Lục địa bí ẩn Zealandia

Thứ Năm, 17/08/2017, 08:16
Những nhà địa chất học từ Đại học Texas, Mỹ cho rằng các lục địa trên bề mặt Trái đất trôi nổi rất bất thường và khó có thể hình dung ra vị trí của chúng trong quá khứ cũng như trong tương lai. 

Trong hơn 250 triệu năm trước, các châu lục hiện tại được tách ra từ một lục địa lớn Pangaea. Những hình ảnh vệ tinh đã giúp các nhà khoa học có những bằng chứng về sự dịch chuyển của các lục địa nằm trên mảng kiến tạo địa lý. Cũng theo các nhà nghiên cứu, việc dịch chuyển này sẽ có thể tạo ra các lục địa mới, và chuyển động của các mảng kiến tạo sẽ gây nên những đứt gãy trên bề mặt Trái đất.

Mới đây các nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Australia và New Zealand đã bắt đầu một chuyến khảo sát nghiên cứu nhằm tìm hiểu về lịch sử và cấu trúc của một vùng đất được đặt tên Zealandia. Họ cho rằng Zealandia chính là mảng lục địa được sinh ra bởi một vụ va chạm hơn 50 triệu năm trước và nay đã chìm dưới đáy biển. 

Những kết quả nghiên cứu này sẽ giúp các nhà khoa học có cái nhìn rõ nét hơn về cách Trái đất hình thành các châu lục trong quá khứ.

Sự dịch chuyển và siêu lục địa

Vào năm 1915, nhà địa chất học Alfred Wegener đặt tên cho siêu lục địa đã từng tồn tại vào khoảng 300 triệu năm trước là Pangaea. Trong tiếng Hy Lạp, Pangaea có nghĩa là "toàn bộ đất đai" và bị chia cắt để hình thành nên các lục địa như ngày nay do quá trình trôi dạt.

Các nhà nghiên cứu cho rằng Pangaea là vùng đất có dạng hình chữ C trải rộng qua đường xích đạo. Những dãy núi được hình thành và một số còn tồn tại đến ngày nay như dãy Atlas, Ural… với phần đại dương có tên gọi Panthalassa bao quanh lục địa. 

Do diện tích rộng lớn của mình, càng vào sâu thì khí hậu Pangaea càng trở nên khô cằn và thiếu mưa. Các loài động vật trên đất liền có thể tự do di cư theo mọi hướng theo hai trục Nam - Bắc.

Vào khoảng 250 triệu năm trước, Pangaea chia tách thành hai phần, phía nam là Gondwana (bao gồm Nam Mỹ, châu Phi, châu Nam Cực, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Madagasca và tiểu lục địa Ảrập…

Còn phía bắc là Laurasia bao gồm châu Âu, châu Á và khu vực Bắc Mỹ ngày nay. Những kết quả khảo sát cho thấy Pangaea không phải là lục địa đầu tiên nhưng nó là lục địa hình thành gần hiện tại nhất và sự trôi dạt trên bề mặt Trái đất đã tạo nên các lục địa như ngày nay. 

Vào khoảng 600 triệu năm trước, một lục địa có tên gọi Pannotia đã hình thành và xa hơn nữa là lục địa Rodinia hình thành vào khoảng hơn 1 tỷ năm trước.

Cũng chính Alfred Wegener đã phát hiện ra điểm tương đồng giữa các hóa thạch được tìm thấy trên các châu lục có đại dương ngăn cách, dựa vào đó ông đã đưa ra lý thuyết về sự trôi dạt lục địa.

Theo thuyết kiến tạo mảng, bề mặt Trái đất chia thành bảy mảng kiến tạo (thạch quyển) chính và các mảng kiến tạo nhỏ. Khác với địa tầng kiến tạo dùng để chỉ các lớp đất đá hình thành nên vỏ Trái đất, mảng kiến tạo có bề dày lớn hơn nhiều. Các mảng kiến tạo thường có độ dày khoảng 100km và bao gồm hai lớp vỏ là lớp vỏ đại dương và lớp vỏ lục địa.

Bên dưới hai lớp vỏ này là một lớp phủ dẻo chuyển động liên tục, chính sự chuyển động này làm cho các mảng kiến tạo di chuyển theo một tiến trình được gọi là sự trôi dạt lục địa. Những dãy núi và núi lửa cũng như các trận động đất được sinh ra bởi sự tương tác của các mảng kiến tạo, ranh giới của các mảng kiến tạo có thể trải rộng trên nhiều châu lục.

Một lý thuyết nữa được Harry Hess, nhà địa chất người Mỹ gọi tên là "sự giãn tách của đáy đại dương" đưa ra để giải thích cho sự trôi dạt lục địa. Ông đã sử dụng sóng siêu âm để khảo sát bề mặt đáy đại dương dựa theo bản đồ chi tiết dãy núi ngầm trải dài dưới lòng Đại Tây Dương.

Harry Hess cho rằng đáy đại dương liên tục dịch chuyển và magma trào lên qua những vết nứt nhanh chóng nguội đi nhờ nước biển, trở thành đá cứng và trượt xuống hai bên sườn của ngọn núi ngầm. Sự dịch chuyển của những lớp đá cứng này và sống núi ngầm khiến cho các mảng kiến tạo địa lý thay đổi, đẩy các lục địa ra xa nhau. 

