Tiền ảo đang soán ngôi?

Chủ Nhật, 08/10/2017, 07:05
Thời gian qua, thẻ tín dụng và điện thoại thông minh đang trở thành những phương tiện thanh toán rất phổ biến, bên cạnh sự xuất hiện và ngày càng phát triển của tiền ảo (như Bitcoin). Dù được coi là bong bóng nhưng Bitcoin đang từng ngày thay đổi cả thế giới khi nhiều nhà đầu tư không ngại đổ tiền vào. 

Trong thời gian gần đây, trên thị trường giao dịch tiền điện tử, đồng Bitcoin đã tăng giá 134% lên mức 2.259 USD ăn 1 Bitcoin. Nhiều ý kiến cho rằng trong tương lai không xa, tiền giấy hay tiền xu sẽ biến mất khỏi các giao dịch mua bán hàng ngày trên thế giới, và chỉ còn được trưng bày trong viện bảo tàng.

Hiện đã có nhiều quốc gia giao dịch bằng đồng tiền Bitcoin với cấp độ pháp lý khác nhau. Đức là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận Bitcoin là đồng tiền hợp pháp, còn Nhật Bản đã ban hành đạo luật cho phép Bitcoin là một trong những phương thức thanh toán chính thức từ ngày 1-4-2017. 

Chưa hết, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với "blockchain" - công nghệ đứng sau đồng tiền ảo Bitcoin. Trong cuộc đua đó, phần lớn các ngân hàng trung ương từ chối biến tiền ảo thành thật, nhưng một số thì không. Tuy nhiêu, dù các đồng tiền ảo thâm nhập nhiều khía cạnh của đời sống thật nhưng trên một thị trường tiền tệ ảo không được kiểm soát cũng ẩn chứa nhiều rủi ro.
Bitcoin đã được nhiều nước thừa nhận trong giao dịch, và rất có thể trở thành đồng tiền của nhân loại trong tương lai.

Tiền mặt thất thế

Thụy Điển có lẽ là quốc gia "ghét" tiền mặt nhất châu Âu. Có tới 80% các khoản mua bán trên đường phố đều được thanh toán bằng kỹ thuật số tại đất nước Bắc Âu này. Một người bán bánh mì xúc xích trên lề đường ở thủ đô Stockholm cũng nhận thẻ tín dụng, dù giá mỗi cái bánh chưa đến 1USD, với lý do "không sợ làm rơi tiền, bị móc túi hay tiện cho du khách nước ngoài chưa rành cách đếm tiền giấy". 

Trong khi đó, người dân Đan Mạch bày tỏ lo ngại bị trấn lột khi trên đường ra ngân hàng và từ chối tiếp tục dùng tiền mặt. Vì vậy, chính phủ nước này đang chuẩn bị một dự luật cho phép người bán hàng từ chối nhận tiền mặt của khách, và chuyển sang thanh toán trực tuyến hay kỹ thuật số.

Còn tại Pháp, trong 15 năm trở lại đây, số lượng các dịch vụ thanh toán bằng thẻ tín dụng tăng lên gấp 3 lần. Thẻ tín dụng là phương tiện thanh toán trong 50% các khoản giao dịch. 

Theo thống kê, mỗi người Pháp trung bình sử dụng 301 lần thẻ tín dụng/năm (đứng thứ 6 tại châu Âu về mức độ sử dụng thẻ tín dụng). Thậm chí từ đầu những năm 2000, nhiều ngân hàng Pháp còn cung cấp thêm những phương tiện cho phép trả tiền mà không cần rút thẻ tín dụng ra khỏi ví.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mới đây thông báo dịch vụ thanh toán di động tiếp tục được phổ biến rộng rãi do xu hướng giao dịch không dùng tiền mặt đang trở thành trào lưu chính trong hoạt động thanh toán của người dân. 

Trong quý 2 năm 2017, các ngân hàng Trung Quốc đã xử lý 8,6 tỷ lượt giao dịch thanh toán di động, với tổng giá trị đạt 6.000 tỷ USD (tăng 34% so với cùng kỳ năm 2016). Ngoài ra, giao dịch trực tuyến thông qua các nền tảng thanh toán phi ngân hàng cũng đạt tổng giá trị lên đến 5.000 tỷ USD.

