Ấn Độ, vẻ đẹp niết bàn bên những ám ảnh buồn

Thứ Ba, 30/05/2017, 21:36
Ấn Độ dường như là tổ hợp của những câu chuyện hai mặt, kiểu "Triệu phú khu ổ chuột".

Đã triệu phú lại còn gắn với khu ổ chuột. Với hơn 1,2 tỷ người, là quốc gia đông dân thứ nhì trên thế giới, người ta đã tính toán, cứ mỗi giờ trôi qua, nước này có 15 người bị chết vì tai nạn giao thông. Một ngày trôi qua, là có 20 trẻ em tử nạn trên đường đi.

Nếu tìm một xứ sở có số phụ nữ bị hãm hiếp và lạm dụng tình dục nhẫn tâm nhất (hiếp đến chết), với số lượng nhiều nhất (với cả người bản địa và du khách nước ngoài), thì chắc chắn không thể không kể tên Ấn Độ.

Tuy nhiên, cũng hiếm nơi nào mà người ta còn tìm được nhiều không gian yên lành, thánh thiện, với sự ngự trị tuyệt đối của thiên nhiên quyền năng như ở nông thôn Ấn. Đạo Hindu với cả một tỷ tín đồ, cũng là tôn giáo có lượng người theo đông thứ ba của loài người (sau Thiên chúa giáo và Hồi giáo). Sông Hằng với nền văn minh khổng lồ ra đời từ châu thổ của nó luôn giữ nhiều kỷ lục đáng kính trọng của nhân loại, nhưng đó cũng là một trong những dòng sông ô nhiễm nhất.

Chùa tháp Đại Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng.

"Tứ động tâm linh", tất tật đều quanh quất ở thánh địa Ấn Độ là chính (nơi ngài thành Phật, nơi Ngài giảng bài kinh đầu tiên và nơi ngài nhập niết bàn), trừ khu Lâm tì ni, nơi Đức Phật đản sinh là ở Nepal. Nơi ấy cũng chỉ cách biên giới Ấn Độ hai chục cây số, xưa hai vùng là một. Thánh địa của Phật giáo thật đấy, nhưng nghịch lý lại nằm ở đây nữa: chỉ khoảng 4% dân số Ấn Độ theo đạo Phật, chủ yếu họ theo Hindu, một số theo đạo Sích...

Hoặc như, kỳ quan lộng lẫy, ngôi đền TajMahal của Ấn Độ, một "Bài thơ tình bằng đá" rộng lớn, cả ngày và cả đêm, kỳ quan thế giới này luôn khiến đá cẩm thạch tỏa ra màu sắc tùy theo sự biến ảo của ánh mặt trời và mặt trăng. Nơi này tuyệt đẹp, tuyệt kỳ bí được nhân loại tiến bộ đưa vào mọi bảng bầu chọn những điểm người ta cần đến trước khi chết.

Trong 10 tỷ phú giàu nhất thế giới thì Ấn Độ cũng chiếm tỷ lệ quán quân. Nhưng khu ổ chuột Ấn Độ thì phải nói rằng rách giời rơi xuống. Tôi cân nhắc rất nhiều khi kể ra những chi tiết này, bởi tôi sợ người Ấn coi là tôi đem cái nhìn quá đen tối về người nghèo ở quê họ. Nhưng quả đúng như thế. Tôi chưa bao giờ gặp một xóm nghèo, góc phố nào vất vưởng, bẩn thỉu đến mức đấy, kể cả ở các quốc gia nổi tiếng đói khát và bệnh tật như châu Phi.

Chúng tôi thuê một cái xe Inova cũ, chả sang trọng gì, nhưng cũng có máy lạnh kín bưng giữa cái nóng như thiêu và cái bụi như bão cát sa mạc. Rời thủ đô New Delhi, vừa lang thang đến Navarasi để ra sông Hằng, thì anh bạn tôi, Sight (người Ấn) vểnh cằm râu đen nhánh, chun mớ da trán nâu rám ngoang nguếch của mình lại khi thấy tôi kéo kính chụp ảnh. Rồi tôi lại còn đòi xuống thăm một khu xóm nghèo. Sight nhấm nhứ ngăn tôi lại. Anh ta có vẻ chạnh lòng, nói khác đi là có vẻ áy náy.

Cây bồ đề nổi tiếng ở Bodh Gaya Ấn Độ.

Nhà Sight ở quê xa, bố mẹ già, các anh em đều không công ăn việc làm, anh lưu lại thành phố kiếm ăn nhọc nhằn. "Thương người ta lắm, nhưng tôi biết làm sao", anh ta nói rồi lặng lẽ quay mặt đi nơi khác. Còn tôi thì choáng váng. Khác với những đứa trẻ lem luốc ngồi nặn phân bò làm chất đốt trên đường sang Nepal hôm qua.

Ở đó, các cậu bé điển trai, dù nhà rất nghèo. Tôi tặng quà, các cháu chắp tay trước ngực cảm ơn. Mẹ các cháu đầy đặn, nếu không nói là nhan sắc như trong "Cô dâu 8 tuổi". Quanh nhà là bạt ngàn hoa cải vàng, vàng mê đắm mênh mông, những túp lều canh ruộng tròn như cây nấm, nó được quây bằng cây gì như cỏ tranh, túm ở trên như búi tó củ hành.

Qua thời gian, lều tròn nhẵn đi vì mưa gió. Nó đẹp và mơ mộng như những vần thơ: "Đôi ta yêu nhau trên lều nương/ lều nương không chiếu chăn/ ta bẻ lá làm chiếu chăn/ lều nương không phên liếp/ ta cởi áo làm phên liếp". Rồi, "nam cấu mộc vi sàng/ nữ trải y vi tịch". Ở góc độ hơi ích kỷ nào đó, cái lam lũ giản dị nặn phân bò bên hoa vàng kia có khi còn khiến vị ngọt ngào của chuyến viễn du thêm ám ảnh.

