Trị liệu ung thư bằng… ai?

Thứ Hai, 23/04/2018, 07:03
Hiện nay, cuộc chiến với căn bệnh ung thư đang ngày càng trở nên cam go và thách thức khi bác sĩ và người bệnh luôn mong muốn áp dụng liệu pháp điều trị hiệu quả.

Sự tiến bộ không ngừng của khoa học kĩ thuật đã đem tới nhiều loại thuốc mới, cũng như mở ra cơ hội điều trị ung thư thông qua các liệu pháp độc đáo. 

Các nhà nghiên cứu tin rằng, với sự tiến bộ vượt bậc trong việc kiểm soát quá trình phát triển và diễn tiến của bệnh ung thư, con người hoàn toàn có thể kiểm soát được tình hình và “tạo nên phép màu”.

Còn đối với bệnh nhân ung thư, những đóng góp khoa học có ý nghĩa vô cùng lớn lao, giúp họ vượt qua hành trình đấu tranh với bệnh tật bởi họ biết các nhà khoa học luôn đồng hành, tìm ra các giải pháp khống chế căn bệnh hiểm nghèo này.

Đột phá thuốc điều trị

Trong một phát hiện mới đây, các nhà khoa học tại Trường Đại học Standford (Mỹ) đã tìm thấy một hỗn hợp gồm hai hoạt chất có thể tiêu diệt các tế bào ung thư ở chuột, mang lại hi vọng trong việc điều trị cho những người mắc căn bệnh hiểm nghèo này.

Nhóm nghiên cứu đã tiêm hỗn hợp gồm hai hoạt chất tăng cường miễn dịch trực tiếp vào khối u trong cơ thể chuột: một hoạt chất đã qua kiểm nghiệm để được sử dụng trên cơ thể người và hoạt chất còn lại đang được sử dụng trong các thí nghiệm điều trị bệnh hệ bạch huyết.

Kết quả cho thấy mọi dấu vết của khối u trong cơ thể chuột sau khi tiếp nhận hỗn hợp trên đã không còn. Việc áp dụng “vaccine” này cũng ghi nhận kết quả tương tự ở những chú chuột mang tế bào ung thư vú, ung thư hệ bạch huyết, ung thư ruột kết và ung thư hắc tố.

Tập đoàn Microsoft đã thể hiện tham vọng sẽ điều trị thành công bệnh ung thư trong vòng 10 năm tới bằng AI.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, việc áp dụng phương pháp trên có thể rút ngắn quá trình điều trị, cũng như giảm chi phí cho người bệnh.

Theo nghiên cứu, không có “sự hạn chế” trong việc áp dụng phương pháp này đối với các loại ung thư, bởi hai hoạt chất này đủ khả năng tiêu diệt thành công tế bào của nhiều loại ung thư mà không cần đến sự tác động của hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh.

Chưa dừng lại ở đó, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Uppsala (Thụy Điển) tuyên bố đang phát triển một loại thuốc có thể “chặn đứng” bệnh ung thư. Theo đó, loại thuốc nhắm vào một loại enzyme đặc hiệu tiếp sức cho khối u di căn, bằng cách gắn vào màng của những tế bào đang nhân lên nhanh chóng. Điều này sẽ cướp đi “cơ chế sống” của tế bào ung thư và ngăn cản khối u gắn với protein mà chúng cần có để phát triển.

Trong báo cáo cuối tháng 3-2018, nhóm nghiên cứu miêu tả loại thuốc gắn với protein màng của các tế bào ung thư được gọi là DHODH. Họ đã phân tích cách thức mà chất béo, những viên gạch xây nên màng tế bào, và thuốc gắn với DHODH.

Các thí nghiệm mô phỏng cho thấy enzyme sử dụng một vài lipid như những chiếc neo bám vào màng tế bào. Khi gắn với những lipid này, một phần nhỏ của enzyme sẽ gấp lại thành một “bộ chuyển đổi” cho phép enzyme nhấc chất nền tự nhiên của nó (chất mà enzyme tác động vào) ra khỏi màng tế bào.

Nghiên cứu này giúp giải thích tại sao một số thuốc lại gắn khác nhau với các protein riêng biệt và protein trong tế bào. Bằng cách nghiên cứu các cấu trúc và cơ chế gốc của các tế bào ung thư, có thể khai thác các đặc điểm riêng biệt nhất của chúng để thiết kế những liệu pháp mới chọn lọc hơn.

