An Nam trong mắt lữ khách thuở ấy

Thứ Hai, 09/03/2020, 11:36
LTS: Trong giai đoạn giao thời đầu thế kỉ XX, Việt Nam hay quen thuộc hơn với tên gọi An Nam, trở thành điểm đến của rất nhiều lữ khách phương Tây. Cho dù họ đang thực thi những công việc, mục đích khác nhau thì vẫn có điểm chung là sự say mê khám phá, mô tả, nghiên cứu vùng đất và con người An Nam.

Chính họ đã góp phần tạo ra một kênh tri thức, một sự “hiểu Việt Nam” kéo dài và trở thành tư liệu văn hóa, văn chương, lịch sử quan trọng. Loạt bài viết của chúng tôi bước đầu dựng lại những tư liệu này, sắp xếp thành các chủ đề và sơ bộ phân tích chúng, ngõ hầu nhận diện các điểm thú vị, độc đáo, sâu sắc mà đến hôm nay vẫn còn mời gọi con người đương đại phải vắt óc suy tư.

Kỳ 1: Bước chân nhà truyền giáo và ánh mắt giới công quyền

Nếu không kể Marco Polo (1254-1323), nhà thám hiểm vĩ đại nước Ý, người từng đến vùng đất Chăm-pa xưa và Đông Kinh, sau đó, kể lại đôi dòng trong hồi ức Cuộc đời vạn dặm trứ danh của mình, thì có thể nói, chỉ đến cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỷ XX, Việt Nam mới thực sự đón nhận một lượng lớn lữ khách phương Tây có sự đa dạng, khác biệt nhau về vị thế xuất thân, công việc thực làm, góc nhìn và quan điểm biểu lộ. Nhìn lại họ, hiểu họ là ai sẽ dẫn chúng ta bước đầu khám phá trước tác của họ và vỡ lẽ vì sao họ lại trình bày những nội dung đó với thái độ đó mà không phải là điều gì khác.

Hai trong số nhiều lữ khách mà chúng ta sẽ tiếp cận đầu tiên là nhà truyền giáo và các viên chức công quyền.

Giáo sĩ, linh mục, cha xứ

Các nhà truyền giáo, do công việc đặc thù của mình, dĩ nhiên là đến sớm và luôn đi đầu trong việc ghi chép, mô tả về xứ sở mà họ muốn thu phục lòng dân lẫn truyền bá tôn giáo mới, Kito giáo, thứ tôn giáo phi truyền thống và cơ bản không được sự chấp thuận của chính quyền phong kiến trị vì.

Leopold Michel Cadiere.

Sau Alexandre de Rhodes (1591-1660), vị giáo sĩ từng có ba năm ở Đàng Ngoài (1627-1930) đủ trải nghiệm để viết một bản tường trình nổi tiếng Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài (tiếng Ý, 1650), định hình cho truyền thống giáo sĩ viết khảo cứu, thì đến đầu thế kỉ XX, chúng ta bắt gặp hai tên tuổi nổi bật trong hàng ngũ các nhà truyền giáo  đã tích cực công bố nhiều ghi chép, nghiên cứu về An Nam: Henri Souvignet (1855-1942) và Léopold Michel Cadière(1869-1955).

Dĩ nhiên, trong quãng thời gian thế kỉ XVII và XVIII đầy biến động và bước ngoặt khi xã hội Đại Việt dần tiếp xúc sâu cả về kinh tế-xã hội với phương Tây ấy, các giáo sĩ vẫn có nhiều mô tả nhưng đa phần hiển thị dưới dạng những bức thư gửi cho các cha bề trên trong Hội Thừa sai Paris.

Henri Emmanuel Souvignet, cũng xuất thân là một giáo sĩ truyền giáo thuộc Hội Thừa sai Paris, lần đầu đặt chân đến Bắc Kỳ vào năm 1882 khi vừa 27 tuổi. Sau một thời gian ngắn tham gia đào tạo giáo sĩ trẻ tại phía nam Hà Nội, năm 1893, H. Souvignet được cử về coi sóc giáo phận Phủ Lý.

