Cuộc chiến bảo vệ “Hành tinh xanh”: Giảm tốc

Thứ Ba, 15/08/2017, 16:25
Giới khoa học đang tiếp tục nghiên cứu các biện pháp chống biến đổi khí hậu, bao gồm giảm lượng phát thải khi nhà kính CO2 nhằm đạt mục tiêu nhiệt độ của Trái Đất không tăng quá 2°C đến cuối thế kỷ.

Điều tích cực là, nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới đưa ra hàng loạt sáng kiến, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào cuộc sống hay chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế bền vững cùng những cam kết mạnh mẽ.

Giữa những căng thẳng, khi mà các thử nghiệm đôi khi cũng "lóe ra những chớp sáng" giúp con người điều khiển khí hậu thì vẫn tồn tại những lực cản khiến cuộc chiến bảo vệ "hành tinh xanh" bị giảm tốc.

Mỹ - quốc gia gây ô nhiễm thứ hai thế giới - đã có quyết định khiến cả dư luận trong nước và quốc tế lên án. Việc Tổng thống Donald Trump rút khỏi hiệp định Paris đã giáng một đòn lớn vào nỗ lực của cả thế giới nhằm kìm hãm biến đổi khí hậu.

Những sáng kiến "xanh"

Trên phương diện sáng kiến cá nhân, dự án thu hút dư luận nhiều nhất là cây điện tử, được "trồng" tại nhiều thành phố lớn tại Mỹ, Israel và Kazakhstan. Vừa qua, cây điện tử đầu tiên tại châu Âu đã được dựng lên ở thành phố Nevers (Pháp). Lấy cảm hứng từ cây keo sống trên vùng sa mạc ở Israel, "lá" của cây là những tấm pin năng lượng mặt trời. Ngoài việc sạc điện điện thoại, lướt wifi hay để che nắng, công trình này còn cấp cả nước mát, cho phép nạp bình điện xe đạp hay thắp sáng đường phố.

Trong khi đó, để đối phó với nguy cơ nước biển dâng cao đe dọa nhấn chìm nhiều quốc gia, giới khoa học đã đề xuất ý tưởng xây dựng các đảo nổi. Tổ chức phi chính phủ Mỹ Seasteading Institute đang lên kế hoạch xây các đảo nhân tạo ở vùng biển Tahiti thuộc quần đảo Polynesia (Pháp) trước viễn cảnh hàng chục đảo có thể biến mất sau 20-30 năm nữa. Xây các đảo nổi, cụ thể là những khối bê tông có thể lắp ghép được với nhau, đặt trong các vùng biển, không bị ghìm giữ xuống đất.

Tuy nhiên, tất cả những tính toán của con người để "điều khiển" khí hậu hay làm chủ lượng ánh sáng mặt trời chiếu vào Trái Đất đều vô nghĩa nếu nhân loại không giảm được lượng thải khí CO2. Theo tính toán, để nhiệt độ của Trái Đất không tăng quá 2°C từ nay đến cuối thế kỷ thì con người phải giảm được từ 300 đến 700 tỷ tấn CO2. Vì thế, nhiều sáng kiến "thú vị" cũng khiến thế giới thích thú.

Trước hết, con người có thể phóng chất lưu huỳnh vào khí quyển để tạo nên một "chiếc dù che bớt nắng" cho Trái Đất. Ngoài ra, các chuyên gia về khí hậu còn đề nghị phun nước biển lên không trung để làm hạ nhiệt Trái Đất, tương tự như khi một bệnh nhân bị sốt cao được bác sĩ khuyên dùng nước mát để giảm sốt. 
Việc Mỹ - quốc gia gây ô nhiễm đứng thứ hai thế giới - tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu gây nỗi thất vọng lớn đối với những nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Người Đức cũng rất tích cực trong cuộc chiến "cưỡng lại đà hâm nóng" Trái Đất với sáng kiến nghiền thành bột các vách núi đá có sức hút carbon cao để tăng tốc độ hấp thu khí CO2.

Ở tầm quốc gia, Trung Quốc được coi là "ổ dịch" gây ô nhiễm nhất hành tinh khi các nhà máy phần lớn lệ thuộc vào nguồn điện được sản xuất từ than; trong khi đó, không một quốc gia nào trên thế giới sản xuất và tiêu thụ năng lượng hóa thạch nhiều như Trung Quốc. Tuy nhiên, quốc gia châu Á này đang hướng tới chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo và đẩy mạnh tăng trưởng xanh. 

Trong vòng 10 năm, tăng trưởng trong năng lượng gió của Trung Quốc chiếm 1/3 thế giới và hiện Trung Quốc đã vượt Đức để đứng đầu thế giới về năng lượng mặt trời.

Vừa qua, Bắc Kinh đã cho thiết lập nhiều khu thí điểm cải cách và sáng tạo "tài chính xanh", đồng thời khuyến khích phát triển "tín dụng xanh". Chính phủ sẽ hỗ trợ về tài chính và các chính sách về đất đai đối với các ngành "công nghiệp xanh" và "dự án xanh", cũng như sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án liên quan.

Cả thế giới chung tay

Hiện nay, chống biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của từng quốc gia mà yêu cầu cả thế giới chung tay hành động. Dấu hiệu tích cực là các nước giàu cam kết nhiều tỷ USD cho những sáng kiến hữu ích. Ngân hàng Thế giới tuyên bố thành lập quỹ 500 triệu USD hỗ trợ các nước đang phát triển cắt giảm khí thải nhà kính.