Trị liệu chọn lọc

Một trong những thay đổi đáng kể trong lĩnh vực điều trị ung thư là giảm hóa trị liệu. Báo cáo nghiên cứu mới đây cho hay, tỷ lệ phác đồ hoá trị liệu đối với các dạng ung thư vú giai đoạn sớm đang giảm.

Theo thống kê trong 2 năm (2013 - 2015), tỷ lệ hóa trị giảm từ 34,5% xuống còn 21,3%. Trước đây, hơn 1/3 phụ nữ đã sử dụng hoá trị liệu trong giai đoạn đầu hoặc thứ hai, tuy nhiên hiện nay chỉ có khoảng 1/5 bệnh nhân được hóa trị liệu.

Xu hướng này vô cùng ấn tượng, chắc chắn ngày càng có nhiều khám phá mới và hiểu biết sâu hơn về việc hóa trị quá mức, các chuyên gia điều trị bệnh ung thư bắt đầu mở rộng áp dụng các biện pháp tầm soát sớm bệnh ung thư, chẳng hạn kỹ thuật xét nghiệm ung thư vú di truyền (OncotypeDx hoặc MammaPrint), tránh được việc hóa trị.

Bên cạnh đó, giới khoa học cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển những phương thức điều trị ung thư đột phá. Trước hết, cần phải nhắc đến việc điều trị dựa vào sự biến đổi của phân tử tế bào ác tính, không nhất thiết dựa vào vị trí khối u (chẳng hạn không phân biệt khối u ở ngực hay đại tràng).

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã chấp thuận thuốc Keytruda, sử dụng cho tất cả các bệnh nhân ung thư với một số đặc điểm như rối loạn trong các Microsatellite (những trình tự đặc biệt của ADN). 

Tiếp đó, Mỹ đã đưa ra loại thuốc điều trị thử nghiệm bệnh ung thư có tên larotrectinib, trong các nghiên cứu đầu tiên đã hỗ trợ hầu hết các bệnh nhân mắc các loại bệnh ung thư, trong đó có cả những trường hợp trước đây khó điều trị. Hiện FDA đang thẩm định loại thuốc này để đưa ra thị trường.

Một liệu pháp khác là dùng vaccine để kích hoạt hệ miễn dịch. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có kết quả tốt với liệu pháp miễn dịch. Chỉ có khoảng 15-25% bệnh nhân có tác dụng thật sự và các bác sĩ vẫn chưa tìm ra lý do tại sao.

Với các nghiên cứu và kỹ thuật mới, liệu pháp miễn dịch chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến ung thư. Ngoài ra, năm 2018 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của liệu pháp trị liệu theo mục tiêu, được áp dụng rộng rãi cho các bệnh nhân ung thư vú. 

Các liệu pháp này rất đa dạng như dùng chất ức chế PARP cho bệnh nhân đột biến BRCA1 hoặc BRCA2 và các chất ức chế CDK 4/6 mới cho ung thư vú ER-dương tính/ HER-2- âm tính. Các phương pháp điều trị này cho thấy đạt kết quả tích cực trong các thử nghiệm lâm sàng thực hiện gần đây.

Sức mạnh trí tuệ nhân tạo

Theo dự báo, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo nên những bước đột phá trong lĩnh vực điều trị ung thư. Rất ít bác sĩ, thậm chí các chuyên gia ung thư, có thể theo kịp với sự phát triển trong lĩnh vực này.

Cho dù đó là Watson của IBM hoặc lời khuyên từ các nhãn hiệu trí tuệ nhân tạo khác, các thuật toán điều khiển dữ liệu là cần thiết để cung cấp lời khuyên cho bác sĩ. 

Lĩnh vực mới về sinh học tính toán có thể áp dụng dữ liệu lớn cho từng bệnh nhân, cung cấp các khuyến cáo dựa trên khoa học ung thư và kiến thức thực tế về các phương pháp điều trị được chấp thuận. Đây chính là xu hướng trong thời gian tới, khẳng định tầm quan trọng của việc điều trị ung thư cần được thúc đẩy bởi AI bởi thế giới được dự báo sẽ có khoảng 15 triệu trường hợp mới bị ung thư trong năm 2018.

