang khởi động một “cuộc đua” thẻ ngân hàng để tiến dần đến thay thế hoàn toàn tiền giấy trong tương lai.

Đô la và vị thế của Mỹ

Tại nhiều quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, hay Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lãi suất ngân hàng đã rơi vào trạng thái... âm, trong khi các công cụ nới lỏng như mua sắm tài sản đã tới ngưỡng giới hạn. Ở nhiều quốc gia khác như Mexico hay Nga, mức lãi suất vẫn tương đối cao trên 6%.

Chênh lệch lãi suất, cùng khác biệt trong chính sách, có nguy cơ châm ngòi chiến tranh tiền tệ khi các  quốc gia thua cuộc tính toán phương án trả đũa về lâu dài. Tuy nhiên, nguy cơ trước mắt lại xuất phát từ các động thái điều chỉnh tỉ giá “mạnh tay”. Hành động giảm lãi suất khẩn cấp của FED mới đây đã khiến tỉ giá đồng Yên Nhật tăng vọt lên mức trên 100¥/USD, giáng một đòn mạnh vào lĩnh vực xuất khẩu của quốc gia này.

Quá phụ thuộc vào USD chắc chắn sẽ dẫn đến những thách thức trong thanh khoản và rủi ro tỉ giá.

Ngoài ra, sự thống trị của đồng USD cũng tiềm ẩn rủi ro. Mặc dù nền kinh tế Mỹ hứng chịu không ít tàn phá từ COVID-19, đồng USD vẫn là phương tiện thanh toán phổ biến nhất, trở thành “nơi trú ẩn” về mặt giá trị cho nhiều nhà đầu tư. Điều này vô hình trung dìm đồng tiền của các thị trường mới nổi, khiến họ gia tăng lạm phát do đồng tiền bản địa suy yếu so với USD, và gây thêm thiệt hại kinh tế. Chưa hết, việc quá phụ thuộc vào USD chắc chắn sẽ dẫn đến những thách thức trong thanh khoản - về cơ bản là sự thiếu hụt USD, đồng thời còn tạo ra rủi ro tỉ giá.

Chỉ trong vòng hai tuần, đồng USD đã tăng thêm 5,3% so với đồng Euro, 5,9% so với đồng Franc Thụy Sỹ, và trên 13% so với đồng Bảng Anh. Với doanh nghiệp nước ngoài đang chịu những khoản nợ tính bằng USD, họ sẽ phải chi trả hơn rất nhiều so với mệnh giá nội địa, bất chấp doanh thu sụt giảm vì COVID-19. 

Một yếu tố khác là rất nhiều mặt hàng như dầu, đồng và vàng được định giá bằng USD, khiến các nhà sản xuất lớn bao gồm Nga, Brazil và Nam Phi bị lệ thuộc trên thị trường ngoại hối. Nhiều quan điểm gợi ý thay thế chính sách tiền tệ hạn chế bằng chính sách tài khóa, nhưng họ đã bỏ qua những khác biệt trong việc chấp nhận thâm hụt của các quốc gia, vốn tạo nên sự miễn cưỡng khi đưa ra quyết định, và đồng nghĩa với khả năng gây căng thẳng quốc tế.

Để đảm bảo an toàn trước bóng ma COVID-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tận dụng chiêu bài quen thuộc khi nới rộng mạng lưới hoán đổi tiền tệ tới tất cả 14 ngân hàng trung ương mà tổ chức này hỗ trợ, bao gồm thỏa thuận sẵn có với 5 ngân hàng trung ương ở Canada, Anh, châu Âu, Nhật và Thụy Sĩ kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Sự hoán đổi này sẽ diễn ra hàng ngày, bắt đầu từ 23/3 và kéo dài  ít nhất đến cuối tháng 4. Ngay lập tức, động thái này đã tạo nên một hiệu ứng xoa dịu lan rộng, giải quyết “tắc nghẽn” trên thị trường giao dịch bằng đồng USD khi giúp hạ nhiệt sức ép tỉ giá ở Brazil và Hàn Quốc.

Có ý kiến nhận định, COVID-19 đã thúc đẩy các chính phủ và hệ thống bán lẻ phải thừa nhận những lợi thế vượt trội của giao dịch điện tử.

Với FED, đây được coi như chiến lược củng cố sự an toàn tài chính cho các ngân hàng đồng minh quan trọng có hoạt động ở các nước bản địa lẫn ở Mỹ, đồng thời ra dấu “cảnh báo” Nga và Trung Quốc vốn không hề nhận được đề nghị hoán đổi. 

Quan trọng hơn, việc Mỹ cung cấp thanh khoản USD còn giúp giảm thiểu rủi ro làm nổ ra và lan truyền khủng hoảng tài chính toàn cầu vốn sẽ làm thiệt hại cả các thị trường và nền kinh tế Mỹ. Ngoài khẳng định vị thế đồng USD, chiêu bài này tiếp tục tạo nên ảnh hưởng bao trùm với các quốc gia nhận hỗ trợ dù có quỹ dự trữ ngoại hối lớn như Nhật và châu Âu, trước lo ngại không thể cung ứng đầy đủ USD với tư cách là tài sản an toàn cho thị trường trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay.

Trước tình hình này, các chuyên gia dự đoán có thể sẽ xảy ra một làn sóng phản đối, cho rằng động thái hoán đổi tiền tệ chỉ nhằm cứu giúp giới nhà giàu cùng các chủ ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương khác sẽ nổi lên sau cú sốc COVID-19 với tham vọng phá bỏ ảnh hưởng ràng buộc của Mỹ trong hệ thống tiền tệ toàn cầu. 

