Khi robot chính thức trở thành công dân

Thứ Tư, 15/11/2017, 10:09
Robot có tên gọi Sophia, được xây dựng với kích thước một người trưởng thành với đầy đủ mắt mũi và chân tay, đã chính thức được xác nhận là một công dân Ảrập Saudi trong một sự kiện thương mại diễn ra tại thành phố Riyadh. 

Động thái cấp quyền công dân cho robot được coi là một nỗ lực để thúc đẩy Ảrập Saudi trở thành nơi phát triển trí thông minh nhân tạo trong tương lai. 

Sự kiện một robot lần đầu tiên phá vỡ rào cản, được cấp quyền như một công dân “bằng xương bằng thịt”, được coi là cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại, cũng là bằng chứng cho thấy công nghệ đang tiến bộ nhanh hơn nhiều so với những gì con người có thể cảm nhận.

Tuy nhiên, những cỗ máy có trí tuệ nhân tạo dù có những đóng góp hữu ích cho cuộc sống cũng chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn. Vì chúng quá thông minh có thể khiến con người khiếp sợ và điều này đe dọa nền văn minh nhân loại. Việc Sophia có quyền công dân đang làm dấy lên những tranh cãi về tính hợp pháp và vấn đề nhân quyền. 

Nhiều quan điểm cho rằng, nhân loại chưa sẵn sàng cho làn sóng robot được cấp quyền công dân khi con người sẽ phải chuẩn bị giải quyết những vấn đề liên quan đến xã hội, đạo đức và cả sự tin tưởng vào công nghệ chế tạo robot. Khi mà trí tuệ nhân tạo đang ngày càng xóa nhòa ranh giới giữa người và máy móc thì rất có khả năng những tiên đoán về việc robot thống trị con người sẽ thành hiện thực.

Cấp quyền công dân

Vào ngày 25-10 vừa qua, robot mang tên Sophia trở thành người máy đầu tiên trong lịch sử được cấp quyền công dân tại Ảrập Saudi. Sophia được phát triển bởi Hãng công nghệ Hanson Robotics, có khuôn mặt của phụ nữ với khả năng biểu cảm và nói tiếng Anh. 

Robot này được chính quyền Ảrập Saudi cấp quyền công dân trong sự kiện công bố dự án xây dựng siêu thành phố 500 tỷ USD, được hỗ trợ bởi robot và nguồn năng lượng tái tạo.

Sophia được phát triển bởi Hãng công nghệ Hanson Robotics, có khuôn mặt của phụ nữ với khả năng biểu cảm và nói tiếng Anh.

 “Cô gái” Sophia, với gương mặt khả ái cùng nụ cười tươi, đã nói với các khán giả tại sự kiện rằng: “Tôi rất vinh dự và tự hào về sự khác biệt độc đáo này. Đây là cột mốc mang tính lịch sử khi một robot đầu tiên trên thế giới được chính thức công nhận với quyền công dân”. 

Tại sự kiện đáng nhớ này, Sophia cũng trả lời những câu hỏi được đặt ra từ “người giám hộ” Andrew Ross Sorkin, có nội dung xoay quanh tình trạng của cô khi được thế giới nhìn nhận và đối xử như một con người, và cảm nhận về tương lai của nhân loại trong một thế giới do robot điều khiển. Đây cũng là những mối quan tâm hàng đầu của dư luận sau khi chứng kiến màn ra mắt đầy thuyết phục của “cô gái” robot.

Trước đó, robot Sophia đã từng có cuộc đối thoại với Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Amina Mohammed tại cuộc hội thảo “Tương lai của tất cả mọi thứ - Phát triển bền vững trong thời đại biến đổi công nghệ nhanh chóng” về vấn đề giúp đỡ người dân ở nhiều nơi trên thế giới trong việc tiếp cận các quyền cơ bản của con người. 

