Những sáng tạo thú vị trong công nghệ chống quấy rối tình dục
- Sau Hollywood, phong trào Me Too đang “càn quét” giới showbiz Hàn
- Phong trào chống quấy rối tình dục của những nữ phóng viên Nhật Bản
- Bàn về quấy rối tình dục
Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hàng triệu lượt hashtag #MeToo xuất hiện trên mạng Internet, đưa cuộc vận động #MeToo lan tỏa ra khắp nơi và làm nên những thay đổi nhanh chóng chưa từng thấy.
Sở dĩ #Metoo bùng phát rộng bởi gần như ở quốc gia nào cũng đều xuất hiện những đối tượng có hành vi quấy rối tình dục, nhưng các nạn nhân phần lớn vì yếu thế hơn hay không được bảo vệ nên hầu như không dám lên tiếng tố cáo.
Trong bối cảnh nạn quấy rối tình dục đang ngày càng phức tạp, giới khoa học đã và đang nghiên cứu phát triển một số thiết bị hay ứng dụng hữu ích, đôi khi khá kỳ quặc, để ngăn chặn tình trạng này cũng như bảo đảm an toàn cho mỗi cá nhân.Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)
Mặc dù vẫn còn rất khó để có thể ngăn chặn mọi bình luận “khiếm nhã” tại công sở, nhưng vẫn có những cách để ứng dụng AI trong việc giám sát vấn đề này ở thời đại công nghệ số.
Điều này hoàn toàn khả thi khi các nhân viên cân nhắc sử dụng nhiều hơn các công cụ được thiết kế cho công sở như Slack và Microsoft Teams trong quá trình sử dụng thư điện tử (e-mail) của máy chủ công ty hoặc nhắn tin bằng các ứng dụng (apps) do công ty quản lý.
Có thể hình dung tới tình huống như sau: khi ai đó gửi email hay tin nhắn có nội dung chọc ghẹo hay gạ gẫm một đồng nghiệp khác cùng công ty, họ sẽ nhận được thông báo kiểu như: “e-mail của anh/chị đã bị chặn, chúng tôi đã liên lạc với người đại diện của bộ phận nhân sự”.
Mặc dù các công cụ AI chưa được thiết kế riêng cho chống quấy rối tình dục, nhưng chúng có thể được sử dụng hữu ích để bảo vệ mỗi cá nhân khỏi bị quấy rối. Các công nghệ này có thể tổng hợp, phân tích, nhận diện các từ ngữ phản cảm có tính chất quấy rối trong quá trình giao dịch e-mail, tin nhắn hoặc nói chuyện có ghi âm.
Hàng triệu lượt hashtag #MeToo xuất hiện trên mạng Internet, đưa cuộc vận động #MeToo lan tỏa ra khắp nơi và làm nên những thay đổi nhanh chóng chưa từng thấy. |
Nói chung, AI sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu (như theo dõi dữ liệu) để biết khi nào nhân viên không vui về công việc, đồng thời xác minh việc các nội dung trao đổi có tính gạ gẫm tình dục có bị gửi đi hay không.
AI sẽ nhắc nhở người dùng khi phát hiện những tình huống hay đối tượng “có vấn đề”, đồng thời giúp phân tích tần suất hành vi có khả năng là quấy rối và tổng hợp các bằng chứng liên quan khi người sử dụng cần đến.
AI có thể được xem như một công cụ báo cáo để “quét” các tin nhắn, rồi xác định xem một bình luận nào đó có thể đã bị hiểu lầm hay không.
Theo đó, khi một cá nhân gửi hình ảnh khiêu dâm qua e-mail hay một nhân viên bắt đầu săn đuổi một nhân viên khác, ứng dụng AI sẽ bắt đầu giám sát và thông báo về tần suất phát đi của những thông điệp hay các bức ảnh đó.
Chẳng hạn, một bot được cài đặt trong ứng dụng Slack hoặc trong máy chủ e-mail của công ty ít nhất có thể tìm kiếm và phát hiện các vấn đề quấy rối và sẽ gắn cảnh báo cho vấn đề đó.
