Xu hướng công nghệ năm 2018: Những đột phá sẽ làm xoay chuyển thế giới?

Thứ Tư, 31/01/2018, 08:30
Thế giới công nghệ vô cùng đa dạng và nhiều màu sắc. Nhiều xu hướng công nghệ rầm rộ khi ra đời và sau đó thoái trào lặng lẽ, nhưng cũng rất nhiều xu hướng đã để lại những dấu ấn đột phá có thể làm thay đổi cả thế giới. 

Giới quan sát cho biết, một loạt các đột phá khoa học - công nghệ đưa vào áp dụng trong năm 2018 sẽ đem lại nhiều lợi ích vô cùng to lớn với đời sống nhân loại. Đó có thể là những phát minh không mới, nhưng trong năm 2018 và các năm sau đó sẽ bắt đầu đi dần vào cuộc sống, phục vụ tốt hơn nhu cầu của con người, cũng như có thể tạo tiền đề để nghiên cứu và phát triển nhiều công nghệ mới hơn.

Y học tiện lợi

Năm 2018, y học chứng kiến hai bước đột phá quan trọng. Trước hết, đó là sự xuất hiện của băng cầm máu siêu tốc dạng lỏng có tên gọi Vetigel. Đây là một loại gel có nguồn gốc từ tảo thực vật, gồm nhiều phần tử polyme siêu nhỏ kết hợp với kháng sinh clindamycin giúp chống lại các vi khuẩn trong cơ thể và tretinoin là một dạng của vitamin A giúp tái tạo da nhanh chóng. 

Khi sử dụng Vetigel vào vết thương, ngay lập tức nó sẽ hình thành một cấu trúc dạng lưới. Một mặt gel tạo thành một lớp chất keo dính chặt vết thương lại, mặt khác lớp lưới hoạt động như một nền móng giúp cơ thể sản sinh tơ huyết trên bề mặt vết thương. Tơ huyết giúp chữa lành mô trong thời gian dài. Vì vậy, Vetigel không những có thể cầm máu các vết thương ngoài da mà còn hỗ trợ đắc lực cho các bác sĩ trong phẫu thuật.
Trong tương lai, xu hướng thành phố thông minh sẽ trở nên phổ biến.

Thứ hai, đó là những ứng dụng mới của vi khuẩn ruột. Y học coi ruột là “mỏ vàng” bởi ruột có chứa hàng nghìn tỷ vi khuẩn hay microbiome. Trong 10 năm qua, y học đã khai thác ngày càng hiệu quả “mỏ vàng” có sẵn này. 

Các hóa chất do microbiome bài tiết để can thiệp và tiêu hóa thức ăn đã được nghiên cứu dùng cho mục đích chữa bệnh, thậm chí còn được dùng cho nghiên cứu, khám phá ra cơ chế gây bệnh và phát triển của bệnh tật. 

Các công ty công nghệ sinh học hiện đang chuyển từ thị trường di truyền sang thị trường microbiome, tìm ra các giải pháp mới để chẩn đoán, chữa trị bệnh, cho ra đời sản phẩm “probiotic”, ngăn chặn sự mất cân bằng của vi khuẩn độc hại ngay trong cơ thể người. 

Năm 2018 được xem là năm của microbiome với những sản phẩm đầy hứa hẹn nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho con người.

Cách mạng năng lượng

Hiện nay, nhiều công ty trên thế giới đang phát triển công nghệ cho phép tích hợp các tế bào quang điện ngay vào kiến trúc hiện tại của ngôi nhà. Tesla đã sản xuất thành công ngói năng lượng mặt trời, trông giống như những tấm lợp mái bình thường trên ngôi nhà. 

Công nghệ này đã được lắp đặt cho khoảng 10 ngôi nhà, bao gồm nhà của người sáng lập công ty - Elon Musk. Đơn hàng cho công nghệ này hứa hẹn sẽ tăng mạnh vào năm 2018. 

Trong khi đó, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Michigan (Mỹ) đã phát minh các tế bào năng lượng mặt trời trong suốt có thể thu nhận những bước sóng của ánh sáng mặt trời. Điều này có nghĩa là chúng có thể gắn như kính cửa sổ để thu năng lượng mặt trời. 

Các nhà khoa học ước tính có gần 7.000km² diện tích cửa sổ tại Mỹ nếu thay thế bằng loại pin mới này, có thể nâng thêm 40% sản lượng điện của Mỹ. 

