Geronimo - khúc chiến ca cuối cùng

Chủ Nhật, 23/09/2018, 13:37
4-9-1886 là một cột mốc vinh quang của chính phủ cũng như quân đội Hoa Kỳ. Song, đó cũng chính là ngày bi thảm đối với những chủ nhân đích thực từ nguyên thủy của lục địa Bắc Mỹ mênh mông ấy - những người da đỏ phóng khoáng và quật cường.


Ngày ấy, 4-9-1886, là ngày tướng Nelson Miles thay mặt quân đội liên bang Hoa Kỳ tiếp nhận sự đầu hàng trong cảnh sức cùng lực kiệt của Geronimo - một trong những chiến binh Apache vĩ đại nhất từng chiến đấu không mệt mỏi, ngăn cản bước chân của những kẻ xâm lược da trắng tham tàn.

Lời trăng trối đầy uất hận

"Đáng lẽ ta không bao giờ nên đầu hàng! Đáng lẽ ta vẫn phải chiến đấu, kể cả khi ta là người cuối cùng còn lại". Chuyện được kể lại là Geronimo đã cảm thán thốt lên như vậy, vào giây phút cuối cùng của đời mình, ngày 17-2-1909.

Khi đó, ông đã xem như chỉ còn là một người tù bị an trí tại Fort Sill, Oklahoma được 15 năm. Nhưng trước đó, tình cảnh nhục nhằn của kẻ đầu hàng mà ông phải nếm trải đã kéo dài suốt từ cái ngày 4-9-1886 ấy, trong sự hả hê và lật lọng của phía chính phủ Mỹ. 

Ông đã đầu hàng, khi đó là lựa chọn tốt nhất, khi đạt được một số thỏa thuận về quyền lợi dành cho mình cũng như đồng đội của mình. Theo đại từ điển Britannica và nhiều nguồn khác, họ được hứa hẹn rằng sẽ được tạo điều kiện trở về cố hương, tại Arizona. Song, lời hứa không được giữ.

Geronimo cùng nhóm của mình bị điều chuyển tới Florida, rồi Alabama, rồi mới tới Oklahoma. Trong suốt những quãng đời ấy, ông đánh mất tất cả niềm kiêu hãnh từng luôn có trong hành trang chiến đấu của mình. 

Thậm chí, có tin đồn ông còn gia nhập đạo Tin lành, sau khi đã trở thành một người nông dân đúng nghĩa. Hơn tất cả, ông và phần tàn tích còn lại từ đoàn quân khét tiếng một thuở của mình chỉ còn là những món đồ triển lãm, những thí dụ trực quan sinh động cho quyền lực không thể chống lại của người da trắng. 

Như khẩu súng trường Winchester model 1876 của ông, giờ vẫn được trưng bày tại Học viện quân sự West Point. Như khẩu Colt ổ xoay và con dao găm của ông, giờ vẫn còn trong Bảo tàng Fort Sill.

Và ông, người chiến binh ấy, vị thủ lĩnh từng khiến quân đội liên bang Hoa Kỳ bao phen lao đao ấy, đã chết một cách khiến ai từng biết ông đều khó có thể tin nổi. 

Ông bị hất văng khỏi lưng ngựa khi đang phóng về nhà, một ngày tháng 2-1909. Ông phải nằm trong sương lạnh ngoài trời cả đêm, và hôm sau mới được tìm thấy. Ông không qua khỏi trận viêm phổi cuối cùng, trận đánh cuối cùng của đời mình.

Cho dù lúc đó Geronimo đã là một ông già 80 tuổi, thì ông già ấy vẫn còn là một huyền thoại, một nhân vật truyền kỳ. Và lời trăn trối của ông - hay đúng hơn: nỗi phẫn uất bộc phát của ông, sự hối tiếc của ông, ánh hồi quang phản chiếu của ông - cuối cùng cũng đã lại phảng phất âm hưởng của một khúc chiến ca vẳng lên từ ký ức.

Những người Apache trên đường bị đưa đến nơi định cư mới.

Từ cát bỏng quê hương

Không bao giờ, kể từ ngày đầu hàng, Geronimo còn được thấy lại ánh mặt trời gay gắt thiêu đốt biên thùy Arizona - Mexico. Đó là nơi ông được sinh ra, lớn lên, trưởng thành và lựa chọn con đường chiến đấu cho mình. Đó cũng là nơi hết lần này tới lần khác, ông đề nghị được trở về, nhưng vô vọng.

Hãy trở lại bối cảnh nước Mỹ ngày ấy.

