Những ý tưởng công nghệ sẽ thay đổi thế giới

Thứ Ba, 26/09/2017, 08:10
Khoa học công nghệ luôn là chìa khóa để mở ra một thế giới mới tốt đẹp hơn, nơi giá trị của con người được đề cao. Khi mà khoa học công nghệ càng phát triển mạnh với những đột phá lớn lao thì cuộc sống của con người càng được cải thiện và nâng lên những tầm cao mới. 

Nhờ trí tưởng tượng và khả năng khám phá vô hạn, con người đã và đang đưa ra rất nhiều ý tưởng độc đáo, thể hiện qua hàng loạt các dự án lớn nhỏ được nhận định có thể thay đổi thế giới, giải quyết các vấn đề xã hội nhức nhối, cũng như giúp con người tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Dọn rác vũ trụ

Hiện nay, những vỏ tên lửa rỗng, các vệ tinh đồ sộ đã ngừng hoạt động hay những mảnh thủy tinh đã tạo nên hơn 7 nghìn tấn rác trôi nổi trong không gian vũ trụ. Điều này đe dọa tới sự an toàn của các vệ tinh đang hoạt động, nhất là đối với các vệ tinh hỗ trợ cho thông tin liên lạc Internet và điện thoại di động. Hầu hết các vật được phóng vào không gian đang quay cùng quỹ đạo trái đất, kể cả rác vũ trụ. 

Thực tế cho thấy, các mảnh vỡ dù rất nhỏ nhưng có thể đạt tới vận tốc hàng ngàn km/giờ trong quỹ đạo. Do đó, chúng có thể gây ra những thiệt hại thảm khốc. Chính vì thế, Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) thường xuyên phải thay đổi vị trí để tránh va chạm với các mảnh vỡ trôi nổi trong vũ trụ.

Giờ đây, ý tưởng "máy quét rác vũ trụ" sẽ giải quyết vấn đề này. Dự án được khởi động vào đầu năm 2017 nhằm "kéo" các loại rác vũ trụ trở về với trái đất. 

Theo các nhà khoa học, một số mảnh vỡ hiện ở cách trái đất khoảng 1.000km và để thu gom tất cả những mảnh vỡ ấy cần khoảng 1.000 năm. Tuy nhiên, với "máy quét rác vũ trụ", con người chỉ cần khoảng 10 - 20 năm trước khi vấn đề trở nên nghiêm trọng. 

Nghiên cứu mở ra hướng đi mới về vật liệu và tận dụng năng lượng mặt trời hiệu quả hơn.

Công nghệ thu gom rác thải vũ trụ sẽ dựa trên nguyên tắc cực kỳ đơn giản. "Máy quét rác" tương tự như một lưới đánh cá được phóng vào không gian để lấy rác. Một khi bị mắc vào lưới, các chất thải sẽ được một tàu vũ trụ kéo trở về trái đất. Nhiệt được sinh ra do ma sát với không khí khi rơi sẽ đốt cháy số rác này. Những phần nào không bị đốt cháy hoàn toàn sẽ được điều chỉnh để rơi xuống các đại dương một cách có kiểm soát.

Tự tạo xương

Các nhà khoa học đã tìm ra công thức phát triển xương nhân tạo mà không cần đến hóa chất hoặc thuốc. Đó là kỹ thuật lấy tế bào gốc từ tủy sống, phát triển thành nhiều loại tế bào và đặt trong trạng thái rung động ở tần số cao để khuyến khích tạo ra tế bào xương. 

Như vậy, mảnh xương mới được tạo ra bởi tế bào của chính bệnh nhân, không có hóa chất hay protein tăng trưởng với các tác dụng phụ không mong muốn. Với phương pháp này, bệnh nhân không bị đau đớn trong phẫu thuật loại bỏ các bộ phận cơ thể và cũng không bị nguy cơ từ chối bởi các mô mới.

