Âm nhạc LGBT: Một lịch sử bị đánh cắp
Chưa đầy 3 tháng phát hành, “Montero” (Call me by your name) đạt 260 triệu lượt xem trên Youtube và 561 triệu lượt nghe chỉ tính riêng trên Spotify. "Tôi, một người đàn ông đồng tính 41 tuổi, không thể nào phóng đại về tầm trọng đại khi được chứng kiến một chàng trai 21 tuổi bộc lộ xu hướng tình dục của mình theo cùng cách mà những đồng nghiệp dị tính ở cùng đẳng cấp danh tiếng, thành công và sự quan tâm của truyền thông như anh đã được bộc lộ qua hàng thập kỷ", một cây bút phê bình của tờ Variety viết, không quên ca ngợi rằng những giây phút mà Lil Nas X múa cột rơi thẳng xuống địa ngục và làm tình với Quỷ Satan đã "thay đổi mọi thứ cho những nghệ sĩ queer".
Adam đồng tính bị quyến rũ trong MV “Montero” (Call me by your name) của rapper trẻ tuổi. |
Trước Lil Nas X, không hẳn là không có những ca sĩ đồng tính bước ra ánh sáng. Nhưng có lẽ chưa từng có một ca sĩ nào nổi tiếng như anh công khai hát về đồng tính. Ricky Martin hay George Michael ở thời đỉnh cao vẫn hát về "cô ấy".
Frank Ocean hay Troye Sivan táo bạo nhưng họ không đại chúng. Ngay cả những huyền thoại cũng chưa đạp đổ biên giới cuối cùng ấy: Freddie Mercury lúc sinh thời tuy đã thốt lên "tôi đồng tính như một bông thủy tiên vàng", nhưng ông không bao giờ tập trung vào sự thật ấy; Mick Jagger mập mờ chơi đùa giữa lằn ranh nhưng cũng chẳng khẳng định điều gì; Elton John từng có một ca khúc tâm sự thành thật về tình yêu đồng tính nhưng ca khúc lại quá nhạt nhòa so với gia tài âm nhạc bất hủ của ông; David Bowie tuy là biểu tượng rock đầu tiên thẳng thắn nói mình là người lưỡng tính, nhưng các sản phẩm của ông cũng không gây sốc đến vậy.
Phần lớn chúng ta tin rằng phong trào âm nhạc LGBT manh nha vào thập niên 60 nhờ sự bao trùm của làn sóng phản văn hóa, và nó thực sự bùng nổ vào vài năm gần đây với một thế hệ Z cởi mở sẵn sàng giương cao lá cờ 7 màu và tháng 6 - Tháng Tự Hào - trở thành sự kiện được ăn mừng khắp mọi miền thế giới.
Sự thực không phải như vậy. Sự bùng nổ của văn hóa LGBT trong âm nhạc đương đại có lẽ đúng hơn là một cuộc phục hưng phần lịch sử đầy màu sắc đã bị che đậy và giấu giếm quá lâu. Phần lịch sử ấy ít nhất đã bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ trước.
Storyville, khu phố đèn đỏ của thành phố New Orleans, vào năm 1910, nơi đây có khoảng 200 nhà thổ. Song, ngoài phụ nữ và mại dâm, Storyville còn có cả những quán bar nơi ta có thể bắt gặp một nghệ sĩ dương cầm hay những nhóm khiêu vũ mua vui cho khách ghé tới. Chính tại nơi này, "nhạc jazz đã được làm lễ rửa tội".
Ngôi sao piano jazz nổi tiếng nhất lúc đó là Tony Jackson, con trai một gia đình nô lệ da đen nghèo túng. Tuy bề ngoài xấu xí, nhưng Jackson có ngón đàn điêu luyện đến mức mỗi khi anh bước vào, dù ai đang ngồi trước cây đàn piano cũng sẽ tự khắc đứng lên, còn nếu anh ta không đứng lên, nhất định sẽ có người nhắc nhở: "Ra khỏi cây đàn đi. Cậu đang làm tổn thương xúc cảm của nó đấy. Để Tony chơi nó." Và Jackson là một người đồng tính, công khai và gần như thách thức.
