Lỗ hổng thời gian: Câu hỏi vẫn chưa có lời giải

Thứ Ba, 06/03/2018, 09:59
Bấy lâu nay, thời gian vẫn còn là một thứ vô hình mà giới khoa học chưa thể khám phá hết, bởi trong khái niệm của thực thể vô hình ấy còn quá nhiều bí ẩn. 

Chỉ cho tới khi những vụ mất tích bí ẩn rồi trở lại đầy ngoạn mục xảy ra trên thế giới, con người mới nhận thức ra rằng thời gian không chỉ đơn giản là những giây, những phút trôi qua trong một ngày.

Hiện tượng này được khoa học giả định là “lỗ hổng thời gian” - một dạng không gian, phản vật chất được cấu tạo từ các phản hạt cơ bản có thể co giãn, và khi tiếp xúc với vật chất sẽ nổ tung, hút lấy mọi vật và giải phóng chúng tới đầu kia: thời gian hoặc quá khứ.

Cho đến thời điểm hiện tại, khái niệm về “lỗ hổng thời gian” vẫn còn gây tranh cãi trong dư luận khi chưa một học thuyết nào đủ sức thuyết phục được đưa ra vì thiếu những chứng cứ xác thực. Qua đó, hiện tượng “mất tích rồi tái hiện” được coi là một trong những câu hỏi lớn nhất chờ đợi con người tiếp tục tìm hiểu và khám phá.

Mất tích rồi tái hiện

Năm 2014, một hiện tượng kỳ bí thu hút sự chú ý của người dân Mỹ cũng như giới khoa học xảy ra trên bầu trời Bắc California: một quầng sáng xanh xuất hiện giữa lỗ thủng của một đám mây. Hiện tượng này khiến các nhà khoa học đặt ra nhiều giả thuyết: đó là sự xuất hiện của UFO, hay lỗ hổng thời gian đang mở ra, hoặc chỉ đơn giản là hiện tượng thời tiết xấu?

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà khoa học lại đưa ra giả thuyết về “lỗ hổng thời gian” đóng - mở ở đám mây đó. Lịch sử nhân loại đã ghi nhận nhiều vụ mất tích bí ẩn rồi xuất hiện bất ngờ của sự vật mà chúng vẫn vẹn nguyên như mới, không hề có tác động bào mòn của yếu tố thời gian.

Ngược dòng lịch sử, một số câu chuyện khác cũng được kể lại và là đề tài làm đau đầu các nhà khoa học. Tất nhiên có thể đây cũng chỉ là những giai thoại được đồn đoán bấy lâu nay, và rằng liệu các  vụ mất tích này có liên quan đến “lỗ hổng thời gian” như giới khoa học kỳ vọng hay chỉ là những trò đùa của giới truyền thông, hiện vẫn là một câu hỏi lớn.

Như ngày 21-8-1915, hơn 800 lính thuộc Trung đoàn Norfolk 5 của quân đội Anh trong Thế chiến I được điều động lên một ngọn núi ở vùng Dardanelles (Thổ Nhĩ Kỳ).

Các nhân chứng là 22 người lính mang quốc tịch New Zealand đang tập trận cách đó 600m kể lại: “Đám mây lớn bất ngờ ập xuống, bao phủ lên đoàn quân khoảng 800 người đang tiến vào thung lũng. Khi người cuối cùng dần biến mất, thực sự không thể thấy bất kỳ ai nữa ngoài những ngọn cây lớn hay cảnh vật xung quanh”.

Có giả thuyết cho rằng, toàn bộ đội quân thuộc Trung đoàn Norfolk 5 đã bị lực lượng đặc nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ làm tù binh. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, họ khẳng định chưa từng nhìn thấy 800 người lính bị mất tích đó.