Một quỹ có tên "Cơ sở chuyển hóa khí carbon", do Đức, Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sĩ tài trợ chính, sẽ hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giao thông, sử dụng năng lượng hiệu quả và các thành phố có lượng khí carbon thấp. Tiếp đó, Canada đã cam kết góp 2,65 tỷ USD vào quỹ "Khí hậu xanh" của Liên Hợp Quốc, trong khi Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản cam kết mỗi quốc gia đóng góp 1 tỷ USD.

Trung Quốc đã kêu gọi các nước giàu tôn trọng các cam kết tài chính đã đưa ra hồi năm 2009, theo đó bắt đầu từ năm 2020 phải cung cấp cho các quốc gia nghèo 100 tỷ USD mỗi năm để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Số tiền này sẽ được sử dụng để giảm lượng phát thải khí CO2 cũng như đối phó với tình trạng nước biển dâng cao, khắc phục hậu quả hạn hán và các thảm họa thiên nhiên khác.

Ngoài ra, Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước phát triển cần chuyển giao các công nghệ thân thiện với môi trường cho nước đang phát triển. Theo đó, các quốc gia giàu có nên gánh vác phần trách nhiệm lớn hơn nhằm hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu, và tích cực hỗ trợ các nước nghèo thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu nghiêm trọng.

Trong một diễn biến liên quan, Liên Hợp Quốc đã phát động sáng kiến "Dự báo, Thích ứng và Tái định hình" nhằm tăng cường năng lực của các nước dễ bị ảnh hưởng trong việc dự báo các nguy cơ, thích ứng với tình huống bất ngờ, và phục hồi sự phát triển nhằm giảm bớt các nguy cơ về biến đổi khí hậu.

Những sáng kiến "xanh" thu hút dư luận nhiều nhất là cây điện tử và ý tưởng xây dựng các đảo nổi

Trong vòng 5 năm tới, sáng kiến sẽ giúp huy động tài chính và kiến thức, thiết lập và tổ chức các nhóm cộng tác ở các cấp, phối hợp hoạt động nhằm đạt kết quả rõ ràng, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.

Chưa hết, Liên Hợp Quốc cũng ủng hộ Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế do Ấn Độ và Pháp thiết lập. Theo đó, liên minh này sẽ giúp các quốc gia phát triển vốn giàu năng lượng mặt trời có thể khai thác tối đa nguồn tài nguyên dồi dào này. 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia phát triển phối hợp với Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế bằng cách cung cấp sự hỗ trợ công nghệ, đào tạo và tài chính cho những quốc gia kém phát triển.

Lực cản còn đó

Trong lúc cả thế giới đang nỗ lực chung tay chống biến đổi khí hậu, Mỹ - quốc gia gây ô nhiễm đứng thứ hai thế giới - tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu với lý do hiệp định làm ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ. Đây là thỏa thuận toàn cầu về khí hậu, được 195 quốc gia ký kết và có hiệu lực từ tháng 11-2016, với những đồng thuận mạnh mẽ về cắt giảm lượng khí thải CO2 nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. 

Thỏa thuận này đặt ra mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình của toàn cầu dưới mức 2ºC. Theo Hiệp định Paris, Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm xấp xỉ 30% lượng khí thải gây ô nhiễm so với năm 2005.

Giới quan sát nhận định đây là một hành động thiếu cẩn trọng không thể bào chữa và làm suy yếu vị thế của Mỹ trên thế giới, gây nỗi thất vọng lớn đối với những nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như thúc đẩy an ninh toàn cầu khi mà nhân loại không còn đủ thời gian để hành động.

Cộng đồng thế giới chỉ trích việc Mỹ "quay lưng" với thỏa thuận mang tính lịch sử về chống biến đổi khí hậu, đồng thời nêu ra viễn cảnh tồi tệ nhất là nhiệt độ Trái đất tăng thêm 0,3ºC vào cuối thế kỷ XXI. 

Tuy nhiên, con số nêu trên chỉ là ước tính bởi đến nay chưa có bất cứ dự báo đánh giá nào về những hậu quả đối với môi trường và khí hậu khi ông Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris. Bên cạnh đó, việc Mỹ "rút chân" còn để lại mối lo về vấn đề tài chính cho quỹ "Khí hậu xanh" tài trợ cho các nước nghèo chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng sự kiện Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris lại là cơ hội để cộng đồng quốc tế chứng tỏ quyết tâm đối đầu với thử thách. Không có Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Canada và những quốc gia bị biến đổi khí hậu đe dọa trực tiếp sẽ là đầu tàu của nỗ lực sử dụng năng lượng sạch. 

Mặc dù Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu nhưng 19 thành viên còn lại của G20 đã nhất trí rằng thỏa thuận này là không thể đảo ngược. 

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời hỗ trợ các nước khác tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu quả, thân thiện với môi trường hơn, cũng như hỗ trợ triển khai các nguồn năng lượng sạch và tái tạo khác. Nỗ lực và quyết tâm bảo vệ "hành tinh xanh" vẫn được các nước thúc đẩy dù còn nhiều gian nan phía trước...

Anh Lâm
.
.