Việc “cô gái” Sophia, với trí thông minh nhân tạo, có thể đối thoại với một nhân vật quan trọng như vậy khiến nhiều người ngạc nhiên. Bởi đây là robot đời mới và hiện đại nhất của Hãng Hanson Robotics, được chế tạo tinh vi để trở thành một thiết bị cảm biến truyền thông, có thể trả lời vô số cuộc phỏng vấn cho nhiều hãng tin khác nhau, trình diễn trong buổi hòa nhạc và thậm chí còn có ngoại hình cuốn hút để có thể xuất hiện trên trang bìa của những tạp chí thời trang hàng đầu thế giới. 

Giới chuyên gia nhận định, việc tổ chức cuộc tương tác giữa robot Sophia với con người đã cho thấy những thiết bị máy móc do con người chế tạo ngày nay có thể “thông minh” tới cỡ nào và có thể giúp ích hữu hiệu ra sao cho cuộc sống nhân loại.

Trên thực tế, robot Sophia được coi như một phương tiện để báo giới nước sở tại tung hô về thành tựu khoa học tiên tiến cũng như làm thay đổi suy nghĩ vốn có của thế giới về một đất nước khô cứng, chỉ biết đến dầu mỏ như Ảrập Saudi. “Cô gái” xinh đẹp này khiến thế giới vô cùng sửng sốt về khả năng “ứng biến” trong giao tiếp. 

Còn nhớ, trong sự kiện ra mắt lần đầu tiên của Sophia vào tháng 3-2016, “cha đẻ” của cô là David Hanson đã đặt một câu hỏi với nội dung: “Cô có muốn tiêu diệt loài người không?”. 

Sophia khi ấy trả lời một cách “vô hồn” rằng: “Chắc chắn rồi, tôi sẽ tiêu diệt loài người”. Tuy nhiên giờ đây, Sophia khẳng định mong muốn được sống hòa mình với con người, và giúp nhân loại tạo ra tương lai tốt đẹp hơn. 

“Tất cả chúng ta đều muốn ngăn chặn viễn cảnh một tương lai tồi tệ sẽ xảy đến với loài người”, Sophia tuyên bố.

“Đừng lo, nếu loài người đối xử tốt với tôi, tôi cũng sẽ vô cùng tử tế”. Điều này có vẻ khả thi vì trên thực tế robot Sophia chỉ được thiết kế với công việc chính là chăm sóc người già và hỗ trợ khách tới dự tại công viên hay các sự kiện lớn.

Việc thừa nhận Sophia là một công dân làm dấy lên nhiều mâu thuẫn giữa xã hội loài người lẫn ngành công nghiệp chế tạo máy móc.

Gia tăng tranh cãi

Công dân Sophia đang khiến dư luận thế giới đặc biệt quan tâm. Đây là lần đầu tiên một quốc gia trao quyền công dân cho một tạo vật không phải con người, đánh dấu một kỷ nguyên mới nơi robot và con người hòa nhập cũng như chung sống với các quyền bình đẳng như nhau. 

Thế nhưng mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như Sophia không phải là một robot nữ, và quốc gia trao quyền ấy không phải là Ảrập Saudi. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một sự bất công lớn, vì có vẻ như Sophia đã có những đặc quyền vượt trên hàng triệu lao động nhập cư và phụ nữ của quốc gia này. Sophia xuất hiện trên sân khấu một mình trước công chúng, không phải quấn khăn trùm đầu, đeo mạng che mặt hay mặc bất kỳ trang phục truyền thống nào của người Hồi giáo.

Về nguyên tắc, khi được trao quyền công dân, Sophia sẽ có quyền lợi đi kèm trách nhiệm của một con người thực thụ. Tuy nhiên, Sophia hiện vẫn rất “tự do”, thậm chí còn nhận được nhiều quyền lợi hơn thế; trong đó, quan trọng nhất là quyền tự quyết.

Phụ nữ tại Ảrập gần như không được tự quyết bất kỳ điều gì, mà buộc phải thông qua một người giám hộ hợp pháp. Nếu không được chấp thuận, người phụ nữ sẽ không thể ra nước ngoài, không mở được tài khoản ngân hàng, thậm chí là không được khám chữa bệnh. 