Cuộc chiến với đồng USD cận kề khi cán cân kinh tế thế giới đang dần xoay từ trục châu Âu - Mỹ - Nhật sang các thị trường mới nổi đầy cạnh tranh do Trung Quốc dẫn đầu. Chính Bắc Kinh đang đàm phán với Tokyo để tiến hành ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, kéo Tokyo ra khỏi vòng kiềm tỏa của đồng minh Washington.

Giấy hay điện tử?

Không chỉ có nguy cơ chiến tranh tiền tệ, COVID-19 còn bắt đầu reo rắc nỗi sợ tiền mặt ở nhiều quốc gia. Có ý kiến nhận định, COVID-19 đã thúc đẩy các chính phủ và hệ thống bán lẻ phải thừa nhận những lợi thế vượt trội của giao dịch điện tử, đồng thời dần dần thay đổi thói quen thanh toán của người dân để thế chỗ tiền mặt trong đời sống xã hội. Giới quan sát lý giải, phương thức thanh toán điện tử sạch sẽ hơn so với tiền mặt nhờ hạn chế tiếp xúc nhiều bề mặt. 

Về lâu dài, giải pháp này thúc đẩy doanh thu thuế, loại bỏ tham nhũng và kiến tạo những môi trường giao dịch cho phép đáp ứng các nhu cầu của cá nhân hay doanh nghiệp một cách bền vững và trách nhiệm hơn thông qua các sản phẩm và dịch vụ tài chính hữu ích.

Nhiều chuyên gia dự đoán, ở những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của SARS-CoV-2 như Mỹ hay châu Âu, chính phủ hoàn toàn có thể cân nhắc chuyện hạn chế giao dịch tiền mặt. Điều này trở thành điểm tựa cho sức bật nhanh chóng của những chiếc thẻ tín dụng, vốn từ lâu có ít nhiều “thù hằn” với tiền mặt. Thế nên, những công ty hay tổ chức chuyên cung cấp các phương thức thanh toán qua thẻ như Visa Inc., Mastercard Inc., American Express Co., hay PayPal sẽ được lợi rất lớn từ ảnh hưởng của COVID-19. 

Thậm chí, một số chuyên gia tin rằng COVID-19 là cơ hội để phát triển một loại tiền tệ kỹ thuật số tổng hợp 3-trong-1 không gắn với bất kỳ nền kinh tế nội địa nào. Chính nó sẽ vừa phục vụ giao dịch trực tuyến, vừa giảm ảnh hưởng độc tôn của đồng USD đối với thương mại toàn cầu, trong khi giải quyết triệt để vấn đề “chạm vào bề mặt” của tiền giấy hiện nay.

FED thực hiện nới rộng hoán đổi tiền tệ để bảo vệ thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, viễn cảnh thanh toán trực tuyến hay tiền kỹ thuật số thay thế hoàn toàn tiền mặt là chưa chắc chắn khi tại hầu hết các quốc gia, tiền mặt vẫn là công cụ hữu ích nhất trong thương mại, đặc biệt là các giao dịch vừa và nhỏ. 

Trên thực tế, tại các khu vực nông thôn, kém phát triển, có ít hoặc thậm chí không có ngân hàng, tài khoản trở thành một khái niệm xa xỉ đối với hàng triệu người. Một số không đủ khả năng duy trì hoạt động tài khoản ngân hàng. Chưa hết, nhiều thành phần quan trọng của nền kinh tế như ngành du lịch hiện vẫn ưa chuộng tiền mặt nhờ tính di động, thanh toán tốt các khoản nhỏ lẻ và không phụ thuộc vào thiết bị điện tử, do vậy nằm ngoài “phạm vi phủ sóng” của hệ thống tài chính thịnh hành chi phối các hoạt động giao dịch điện tử.

Nhiều tổ chức đã lên tiếng khẳng định chưa chắc các loại thẻ dùng trong thanh toán sạch hơn tiền giấy. Hiện nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học về khả năng lây nhiễm qua tiền giấy của chủng corona mới. Các báo cáo giữa tháng 3/2020 nhận định, bề mặt của thẻ tín dụng hay điện thoại, vốn đang được khuyến khích trong giao dịch điện tử, cũng là nơi trú ngụ của SARS-CoV-2.

Vì thế, WHO khuyến cáo không nên từ bỏ giao dịch tiền giấy, mà cần chú ý rửa tay sau mỗi lần thanh toán, thậm chí ngay cả khi tiếp xúc với thẻ hay điện thoại. Đồng thời, các ngân hàng kêu gọi người dân phải bình tĩnh trước mọi thông tin, bên cạnh việc đưa ra những biện pháp cụ thể trong quá trình giao dịch tiền mặt để trấn an khách hàng.

Công ty in tiền lớn nhất thế giới De La Rue đã cung cấp cho khách hàng những gói thông tin liên quan đến các nghiên cứu mới nhất về virus corona, nhấn mạnh vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay với dung dịch diệt khuẩn để loại trừ yếu tố lây nhiễm khi sử dụng bất cứ phương thức giao dịch nào, bao gồm cả tiền mặt và thẻ tín dụng. 

Một số ngân hàng đã chọn biện pháp “cách ly” tiền giấy trong ít nhất hai tuần, thậm chí “khử trùng” tiền bằng đèn tia cực tím hay dùng các lò siêu nóng. Riêng FED, cơ quan này tính đến việc thay mới tiền, xây dựng kho chứa các khối tiền cũ được đóng dấu “nhiễm bệnh” trước khi đem đi diệt khuẩn bằng phương pháp thích hợp để tiếp tục luân chuyển trong giao dịch... 

Việt Dũng
.
.