Mặt trăng có gì, mà phải tranh nhau?
- Cuộc đua khốc liệt chinh phục Mặt trăng
- Hang núi lửa giúp người định cư trên mặt trăng
- NASA tiết lộ kế hoạch cho con người "định cư" trên Mặt trăng
Sự rắc rối trong cuộc chiến thâu tóm “chị Hằng” khiến giới quan sát phải kêu gọi Liên Hiệp Quốc sớm có những điều luật chung để quản lý mặt trăng trước khi quá muộn.
Trên thực tế, Hiệp ước Không gian năm 1967 được Mỹ và Liên Xô phê chuẩn quy định không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với bất kỳ nơi nào ngoài trái đất. Do tính chất lỏng lẻo của Hiệp ước 1967, một số nước đề xuất Hiệp ước Mặt trăng nhưng cho đến nay chỉ có 16 nước phê chuẩn hiệp ước này.
Kình địch muôn thuở
Trong thời kỳ căng thẳng Chiến tranh Lạnh, hai siêu cường Liên Xô - Mỹ đã tiêu tốn vô số nhân tài và vật lực cho cuộc chạy đua vũ trụ thâu tóm mặt trăng, và tham vọng tận dụng điều này để mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài bầu khí quyển của trái đất.
Mỹ phô trương sức mạnh bằng Chương trình Apollo với những cuộc đổ bộ của con người xuống mặt trăng, với tổng cộng gồm 6 lần hạ cánh trong giai đoạn từ 1969 tới 1972. Tổng cộng 24 phi hành gia của Mỹ được đưa lên quỹ đạo mặt trăng và 12 người trong số đó đã đặt chân lên thiên thể này.
Năm 1969, Neil Armstrong và Buzz Aldrin là những người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng trong chuyến bay Apollo 11. Cho đến nay, chưa có nước nào khác đưa người lên khám phá mặt trăng mà thay vào đó là các cỗ máy robot tự vận hành để tiết kiệm chi phí.
Điều thú vị ở đây là, trong khi Mỹ liên tục đưa người lên mặt trăng thì Liên Xô dường như... im hơi lặng tiếng. Tuy nhiên, một số nguồn tin tiết lộ Liên Xô thực chất có một chương trình đưa người lên mặt trăng đã được bí mật triển khai từ năm 1960. Ý tưởng đưa ra theo đồn đoán liên quan tới một tên lửa đẩy N-1 cực mạnh có khả năng đưa người lên mặt trăng.
Tuy nhiên, việc chế tạo lại gặp nhiều khó khăn liên quan đến ngân sách cũng như mâu thuẫn về kỹ thuật bên trong nội bộ các nhà khoa học hàng đầu Liên Xô.
Cần phải hiện thực hóa ý tưởng tạo ra một cơ quan chuyên quản lý mặt trăng, nhằm thảo luận việc sử dụng các nguồn tài nguyên ở vệ tinh này. |
Lực lượng tên lửa chiến lược - đơn vị nắm giữ quyền phân bổ ngân sách - vốn không mấy mặn mà với “chương trình viễn tưởng” đưa người lên mặt trăng của Liên Xô, mà luôn kêu gọi tập trung đầu tư chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ quân sự.
Biết rằng đã hụt hơi trong cuộc đua với Mỹ nên Liên Xô quyết định đình hoãn các chương trình thám hiểm và đưa người lên mặt trăng để triển khai chương trình chế tạo các trạm không gian đầu tiên có người điều khiển và làm việc.
Từ năm 1969, Liên Xô khởi động chương trình phóng các không trạm thế hệ Salyut ra ngoài không gian, và đưa các nhà khoa học lên làm việc. Sau này Nga chính thức qua mặt Mỹ trong việc thực hiện các chuyến nghiên cứu dài ngày của con người vào không gian.
Chưa hết, Moscow toan tính kế hoạch đồn trú lâu dài trên mặt trăng, hướng đến một cuộc thám hiểm mới vào năm 2024 trước khi đưa người lên mặt trăng vào năm 2030. Việc Nga khẩn trương khiến Mỹ “đứng ngồi không yên”.
