Khi nước trở thành… dầu mỏ

Thứ Ba, 14/05/2019, 17:05
Theo Liên Hiệp Quốc, nhu cầu toàn thế giới về nước sẽ vượt quá mức cung 40% vào năm 2030. Khi ấy, khan hiếm nước ngọt sẽ trở thành một trong những thách thức lớn nhất với nhân loại. 


Thiếu nước sẽ ảnh hưởng tới quá trình sản xuất và bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân ở bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào. 

Liên Hiệp Quốc đặc biệt quan ngại nguy cơ các cuộc xung đột vũ trang nhằm tranh giành và kiểm soát nguồn nước, với mức độ thậm chí còn khốc liệt hơn cả cuộc chiến dầu mỏ hiện nay.

Cạn kiệt “nguồn sống”

Trong số hơn 3% trữ lượng nước ngọt trên trái đất, 68% tồn tại ở dạng băng và sông băng, cùng 30% là nước ngầm. Nguồn nước mặt như nước trong các sông hồ, chỉ chiếm khoảng 2%. 

Số lượng ít ỏi nước ngọt sẵn sàng để sử dụng lại phân bố không đồng đều, dồi dào nhất ở khu vực châu Á và Nam Mỹ trong khi lại gần như cạn kiệt ở châu Phi và Trung Đông. Chính bối cảnh này khiến Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu công nhận tiếp cận nước sạch là một trong những quyền cơ bản của con người.

Tình trạng thiếu nước sạch đã, đang và sẽ còn nghiêm trọng hơn trong tương lai, đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người.

Thế nhưng, nghịch lý nằm ở chỗ, các báo cáo đã chỉ ra rằng hiện có khoảng 1/8 dân số thế giới không có nước sạch để uống, và 1/5 dân số thế giới không có đủ nước sạch dùng trong sinh hoạt. Điều này dường như đã tạo nên vi phạm nhân quyền lớn nhất trên thế giới. 

Chưa hết, bùng nổ dân số sẽ gây áp lực lớn lên nguồn cung nước sạch. Liên Hiệp Quốc ước tính, đến năm 2025, có khoảng 2 tỉ người sống tại các khu vực hoàn toàn khan hiếm nước, và vào năm 2030, một nửa dân số thế giới sẽ sống trong những vùng căng thẳng do nước.

Việc nước ngọt bị ô nhiễm cũng khiến nguồn cung nước sạch giảm mạnh, trở thành “sát thủ” vô cùng đáng sợ. Ước tính mỗi ngày có khoảng 2 triệu người tử vong do các căn bệnh khởi phát vì dùng nước ô nhiễm, trong khi cứ 3.5 giây lại có 1 trẻ em chết do uống nước bẩn. 

Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi các nguồn nước ngày càng cạn kiệt, khiến nước sạch trở thành một thứ tài nguyên quý không kém dầu mỏ. Các dấu hiệu ngày một rõ rệt, như những sa mạc như Sahara đang ngày càng mở rộng, hồ Tchad ở Tây Phi giảm gần 100m nước mỗi năm, hay những khối băng trên dãy Himalaya - từng được mệnh danh là “tháp nước của châu Á” - đang tan với tốc độ báo động.

Rõ ràng, tình trạng thiếu nước sạch đã, đang và sẽ còn nghiêm trọng hơn trong tương lai, đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người. Các nguồn cung cấp nước ngọt hiện nay sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu, đe dọa các nguồn cung cấp lương thực của thế giới và làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. 

Bên cạnh đó, thiên tai, sự suy giảm chất lượng nước, kết hợp với đói nghèo, căng thẳng xã hội, sẽ góp phần làm tăng sự bất ổn, có thể dẫn đến những căng thẳng về chính trị và sự sụp đổ của nhiều quốc gia. Trong bối cảnh này, khái niệm an ninh nước sẽ có vai trò quyết định đối với sự tồn vong của một quốc gia, chứ không phải là an ninh năng lượng hay lương thực.

Tiềm ẩn xung đột

Theo quan sát, thực trạng cạn kiệt nước sạch đáng báo động có nguy cơ châm ngòi những cuộc xung đột giữa các quốc gia hay khu vực. Tình hình trở nên trầm trọng hơn bởi trên lưu vực hơn 260 con sông trên thế giới có các đường biên giới quốc gia đi qua, tức là hai hoặc nhiều quốc gia “chung một dòng sông”. 

Chẳng hạn, các nước cộng hòa Trung Á là Kazakhstan, Ouzbekistan, Turkmenistan và Kirghizistan lại đang tranh giành nguồn nước từ sông Syr Daria và Amor Daria. Trong khi đó, cuộc đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq, dù lấy chiêu bài giải quyết vấn đề người Kurd, nhưng thực chất lại nhằm phân chia nguồn nước của hai con sông Tigre và Euphrate.

Trong nửa thế kỷ trở lại đây, thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy đã có hơn 500 cuộc xung đột vì nguồn nước. Tổ chức này cũng cảnh báo có đến 300 điểm nóng trên thế giới đứng trước nguy cơ tranh chấp quân sự liên quan đến việc phân chia nguồn nước, tập trung tại các khu vực khô hạn hoặc đông dân cư của châu Phi và châu Á. 

Hiện nay, ba quốc gia Ai Cập, Sudan và Ethiopia đang phải đối mặt với các cuộc xung đột nước tiềm tàng. Ai Cập, một nước vùng hạ lưu hùng mạnh, đã nhiều lần đe dọa sẽ tiến hành chiến tranh để giải quyết mâu thuẫn xung quanh sông Nile. 

