Vì sao không ai mạo hiểm với một "ngành công nghiệp tỷ đô"?

Thứ Hai, 10/09/2018, 11:35
Từng có thời gian, nhờ tái chế nhựa phế liệu, Trung Quốc chiếm 50% lượng nhựa xuất khẩu ra toàn thế giới. Bù lại, trung bình mỗi năm họ nhập khẩu lượng phế liệu có giá trị bình quân đến 5,6 tỷ USD, chỉ riêng từ Mỹ.

Nhưng bây giờ, Trung Quốc là nước dẫn đầu phong trào cấm nhập khẩu rác thải. Vì sao người ta có thể chuyển sang hờ hững đến thế, với hàng chục tỷ USD lợi nhuận mỗi năm?

Siêu kinh tế...

Rác thải truyền thống thường được xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp. Tuy nhiên, với trình độ khoa học kỹ thuật hiện tại, những nhà máy xử lý rác thường chọn cách tái chế rác thải thu về, thay vì tiêu hủy. Theo nhu cầu tái chế, rác thải được phân ra thành hai loại cơ bản: Rác thải tái chế và rác thải không tái chế.

Ở các nước có nền công nghiệp phát triển, tái chế rác thải chính là ngành sản xuất siêu lợi nhuận.

Thống kê từ Hiệp hội Rác thải và Tái chế Mỹ vào năm 2015 cho thấy: Chỉ riêng tại bang Ohio, Mỹ, ngành tái chế rác thải có giá trị đến 6,7 tỷ USD, và giúp tạo ra 14.000 việc làm hàng năm. Tính trên phạm vi toàn nước Mỹ, ngành tái chế rác thải giúp tạo ra hơn 1 triệu việc làm, với hơn 50.000 cơ sở hoạt động thường xuyên.

So với việc chế tạo, sản xuất công nghiệp từ nguyên vật liệu được khai thác thông thường, ngành tái chế rác thải còn giúp tiết kiệm chi phí nhân công trong các nhà máy. 

Ví dụ, theo nghiên cứu từ Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Mỹ, trung bình mỗi 1.000 tấn rác thải được thu gom, tái chế sẽ giúp tạo thêm 6-13 việc làm cho người lao động. Tái chế rác thải chính là một trong những ngành thu hút lao động phổ thông phổ biến nhất ở các nước phát triển.

Không chỉ vậy, nếu được thực hiện hợp lý ở một mức độ phù hợp, tái chế rác thải còn giúp bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và hạn chế gây ô nhiễm môi trường. 

Tổ chức Tái chế thép Australia từng đưa ra một con số đáng ngạc nhiên về lợi ích khi tái chế thép: Nếu có thể đem toàn bộ lượng sắt vụn trên thế giới hằng năm đi tái chế, thế giới sẽ tiết kiệm được 90% tài nguyên quặng sắt, giảm 86% lượng khí thải và 76% lượng nước ô nhiễm do các nhà máy thép gây ra mỗi năm.

Công nhân Trung Quốc bốc phế liệu bằng tay trần.

Mỗi tấn thép tái chế được đưa vào sử dụng cũng đồng nghĩa tiết kiệm được 1,1 tấn quặng sắt, 625kg than đá và 53kg đá vôi nguyên liệu. Liên minh châu Âu (EU) cũng đưa ra một con số khả quan khác về ích lợi của tái chế rác thải: Hàng năm, tái chế rác giúp cắt giảm 200 triệu tấn khí cacbonic thải ra môi trường. 

Nhờ có ngành tái chế rác phát triển, EU từng là khu vực tuân thủ nghiêm ngặt nhất cam kết trong Nghị định thư Kyoto, về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nhờ đó, tái chế rác thải cũng là tiền đề phát sinh ra một loại hình kinh doanh mới: Kinh doanh rác thải tái chế. Ngày nay, rác thải tái chế cũng là một mặt hàng có giá trị được đem ra trao đổi, buôn bán, thậm chí ở quy mô quốc tế. 

Và, phải nói rằng, ngành công nghiệp ấy còn rất nhiều tiềm năng. Chỉ tính riêng ở Mỹ, ước tính còn tới 50-80% lượng rác thải tái chế được từ các máy vi tính bỏ đi chưa được động tới.

…và cũng đầy hăm dọa

Thị trấn Quý Tự thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc được coi là "bãi rác điện tử của thế giới". Tại đây, có hơn 100.000 người lao động tham gia tái chế rác thải. Công việc chính của họ là thu dọn, tách kim loại từ những máy vi tính, tivi cũ bị vứt đi.

Phần lớn họ làm việc bằng tay trần, không hề có dụng cụ bảo hộ lao động, bất chấp loại rác thải công nghiệp này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Quý Tự chỉ là một trong hàng trăm điểm tập kết rác thải công nghiệp tái chế tại Trung Quốc. Ước tính có đến 70% lượng rác thải công nghiệp điện tử trên thế giới được đưa trở lại Trung Quốc mỗi năm, dựa trên báo cáo của Liên Hiệp Quốc. Phần lớn người lao động tham gia trong lĩnh vực này giống người dân Quý Tự: Họ làm việc trong điều kiện nguy hiểm, và đành phải chấp nhận mức lương rẻ mạt kiếm sống hàng ngày. 