Vừa qua, NASA tuyên bố sẽ thiết lập một trạm căn cứ quốc tế ở mặt trăng và cử một nhóm người thường trú từ năm 2024. NASA đã vận động Cơ quan Không gian của Liên minh châu Âu hỗ trợ chương trình, nhưng lơ là mọi đề nghị hợp tác từ Nga.
Có vẻ như điều này đã châm ngòi cho một cuộc chiến khi Nga tố cáo kình địch Mỹ “chơi xấu”.
Theo Nga, Mỹ muốn độc quyền chiếm và khai thác khí helium-3 quý hiếm trên mặt trăng và bắt các nước khác “quỳ dưới chân mình” một khi dầu mỏ đã cạn kiệt.
Cáo buộc này gần như ngay lập tức khiến truyền thông sôi sục, với hàng loạt các dòng tít báo nóng bỏng như “Mỹ - Nga bắt đầu chiến tranh về mặt trăng”, hay “Với Nga, kế hoạch NASA lên mặt trăng là một âm mưu”.
Những tay chơi mới
Không chỉ có Liên Xô - Mỹ, mặt trăng còn trở thành chiến địa để nhiều quốc gia khác tranh giành. Tính đến nay, thế giới đã có 59 trong tổng số 122 chuyến bay nghiên cứu mặt trăng thành công và dự kiến sẽ còn nhiều chuyến bay nữa trong bối cảnh mối quan tâm đến “xứ sở láng giềng” cách trái đất chừng 385.000km ngày càng lên cao.
Đối với nhiều quốc gia, chú trọng nghiên cứu mặt trăng không chỉ vì nguồn tài nguyên vô tận đầy giá trị mà còn vì mục đích quân sự và thể hiện chủ nghĩa dân tộc trong lĩnh vực khoa học.
Một “tay chơi lớn” trong cuộc chiến tranh giành mặt trăng là Bắc Kinh, với tham vọng càng nhanh chân thì càng có lợi. Bắc Kinh đã âm thầm khởi động kế hoạch xây dựng trạm radar có người đồn trú trên mặt trăng từ đầu năm nay và đã nhận khoản kinh phí ban đầu 20 triệu USD từ Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc cũng thông báo dự án đến năm 2020 sẽ hoàn thành một tên lửa đẩy khổng lồ, nhằm dọn đường cho những hoạt động quy mô lớn trong không gian. Theo lộ trình tham vọng, Bắc Kinh dự kiến đưa người lên mặt trăng vào giữa những năm 2030.
Trong khi đó, Ấn Độ tuyên bố sẽ gia nhập hàng ngũ những cường quốc chinh phục mặt trăng khi tàu vũ trụ không người lái Chandrayaan-2 đang được thiết kế để thực hiện việc hạ cánh “mềm” xuống mặt trăng trong năm 2018. Đây là dự án thăm dò mặt trăng tham vọng nhất của Chính phủ Ấn Độ từ trước đến nay.
Quốc gia Nam Á này toan tính ba phương tiện quan trọng nhất cho chuyến đi lên mặt trăng, bao gồm một tàu vũ trụ có khả năng bay theo quỹ đạo mặt trăng để lập bản đồ chi tiết dưới dạng 3D, một tàu đổ bộ và một xe thám hiểm tự hành có thể di chuyển linh hoạt nhằm thực hiện nhiệm vụ khảo sát thành phần đất đá trên bề mặt mặt trăng.
Sự kiện gây chấn động nhất cuộc đua tới mặt trăng chính là việc Israel tuyên bố sẽ gia nhập hàng ngũ các cường quốc vũ trụ bằng cách tự chủ phóng tàu thăm dò đầu tiên lên mặt trăng vào cuối năm 2018.