Chưa hết, một nhóm các nhà nghiên cứu Australia còn phát minh loại sơn dùng để thu nhận năng lượng mặt trời. Loại sơn này hoạt động bằng cách thu hút hơi nước từ không khí và sau đó sử dụng năng lượng từ ánh sáng mặt trời để tách hơi nước thành oxy và khí hydro. 

Khí hydro thu được dùng sử dụng trong các tế bào nhiên liệu. Rõ ràng, dù năng lượng mặt trời chưa mang lại lợi ích thương mại trong thời gian ngắn nhưng sẽ ngày càng trở thành nguồn năng lượng thiết thực.

Tesla đã sản xuất thành công ngói năng lượng mặt trời, trông giống như những tấm lợp mái bình thường.

Thành phố thông minh

Giới quan sát dự báo xu hướng thành phố thông minh sẽ trở nên phổ biến. Các thành phố trong tương lai sẽ được trang bị cảm biến cho phép người dân có thể theo dõi mọi thứ, từ lưu lượng xe luân chuyển đến tiếng ồn hay chất lượng không khí. Các con đường sẽ là “lãnh địa” của phương tiện tự lái như taxi và xe tải, trong khi đó thùng rác sẽ được đưa đi trong các ống chân không dưới lòng đất.

Sidewalk Labs (một công ty con của Alphabet – đơn vị sở hữu Google) tuyên bố cam kết chi 50 triệu USD để thiết kế lại 4,8ha bờ sông thuộc Toronto (Canada) nhằm tạo nên “thành phố thông minh”. 

Theo đó, nhiều khu vực sẽ được “trải thảm cảm biến”, thiết kế đường sẽ ưu tiên cho người đi bộ, người đi xe đạp và ôtô tự lái. Việc xây dựng sẽ dùng nhiều cấu trúc đúc sẵn bằng gỗ và nhựa thân thiện với sinh thái. Nếu mọi việc suôn sẻ, công ty sẽ mở rộng dự án lên gần 324ha. 

Hiện nay, tỷ phú Bill Gates đang tham gia vào phong trào thành phố thông minh. Nhà sáng lập Microsoft dự định đầu tư 80 triệu USD vào một thành phố thông minh với diện tích 10.117ha ở phía tây của Phoenix (bang Arizona, Mỹ) gồm 80.000 ngôi nhà. 

Một thành phố tương lai khác sẽ sớm nhận được nhiều sự quan tâm hơn khi Thế vận hội mùa đông khai mạc tại PyeongChang (Hàn Quốc) vào tháng 2. Khu vực 607ha này được xây dựng trên mảnh đất khai hoang cách biển Hoàng Hải hơn 70km về phía tây nam Seoul, với tính năng tòa nhà tiết kiệm năng lượng, trạm sạc xe điện và hệ thống chất thải xử lý khí nén.

Tàu tự động

Năm 2018 tiếp tục chứng kiến con tàu tự động hóa không ngừng lăn bánh. Tại Copenhagen (Đan Mạch), Rolls-Royce đang chuẩn bị thử nghiệm tàu biển tự hành. Còn tại Boston, bang Massachusetts (Mỹ), Công ty Sea Machines Robotics đang thử nghiệm một con tàu chở hàng vận chuyển hàng hóa lên Bắc Đại Tây Dương mà không cần người quản lý. 

Trong khi đó, Công ty Yara International (Na Uy) dự định vận chuyển phân bón bằng chiếc tàu chạy bằng điện dọc theo tuyến đường biển Fjord ở Trondheim. 

Con tàu dự kiến được thí điểm điều khiển từ xa vào năm 2019 và sẽ hoàn toàn tự động vào năm 2020. Những người ủng hộ nói rằng, các con tàu tự hành có nhiều ưu điểm so với các tàu thông thường có người lái, ít bị lỗi, khó bị cướp biển tấn công hơn và có thể được thiết kế với khả năng vận chuyển lớn hơn. 

Ngoài ra, đây cũng là giải pháp cho tình trạng thiếu lao động hàng hải có tay nghề. Tự động hóa việc vận chuyển sẽ có nghĩa người lao động không phải mất nhiều tuần hoặc vài tháng lênh đênh trên biển, thay vào đó cuộc sống của thủy thủ sẽ chuyển sang công việc khác.

