Đằng sau cuộc cách mạng AI và robot: Dè chừng mối họa

Thứ Tư, 04/04/2018, 08:51
Sự phát triển của nền công nghiệp 4.0 và cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI) - người máy (robot) có ảnh hưởng tích cực đối với xã hội. 

Thế nhưng ngược lại, xu hướng này cũng đang tác động mạnh đến thị trường lao động, khi thay đổi cách tương tác của con người đối với công việc khi nhiều công đoạn sản xuất sẽ được tự động hóa hoặc sử dụng robot.

Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ thay thế vị trí của những nhân viên, robot trong tương lai không xa có thể sẽ trở thành “ông chủ” đưa ra chỉ tiêu, trách nhiệm công việc, đồng thời cũng đảm nhiệm việc đánh giá kết quả công việc.

Theo lẽ thường, những vấn đề xoay quanh robot đều rất phức tạp khi con người vẫn sẽ tiếp tục khai thác hết tiềm năng của robot, bất chấp những nguy cơ tiềm tàng, không lường trước về mặt trái của robot. 

Liệu robot có thay thế con người và tạo ra nạn thất nghiệp lan tràn hay không? Liệu robot có thể thống trị thế giới và biến con người thành “nô lệ”, hay thậm chí xóa sổ con người hay không?

Robot “bành trướng”

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người máy không chỉ là những dự án nghiên cứu sáng tạo mà còn có thể bước vào cuộc sống, đảm nhận mọi công việc của con người: từ giặt giũ, nấu nướng tới điều khiển các loại thiết bị khác.

Theo công ty tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey, một nửa trong tổng số công việc hiện nay có thể được tự động hóa và giúp tiết kiệm 16.000 tỷ USD tiền lương. Trong nhiều lĩnh vực, robot đã chứng tỏ rằng chúng có thể thực hiện những công đoạn kĩ thuật tốt hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, hiệu năng cao hơn con người rất nhiều. 

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người máy không chỉ là những dự án nghiên cứu sáng tạo mà còn có thể bước vào cuộc sống, đảm nhận mọi công việc của con người.

Tại các nhà máy sản xuất xe ô tô của Nhật, robot chiếm ưu thế hơn con người trong hầu hết các công đoạn. Một vài dạng tiểu phẫu phức tạp cũng thường được robot thực hiện. Hệ thống máy tính có thể điều khiển không lưu toàn cầu tốt hơn con người.

Mới đây, hãng thời trang Levi Strauss lên kế hoạch đến năm 2020 sẽ đưa những người máy được trang bị kỹ thuật laser vào thay thế toàn bộ đội ngũ công nhân chuyên mài quần bò, với lời khẳng định đây chính là tương lai của ngành sản xuất quần jean.

Kế hoạch của Levi Strauss cho thấy tự động hóa đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất thế kỷ 21. Việc dùng người máy thay thế người lao động sẽ giúp cắt giảm chi phí, rút ngắn thời gian thiết kế và sản xuất để tăng khả năng thích ứng với xu hướng thay đổi mốt nhanh chóng cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhận định này cũng dễ hiểu khi mà thế giới hiện nay chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ của robot, đặc biệt là ở châu Á với “đầu tàu” Trung Quốc.

Ước tính, trong năm 2017, việc lắp đặt robot tại châu Á - Thái Bình Dương tăng 21%, trong khi nguồn cung robot tại Mỹ và châu Âu ước tăng lần lượt 16% và 8%.

Robot chính là đại diện cho trí tuệ nhân tạo. Một robot có thể làm nhiều tác vụ kĩ thuật khác nhau. Chỉ thông qua việc học hỏi từ môi trường, thay đổi các quyết định bằng các phản hồi, robot mới có thể trở nên giống người hơn. 

Giới chuyên gia nhận định, lao động robot có mức độ chính xác cao và sự kết nối giữa chúng sẽ đóng vai trò chủ chốt trong môi trường sản xuất mới của lĩnh vực số.

Theo dự đoán, vào năm 2020, các nhà máy trên toàn cầu sẽ lắp đặt hơn 1,7 triệu robot công nghiệp mới. Có một điều đáng kinh ngạc là robot có thể suy nghĩ đã bắt đầu xuất hiện. Robot hiện nay đang cố gắng vượt qua bài kiểm tra có tên “Turing Test”, tức là chúng sẽ “lừa” con người tin rằng chúng là người thật. 

Một số ý kiến đã vẽ ra viễn cảnh robot được xây dựng chính xác trên khuôn mẫu người, và có thể đưa ra quyết định ảnh hưởng tới loài người, dù họ có muốn hay không.

Nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking nhận định AI và các loại robot thay thế sức lao động của con người là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” đang đe dọa hàng triệu việc làm, dù cuộc cách mạng này được cho là giúp ích cho xã hội và sự thịnh vượng chung. 

Những nghiên cứu được thực hiện bởi đại học Oxford cùng nhiều trường khác đã chỉ ra một kết luận đáng kinh ngạc: robot sẽ “tiêu diệt” một nửa lượng công việc hiện tại.

Robot với khả năng học hỏi của AI có thể thay thế công việc của rất nhiều chuyên gia trong thời gian tới, từ những công việc của bác sĩ trong ngành y tế cho đến các công việc đòi hỏi cả cảm xúc và tình cảm.

Theo báo cáo mới đây của McKinsey, đến năm 2030 sẽ có khoảng 800 triệu người lao động trên toàn thế giới bị mất việc làm. Các robot công nghệ cao sẽ thay thế con người trở thành lao động chính.