Tập đoàn Microsoft đã thể hiện tham vọng sẽ điều trị thành công bệnh ung thư trong vòng 10 năm tới bằng AI. Với dự án “Hanover”, các nhà nghiên cứu đã và đang làm việc để giải quyết căn bệnh ung thư bằng cách triển khai các kỹ thuật máy tính cho những công việc như phân tích khối u, thiết kế chế độ thuốc mới và giúp các bác sỹ tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất. 

Sự tiến bộ không ngừng của khoa học kĩ thuật đã tạo ra nhiều loại thuốc mới trong cuộc chiến chống ung thư.

Microsoft cho biết các chuyên gia của hãng đang tập trung làm việc một cách tích cực trong việc xử lý căn bệnh ung thư bằng AI.

“Gã khổng lồ” này có tham vọng biến các tế bào ung thư trong cơ thể con người thành những cỗ máy vi tính “sống”. Theo Microsoft, căn bệnh ung thư quái ác như một loại virus máy tính, xâm nhập và phá hủy các tế bào trong cơ thể con người. Do đó, nó có thể được lập trình lại để điều trị một bệnhung thư bất kỳ.

Hi vọng miễn dịch

Trị liệu ung thư bằng liệu pháp miễn dịch được hi vọng sẽ trở nên phổ biến. Năm 2015, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter được chẩn đoán ung thư hắc tố da di căn lên não và tiên lượng rất xấu. Ông được chữa bằng Pembrolizumab, một loại thuốc đặc biệt nhắm vào các “trạm kiểm soát” của hệ miễn dịch và tháo bỏ các trạm này. Các tế bào của hệ miễn dịch được tự do, sống lâu hơn, và tấn công vào tế bào ung thư.

Kết quả là cựu Tổng thống Mỹ vẫn còn sống đến nay. Sự kiện này cho thấy tính khả quan của việc dùng chính tế bào miễn dịch để tấn công ung thư, giống như “tự thanh trừng nội bộ”. Trị liệu này ít có tác dụng phụ vì kích thích hệ miễn dịch tấn công ung thư chứ không dùng hoá trị.

Một số ý kiến tin rằng, liệu pháp miễn dịch là một lĩnh vực hứa hẹn cho nghiên cứu ung thư. Nhiều nghiên cứu chuyên sâu cho thấy, bạch cầu trung tính có thể giết chết tế bào ung thư cổ tử cung.

Sau những thí nghiệm trên chuột, một công ty ở Anh hiện đang chuẩn bị cho những thử nghiệm đầu tiên về điều trị bằng bạch cầu trung tính trên một số bệnh nhân. Các nhà khoa học đã thu thập hàng ngàn tế bào bị bỏ đi từ các ngân hàng máu và sàng lọc chúng về khả năng tiêu diệt ung thư trong phòng thí nghiệm. Sau đó những tế bào này được nuôi cấy và nhân lên nhiều lần nhờ một quy trình bí mật để chúng trở nên mạnh hơn.

Những tế bào bạch cầu trung tính - một phần trong tuyến phòng ngự đầu tiên của cơ thể - sau đó được nhân lên hàng triệu lần và tiêm vào bệnh nhân ung thư. Những tế bào này được cho là lý do chính khiến một số ít người tự đào thải bệnh ung thư và hồi phục “kỳ diệu”.

Thử nghiệm thí điểm dự tính sẽ bắt đầu trong vòng một năm nữa, bao gồm một nhóm nhỏ từ 20 đến 40 bệnh nhân bị ung thư tuyến tụy, hoặc có thể là một dạng hiếm gặp của ung thư mô mềm. Mỗi người tham gia sẽ được truyền hàng tuần các bạch cầu trung tính có khả năng diệt ung thư.

Việc điều trị cho một bệnh nhân sẽ cần khoảng 2,5 tỷ tế bào. Nếu thành công thì điều này sẽ đặt nền móng cho việc xây dựng một ngân hàng tế bào đầu tiên trên thế giới nhằm cung cấp bạch cầu trung tính trong lộ trình tiêu diệt ung thư.

Lâm Anh
.
.