Tầm quan trọng của AI trong cách mạng công, nông nghiệp sẽ khiến công nghệ này ngày càng phát triển

Bên cạnh những đột phá khoa học công nghệ, giới quan sát cũng đưa ra một số nhận định về xu thế công nghệ trong năm 2018, bao gồm:

Công nghệ và giải trí

Có vẻ như các công ty công nghệ đang toan tính đổ thêm tiền vào lĩnh vực phim ảnh, mà đích đến chính là Hollywood. Những “gã khổng lồ” như Apple, Amazon, Google và Facebook đều đang đầu tư rất nhiều để phát triển phim, chương trình truyền hình và nội dung video khác khi mỗi hãng dự định sẽ đổ vào hàng tỷ USD vào các dự án này. 

Tham vọng của họ là dễ hiểu. Đối với Apple, họ có thể cung cấp một số bộ phim truyền hình tuyệt vời vào dịch vụ Apple Music để cạnh trang với Spotify và Pandora, hòng chiếm ngôi vương nghe nhạc trực tuyến toàn cầu. Ngoài ra, còn là cách để Apple thu thêm tiền từ khách hàng khi họ tải một trong những tiện ích trên App Store. 

Trong khi đó, Google và Facebook đang âm mưu phát triển mảng kinh doanh quảng cáo thông qua các chương trình truyền hình. Google đã sản xuất chương trình trên YouTube với sự có mặt của các MC nổi tiếng như Ellen DeGeneres và Kevin Hart, trong khi đó Facebook đã bắt đầu triển khai dịch vụ xem video “Watch”. 

Amazon thì thành công hơn cả về dịch vụ lẫn thương mại, như việc đưa các thuê bao thường lên thành viên VIP của Prime - tại đây người dùng sẽ được lưu trữ ảnh không giới hạn, tha hồ xem phim, xem video, nghe nhạc hay đọc sách điện tử. Những dấu hiệu này cho thấy rằng các “ông lớn” công nghệ đang rất chịu chơi khi đầu tư hàng tỷ USD để lấn sân vào các lĩnh vực “không chuyên” nhằm cạnh tranh với đối thủ.

AR rút lui, AI lên ngôi

Công nghệ thực tế tăng cường (AR) là công nghệ mới nhất thay thế cho công nghệ thực tế ảo (VR) được sử dụng để ảo hóa những bức ảnh trên thực tế. Apple, Google, Facebook, Snapchat, và hầu hết các công ty tiêu dùng lớn đều đã bắt đầu xây dựng nền tảng cho riêng mình bằng cách sử dụng AR trong các ứng dụng hoặc tiện ích của điện thoại thông minh. 

Ngoài điện thoại ra thì cho đến nay vẫn chưa có một thiết bị nào áp dụng công nghệ này. Cho đến khi kính mắt kết hợp tai nghe thông minh Magic Leap ra đời gần đây nhất, nhưng nó mang lại cho người dùng sự bất tiện khi di chuyển và thiếu tính thẩm mỹ. 

Trong tương lai, các thiết bị AR sẽ có tiềm năng phát triển hơn nhờ sự thúc đẩy của Apple hay Google nhưng hiện tại các khoản đầu tư mạo hiểm vào AR đang dần khô cạn. Có lẽ thế giới sẽ phải chào tạm biệt công nghệ này cho đến tận năm 2020.

Khi mà công nghệ AR tạm thời dừng lại thì thế giới sẽ trông chờ vào sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo (AI). Một trong những từ khóa được sử dụng nhiều nhất thời gian vừa qua chính là trí tuệ nhân tạo - thứ mà hầu như được cài đặt trong tất cả các thiết bị thông minh hiện nay như ôtô tự lái, hay các trợ lý ảo Siri, Alexa, Bixby, Cortnan được sử dụng trong điện thoại và máy tính bảng. 

AI là khái niệm mang nhiều hứa hẹn nhất trong công nghệ mà thế giới đang có ngày nay, ngay cả con người không cần thiết phải nhìn thấy AI mỗi ngày. 

Tầm quan trọng của AI trong cách mạng công, nông nghiệp sẽ khiến công nghệ này ngày càng phát triển. Có thể khẳng định rằng nếu một công ty không nghĩ đến cách sử dụng AI để làm cho sản phẩm của mình tốt hơn đều có nguy cơ thất bại...

Nam Hồng
.
.