Công cuộc bành trướng lãnh thổ của người da trắng, kể từ khi còn là thuộc địa của Đế quốc Anh tới khi trở thành Hợp chúng quốc Hoa Kỳ độc lập, đã gần như được hoàn tất. 

Mua Alaska từ Nga, mua Louisiana từ Pháp, thương thảo để nhận phần lãnh thổ Oregon từ Anh, sáp nhập Texas và những mảnh đất phía Nam từ Mexico (kèm theo một cuộc chiến tranh khiến Mexico mất gần nửa lãnh thổ), tiến quân vào Puerto Rico, nước Mỹ bắt đầu thực sự trở thành một đại cường, với đầy đủ tiềm lực, tài nguyên, tham vọng và cả sự hiếu chiến.

Trong suốt tiến trình đó, với hệ quả là những đợt di dân ào ạt liên tục diễn ra theo đà dịch chuyển của các biên cương (đặc biệt là phía Tây và phía Nam), sự chống đối của những người da đỏ bản địa luôn luôn là cái gai trong mắt nhà cầm quyền. 

Những chủ nhân nguyên thủy của lục địa này không bao giờ chấp nhận trở thành nô lệ cho người da trắng (hay "bọn mặt nhợt" - như cách gọi khinh miệt đã in dấu trong không ít tác phẩm văn học viết về họ). Họ sẵn sàng lấy sự hoang dại đáp trả bạo tàn, để bảo vệ quyền được sống theo cách nghìn xưa cha ông để lại.

Thế nhưng, tổ chức kém hơn, thiếu gắn kết hơn và không thể được vũ trang đầy đủ, điều dễ hiểu là những ngọn lửa phản kháng theo nhau bị dập tắt. 

Cuộc Chiến tranh chống người da đỏ ở Mỹ (American Indians War) thực ra là một khái niệm rất rộng, bao gồm hàng trăm cuộc tấn công và đàn áp các bộ lạc da đỏ riêng rẽ (Apache, Sioux, Cheyenne, Comanche, Kiowah…) trên khắp đất nước mênh mông ấy. Cũng có những trận đại bại của quân đội liên bang, nhưng cuối cùng, người da đỏ bản địa vẫn không có cơ hội nào để lật ngược thế cờ, bởi sự thua kém quá rõ rệt về tương quan lực lượng.

Cho tới khi đầu hàng, Geronimo đã chiến đấu chống lại cả người da trắng Mỹ lẫn người da trắng Mexico suốt 30 năm - những người không có gì khác nhau về phương diện tìm mọi cách xâm lấn lãnh thổ của bộ lạc ông - Chiricahua Apache, với 10 năm cuối là một trong những ngọn cờ đầu kháng chiến. 

Dải biên địa Arizona ấy là nơi khởi phát lòng căm hờn ngùn ngụt cũng như khát khao rửa hận cháy bỏng của ông, bởi cả gia đình ông đã bị tàn sát dã man trong một vụ tập kích - thường được biết đến với cái tên "Vụ thảm sát Kah - Ki - Yeh". 400 lính Mexico, dưới sự chỉ huy của Đại tá Jose Maria Carassco, đã tập kích khu trại nơi gia đình ông trú ngụ, giết chết mẹ, vợ và những đứa con của ông.

Chính điều này về sau đã tạo nên tính hai mặt cho ông, cả về hình tượng lẫn năng lực thực thụ. Đầy kỹ năng chiến đấu, có thừa lòng dũng cảm và sự táo bạo, song vì quá tập trung vào chuyện giết chóc trả thù, Geronimo thiếu đi tầm nhìn chiến lược, tính liên kết và cả khả năng hiệu triệu đối với các nhóm da đỏ kháng chiến khác.

Hiếm khi ông tập hợp được một lực lượng đủ lớn cho những trận quyết chiến - điều mà 10 năm trước khi ông đầu hàng, một cái tên lừng lẫy khác: Bò Ngồi (Sitting Bull, thủ lĩnh huyền thoại của người da đỏ Sioux) đã làm được trong trận Little Bighorn nổi tiếng (năm 1876), khi huy động được tới 2500 chiến sĩ để đánh tan tác trung đoàn kỵ binh số 7 dưới sự chỉ huy của tướng George A.Custer. 

Thường thì đội cận vệ của Geronimo chỉ vào khoảng 30-50 người - những người thật sự sẵn sàng làm theo mọi mệnh lệnh của ông, và chia sẻ với ông chí hướng báo thù rửa hận cũng như lòng gắn bó với quê hương.