Các xương mới có thể cấy ghép với xương hiện có hay làm lành xương bị tổn thương. Xương mới có thể cấy trực tiếp cho bệnh nhân bị gãy xương mà không cần phẫu thuật và trong tương lai, sẽ giúp ngăn ngừa tăng trưởng nhanh ung thư xương. Tác động của việc tạo ra tế bào xương mới là rất lớn, vì ngoài máu thì xương là mô lớn thứ hai trong cơ thể. 

Trong khi đó, nhu cầu ngày càng tăng đối với người cao tuổi vì nhiều bệnh nhân bị loãng xương hay gãy xương. Nhóm nghiên cứu đề tài này hy vọng trong ba năm nữa sẽ cấy xương cho người trong phòng thí nghiệm và điều trị lâm sàng sẽ sẵn sàng trong một thập kỷ tới.

Dự án "Máy quét rác vũ trụ" được khởi động nhằm "kéo" các loại rác vũ trụ trở về trái đất.

Âm nhạc thay thuốc

Mặc dù việc sử dụng âm nhạc trị liệu khác xa với chuẩn mực trong rất nhiều các lĩnh vực khác của nền y học hiện đại, nhưng nó đã được chấp nhận trong nhiều thập kỷ qua. Liệu pháp âm nhạc ngày càng được chú ý, khi mà các nghiên cứu liên tục cho thấy tác dụng của âm nhạc đối với bệnh nhân, từ việc giảm cân đến rối loạn tâm lý. 

Bên cạnh đó, âm nhạc cũng có thể giúp trẻ em tự kỷ phát triển các kỹ năng giao tiếp, giúp các bệnh nhân Parkinson cải thiện chức năng vận động, và thậm chí có tác dụng như làm thuốc giảm đau tự nhiên. Rõ ràng, âm nhạc có thể hỗ trợ rất nhiều dạng phục hồi, và là một sự can thiệp chi phí thấp, thường làm giảm những đau đớn do phẫu thuật, do các bước thủ tục, viêm cấp tính hay mạn tính.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Drexel (Mỹ) tuyên bố đã tìm ra bằng chứng âm nhạc có thể là một công cụ quan trọng để giảm bớt lo lắng, đau đớn và mệt mỏi cho bệnh nhân ung thư. Theo đó, âm nhạc có thể ảnh hưởng đến các phản ứng sinh học như nhịp tim và huyết áp, tăng cường chức năng miễn dịch, cũng như giảm thiểu đáng kể triệu chứng suy sụp. Kết quả nghiên cứu cho biết, nghe nhạc sẽ giảm nhu cầu dùng thuốc gây mê và giảm đau, cũng giảm thời gian nằm viện, phục hồi sức khỏe và cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân. Từ đây, nhiều nhà khoa học đã đề xuất ý tưởng tận dụng âm nhạc như một loại dược phẩm có tác dụng mạnh và hiệu quả tới đời sống và sinh lý của con người thông qua dự án "Thư giãn", nhằm cung cấp các kỹ thuật thư giãn phù hợp với tâm trạng của mọi người. Có những căn bệnh mà không thuốc nào có thể chữa trị được nhưng điều kỳ diệu là âm nhạc có thể làm cho tâm trạng con người tốt hơn và cải thiện được tình trạng bệnh tật.

Tái tạo ánh sáng mặt trời

Công nghiệp khai thác tế bào năng lượng mặt trời đang ở đỉnh cao của một cuộc cách mạng, và mới đây các nhà nghiên cứu đã tìm ra một phương pháp mới để thúc đẩy hiệu quả và giúp tái tạo lại ánh sáng. Giới chuyên gia đã xem xét những đặc tính của vật liệu perovskites heli chì lai - nhóm những vật liệu được sử dụng để tạo sóng trong công nghệ năng lượng mặt trời. 

Qua đó, họ chỉ ra khả năng của vật liệu này trong việc hấp thụ năng lượng mặt trời, tạo ra dòng điện trở và sau đó tự sản xuất ra năng lượng ánh sáng. Chưa dừng lại ở đó, các nhà khoa học còn chứng minh rằng, những tấm pin mặt trời từ vật liệu này có thể sản xuất với giá thành rẻ bằng các chất liệu tổng hợp, từ đó tăng tính khả thi trong việc sản xuất kinh doanh thương mại sản phẩm này.