Mười năm sau, 1903, dưới bút danh giản đơn A+B, cha xứ H. Souvignet đã xuất bản Bắc Kỳ tạp lục (Variétés Tonkinoises) tạo nên tiếng vang lớn. Số tiền từ việc bán cuốn sách này đã được H. Souvignet, mà giáo dân thường gọi với cái tên Cố Thi, góp xây nhà thờ Phủ Lý. Có thể coi Bắc Kỳ tạp lục là cẩm nang giới thiệu, dẫn nhập về An Nam, trước hết cho độc giả Pháp, và bằng cách đó, góp thêm tiếng nói tri thức Pháp về mảnh đất thuộc địa vốn chưa hết lạ lẫm.

Trong lời mở cuốn sách, H. Souvignet tỏ ra chân thành và sâu sắc khi bày tỏ mong muốn rằng Bắc Kỳ tạp lục sẽ như “chiếc chìa khóa” giúp người Pháp “len lỏi vào các ngóc ngách trong đời sống tinh thần của người An Nam, bằng cách lĩnh hội và thẩm thấu nhanh những tập tục của họ”.

Trong cái nhìn của H. Souvignet, rõ ràng, chỉ có vốn hiểu biết kĩ càng về An Nam thì mới có thể tránh bị cớm bóng tầng lớp nho sĩ uyên bác ở đây, và nhất là, mới có thâm tình “yêu dân tộc này”.

So với H. Souvignet, những trước tác và đóng góp nghiên cứu của linh mục Léopold Michel Cadière là phong phú và chất lượng hơn. Đến Huế năm 1892, L. Cadière kinh qua nhiều xứ đạo, nhờ đó, có cơ hội thu thập các tài liệu khảo cứu về ngôn ngữ, địa lí, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam.

Bắt đầu từ 1901, L. Cadière lần lượt công bố hàng trăm tiểu luận quan trọng, đặt nền móng cho quá trình tìm hiểu Việt Nam của học giả Pháp về sau. Trong đó, có thể kể đến các chuyên khảo lớn như Địa lý lịch sử Quảng Bình qua thư tịch triều đình (1902), Lũy Thầy ở Đồng Hới (1906), Triết học dân gian Việt Nam: vũ trụ quan (1907-1908); Nhân sinh quan dân gian người An Nam (1915), Dinh trấn các chúa Nguyễn trước Gia Long (1916), Tín ngưỡng và việc thực hành tôn giáo của người An Nam vùng quanh Huế (1918), Nghệ thuật ở Huế (1919), Gia đình và tôn giáo ở Việt Nam (1930),…

Năm 1955, các bài viết của L. Cadière được tuyển chọn và ấn hành thành ba tập lớn lên gần ngàn trang mang tên Tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt (Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens). Nhờ L. Cadière, các yếu tính cơ bản trong văn hóa bản địa, lịch sử và con người An Nam bắt đầu vươn tới những vấn đề học thuật lớn, thử thách độ kiên trì và trí óc khảo cứu bài bản của người phương Tây.

Do đó, thay vì đóng vai những kẻ chinh phục, khai sáng thuộc địa, L. Cadière lại đặt mình vào vị thế người của xứ sở này để phơi mở hàng loạt các giá trị còn khuất lấp. Đặc biệt, sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng của người Việt, chủ đề mà tôi sẽ trở lại ở các bài viết sau, đã được L. Cadière bàn luận say mê, hấp dẫn và sáng rõ trên nhiều phương diện.

Cũng như Souvignet nằm xuống khoảng đất nhỏ bé Phủ Lý, L. Cadière đã chọn nghĩa trang Phú Xuân làm nơi an nghỉ của đời mình. Đấy là những con người, đúng như sở nguyện, được chết trong lòng giáo dân Việt Nam. Nhưng chữ nghĩa và trí lực của họ thì luôn lay động tất cả chúng ta hôm nay.

Các chính khách, viên chức công quyền

Không chỉ đảm nhận sứ mệnh công vụ và hành chính trong bộ máy chính quyền thuộc địa, các chính khách và viên chức còn tỏ ra hăng hái tìm hiểu An Nam trên tất cả các phương diện. Hiểu An Nam, một mặt, để thỏa mãn tâm lí hiếu kì và tò mò “xứ lạ” mà thời đại khám phá (age of exploration), bắt đầu từ thế kỉ XIX, gieo sâu vào đầu óc các nhà thực dân chinh phục.