Còn ở đây, giữa lòng phố thị,  những gia đình tôi gặp, họ sống dưới ống cống của thành phố, theo đúng nghĩa đen, như một tác phẩm văn chương đã viết. Tức là nhà trên cao có thể đổ ào ào nước bẩn xuống mái nhà của người khu ổ chuột. Người đi bộ qua đường cũng có thể vứt rác hay đổ xú uế lên mái nhà của người ở lều lán này. Cái họ gọi là nhà kia, dường như nó ở dưới mặt đất.

Qua nhiều năm, bụi đất của con đường đã phủ vàng ệch mái lều lợp nilon, lợp giấy dầu (chứ không lãng mạn như lợp gianh, lợp cỏ). Họ lợp nhà bằng phế thải của thành phố. Rồi rác rưởi thị thành lại phủ lên họ thêm nhiều tầng nữa.

Đi qua vào những buổi sáng, nắng lên, tôi thấy những người đàn bà đen đúa, gầy đét, lấm lem, mái tóc xác xơ bết bệt ngồi trù trụ trên nền đất. Họ vạch vú cho con bú, đứa con hốc hác ngoang nguếch. Mắt họ vô vọng nhìn vào đoàn người và xe sang trọng. Họ rúc vào lều và bò ra bằng cả hai chân hai tay. Can nước họ dùng làm thẫm đi cái đám bụi cát trước hiên lều, giống như có đứa trẻ vừa tè ra đó vậy. Lũ trẻ thì trần truồng, gầy rộc, chúng chạy lui cui, bên cạnh những người đàn ông ngồi như các bức tượng ố vàng - họ lười nhác sưởi nắng.

Cây bồ đề ở Nepal, nơi Đức Phật đản sinh.

Có lẽ họ cũng tuyệt vọng như mái lều phủ kín bụi đường và rác thải đó. Và cũng có lẽ họ chính là lực lượng bổ sung cho đội ngũ ăn xin vô thiên lủng ở nhiều khu du lịch trên đất Ấn. Tôi từng cay đắng nghĩ, nếu Đức Phật đủ từ bi và đủ quyền năng, thì tại sao Ngài không cứu giúp những kiếp người vất vưởng ăn xin bên các thánh tích quan trọng và tối tú, tối linh của Phật giáo ngay trên đất Ấn này?...

Có người chân tay co quắp kỳ dị, có đứa trẻ nằm bất động như thây người giữa lối đi, bên cạnh là một đám lau nhau đeo bám người khác quyết liệt. Không cho họ tiền lẻ thì áy náy, nể nang rồi cả thương xót nữa. Nhưng lỡ cho một người rồi thì bạn sẽ dễ dàng gặp thảm họa bám đuôi, theo cái kiểu đòi công bằng, ông cho nó, sao không cho cả lũ chúng tôi! Các bà mẹ vừa vạch vú cho con bú vừa ngả mũ rách kêu la. Họ nhiều đến mức ám ảnh, chả biết nên giận hay nên thương họ nữa.

Chỉ biết chắc rằng, người Ấn rất hiền, tuyệt đối không có chuyện móc túi, trộm cướp hay chửi bới khách du lịch. Lúc đeo bám quyết liệt nhất, nụ cười (dẫu van vỉ) của họ cũng vẫn hồn nhiên lắm. Có người "tay chơi" hơn thì quây cái ổ rơm to, thả vào đó mấy con rắn hổ mang bành và thổi sáo vi vu cho rắn nghe. Rắn ta ngúc ngoắc đầu, di di cái bành to hung dữ như một nhạc công đang thăng giáng cùng các cung bậc. Du khách cứ gọi là xanh mắt mèo. 

Ấn tượng và cũng trăn trở nhất vẫn là những cậu bé hành hạ một cô nàng khỉ bị đánh phấn xanh đỏ tím vàng, mắt cắm lông mi giả cong tớn điệu đà hơn cả giống cái dạng người. Bắt "nàng" mặc váy, nhảy múa, lộn xà đơn xà kép quanh một cái sào với những điệu dân vũ ngồ ngộ. Và dĩ nhiên, cuối cùng là em khỉ láu cả ngửa tay xin cát-sê của quý khán giả.

Ấn Độ đã khảm vào tôi những cảm xúc trái chiều như thế. Có khi là một thiên đường với thiên nhiên được nâng như nâng trứng, được tôn trọng như một tín ngưỡng. Có khi là sự khốc liệt của ô nhiễm và những lối hành xử còn luộm thuộm (hơn cả ở Việt Nam) về những kiếp người lúc nào cũng vật lộn với quá nhiều rủi ro. Có khi lại ngồi mơ mộng nghĩ, mình cần phải viết cả một cuốn sách về miền đất mỗi bước chân, mỗi huyền thoại đã gieo cho mình bao nhiêu là xúc cảm này.

Có khi lại tỉnh ngộ "tự trào": Đừng tự tin quá thế. Mình đã hiểu gì về miền đất cổ kính, với những đền tháp lẫy lừng, với dòng sông Hằng thần thánh đã và đang mang tải một nền văn minh rực rỡ, bí ẩn bậc nhất của quả đất kia đâu. Đúng là, phải khó khăn lắm, tôi mới chiều lòng cảm xúc của mình mà dám viết một cái gì đó giống như là "thầy bói xem voi" về đất nước đông thứ nhì thế giới với hơn 1,2 tỷ dân này.

Lãng Quân
.
.