Tại nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á là Hàn Quốc, chỉ còn 14% các khoản thanh toán sử dụng tiền mặt, so với 55% dùng thẻ tín dụng. Có đến 51% người dân "xứ kim chi" muốn "phi vật thể hóa đồng tiền" để khỏi vướng bận với ví tiền khi mua sắm. 

Một số chuyên gia cho biết, việc không dùng tiền mặt còn giúp Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tiết kiệm được 40 triệu USD/năm. Quản lý khối lượng tiền giấy và tiền đồng lưu hành trên toàn quốc đòi hỏi nhiều tốn kém. Khi không còn phải nặng gánh về việc quản lý khối lượng tiền mặt lưu hành, GDP nước này có thể sẽ tăng thêm 1,2%.

Bong bóng tiền ảo

Ngoài các phương tiện thanh toán trực tuyến, sự xuất hiện của đồng tiền ảo (đơn cử như Bitcoin) càng rút ngắn thời gian "đưa tiền giấy vào bảo tàng". Cũng gần giống như các đồng tiền khác, Bitcoin có các chức năng trao đổi hàng hóa, ký gửi, bảo quản và cất trữ. Bitcoin có ưu điểm ở tính linh hoạt trong cất giữ và vận chuyển, với độ bảo mật cao, không bị làm giả, và lưu chuyển nhanh với chi phí siêu thấp. 

Điều đặc biệt là chính phủ các nước chỉ có thể quản lý chứ không thể can thiệp vào đồng tiền này. Với hiệu ứng mạng lưới (vòng lặp tính cực), càng nhiều người sử dụng thì Bitcoin càng có giá trị cho tất cả những ai dùng nó, những người đến sau càng có thêm sự khích lệ sử dụng công nghệ này. Với việc ngày càng có nhiều người, tổ chức kinh tế, nhiều quốc gia chấp nhận giao dịch bằng Bitcoin, giá trị của đồng tiền "ảo" này ngày càng gia tăng.

Tại nhiều quốc gia, số lượng các dịch vụ thanh toán bằng thẻ tín dụng đang có dấu hiệu tăng rất nhanh.

Bitcoin đã chiếm được niềm tin của người sử dụng, sự tin cậy lẫn nhau trong một môi trường Internet đã được xác lập. Hệ thống thanh toán toàn cầu đầu tiên của Bitcoin, nơi các giao dịch diễn ra hoặc là hoàn toàn không tốn phí, hoặc là tốn phí rất ít. 

Vấn đề thanh toán vi mô trước đây chưa từng làm được, thì nay một Bitcoin có thể chia nhỏ thành một trăm triệu đơn vị, trong tương lai sẽ còn nhiều hơn thế nữa, có thể nói khả năng chia nhỏ của Bitcoin là vô hạn và gửi nó cho người khác giống như gửi email hoặc gần như miễn phí. 

Rõ ràng, tiền điện tử như Bitcoin có thể mang lại nhiều hứa hẹn về lâu dài, đặc biệt là nếu những sáng kiến này đưa ra những giải pháp thanh toán nhanh hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn. Nhiều cá nhân ủng hộ tiền ảo, và tin tưởng vào triển vọng của đồng Bitcoin trong thời gian tới, dẫn đến sự hình thành một lớp tài sản hoàn toàn mới.

Bong bóng tiền ảo Bitcoin dù chỉ là một sản phẩm công nghệ nhưng rõ ràng khả năng ứng dụng vào thực tế ngày càng được chứng minh. Ngày càng nhiều tiền đầu tư đổ vào đồng tiền ảo này bởi lãi suất mà nó đem lại đang tăng chóng mặt. 

Nếu nhà đầu tư nào may mắn bỏ ra 1.000 USD để mua Bitcoin với giá chỉ 0,05 USD vào năm 2010, thì tài sản giờ đây đã lên tới 46 triệu USD. Theo dự báo, thị trường tiền ảo này sẽ sớm trở thành nghìn tỷ USD. Bitcoin hiện nay đã có giá trị vốn hóa lớn hơn cả PayPal - một trong những công cụ thương mại điện tử mạnh mẽ hàng đầu thế giới. Bitcoin đã được nhiều nước thừa nhận với cấp độ khác nhau để giao dịch gần giống như các đồng tiền khác đang hiện hữu. 