Mặt khác, quan trọng hơn, chính quyền Pháp không muốn thiết lập một chế độ cai trị lâu dài mà không có một nền tảng tri thức đủ chắc chắn, toàn diện về chính dân tộc bị đô hộ. Ở đây, khi viết khảo tả hay nghiên cứu về An Nam, giới chức công quyền dường như cũng bộc lộ các đề đạt, mong muốn cải cách, xây dựng xã hội thuộc địa của họ. Cần nhấn mạnh điểm này, bởi, khác các nhà truyền giáo, tiếng nói của giới chính khách thường nhuốm màu thực tiễn và sát sườn đời sống chính trị hơn.

Thật khó mà liệt kê đầy đủ các gương mặt viên chức, chính trị gia từng viết về An Nam. Nhưng, để phần nào nhận thấy tình thế trăm nhà đua tiếng, tôi tạm thời nhắc đến vài tên tuổi nổi bật: Pierre Pasquier (1877-1934), Toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1928-1934, là tác giả của Nước Việt Nam thời xưa (L’Annam dautrefois, 1929); Henri Gourdon (1876-1943), Giám đốc Nha học chính, người đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc cải cách giáo dục năm 1906, là tác giả của Đông Dương (Indochine, 1931) và Nghệ thuật xứ An Nam (L’art de lAnnam, 1933); Gustave Dumoutier (1850 - 1904), Giám đốc Học chính Trung-Băc kỳ, từng viết rất nhiều khảo cứu, tiêu biểu như Lễ tang của người An Nam (Le ritual funéraire des Annamites, 1902) và Các tiểu luận về người Bắc Kỳ (Essais sur les Tonkinois, 1908); Auguste Bonifacy (1856-1931), đại tá chuyên nghiệp nhưng cũng không rời bàn viết với Đạo Phật (Le bouddhisme, 1928); Charles Edouard Hocquard (1853-1911), một bác sĩ quân y đồng thời là nhiếp ảnh gia, đã mô tả Một chiến dịch ở Bắc Kỳ (Une campagne au Tonkin, 1892); các công sứ cũng không chịu thua kém: Paul Ory (?-?) viết Làng xã của người An Nam ở Bắc Kỳ (La commune Annamite au Tonkin, 1894), một cuốn sách nhập môn về làng xã An Nam mà về sau sẽ còn rất nhiều thân danh nhập cuộc; Paul Giran (1875-?) viết Tâm lí người An Nam (Psychologie du Peuple Annamite, 1904) và Bùa chúa và Tôn giáo An Nam (Magie et religion annamites, 1912); đặc biệt, công sứ Charles Robequain (1897-1963) là tác giả của hai công trình nổi tiếng Tỉnh Thanh Hóa (Le Thanh Hoa, 1929) và Xứ Đông Dương thuộc Pháp (LIndochine francaise, 1935)...

Cũng có nhiều viên chức khác, chẳng hạn như Claude Bourrin, tuy chỉ là viên chức ngành thuế bình thường, nhưng lại tỏ ra rất sành sõi trong sự quan sát, phản ánh đời sống xã hội và những ghi chép đó, từ 1898-1914 (Geners et choses en Indochine) sinh động và cuốn hút không ngờ dù chỉ xoay quanh sự việc thường ngày và hoạt động kịch nghệ ở Hà Nội.

Với các chính khách, viên chức công quyền, viết có thể chưa phải là mục đích tối hậu. Tuy thế, bằng việc đọc lại sách vở của họ, chúng ta sẽ nhận diện rõ hơn những vàng thau lẫn lộn ở trong đó. Rõ ràng, không phải tất cả những trước tác này đều thuyết phục về độ chính xác khoa học và nhất là, có thể đạt tới sự thông hiểu An Nam trên tinh thần nhân văn hiện đại.

Bởi vậy, công việc tưởng chừng khó khăn song không nên quá trễ muộn ấy là phải đặt cạnh, trong một sự qui chiếu tri thức tổng thể, các tiếng nói, góc nhìn khác nhau để tránh những đánh giá, quy kết vội vàng. Nhưng trước mắt, dù sao, chúng ta phải kể thêm những kẻ xa lạ, những lữ khách quan trọng khác nữa…

* Đón đọc kỳ 2: Văn chương của ký giả và khảo cứu của khoa học gia

Mai Anh Tuấn
.
.