Geronimo năm 1905, người tù bị giam lỏng.

Kẻ thù của Liên bang

Ngay cả trong một tác phẩm văn học lừng danh như "Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer" (đại văn hào Mark Twain) hay những tập truyện tranh nổi tiếng Lucky Luke, hình ảnh người da đỏ cũng luôn được mô tả khá méo mó, với những đường nét hiểm độc hoặc ngốc nghếch. 

Có lẽ, đó là sự ánh xạ từ tâm lý chung của người da trắng thời ấy: Sợ hãi xen lẫn coi thường, quyết tiêu diệt và phải bôi đen những con người hoang dã đã chiến đấu kiên cường chống lại sự xâm lấn cũng như ách thống trị của họ.

Không có gì đáng ngạc nhiên, nếu cho rằng Geronimo (và những thủ lĩnh da đỏ quật khởi tương tự mình) chính là hình mẫu phác thảo của ý niệm đó. 

Cho đến tận đầu thế kỷ 20, Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt vẫn không ngần ngại mô tả Geronimo là một "trái tim độc ác": "Ngươi đã giết rất nhiều người. Ngươi đã đốt phá rất nhiều ngôi làng. 

Ngươi không phải là một người da đỏ lương thiện". Phải chăng, đây là điểm khởi đầu của một lập luận khá quen thuộc trong khá nhiều văn cảnh: "Một tên da đỏ tốt là một tên da đỏ chết?".

Đứng từ góc nhìn của nhà cầm quyền Liên bang Hoa Kỳ, cũng như từ lập trường quyền lợi của người Mỹ da trắng, sự đánh giá khắc nghiệt này dành cho Geronimo và những người như ông là hoàn toàn hợp lý. 

Người Mỹ da trắng luôn thể hiện niềm tự hào trong các giáo trình lịch sử của mình về quá trình khai phá lục địa Bắc Mỹ, mang văn minh, tiến bộ, cường thịnh đến cho những cánh đồng hoang, những rặng núi, những thảo nguyên mênh mông tại đây. 

Và dĩ nhiên, chống lại tiến trình đó, hủy hoại những thành tựu đó, giết hại những con người tham gia vào công cuộc đó… là tội ác.

Hành xử theo đúng một phương thức cổ xưa: "Mắt đền mắt, răng đền răng", những người da đỏ không có cách nào để tự bào chữa cho mình trước những lời kết tội đó. Hãy xem, những chiến tích của Geronimo đã tạo nên bao nhiêu đau thương cho những kẻ mà ông căm thù có thể nói đã là đã vi phạm mọi chuẩn mực đạo đức của xã hội hiện đại.

Theo National Geoghraphic, năm 1886, trong 5 tháng cuối cùng của đời kháng chiến trước khi thúc thủ, chỉ với 16 cận vệ, nhóm của Geronimo đã tàn sát 500 tới 600 người Mexico. 

Trước đó, suốt 10 năm, bất chấp việc luôn luôn bị thua thiệt rõ ràng về quân số cũng như trang bị, Geronimo cùng đội quân nhỏ bé của mình vẫn liên tục gieo rắc kinh hoàng khắp miền Arizona - Mexico. Lẩn quất trong những rặng núi, họ bất thần xuất hiện để cướp phá, để tấn công các trại định cư da đỏ, để kêu gọi những người đồng chủng của mình nổi dậy, trở về với đời du mục… 

Và đi kèm với các hành động đó, dĩ nhiên là những vụ tàn sát người da trắng không một chút khoan nhượng. Các đoàn xe ngựa, các đoàn tàu hoạt động quanh khu vực biên giới này cũng không thể hoạt động yên ổn.

Cả quân đội Mỹ lẫn quân đội Mexico đều đã điều động hàng loạt cuộc hành quân nhằm trấn áp Geronimo, nhưng không thành công. Sự thông thuộc địa bàn, khả năng chịu đựng gian khổ phi thường cũng như sự linh hoạt trong cách di chuyển đã giúp ông thoát khỏi những cái bẫy, hoặc những gọng kìm, hết lần này tới lần khác trong suốt 10 năm ấy.

Ông không tin người da trắng, kể từ khi vẫn còn chỉ là một chiến binh dưới trướng cha vợ mình - Cochise, thủ lĩnh nhóm Chiricahua. Cochise đã chấp nhận ký hòa ước với chính quyền liên bang, vào thời điểm chiến tranh Mỹ - Mexico (nhằm tranh giành Texas và các phần lãnh thổ lân cận) kết thúc.