Bụi kim loại và khí rò rỉ từ rác thải điện tử là một trong những chất độc hại phổ biến nhất. Tại Ấn Độ và Trung Quốc, nhiều công nhân tham gia tái chế rác thải từng được kiểm tra và phát hiện nhiễm độc kim loại nặng như chì, thủy ngân, cùng một số chất độc chết người khác bao gồm brom và dioxin. 

Giấy phế liệu được đem đi tái chế tại Mỹ.

Hàng triệu người lao động hành nghề thu gom rác thải ở Brazil, Bangladesh và nhiều quốc gia khác cũng chịu nguy cơ nhiễm độc tương tự.

Đáng chú ý hơn cả, một lượng không nhỏ rác thải công nghiệp từ các nước phát triển xuất sang các nước đang phát triển được đi theo con đường bất hợp pháp. 

Từ năm 1992, các nước phát triển đã cùng ký vào Công ước Bale nhằm ngăn chặn vận chuyển rác thải độc hại ở phạm vi quốc tế. Đối với những rác thải độc hại, mỗi quốc gia có trách nhiệm xử lý ở phạm vi trong nước, và nghiêm cấm chuyển đến các nước đang phát triển. Song, bất chấp điều đó, rác thải độc hại vẫn được xuất sang các nước đang phát triển dưới hình thức "rác thải tái chế".

Năm 2012, giá trị ngành công nghiệp tái chế của Mỹ đạt khoảng 90 tỷ USD chỉ tính riêng ngành tái chế kim loại. Mỹ sử dụng khoảng 60% lượng thép tái chế. Con số này với đồng và nhôm kim loại là 50%. 75% lượng giấy sử dụng tại Mỹ cũng là giấy tái chế. 

Hành động mâu thuẫn trong lĩnh vực tái chế rác thải nói trên của Mỹ chỉ ra vấn đề: Tại sao khi hoàn toàn có thể xử lý lượng chất thải tái chế, mà những nước phát triển lại chọn cách xuất sang các nước đang phát triển?

Câu trả lời nằm ở kinh phí hoạt động. Như đã nói ở trên, trung bình 1.000 tấn rác thải tái chế cần 6-13 lao động tham gia thu gom, tái chế. Với những loại rác thải chỉ cần đốt hoặc chôn lấp, con số này giảm xuống chỉ còn 1 người! 

Các nước phát triển thường hướng đến những ngành công nghiệp sử dụng ít lao động, vậy nên trong trường hợp có thể, họ sẽ chọn đẩy rác thải tái chế sang các nước đang phát triển thay vì tự xử lý. 

Hoạt động tái chế rác cần nhiều lao động phổ thông, vậy nên sẽ thích hợp hơn nếu họ xây nhà máy xử lý ở nước ngoài và tuyển dụng nhân công rẻ mạt ở nước sở tại, như trường hợp ở Trung Quốc. Hoặc đơn giản hơn, xuất khẩu phế liệu sang các nước nghèo và trực tiếp thu tiền về.

Lời cảnh báo muộn màng

Từng chấp nhận đánh đổi ô nhiễm môi trường để phát triển kinh tế, Trung Quốc phải trả giá bằng những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, tiêu biểu là thủ đô Bắc Kinh. 

Vì thế, giờ đây Trung Quốc bắt đầu hướng tới phát triển kinh tế bền vững. Một trong những động thái đầu tiên của họ hướng tới việc này là trình lên WTO danh sách các loại phế liệu bị cấm nhập khẩu vào Trung Quốc.

Từ năm 2017 đến nay, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu công nghiệp khác nhau, bao gồm giấy và nhựa phế liệu tái chế. 

Trước thời điểm cấm, trung bình mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu 47 triệu tấn phế liệu từ thế giới. Lệnh cấm của Trung Quốc lập tức ảnh hưởng đến phần còn lại, tiêu biểu như giá giấy nguyên liệu quốc tế đã tăng gấp đôi trong vòng một năm qua.

Đi cùng với lệnh cấm nhập khẩu phế liệu giấy và nhựa, Trung Quốc cũng tiến hành thu hồi giấy phép nhập khẩu phế liệu của 960 công ty vào năm 2017. 

Bên cạnh đó, 8.800 cơ sở thu mua, tái chế giấy và nhựa đã buộc phải dừng hoạt động vì xâm hại đến môi trường. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn chưa dừng lại ở đó. 

Mới đây, họ tiếp tục trình lệnh cấm nhập khẩu phế liệu thép không gỉ, wolfram và nhiều kim loại nặng khác. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ cuối năm 2019.

Động thái của Trung Quốc như một lời cảnh tỉnh cho các nước đang phát triển: Không thể đánh đổi môi trường lấy lợi ích tăng trưởng kinh tế. Thay vì phát triển nóng, các nước đang phát triển cần tính tới hướng phát triển bền vững. Một trong những yêu cầu đầu tiên cho việc đó, chính là ngừng nhập khẩu phế liệu từ các nước phát triển.

Vấn đề là, không phải quốc gia nào cũng đủ dũng cảm để từ chối dấn thân vào một guồng quay “tỷ đô”…

Đào Hoàng Hải Sơn
.
.