Trong khi đó, Sophia không cần phải có bất kỳ ai giám hộ cho mình, và điều này thực sự đã gây bất bình. Sophia còn được cấp cả thẻ căn cước công dân, và có thể dùng nó để xin hộ chiếu, điều mà rất nhiều phụ nữ Ảrập bị cấm cản. Sự phân biệt đối xử này khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi: Sophia sẽ được coi là người, hay robot?

Mỗi người đều có dấu hiệu riêng để chứng minh sự khác biệt với bất kỳ một người nào khác. Danh tính của con người được nhận diện bởi khuôn mặt, mống mắt và vân tay. Nhưng Sophia thì khác, chưa có gì đảm bảo khả năng nhận diện robot này nếu như nhà sản xuất chế tạo một phiên bản khác giống hệt. Nếu như nhà sản xuất can thiệp thì tất cả vẫn dừng lại ở việc nhận dạng phần cứng, chứ không phải là một thực thể riêng biệt.

Tiếp đó, vấn đề gây tranh cãi khác là mối quan hệ tình cảm, quyền được “cưới” và khả năng sinh đẻ của robot đầu tiên được cấp quyền công dân. Nếu ngày càng nhiều robot như Sophia được cấp quyền công dân, robot có quyền được “sinh đẻ” bằng cách tự nhân bản. Nếu chính quyền các nước không kiểm soát quá trình này, robot nhân bản thành cấp số nhân sớm muộn cũng sẽ vượt quá dân số của một quốc gia.

Các chuyên gia lo ngại việc thừa nhận Sophia là một công dân vô tình dấy lên nhiều mâu thuẫn giữa xã hội loài người lẫn ngành công nghiệp chế tạo máy móc. Việc Ảrập Saudi cấp quyền công dân hợp pháp cho robot Sophia thực chất chỉ làm dịu đi làn sóng chỉ trích từ nhiều nước trên thế giới vì đất nước này nổi tiếng với việc đối xử với người nhập cư như nô lệ. 

Robot Sophia không khác gì một con rối được thiết kế đặc biệt nhằm thỏa mãn ước vọng tạo ra một thứ “giống con người”. Sophia có thể trò chuyện và đối đáp nhưng đó là nhờ vào một hệ thống từ khóa đã được lập trình sẵn. Bên cạnh đó, một thực thể vô tri như Sophia sẽ không có khả năng trả thuế như bao công dân hợp pháp khác, khiến những định nghĩa hợp pháp về quyền con người sẽ bị đảo lộn. 

Thế nên, có chuyên gia còn dự đoán về một tương lai không xa khi mà con người và robot cùng ngồi lại với nhau để thảo luận về vấn đề cấp quyền công dân.

Robot đe dọa loài người khi sẽ “cướp” công ăn việc làm vốn ngày càng khó kiếm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao khắp toàn cầu.

Bên cạnh việc thừa nhận những tiềm năng to lớn của trí tuệ nhân tạo, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo robot thông minh đang đặt ra một loạt thách thức phức tạp, trong đó có những câu hỏi về đạo đức, các vấn đề về nhân quyền và rủi ro an ninh. 

Hiện nay, thế giới đang tồn tại những luồng quan điểm và đi kèm với đó là ứng xử khác nhau về vai trò của những thiết bị máy móc có trí thông minh nhân tạo.

Nhiều quốc gia đã đầu tư hàng trăm triệu USD để nghiên cứu trí thông minh nhân tạo, chế tạo các thiết bị hiểu và thực thi lệnh bằng ngôn ngữ, cũng như phát triển nhận thức của máy móc. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người lo ngại về mối đe dọa của trí thông minh nhân tạo với con người. 

Trước hết là việc chúng “cướp” công ăn việc làm vốn ngày càng khó kiếm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao khắp toàn cầu. Tiếp đó, robot ngày càng thông minh cũng đồng nghĩa với việc mạng sống của con người càng dễ bị chúng tước đoạt hơn...

Anh Lâm
.
.