Song, khi ông chết, nhà cầm quyền tuyên bố thay đổi các điều khoản về khu vực sinh sống của người Chiricahua. Và từ đó, Geronimo cũng sẵn sàng ký các hòa ước rồi xé bỏ chúng, đơn giản như một phương tiện giúp ông tiếp tục cuộc chiến đấu.

Ba lần, ông chấp nhận đầu hàng. Ba lần, rất nhanh chóng, ông lại dẫn quân kéo cờ nổi dậy. Điều đó khiến người da trắng dễ dàng tô vẽ hình ảnh của ông thành một kẻ tráo trở, bất tín và phản trắc. Điều đó cũng chính là lý do để sau ngày 4-9-1886, chính quyền Mỹ không cho phép ông còn cơ hội trở về căn cứ địa của mình một lần nữa.

Song, phải đến rất lâu sau này, những nhà nghiên cứu lịch sử mới chỉ ra rằng chính người da trắng cũng đã lật lọng và bội ước không biết bao nhiêu lần, với người da đỏ nói chung và Geronimo nói riêng, để thỏa mãn sự thèm khát không gian sinh tồn của mình. 

Bằng cách này hay cách khác, những con người hoang sơ ấy dần dần bị tách khỏi truyền thống, khỏi đất đai, khỏi điều kiện sinh hoạt, khỏi nguồn cội…, để nhường chỗ cho những kẻ đến từ bên kia đại dương. Và như đoạn kết cuộc đời Geronimo đã chứng minh, chiến đấu (thậm chí chiến đấu không từ thủ đoạn) là cách duy nhất để bảo vệ phẩm giá cho những người bị xua đuổi.

Chẳng có gì bất ngờ, khi Geronimo từng bị người Mỹ da trắng coi là "tên mọi da đỏ xấu xa nhất từng tồn tại". Sự tàn bạo mà ông và các chiến sĩ của mình sẵn sàng thể hiện, kể cả với người già, phụ nữ và trẻ em, xứng đáng với danh hiệu ấy. 

Song song tồn tại với những câu chuyện truyền kỳ về cách Geronimo thoát hiểm luôn là những mô tả ghê rợn, về lột da đầu, về treo ngược nạn nhân da trắng, về những vụ giết chóc cả gia đình…

Và khi biến được ông thành một người nông dân bình thường, ai cũng có thể hình dung được rằng chính quyền Liên bang đã cảm thấy nhẹ nhõm đến nhường nào.

Nỗi tiếc nuối khôn nguôi

Phản kháng vì không có lựa chọn nào khác ngoài phản kháng. Tàn bạo để đáp trả những sự tàn bạo. Lật lọng vì đã quá nhiều lật bị lật lọng. Và Geronimo cũng đã phải chấp nhận từ bỏ cuộc chiến đấu của mình, bởi không còn cách gì để tiếp tục.

Thời điểm phải buông súng trước tướng Nelson Miles - người đã tỏ ra hiệu quả hơn tướng Crook tiền nhiệm tại Arizona, trong việc định vị và ngăn cản các kế hoạch tập kích nhằm tìm kiếm lương thực của nhóm Geronimo, Geronimo chỉ còn là một đốm lửa đơn độc. 

Những thủ lĩnh lừng danh cùng thời, cùng in dấu trong dòng lịch sử những ngày nổi dậy của người da đỏ, đều đã hoặc hy sinh, hoặc bị bắt, hoặc cũng chấp nhận đầu hàng.

Bò Ngồi, người chỉ huy chiến thắng Little Bighorn, đã giương cờ trắng năm 1881, để rồi thậm chí còn tham gia các show diễn của đoàn xiếc Buffalo Bill's Wild West, trong tư cách là một thí dụ trực quan sống động về Miền Tây hoang dã của nước Mỹ.

Mây Đỏ (Red Cloud, thủ lĩnh nhóm người da đỏ Oglala Lakota, hoạt động ở vùng Montana và Wyoming), cũng đã ngừng chiến đấu từ năm 1884, cố gắng tìm yên bình cho mình cũng như đấu tranh cho quyền lợi của người da đỏ bản địa theo những cách ôn hòa. 

Ông mất năm 1909, như Geronimo, ở tuổi 87. Và Mây Đỏ cũng để lại một lời trăn trối đầy chua chát: "Họ (người da trắng) đã hứa với tôi nhiều lắm, nhiều đến mức tôi không thể nhớ hết được. Nhưng họ chỉ giữ một lời hứa. Họ hứa sẽ lấy đất đai của chúng tôi. Và họ đã lấy được".

