Armenia – Âm vang lịch sử

Thứ Bảy, 17/10/2020, 13:24
Cả thế giới đang chăm chú theo dõi những diễn biến leo thang mới nhất của cuộc xung đột Armenia - Azerbajan, một trong những mối hiềm khích lâu đời nhất còn tồn tại trong thế kỷ XXI.

Ngược dòng lịch sử, trong sâu thẳm của cuộc xung đột ấy chất chứa không ít những hoài niệm tự hào và cả cay đắng của dân tộc Armenia.

Giữa hai dòng nước

Đại Armenia. Từng một thời đã hiện diện một vương quốc cổ được giới nghiên cứu sử học quốc tế gọi với cái tên ấy. Vào thời đỉnh cao cường thịnh, lãnh thổ của nó trải dài từ Địa Trung Hải đến biển Caspi. Nó nằm kẹp giữa hai trong số những thế lực hùng mạnh nhất của hoàn cầu thời đó: Đế chế La Mã và Đế quốc Ba Tư.

Cho dù như vậy, Armenia cũng vẫn giữ được cho mình vị thế là một vương quốc độc lập trong suốt hơn 500 năm (từ năm 190 Trước Công nguyên đến năm 387). Sau đó, dưới những tham vọng bành trướng lãnh thổ và mở rộng tầm ảnh hưởng của cả Ba Tư lẫn La Mã, Armenia bắt buộc phải trở thành chư hầu của bên này hoặc bên kia, tùy thời điểm, cho đến tận năm 428.

Vì sao Armenia lại duy trì được thế đứng ấy? Có lẽ, lý do quan trọng nhất lại không phải là những nỗ lực ngoại giao hay tài chinh chiến của quân đội Armenia - dù chúng cũng rất đáng chú ý. 

Điểm mấu chốt ở đây là ý chí của cả La Mã lẫn Ba Tư, sau những cuộc va chạm dữ dội giữa hai người khổng lồ đó. Cả hai, cuối cùng, đều muốn thiết lập một "vùng đệm" giữa mình với địch thủ lớn nhất. Điều này, ngay từ năm 20 Trước Công nguyên, Augustus Otavius Đại đế của La Mã đã cố gắng thực hiện, bằng việc ký một hiệp ước với Ba Tư.

Có điều, cũng chính bởi vị trí địa lý đặc biệt đó, nền chính trị của Armenia cũng luôn bị La Mã và Ba Tư ra sức lũng đoạn. Không chỉ lôi kéo về mặt ngoại giao, hai đế quốc ấy còn cố gắng hậu thuẫn các thế lực chính trị nội bộ Armenia, hậu thuẫn những người có thể đưa quốc gia này ngả về phía mình, và thậm chí sử dụng cả sức mạnh quân sự để phục vụ các mưu đồ đó.

Ba Tư buộc Armenia quy phụ năm 37, nhưng 10 năm sau, La Mã giành lại quyền kiểm soát, ép Armenia trở thành chư hầu trong đế chế của mình. Sau đó, một lần nữa, Ba Tư đưa quân vào Armenia, và phải đợi đến năm 60, La Mã mới tái áp đặt quyền lực của mình ở đây. Những tranh chấp vẫn liên tục tiếp diễn.

Một thế kỷ sau, từ năm 162 đến năm 165, vua Vologases IV của Ba Tư xâm chiếm Armenia, đưa tướng lĩnh của mình lên ngai vàng. Hoàng đế La Mã Lucius lập tức đem quân đông tiến, dựng Sohaeamus - một công dân La Mã có nguồn gốc Armenia - lên làm vua mới. Có điều, bệnh dịch hạch ập tới. Sohaeamus phải rút về Syria, còn triều đại nhà Arsaces của Ba Tư nhanh chóng khôi phục quyền lực tại Armenia. Năm 287, Trindates III được quân đội La Mã lập làm vua ở mảnh đất ấy. Ông thể hiện sự gắn bó với La Mã bằng cách quyết định đưa Thiên Chúa giáo trở thành quốc giáo ở Armenia.

Năm 387, Armenia chính thức bị phân chia theo một hiệp ước giữa đế quốc Đông La Mã và đế quốc Ba Tư. Phải đợi đến năm 885, sau khi đã bị đô hộ bởi cả Đông La Mã, Ba Tư và đế quốc Arab Hồi giáo, Đông Armenia (phần phụ thuộc Ba Tư) mới giành được độc lập dưới triều đại Bagratid.

Cung thủ Armenia.

Những sự phóng chiếu vào hiện tại

Như là định mệnh, kể cả khi đã giành được độc lập, Armenia vẫn phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ nền độc lập (tương đối) đó của mình. Họ luôn bị đặt vào thế phải lựa chọn giữa các trung tâm quyền lực, khi nắm giữ một vị trí địa lý quan trọng: Cánh cửa từ Địa Trung Hải mở vào vùng Kavkaz. Và ở nơi đó, luôn có những đại cường sẵn sàng trỗi dậy.