Vật chất perovskites heli chì lai có thể phát ra ánh sáng sau khi tạo ra điện tích và hấp thụ lại năng lượng ánh sáng ngay sau đó. Kết quả là, pin mặt trời hoạt động như một bộ tập trung, có khả năng sản xuất nhiều năng lượng hơn để tăng lượng điện áp hấp thụ được từ một lượng ánh sáng nhất định. Loại pin mới này hiệu quả hơn những tấm pin được chế tạo từ vật liệu không có khả năng tái chế. 

Tầm quan trọng của vấn đề này nằm ở chỗ những ghi nhận hiện tại về hiệu quả của pin photon chỉ vào khoảng 20-21%, trong khi giới hạn tối đa có thể lên tới 33%. Và phát hiện mới về perovskites heli chì lai sẽ mở đường cho việc đạt tới giới hạn tối đa đó. 

Các chuyên gia hi vọng rằng, nghiên cứu mới này sẽ không chỉ là bước tiến mới giúp con người có thể chạm tới mức trần của hiệu suất năng lượng mặt trời mà còn mở ra hướng đi mới về nghiên cứu vật liệu và tận dụng năng lượng mặt trời hiệu quả hơn.

Âm nhạc có thể làm cho tâm trạng con người tốt hơn và cải thiện được tình trạng bệnh tật.

Đấu tranh vì người khuyết tật

Sau khi tốt nghiệp, doanh nhân Arjun Harrison-Mann đã điều hành Công ty Studio Hyte và tham gia dự án "Thiết kế đối thoại" nhằm tranh luận, nâng cao nhận thức và kích thích sự thay đổi với người khuyết tật ở Anh. 

Sự cắt giảm liên tục của Chính phủ Anh đối với các khoản viện trợ cho người tàn tật đã làm cho cuộc sống của họ khó khăn hơn rất nhiều. Chính tấm lòng đồng cảm và thương người đã thúc đẩy ông đưa ra một dự án thiết kế mang tình toàn cầu. Đây là cách để ông thể hiện rõ ràng quan điểm của mình, để mọi người trên thế giới đánh giá và lên án, phản đối các chính sách của Chính phủ Anh, là cơ hội để những người khuyết tật được lên tiếng. 

Trong bài phát biểu của mình, Harrison-Mann nhấn mạnh ba yếu tố chính của dự án là thiết lập bối cảnh phù hợp, để lại ấn tượng tốtä với tất cả mọi người và cuối cùng là tạo ra được những tương tác hiệu quả.

Đối với người khuyết tật, việc mang trong mình những căn bệnh nan y và không thể tự lo chu toàn cho cuộc sống của chính mình là một mặc cảm lớn. Cộng đồng không nên xa lánh mà nên tìm cách để động viên, giúp đỡ họ có đủ tự tin hòa nhập với xã hội. 

Chính điều này sẽ giúp họ phát huy được khả năng của mình giúp ích cho cộng đồng, không trở thành gánh nặng của gia đình. Để cải thiện cuộc sống của những người tàn tật, các bệnh nhân mới phẫu thuật xong hay những người bị bệnh nặng khó cứu chữa, doanh nhân Grace Jun của Trường thiết kế Parsons (Mỹ) đã đưa ra một dự án chưa từng có từ trước tới nay: cải tiến kỹ thuật may mặc để giúp cuộc sống của bệnh nhân được linh hoạt hơn trong việc di chuyển và đi lại. 

Ví dụ như, sau khi dựa trên kết quả điều tra về việc di chuyển của bệnh nhân ung thư vú, Grace Jun đã đưa ra ý tưởng thiết kế ống tay rộng hơn và có gắn các nút tùy chọn và khóa từ, giúp người sử dụng có thể điều khiển bằng máy móc.

Nguyễn Tuyết
.
.