Nghệ sĩ Gladys Bentley. |
Tony Jackson đã sáng tác một trong những bản nhạc jazz kinh điển, Pretty Baby, bản nhạc liên tục được những danh ca sau này diễn tấu lại, nhưng ít ai biết rằng lời bài hát ban đầu khác xa với lời bài hát mà sau này công chúng được biết tới. Trong lời gốc của mình, Jackson đã táo bạo nhắc đến từ "jelly roll", một từ lóng trong tiếng Anh-Mỹ ám chỉ bộ phận sinh dục, và được gợi cảm hứng từ một chàng trai mà Jackson thầm yêu mến. Sau này, người ta mua lại bản quyền giai điệu ca khúc, nhưng cho viết lại ca từ thành một lời tán tỉnh dễ thương không chút nào "nguy hiểm".
Ngày nay, khán giả đại chúng không có hồi ức nào về việc chúng ta từng có một thời rất xa xưa khi những nghệ sĩ công khai đồng tính và chẳng sợ rằng điều đó sẽ bôi tro trát trấu vào danh tiếng của mình. Họ tự do tung hoành, không giấu vẻ yểu điệu và chẳng nơm nớp sợ hãi khi làm chính mình.
Chán New Orleans, Tony Jackson chuyển đến Chicago và nếu như Chicago ngày nay được vinh danh như một thủ đô của jazz thì một phần rất lớn đó là nhờ công của Tony Jackson. Một sự thật rất khó tin đó là ở khu Bronzeville ở Chicago nơi Jackson lập nghiệp, đồng tính là chuyện bình thường như cân đường hộp sữa!
Trước chiến tranh, người ta dễ dàng thấy những cặp đôi đồng tính da màu đi bên nhau không e ngại. Trong các quán cabaret, những nghệ sĩ trình diễn drag queen đồng bóng và lòe loẹt là những nhân vật không thể thiếu. Chính sự nổ ra của Thế chiến I đã tạo ra nhu cầu tâng bốc sức mạnh của một người đàn ông "thẳng" và tôn vinh nam tính của một con đực Alpa qua cơ bắp, bạo lực, tinh thần chiến binh, sự tráng kiện, sự vạm vỡ, sự lấn lướt, mà đỉnh cao có lẽ là hình tượng của đại văn hào thích săn bắn, ưa mạo hiểm và mình mẩy đầy thương tích Ernest Hemingway. Ngược lại, phụ nữ - những người ở hậu phương, nhất định phải mang tính cách của một người vợ, một người mẹ, dịu dàng, chịu đựng, khiêm nhường, nhỏ nhẹ.
Trong khi đó, trước đấy, cùng thời với Tony Jackson, cả những nghệ sĩ đồng tính nữ cũng có thể hát vang lên rằng: "Đêm qua tôi đi chơi với một đám bạn bè. Chắc chắn phải là phụ nữ rồi, vì tôi chẳng thích đàn ông", rồi thì, "Nàng đi đâu, tôi không biết. Tôi định theo nàng tới bất cứ đâu nàng tới." Những câu trên nằm trong ca khúc “Prove it on me blues” của Ma Rainey, người phụ nữ được mệnh danh là "mẹ đẻ dòng nhạc Blues". Trên tờ quảng cáo mà hãng thu âm Paramount thực hiện cho bà, họ vẽ hình Ma Rainey lực lưỡng mặc áo comple, váy ngắn, đi giày cao gót, đội mũ fedora, đang chuyện trò với mấy cô nàng mảnh khảnh xinh đẹp, đằng xa là một tay cớm đứng trong bóng tối theo dõi họ. Dòng chữ trên đó đề: "Cái gì đây? Một vụ bê bối ư?... Đừng bỏ lỡ chiếc đĩa nhạc này từ nhà phân phối".