Đế quốc Arab Hồi giáo phân mảnh và suy sụp, thì lại có đế quốc Ottoman của người Thổ Nhĩ Kỳ thay thế. Cùng lúc đó, nước Nga cũng vươn mình trở thành một cường quốc hàng đầu, nằm vắt từ châu Âu sang châu Á. Trong thế kỷ XVI, lãnh thổ Armenia liên tiếp bị chia cắt bởi các hoạt động quân sự và ngoại giao song phương giữa Ottoman với Ba Tư. Đến đầu thế kỷ XIV, toàn bộ lãnh thổ Đông Armenia cũ bị sáp nhập vào đế quốc Nga.

Và rồi, Đại chiến thế giới lần thứ nhất xuất hiện. Nó diễn ra và kết thúc, để lại vết sẹo không bao giờ liền được gọi là Cuộc diệt chủng Armenia - những hành động thảm sát mà phía Thổ Nhĩ Kỳ luôn luôn phủ nhận. Đồng thời, nhờ sự sụp đổ của đế quốc Ottoman sau Đệ nhất Thế chiến, Cộng hòa dân chủ Armenia được thành lập, với hầu như trọn vẹn lãnh thổ từ thời cổ, cả Đông và Tây Armenia.

Thiết kỵ Armenia trên một phù điêu cổ.

Bởi vậy, ngay năm 1920, đã bùng nổ chiến tranh Armenia - Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia mới thành lập thừa kế Ottoman. Thua trận, Armenia một lần nữa nhìn đất nước bị chia cắt. Nửa phần lớn thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ, phần còn lại trở thành một trong các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xôviết. Đó là sự lựa chọn duy nhất dành cho họ vào lúc đó.

Cũng bởi cái thế ấy, dù phản đối gay gắt, người Armenia vẫn buộc phải chấp nhận Nagorno Karabakh - vùng lãnh thổ cổ xưa mà họ xem là đất phát tích của mình - bị cắt sang cho người láng giềng Azerbajan, với những hệ lụy kéo dài đến tận bây giờ. Cũng bởi những mối hiềm khích mang nặng tính sắc tộc và tôn giáo bị ép phải thừa kế từ lịch sử, Armenia luôn thấy mình phải đối diện với sự thù địch từ Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia không chỉ cam kết mà còn hành động trong thực tế trên phương diện quân sự để "sát cánh với những người anh em Hồi giáo Azerbajan".

Cũng bởi vậy, mà hiện tại, có thể nói, những uẩn ức chung quanh Nagorno Karabakh trong mối quan hệ sóng gió Armenia - Azerbajan mang nhiều nét tương đồng với vấn đề Jerusalem, ở mối quan hệ giữa Israel với Palestine và cộng đồng Arab tại Trung Đông.

Và cũng bởi vậy, giới quan sát quốc tế luôn lo lắng cuộc xung đột mang tính cục bộ này sẽ dễ dàng bùng lên thành một lò lửa chiến tranh bị quốc tế hóa. Thổ Nhĩ Kỳ đang vươn dậy đòi hỏi một vị thế xứng đáng tại khu vực ấy, từ Hồng Hải đến Hắc Hải, từ Đông Âu sang Tây - Trung Á. Trong khi đó, nước Nga dĩ nhiên có những lợi ích cốt lõi sát sườn tại vùng Ngoại Kavkaz, nhằm bảo vệ sự an toàn của mình ở không gian hậu Xôviết. Moskva không thể không đứng cạnh Armenia - quốc gia lâu đời nhất tại vùng trọng địa này.   

Câu chuyện có thể dịu đi nhưng sẽ rất khó để tìm ra một giải pháp triệt để. Trong khi đó, người Armenia vẫn kể cho con cháu nghe những câu chuyện cổ đẹp đẽ về Đại Armenia.

* Dưới thời Tigranes Đại đế - Vua Đại Armenia thời lập quốc, theo các thư tịch cổ, quân đội Armenia (chiến đấu như đồng minh của Ba Tư, trong biên chế quân đội Ba Tư) có quy mô lên tới 12.000 kỵ binh, 12.000 cung thủ, 120.000 bộ binh và cả các chiến xa. Dĩ nhiên, những con số này khó có thể tin cậy hoàn toàn, xét đến quy mô dân số thời đó. Tuy vậy, theo như sử gia Plutarch: "Các cung thủ Armenia có thể tiêu diệt địch thủ từ khoảng cách 200 mét với mũi tên chết người chính xác của họ. Người La Mã ngưỡng mộ và tôn trọng sự dũng cảm và tinh thần chiến binh của kị binh Armenia - lực lượng nòng cốt của quân đội Tigran".

* Ngoài vị trí địa lý, còn một điều rất đáng chú ý: Armenia là vương quốc Thiên Chúa giáo hiếm hoi nằm giữa một khu vực ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ của Hồi giáo. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên xung đột dai dẳng giữa Armenia và Azerbajan hiện đại.

Đông Quân
.
.