Hay vào năm 1985, một máy bay chở khách bị mất tích trước đó gần nửa thế kỷ được tìm thấy trong khu rừng rậm New Guinea. Chiếc máy bay này đột ngột mất tích khi đang thực hiện lộ trình từ Manila (Philippines) đến đảo Mindanao 48 năm trước.

Điều kỳ lạ là chiếc máy bay hoàn toàn trông như mới, không hề bị cũ đi hay biến dạng. Khi lực lượng chức năng vào cuộc, họ đã vô cùng ngạc nhiên khi tìm thấy trong khoang máy bay những tờ báo tuần thứ 3 tháng 1-1937 còn mới nguyên, những cốc cà phê vẫn nóng hổi với vị cà phê không đổi, và những điếu thuốc lá vẫn còn đang được hút dở. Tuy nhiên, toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đã biến mất không dấu tích.

Nhiều vụ “mất tích rồi tái hiện” một cách thần bí được đồn đoán là do lỗ hổng thời gian.

Năm 1955, chiếc máy bay Douglas của hãng hàng không Pan American Airways chở 50 hành khách cùng phi hành đoàn mất tích bí ẩn trên đường bay từ New York tới Florida. Sau một thời gian dài tìm kiếm nhưng không thấy tung tích gì, toàn bộ người trên máy bay được xác nhận đã chết. Tuy nhiên, chiếc máy bay này lại xuất hiện đầy ngoạn mục trên không phận của Venezuela vào năm 1990.

Và năm 1991, một đoàn thuyền đánh cá của Philippines phát hiện một chiếc thuyền cứu hộ chở 25 binh lính đang hoảng loạn. Điều kỳ lạ là 25 binh lính này thuộc Hải quân Mỹ trong chiến dịch Thái Bình Dương thuộc thế chiến II.

Năm 1945, tàu ngầm của những lính Mỹ này bị Nhật đánh chìm và họ đã phải dùng thuyền cứu hộ để chạy thoát. Quân đội Mỹ đã ra sức tìm kiếm họ trong nhiều năm nhưng đều vô ích. Việc 25 binh lính được phát hiện và cứu thoát bởi các ngư dân Philippines 46 năm sau đó khiến quân đội Mỹ vô cùng ngạc nhiên. Ngoại hình của 25 người không hề thay đổi. Và tất cả họ đều khẳng định họ mới chỉ lênh đênh trên biển... một đêm mà thôi.

Đi tìm lời giải

Để giải thích hiện tượng một thiết bị hay một con người nào đó xuất hiện trở lại sau nhiều năm mất tích, một số nhà khoa học đã đưa giả thuyết khái niệm về “lỗ hổng thời gian”.

Về cơ bản, nhiều ý kiến cho rằng “lỗ hổng thời gian” thực chất là thế giới phản vật chất đang tồn tại trong vũ trụ. Khi nó tiếp cận với thế giới vật chất dưới tác động qua lại của lực hấp dẫn, đến một mức độ nhất định, hai thế giới này bị đổ vỡ và sinh ra năng lượng cực lớn tạo thành áp lực chia đôi hai hệ thống, gây ra hiện tượng vật thể bị mất tích khi rơi vào thời điểm đó.

Các nhà khoa học lý giải, thế giới vật chất sau khi tiến vào lỗ hổng thời gian đồng nghĩa với việc mất tích, và từ đó đi ra cũng có nghĩa là được tái hiện lại. Giả thuyết về “lỗ hổng thời gian” được nhiều người quan tâm nhưng vẫn còn nhiều ý kiến và tranh luận trái ngược nhau vì chưa đưa ra được những bằng chứng xác thực.

Trong cuộc tranh cãi giữa các nhà khoa học, nhiều giả thuyết khác cũng được đưa ra. Một trong số đó là thuyết “thời gian đứng lại”. Thế giới vật chất sau khi tiến vào lỗ hổng thời gian đồng nghĩa với việc mất tích, và từ đó đi ra cũng có nghĩa là được tái hiện. Như vậy, “lỗ hổng thời gian” và trái đất không cùng một hệ thống, và thời gian trong lỗ hổng là tương đối tĩnh.