Chỉ nhờ hai nước vùng thượng lưu là Sudan và Ethiopia đều bị nhấn chìm trong nội chiến và quá nghèo để có thể xây đập tích trữ nguồn nước nên chiến tranh mới... chưa xảy ra.

Trong khi đó, Trung Đông - một trong những khu vực khô cằn trên thế giới - được Liên Hiệp Quốc đánh giá là rất mong manh vì sự sống còn của năm quốc gia Israel, Lebanon, Jordan, Syria và Palestine phụ thuộc vào nguồn nước của sông Jourdain, mà Israel ngang nhiên tuyên bố là nguồn tài nguyên chiến lược luôn được bảo vệ bởi quân đội nước này. 

Châu Á cũng chứng kiến những xung đột về nước giữa Trung Quốc và Ấn Độ, khi Bắc Kinh luôn tìm cách kiểm soát Tây Tạng, vốn được coi là “tháp nước” của châu Á. Chính phủ Ấn Độ tỏ ra vô cùng lo lắng khi thấy một phần nguồn nước của hai con sông lớn là sông Brahmapoutre và sông Ấn bị Bắc Kinh “nắn dòng”. 

Ngoài ra, nhiều quốc gia ở lưu vực sông Mê Kông cũng đã lên án Trung Quốc xây nhiều đập thủy điện trên thượng lưu con sông làm mực nước sông ngày càng xuống thấp.

Nguồn nước trên thế giới hiện nay có thể ví như “một tấm chăn hẹp”, không thể đủ cho tất cả mọi người. Trước những âm mưu về kiểm soát nguồn nước của các quốc gia trên thế giới đang diễn ra với xu hướng ngày càng tăng, giới quan sát cho rằng nước sẽ trở thành thứ vũ khí chính trị, một đòn bẩy, thậm chí âm mưu khủng bố, ảnh hưởng tới cán cân quyền lực giữa các quốc gia. 

Chiến tranh nước sạch là hậu họa tất yếu sẽ xảy ra trong tương lai gần, thậm chí còn khốc liệt hơn cả cuộc chiến dầu mỏ, nếu cộng đồng quốc tế, mà đại diện là Liên Hiệp Quốc, không có quyết sách thích hợp về quản lý và phân chia nguồn nước khi vấn nạn thiếu nước trở nên trầm trọng hơn.

Hệ thống khử mặn nước biển thành nước ngọt tại Saudi Arabia.

Giải pháp sáng tạo

Đứng trước nguy cơ xung đột nguồn nước, giới khoa học từ lâu đã tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng nước sạch, đưa ra những giải pháp sáng tạo và táo bạo như tổng hợp nước từ hydro và oxy khí quyển, hay xây dựng các trạm nguyên tử để lọc nước ô nhiễm thành nước ngọt. 

Tiếp đó, họ đang cân nhắc khả năng sử dụng băng ở hai cực để chế biến thành nước uống, hay xây dựng các tấm lưới khổng lồ để “bắt” sương trên khu vực sa mạc và biến thành nước sạch.

Ý tưởng độc đáo tiếp theo phải kể đến tháp nước Warka dùng để tạo nước sạch từ không khí, với một cấu trúc hình tròn khổng lồ làm từ tre đan đang được thử nghiệm ở Ethiopian. Tuy nhiên, dường như những sáng kiến này vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Một cách tiếp cận khác để giải quyết vấn đề khan hiếm nước, khá cơ bản nhưng được coi là hữu hiệu, là khử mặn nước biển. Tại Saudi Arabia, chính phủ đã cho xây dựng nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt lớn nhất thế giới tại Jubail, với công suất lọc khoảng 3 tỉ lít nước biển mỗi ngày bằng khí đốt đun nóng để tách muối. 

Hơi nước ngọt sẽ được thu hồi dưới dạng nước rồi được chuyển vào các đường ống dài gần 500km dẫn về thủ đô Ryad để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Bên cạnh đó, Nga - quốc gia đang sở hữu 20% dự trữ nước ngọt toàn cầu - cũng đề xuất các phương pháp lọc nước biển mới, và nhấn mạnh có thể tính đến khả năng xuất khẩu nước ngọt qua các đường ống dẫn nước đặc biệt để tham gia vào quá trình cung cấp nước toàn cầu.

Điều khiến giới quan sát kinh ngạc là nguy cơ chiến tranh nguồn nước có thể được giảm thiểu nhờ phát hiện tái chế nước thải sinh hoạt của các nhà khoa học Australia. 

Theo nghiên cứu, nước thải sinh hoạt nói chung (bao gồm cả nước toilet) thực sự là một nguồn dồi dào, sẵn có và chưa được tận dụng. Ý tưởng cơ bản là, nước thải được xử lý nhờ thẩm thấu ngược và tia cực tím cho đến khi sạch... như nước tinh khiết, sau đó được dẫn trở lại đường ống sinh hoạt để phục vụ nhu cầu sử dụng. 

Các nhà khoa học khẳng định nước được tái chế rất an toàn, thậm chí “sạch hơn” nước tinh khiết, và có mùi vị giống như tất cả những loại nước đóng chai hay lấy từ vòi. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ phải khéo léo thuyết phục người dân bởi lẽ không một ai muốn sử dụng nguồn nước từng được thải qua nhà vệ sinh hay hệ thống cống rãnh, cho dù được quảng cáo là hoàn toàn vô hại. 

Nguyễn Tuyết – Lê Nam
.
.