Theo đó, đây là đồng tiền ảo sáng giá và tin cậy nhất trong các đồng tiền điện tử đang được giao dịch phổ biến hiện nay, và rất có thể trở thành đồng tiền của nhân loại trong tương lai.

Từ ảo đến thật

Dù tiện ích nhưng thanh toán điện tử cũng còn nhiều điểm khiến người sử dụng không khỏi băn khoăn. Đầu năm 2017, toàn bộ hệ thống thanh toán bằng thẻ tại Áo (khoảng 50.000 điểm) đã bị ngừng hoạt động trong vòng 1 tiếng. Dù nguyên nhân được xác định là do lỗi kỹ thuật và "tin đồn" hệ thống bị tin tặc tấn công được loại trừ, nhưng trong thời buổi kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nỗi lo tin tặc vẫn luôn thường trực. 

Bên cạnh đó, lo ngại bị đánh cắp dữ liệu, một số địa điểm không chấp nhận thanh toán qua thẻ và đại đa số các nước trên thế giới vẫn dùng tiền mặt để thanh toán là những lý do chính khiến người dân nhiều quốc gia phản đối đề xuất loại bỏ tiền mặt. Đối với Bitcoin, mức tăng trưởng mạnh cho thấy tiềm năng của đồng tiền ảo này nhưng cũng hé lộ tính bất ổn. 

Theo đó, một tài sản có thể tăng 150% giá trị chỉ trong thời gian ngắn, thì tài sản ấy cũng có thể mất ngần ấy giá trị trong tương lai. Người giàu sẵn sàng cất giấu tài sản ở kênh Bitcoin vì tài sản ấy có nguồn gốc nhạy cảm, và cũng sẵn sàng mất một phần giá trị trong trường hợp Bitcoin mất giá để lượng tiền này được nặc danh trong giao dịch. Thế nên, một số chuyên gia tài chính nhận định Bitcoin chỉ thích hợp để đầu tư "lướt sóng" thay vì đầu tư dài hạn.

Lo ngại bị đánh cắp dữ liệu khiến người dân nhiều quốc gia cảm thấy không an toàn trong các giao dịch trực tuyến.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang nghiên cứu công nghệ "blockchain" để tạo ra đồng tiền kỹ thuật số cho riêng mình. Trung Quốc vừa hoàn tất thử nghiệm đồng tiền ảo do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tự phát triển, đồng thời có ý định hạn chế các đồng tiền ảo do tư nhân phát hành bằng cách ngưng hoạt động rút tiền ảo ra khỏi sàn giao dịch. 

Tại Singapore, đồng tiền kỹ thuật số giúp Ngân hàng Trung ương thực hiện giao dịch mua bán chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore, cũng như hoàn thiện các giao dịch thanh toán chuyển khoản trên toàn cầu. 

Nhờ tiền ảo, Singapore không giấu giếm tham vọng kết nối trực tiếp thông qua các tài khoản ngân hàng trung ương trên thế giới, tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành trung tâm tài chính "không ngủ" ở giữa lòng châu Á.

Theo nhiều chuyên gia, tiền ảo từ công nghệ "blockchain" chưa phù hợp để trở thành một loại tiền tệ thế hệ mới vì chúng không có sự ổn định về mặt giá trị. Những đồng tiền ảo như Bitcoin được tạo ra theo nguyên tắc phi tập trung, phân tán và ngang hàng (nghĩa là ai cũng có thể tham gia tạo ra tiền) nên dễ bị sử dụng theo kiểu ẩn danh, chưa kể đến quá nhiều rào cản về an ninh và bảo mật của công nghệ "blockchain". 

Một thách thức khác được đặt ra là giữa các ngân hàng trung ương phải có một cơ chế tiền ảo chung. Sẽ chẳng có ý nghĩa trên quy mô toàn cầu nếu chỉ có vài ngân hàng trung ương ứng dụng tiền ảo. Do đó, tương lai của tiền ảo chưa hoàn toàn rõ ràng, và việc biến tiền ảo thành thật có lẽ vẫn là câu chuyện xa vời...

Anh Doãn
.
.