Các chuyên gia nghiên cứu của McKinsey cho rằng, thế giới sẽ thấy sự chuyển đổi quy mô tương tự như đầu những năm 1900, khi mà nhiều nước trên thế giới chuyển đổi nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp. 

Các nhân viên điều khiển máy móc và công nhân ngành thực phẩm sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề trong xu hướng phát triển công nghệ AI và robot. 

Báo cáo cũng nêu ra những ngành nghề dễ bị tự động hóa, bao gồm môi giới cầm cố tài sản, kế toán và các vị trí công việc thuộc bộ phận không trực tiếp tạo ra doanh thu tại các doanh nghiệp. 

Chỉ tính riêng tại Mỹ, tới năm 2030 sẽ có 80 triệu người lao động mất việc làm vào tay robot. Tại Anh, báo cáo dự đoán tới năm 2030, sẽ có khoảng 20% số việc làm hiện nay bị thay thế bằng công nghệ tự động.

Tương lai khó lường

Tuy nhiên, một số chuyên gia lạc quan cho rằng không phải ngành nghề nào cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi “làn sóng robot”. Ví dụ như, những công việc đòi hỏi phải có sự tương tác nhiều của con người như bác sĩ, luật sư, giáo viên và nhân viên pha chế là những việc ít có khả năng tự động hóa. 

Những công việc có mức thu nhập thấp như làm vườn, sửa đường ống và chăm sóc sức khỏe cũng sẽ ít bị ảnh hưởng hơn trước công nghệ tự động.

Chưa hết, xuất hiện quan điểm tin tưởng cách mạng AI chính là cơ hội để các nước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

Để thích ứng với thị trường việc làm trong thời kỳ kinh tế số, các chính phủ cần tạo điều kiện cho những người mất việc vì tự động hóa trong một số ngành chuyển sang các lĩnh vực khác, hoặc có thể làm tại nhà hay trên các phần mềm thương mại điện tử, song song với trang bị các kỹ năng mới cho người lao động, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cùng với xu hướng robot chiếm lĩnh công việc của con người thì công nghệ mới cũng sẽ tạo ra những kiểu việc làm mới, cũng tương tự như thời điểm ra đời của máy tính cá nhân vào những năm 1980 đã dần đưa công nghệ tham gia vào quá trình hỗ trợ công việc và hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Đây chính là “thời điểm vàng” để đầu tư vào con người, kỹ năng và đào tạo thông qua việc tận dụng công nghệ để tạo việc làm tốt hơn, an toàn hơn.

Có vẻ như, các nền kinh tế đang có nhiều cơ hội để phát triển hệ thống đào tạo nghề. Người lao động có quyền được đào tạo ở những lĩnh vực họ cần và đúng công việc mà họ đang làm. 

Trong thời đại robot và AI phát triển chóng mặt, người lao động cần đến những kỹ năng và năng lực mới, trong đó sáng tạo được coi như một trong những kỹ năng quan trọng nhất và đặc biệt hữu dụng trong quá trình tương tác với máy móc.

AI và các loại robot thay thế sức lao động của con người là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” đang đe dọa hàng triệu việc làm.

Cho dù có những quan điểm tích cực về “làn sóng robot” và cách mạng AI, thế nhưng giới quan sát vẫn bày tỏ quan ngại trước nguy cơ AI “xóa sổ” loài người. Nhiều quốc gia đang nghiên cứu để thống lĩnh công nghệ robot trên thị trường. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực quốc phòng. Nước Anh gần đây thành lập Ủy ban Chiến lược Công nghệ để thâu tóm thị trường robot, khiến nhiều quốc gia khác rất có khả năng sẽ làm theo.

Giới quan sát cảnh báo quân đội nhiều quốc gia đang có kế hoạch sử dụng robot để đánh nhau. Tương lai là một bức tranh “Star Wars” (phim khoa học viễn tưởng trong đó robot và máy móc hiện đại được dùng để giao tranh) trong đời thực. 

Nhiều người khác còn tỏ ra lo lắng hơn khi cho rằng vấn đề không phải ở trí tuệ nhân tạo, mà nằm ở “sự ngu ngốc nhân tạo” – ám chỉ việc con người không thường xuyên nghĩ về cách kiểm soát các cỗ máy thông minh họ làm ra.

Sự phát triển của robot và AI khiến phần lớn công việc do con người thực hiện chuyển qua robot, tạo ra những lo ngại về tương lai thất nghiệp, đe dọa sự duy trì hệ thống an sinh xã hội - vốn dựa trên tiền thuế, từ đó tạo ra nguy cơ gia tăng bất bình đẳng trong việc phân phối tài sản và sự ảnh hưởng trong xã hội. 

Thậm chí trong vài thập niên tới, robot và AI có thể vượt qua cả khả năng trí tuệ của con người.

Trong bối cảnh này, ý kiến được dư luận quan tâm nhất là đưa robot vào quản lý, từ đó giúp con người kiểm soát được sản phẩm do mình sáng tạo ra và đảm bảo được sự tồn vong của chính loài người. 

Theo đó, người sản xuất và sử dụng robot phải đóng góp các khoản an sinh xã hội khi sử dụng robot vào các vị trí của con người. Ngoài ra, công cụ luật pháp trong tương lai cần cung cấp một quy định trách nhiệm nghiêm ngặt đối với thiệt hại do robot gây ra, khi chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa những hành vi gây hại của robot và thiệt hại của bên bị tổn thất...

Lâm Anh
.
.