Rõ ràng, việc sử dụng AI làm công cụ cảnh báo có những giá trị nhất định, và có thể giúp tăng hiệu quả hoạt động cho công tác nhân sự ở công sở.
Phần mềm hữu ích
Trên thế giới đã có khá nhiều phần mềm giúp các nạn nhân có thể tố cáo ẩn danh hoặc công khai các đối tượng quấy rối, hay cung cấp thông tin về các tuyến đường, khu vực, công ty thường xảy ra hành vi quấy rối.
Các phần mềm giúp các nạn nhân bị quấy rối chia sẻ với nhau hay hỗ trợ, bảo vệ họ trước kẻ quấy rối, thường là kẻ có quyền lực hơn, và giúp họ thoát khỏi những ám ảnh, những cú sốc khi bị quấy rối.
Chẳng hạn, Microsoft có phần mềm Microsoft Azure phối hợp với Cơ quan dịch vụ thông tin đề phòng tội phạm của FBI.
Các nạn nhân có thể sử dụng phần mềm này để tố cáo tội phạm quấy rối tình dục cũng như tìm kiếm sự bảo vệ mà không nhất thiết phải để lộ danh tính. Danh sách những kẻ quấy rối tình dục được giữ kín nhưng cảnh sát sẽ bí mật theo dõi và giăng bẫy những đối tượng này.
Các ứng dụng như STOPit hay Blind được thiết kế chuyên dành cho giới văn phòng để báo cáo về các công ty, các giám đốc thậm chí nhân viên có hành vi quấy rối tình dục cũng được giới văn phòng tin tưởng sử dụng khá nhiều tại Mỹ và Anh.
Ứng dụng tố cáo quấy rối tình dục ngoài đường phố có thể kể đến như Silent Choir, hay Hollaback! cũng khá thành công và được biết đến khi động viên tất cả mọi người đứng lên chống lại hành vi quấy rối tình dục.
Mới đây, ứng dụng Ciaspora trên nền tảng công nghệ Blockchain đã ra đời, cho phép người sử dụng có thể chia sẻ chuyện bị quấy rối của mình - thường là những câu chuyện nhạy cảm - mà hoàn toàn không để lộ danh tính.
Một ứng dụng thú vị khác có tên Watchoverme cho phép người dùng đặt “khoảng thời gian nguy hiểm” khi họ sắp đi gặp đối tượng quấy rối hay có thể sắp gặp rủi ro.
Trong thời hạn đó, chỉ cần người dùng rung lắc điện thoại nếu không kịp bấm cuộc gọi, điện thoại sẽ lập tức kích hoạt chế độ báo động, bật video ghi lại tình huống và gửi báo động tới các số máy đã đặt trước của người thân.
Khoa học cũng hỗ trợ cuộc chiến chống quấy rối tình dục bằng nhiều dụng cụ độc đáo như thiết bị báo động Athena và Stiletto. |
Thậm chí dù người dùng không báo động, nhưng nếu hết thời hạn đặt “khoảng thời gian nguy hiểm” mà điện thoại vẫn chưa tắt chế độ này, sẽ có tin nhắn tự động gửi đến số máy người thân cho biết vị trí của họ và nhắc nhở về khả năng có thể xảy ra rủi ro.
Bên cạnh đó, cảnh sát tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) vừa đưa vào sử dụng loại ứng dụng điện thoại thông minh Mimamotchi có tính năng cảnh báo người dùng khi họ sắp đi vào nơi từng xảy ra các vụ tấn công tình dục trong vòng 12 tháng trước đó.
Sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS), ứng dụng hiển thị vị trí hiện tại của người dùng trên bản đồ và biểu thị màu đỏ đối với những vị trí từng xảy ra hành vi quấy rối hoặc các tội ác tình dục khác. Nó cho phép người sử dụng chọn cài đặt, chẳng hạn phạm vi bán kính (từ 100m đến 5km) và khoảng thời gian của các vụ tấn công tình dục gần nhất để tránh những điểm nóng nguy hiểm tiềm tàng.