Hai siêu cường Liên Xô (cũ) - Mỹ luôn là kình địch trong cuộc chạy đua thâu tóm mặt trăng, mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài bầu khí quyển của trái đất. |
Công ty tư nhân SpaceIL của Israel vừa ký hợp đồng tham gia thám hiểm mặt trăng trong khuôn khổ Dự án Lunar XPRIZE của Google - hay còn gọi là Cuộc đua quốc tế lên mặt trăng. Theo đó, nhờ hỗ trợ tài chính, Tel Aviv sẽ “chạm tới” mặt trăng bằng một tàu thăm dò nặng 585kg, đồng thời sau đó nghiên cứu sản xuất robot tự hành thám hiểm mặt trăng, phóng lên nhờ tên lửa SpaceX Falcon 9.
Trước đó, vào năm 2014, quốc gia Do Thái này đã đạt những bước tiến quan trọng trong việc nghiên cứu mặt trăng và giờ đây Israel có thể đảm bảo chắc chắn thực hiện thành công dự án.
Khoảng trống pháp lý
Công nghệ phát triển cùng với tăng trưởng kinh tế khiến ngày càng nhiều quốc gia và công ty tham gia thám hiểm - khai thác vũ trụ, và điều này có thể dẫn đến những hệ quả đáng tiếc. Hiện nay, cơ sở pháp lý cho các hoạt động ngoài không gian giữa các quốc gia là Hiệp ước Không gian năm 1967 được quản lý bởi Cơ quan Không gian (OSA) trực thuộc Liên Hiệp Quốc.
Theo đó, thỏa thuận này hướng đến sự tự do cho tất cả các quốc gia trong việc khai thác vũ trụ nhưng nhấn mạnh không gian vũ trụ không thuộc chủ quyền hay sở hữu của bất cứ quốc gia nào.
Đặc biệt, thỏa thuận giới hạn việc sử dụng, khai thác tài nguyên không gian trên mặt trăng hay các hành tinh khác chỉ cho mục đích hòa bình.
Tới năm 1979, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc xây dựng Hiệp ước Mặt trăng với mục tiêu xác định đây là di sản chung của nhân loại và dự kiến thành lập một cơ quan quốc tế nên được thành lập để quản lý việc sử dụng tài nguyên nơi đây. Tuy nhiên, Mỹ và nhiều nước có chương trình vũ trụ khác đã từ chối ký vào bản hiệp định này, sau đó đã thông qua luật cho phép quyền sở hữu hợp pháp tài nguyên mà những tổ chức cá nhân thu thập, khai thác được trong không gian.
Động thái này nhận nhiều phản đối của các chuyên gia khi cho rằng chúng đi ngược lại Hiệp ước Không gian 1967, đồng thời khuấy động dư luận trước tham vọng đã quá rõ ràng của Mỹ cùng các quốc gia khác đối với mặt trăng: khai thác triệt để nguồn tài nguyên, tiến tới chiếm trọn vệ tinh này.
Các tranh cãi pháp lý vẫn liên tục nổ ra về chuyện Mỹ và nhiều quốc gia khác đang có những động thái nhằm độc quyền tài nguyên không gian trên mặt trăng bằng hàng loạt các dự án chinh phục “chị Hằng”.
Có ý kiến cho rằng, cần phải hiện thực hóa ý tưởng tạo ra một cơ quan chuyên quản lý về không gian, hay thậm chí riêng cho mặt trăng, nhằm quản lý việc sử dụng các nguồn tài nguyên ở vệ tinh này, thảo luận về vấn đề thương mại hóa không gian, cũng như làm rõ mục đích thực sự của bất cứ quốc gia hay tổ chức nào muốn khai thác mặt trăng.
Chưa hết, cần làm rõ các tranh chấp kiện tụng về thương mại hay chạy đua quân sự tới mặt trăng sẽ được xử lý ở đâu nếu xảy ra khi mà tòa công lý quốc tế của Liên Hiệp Quốc chỉ phán xử những tranh chấp ở... trái đất. Rõ ràng, khoảng trống lớn này không còn là vấn đề của tương lai nữa.