Ngựa Điên (Crazy Horse), một thủ lĩnh Lakota rất được tôn trọng khác, từ cả quân sĩ của mình lẫn địch thủ, quy thuận cùng Mây Đỏ. Nhưng đến năm 1877, ông mất trong khi đang cố gắng thực hiện một nỗ lực quật khởi cuối cùng.

Mưa Trên Mặt (Rain in the Face), một thủ lĩnh khác từng tham gia Little Bighorn, về hàng năm 1880, chấp nhận vào trại định cư và mất không lâu sau đó bởi bệnh tật.

Geronimo cùng đội quân của mình trên biên giới Arizona – Mexico. Ảnh tư liệu của C.S.Fly.

Chạm Vào Mây (Touch the Clouds), lãnh tụ người Sioux, hạ súng từ năm 1877, để bằng lòng với thành quả ngoại giao khôn khéo của mình là vị trí lãnh đạo một khu định cư yên bình, cho đến khi qua đời năm 1905.

Không còn ai chia lửa với Geronimo vào năm 1886 ấy nữa. Những vòng vây cứ khép chặt lại, và ông hoàn toàn có thể bị tiêu diệt. Hoặc đúng hơn, ông cùng 38 người cuối cùng đi theo mình, cả phụ nữ lẫn trẻ em, sẽ chết đói hết trong những hang động của dãy Núi Đá.

Nếu như vậy, có lẽ, lời trăn trối của ông đã không bi thảm và thống thiết đến thế. Dù sao, ông cũng từng là một trong những kẻ thù đáng sợ nhất của người da trắng, và là một biểu tượng cho tinh thần tự do của đồng bào mình. Vấn đề là, ông đã lựa chọn. Một lựa chọn nghiệt ngã. Một cánh cửa mở vào cảnh lưu đày, mà suốt phần đời còn lại, dù khuất lấp dưới bao nhiêu lớp vỏ, nỗi uất hận vẫn còn nguyên đó.

"Lẽ ra, ta vẫn phải chiến đấu, cho dù ta là người còn lại cuối cùng!". Trên thực tế, ông chính là chiến binh da đỏ vĩ đại cuối cùng. 

Geronimo, trong đoạn cuối đời, từng dự cuộc diễu hành nhậm chức của Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt vào năm 1905. Ông cũng nhận lời thực hiện một cuốn tự truyện về đời mình, xuất bản năm 1906, mang tên Geronimo's Story of His Life (Chuyện đời Geronimo), do S.M.Barrett chấp bút.

* "Tôi đã giết rất nhiều người Mexico. Tôi không biết chính xác con số, bởi tôi không bao giờ đếm. Có những kẻ trong số chúng không đáng để tính đến. Cũng khá lâu rồi, nhưng tôi vẫn không thể yêu mến bất cứ người Mexico nào được. Với tôi, đó luôn là bọn rắn độc" - Geronimo giữ mối hằn thù cá nhân cho đến tận cuối đời.

* "Tướng Crook hỏi tôi: 'Tại sao ông bỏ trốn khỏi khu định cư?'. Tôi trả lời: 'Các người đã nói với tôi rằng tôi có thể sống ở khu định cư thoải mái như cách người da trắng được sống. Nhưng, khi chúng tôi trồng ngô, chăm sóc vất vả và đến ngày thu hoạch thì các người lại cho lính tống tôi vào tù, và sẵn sàng giết tôi nếu tôi phản kháng. Nếu các người mặc kệ chúng tôi, chúng tôi cũng có thể bằng lòng với một phạm vi hẹp. Nhưng các người và bọn Mexico đã truy sát chúng tôi" - một đoạn trong cuốn tự truyện của Geronimo.

* Một số đơn vị lính dù Mỹ, trong Đệ nhị Thế chiến, đã bắt các binh sĩ hô "Geronimo!" như một cách tăng cường lòng dũng cảm khi luyện tập nhảy ra ngoài không trung từ máy bay.

Geronimo cũng là cái tên dự định được chọn cho cuộc tập kích vào lãnh thổ Pakistan, hạ sát trùm khủng bố Osama Bin Laden. Tuy nhiên, điều này bị cộng đồng công dân Mỹ gốc da đỏ bản địa phản ứng dữ dội, vì cho rằng điều đó mang quá nhiều sắc thái phân biệt chủng tộc cũng như sự miệt thị đối với người thủ lĩnh huyền thoại trong lịch sử của họ. Và bởi vậy, cuộc tập kích được đổi tên thành "Ngọn đinh ba của thần biển Neptunes".  

Thiên Thư
.
.