Khi gặp tình huống khẩn cấp, người dùng có thể sử dụng tính năng báo động bằng cách chạm vào màn hình để điện thoại phát ra tiếng cảnh báo và gọi cảnh sát.
Những thiết bị độc đáo
Khoa học cũng hỗ trợ cuộc chiến chống quấy rối tình dục bằng nhiều dụng cụ độc đáo. Ví dụ như thiết bị báo động Athena, với kích cỡ chỉ nhỏ bằng đồng xu, có thể được đeo như mặt dây chuyền, được cài trên áo, trên thắt lưng hay gắn ở những khu vực kín đáo nhất.
Khi gặp nguy hiểm, chỉ cần bấm nút trên Athena khoảng 3 giây, lập tức thiết bị này sẽ phát âm thanh báo động kêu cứu đồng thời gửi thông tin ghi âm tình huống xảy ra và định vị địa điểm của người gặp nạn về số máy đã được chọn trước đó của người thân hoặc bạn bè.
Trong trường hợp chưa đến mức báo động hay phải báo tin kín đáo, chỉ cần bấm nhanh ba lần, thiết bị sẽ tự động gửi tin nhắn đến máy người thân rằng người dùng đang có nguy cơ bị quấy rối.
Khác với Athena, Stiletto được thiết kế mang tính thẩm mỹ để người dùng có thể đeo như một loại trang sức, và chỉ cần nhấn vào nút ấn bên hông, thiết bị thông minh này có thể thay người dùng gọi đến báo cảnh sát hay gọi đến số điện thoại được lựa chọn từ trước.
Nhiều ứng dụng được thiết kế chuyên dành cho giới văn phòng để báo cáo về các hành vi quấy rối tình dục. |
Stiletto với bộ phận hỗ trợ âm thanh có thể nhận diện và trả lời cho cảnh sát các thông tin cần thiết như khu vực nạn nhân đang ở, nhiệt độ xung quanh hay tình huống đang xảy ra. Nếu ấn nhầm vào nút bấm khẩn cấp, chỉ cần ấn thêm một lần nữa để xác nhận an toàn, và thiết bị sẽ tự động trở lại vai trò là một đồ trang sức đơn giản ban đầu.
Sáng tạo độc đáo nhất phải kể đến đồ lót chống hiếp dâm. Một nhóm sinh viên Ấn Độ đã nảy ra ý tưởng về “đồ lót chống hiếp dâm SHE” nhằm đối phó với tình trạng gia tăng các vụ hiếp dâm đến mức báo động ở đất nước này.
Sản phẩm SHE là tên viết tắt của “thiết bị bảo hộ xã hội”, thực chất là một chiếc áo lót có gắn một mạch cảm biến điện và một hệ thống GPS. Khi được kích hoạt thông qua một chiếc điều khiển từ xa do người mặc nắm giữ, chiếc áo lót có thể sạc điện và phóng ra một luồng điện mạnh tới 3.800kV khắp cơ thể kẻ quấy rối khiến hắn bất động trong vài phút, giúp nạn nhân nắm bắt cơ hội để bỏ chạy.
Chiếc áo lót cũng có thể phát ra các tín hiệu báo nguy tới đồn cảnh sát gần nhất và có thể cung cấp các chi tiết về vị trí của người mặc với nhà chức trách.
Tương tự như đồ lót chống hiếp dâm, nhóm sinh viên tiếp tục nghiên cứu và phát triển áo khoác chống quấy rối. Loại trang phục này được gắn các điểm tiếp xúc bằng kim loại trên bề mặt để mang theo điện tích đủ để sản sinh ra dòng điện vô hiệu hóa kẻ hiếp dâm, giúp nạn nhân có thời gian tự vệ hay chạy thoát. Công tắc để kích hoạt các cảm biến được thiết kế giấu trong túi hoặc tay áo.
Điều thú vị là, loại áo khoác này có thể mặc bên ngoài bất kỳ loại trang phục nào và được may từ vải denim hoặc các sợi vải thông thường, nên thoạt nhìn không hề khác những chiếc áo bình thường...