Giả thuyết “thời gian đứng lại” cho rằng thế giới vật chất sau khi tiến vào “lỗ hổng thời gian” đồng nghĩa với việc mất tích, và từ đó đi ra cũng có nghĩa là được tái hiện.

Do đó, dù có mất tích 3 năm, 5 năm hay vài chục năm, người ta sẽ không có gì thay đổi so với lúc ban đầu. Giả thuyết thứ hai được đưa ra là “thời gian ngược”, cho rằng thời gian trong lỗ hổng thời gian là quay ngược so với bình thường. Người mất tích sau khi rơi vào đó có khả năng sẽ quay ngược về quá khứ. Tuy nhiên, khi thời gian quay ngược một lần nữa, người này lại được đưa trở về thời điểm họ bị mất tích, kết quả là xảy ra hiện tượng tái hiện thần bí.

Trong thuyết thứ ba “đóng cửa thời gian”, “lỗ hổng thời gian” là hiện tượng tồn tại khách quan trong thế giới vật chất, không nhìn thấy và cũng không thể sờ thấy. Đối với thế giới vật chất mà con người đang tồn tại, nó vừa đóng lại vừa mở. Thỉnh thoảng khi nó mở ra một lần, sẽ có hiện tượng mất tích; mở thêm một lần nữa, người mất tích tái hiện.

Thậm chí, một số nhà khoa học còn cho rằng, những hiện tượng bị ẩn có thể do tác động liên quan đến UFO hay một điều gì đó của người ngoài hành tinh. Giả thuyết được đưa ra là, chỉ có sự tiến bộ vượt bậc của người ngoài hành tinh mới có thể làm cho những thiết bị lớn như máy bay hay tàu chiến mất tích, và sau đó để nó xuất hiện trở lại nhằm “trêu ngươi” con người. 

Giả thuyết này phân tích, nếu không phải ở một thế giới khác với một nền khoa học cực kỳ tiến bộ - thế giới có thể làm cho con người và các sinh vật “trường sinh bất lão” - thì không thể có chuyện con người có thể xuất hiện trở lại sau hàng chục năm mà vẫn giữ nguyên hình hài vào thời điểm mất tích.

Một số nhà khoa học nhận định, những sự việc mất tích bí ẩn đều liên quan đến việc thay đổi chu trình thời gian do sự biến động của nhân trái đất. Họ giả thiết rằng, nhân trái đất không nằm ở trung tâm của địa cầu, mà dưới tác động lực hấp dẫn của mặt trời, mặt trăng và các hành tinh khác nó bị kéo về phía chúng. 

Khi quay, nhân dường như “lăn” phía dưới lớp vỏ, gây ra dòng ngược của mắc-ma nằm giữa chúng, và như một hệ quả sẽ xuất hiện trường điện từ.

Ngoài ra, do trục quay của hành tinh nghiêng nên nhân đi lên rồi đi xuống, mùa hè có mặt ở bắc bán cầu, còn mùa đông thì ở nam bán cầu. Vì lý do này xích đạo của nhân không trùng với xích đạo vỏ ngoài của trái đất, mà ở trên vĩ tuyến 28. 

Chính trên chiều rộng này thiên nhiên đã giăng những cái bẫy bí ẩn của mình, bao gồm 5 bẫy về phía bắc xích đạo của trái đất, còn 5 về phía nam. Nếu kết nối chúng một cách tưởng tượng bằng 5 đường thẳng thì sẽ xuất hiện hai ngũ giác đều.

Ở các điểm trùng với các đỉnh của ngũ giác là những chiếc bẫy, nơi các con tàu và máy bay biến mất không dấu vết, nơi có những con tàu không có thủy thủ đoàn hoặc có những người bị mất tích rồi lại được tìm thấy ở một địa điểm khác...

Lâm Anh
.
.