Hình tượng của Ma Rainey khác xa tính nữ thông thường. Bà chẳng hề đẹp mà cũng không hề cố gắng làm đẹp. "Thời ấy, nếu bạn muốn một nghệ sĩ trình diễn nào đó phát điên thì bạn chỉ cần bảo: trông cô như Ma Rainey ấy!", theo lời kể của tiểu sử gia Chris Albertson. Bà trưng trổ, gây ấn tượng áp chế, quyền uy, xa xỉ. Bà lên sân khấu với vương miện kim cương, ngón tay nào cũng đeo đầy nhẫn, mặc áo choàng vàng, răng cũng bọc vàng. Bà mang theo món phụ kiện diêm dúa làm từ bộ lông đà điểu và cả một khẩu súng nữa. Người tình của Ma Rainey là Bessie Smith, "Nữ hoàng của nhạc Blues". Hai người đều công khai lưỡng tính và chẳng quan tâm nếu ai đó biết được.
Thế nhưng, chủ nghĩa McCarthy sau đó đã quét sạch những nghệ sĩ LGBT trên khắp nước Mỹ. Người ta "săn lùng" những nghệ sĩ đồng tính và nghệ sĩ chuyển giới như săn phù thủy. Ma Rainey mất năm 1939 và gần như bị quên lãng với khán giả đại chúng. Bessie Smith qua đời sau một vụ tai nạn giao thông và có một câu chuyện truyền miệng rằng bà được đưa tới một bệnh viện người da trắng nhưng bị từ chối, và bà đã chảy máu đến chết. Câu chuyện ấy trở thành niềm cảm hứng để nhà soạn kịch vĩ đại Edward Albee viết nên vở kịch ăn khách “Cái chết của Bessie Smith”. Những người còn sống như Gladys Bentley, "Nghệ sĩ dương cầm da màu vĩ đại nhất nước Mỹ", một người chuyển giới với phong cách ăn mặc của một quý ông, lời ca thô lỗ, giọng hát gầm gừ và những trò đùa cợt khán giả nữ, cuối cùng đã buộc phải đưa mình vào "nhà tù" của giới tính khi tuyên bố lấy chồng, tiêm hormone nữ 3 lần một tuần, rồi viết một bài báo mang tên "Tôi lại là phụ nữ", trong đó thừa nhận "đã vi phạm quy tắc đạo đức được chấp nhận".
Thời kỳ tươi đẹp chính thức chấm dứt. Chủ nghĩa dị tính cố tình mất trí nhớ, xóa sạch ký ức về sức ảnh hưởng của cộng đồng LGBT đối với lịch sử âm nhạc. Và những nghệ sĩ LGBT phải đợi mãi đến cuối thập niên 60, để rón rén trở lại trong nhiều vỏ bọc, và phải tận những năm gần đây, họ mới thực sự công khai bùng nổ.
Có một chi tiết khá thú vị. Đó là từ "gay", một từ ngữ hiện giờ đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới để chỉ những người đồng tính nam. Thật ra, nghĩa ban đầu của "gay" là vui vẻ, tươi sáng, hạnh phúc. Vào năm 1929, khi danh ca Bing Crosby hát "Gay Love", từ "gay" vẫn chưa có nghĩa là "đồng tính", và "gay love" nghĩa là "tình yêu vui vẻ" chứ không phải "tình yêu đồng tính". Chính xác là đến năm 1941, nhà soạn nhạc lừng danh Cole Porter mới là người đầu tiên dùng "gay" với nghĩa như ta biết ngày nay, khi ông viết một ca khúc cho vở kịch “Broadway Let's face it” có câu: "Vẻ lực lưỡng của George thật điển trai, nhưng cậu ta là gay."
Âm nhạc và văn hóa LGBT đã luôn tác động qua lại hết sức mật thiết như thế. Văn hóa LGBT không phải một thứ gia vị mới cho những kẻ nông nổi đua đòi như những người thủ cựu lầm tưởng. Nó luôn ở đó từ đầu, là "thủy tổ" của rất nhiều những dòng nhạc ta cứ ngỡ là của những người dị tính, như jazz, như blues, như rock, trong khi, có thể chỉ là ta đã đánh cắp từ họ, đã lợi dụng họ rồi phủ nhận họ. Dẫu có thể hơi muộn khi đến lúc này mới nhớ ra điều đó, nhưng muộn còn hơn là không.