Với 94% diện tích nằm ngập dưới mặt nước biển, Zealandia được coi là lục địa chìm trong nước nhiều nhất.

Qua phân tích những hình ảnh vệ tinh thu được, các nhà khoa học cho rằng các lục địa đang dịch chuyển trên bề mặt Trái đất với tốc độ vài centimet/năm. Sự dịch chuyển này sẽ khiến cho các mảng kiến tạo thay đổi vị trí và va chạm vào nhau. Những giả thiết đã được đưa ra trước sự dịch chuyển của lục địa Bắc, Nam Mỹ về phía Tây xa khỏi châu Phi và châu Âu.

Những mô hình địa động lực học đã cho thấy khả năng châu lục Bắc và Nam Mỹ sẽ di chuyển theo hướng ngược lại so với hiện tại cùng với việc Đại Tây Dương bị hút chìm. Trong một mô hình khác, Thái Bình Dương bị hút chìm và Bắc, Nam Mỹ trôi dạt về phía Đông Á.

Trong tương lai, có thể là 250 triệu năm nữa các châu lục hiện nay sẽ nhập lại thành một siêu lục địa duy nhất. Các nhà địa chất học từ Đại học Northwestern, Mỹ phỏng đoán trong khoảng 50 triệu năm nữa sự dịch chuyển bề mặt Trái đất sẽ tạo ra các va chạm giữa các châu lục. Úc có thể va chạm với Đông Nam Á, Đại Tây Dương sẽ lớn hơn do châu Phi được đẩy sát lên miền nam châu Âu… 

Miền đất bị nhấn chìm

Với diện tích gần 5 triệu km2 nằm ở khu vực phía đông Australia bao gồm lãnh thổ New Zealand và vùng New Caledonia thuộc Pháp, Zealandia được coi là lục địa sinh ra bởi một vụ va chạm hơn 50 triệu năm trước và hiện đang chìm dưới mặt nước biển.

Các nhà nghiên cứu cho rằng 75 triệu năm trước, Zealandia là một phần của Australia và sau đó phần lục địa này tách ra, dịch chuyển về phía đông bắc và dừng lại cách đây 50 triệu năm. Với 94% diện tích chìm trong nước, Zealandia được coi là lục địa trẻ nhất, mỏng nhất và ngập chìm trong nước nhiều nhất.

Cái tên Zealandia do Giáo sư địa chất Bruce Luyendyk đưa ra vào năm 1995, ở thời điểm đó vùng đất này chỉ đáp ứng được 3 trong số 4 đặc điểm cần để được gọi là một lục địa. Bốn tiêu chuẩn đó bao gồm: Vùng đất phải nhô lên so với khu vực xung quanh; Có địa chất đặc biệt; Là một vùng được định hình rõ ràng; Có lớp vỏ dày hơn đáy đại dương thông thường. Mới đây, trong một báo cáo trên chuyên san The Geological Society of America, 11 nhà địa chất học đã cung cấp các bằng chứng để chứng minh luận điểm của họ về sự tồn tại của vùng đất mang tên Zealandia.

Hệ sinh thái phong phú ở Zealandia.

Theo tác giả chính của nhóm, nhà địa chất New Zealand Nick Mortimer thì quá trình này đã kéo dài từ 20 năm trước. Những bằng chứng của nhóm nghiên cứu cho thấy sự tồn tại của Zealandia do việc vỏ Trái đất được nâng lên khá cao so với phần còn lại trong khu vực. Nó cũng có phần vỏ dày hơn nhưng phân bố mỏng hơn so với thềm đại dương xung quanh. 

Zealandia cũng đủ lớn để phân biệt với một dạng gọi là lục địa siêu nhỏ. Hơn thế sự hiện diện của các hoạt động núi lửa ở đây đã tạo thành các mảng đá trầm tích và đá biến chất.

Nhóm nghiên cứu cho rằng chuyến thám hiểm sẽ gặp nhiều trở ngại phức tạp vì lục địa Zealandia chìm sâu trong nước. Giáo sư Sutherland, Đại học Victoria, New Zealand cho biết họ sẽ sử dụng một chiếc tàu khoan dài 143m với tháp khoan cao 61m. Con tàu mang theo 55 nhà khoa học và thủy thủ đoàn gồm 50 người sẽ thực hiện nhiệm vụ thu thập các lớp trầm tích ở độ sâu 1km. 

Kết quả nghiên cứu sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về những hoạt động mảng kiến tạo toàn cầu dựa trên sự hình thành của vành đai lửa Thái Bình Dương cách đây hơn 50 triệu năm. 

Họ cho rằng khi lục địa Zealandia tách ra, các hiện tượng đứt gãy sẽ xảy ra trên bề mặt Trái đất, kèm theo các hiện tượng như động đất, phun trào núi lửa… Nhóm nghiên cứu cho rằng có tới hàng chục tỷ USD giá trị nhiên liệu hóa thạch ở Zealandia.

Cuộc hành trình kéo dài tới cuối tháng 9/2017 sẽ mang lại những hiểu biết mới về các vấn đề khí hậu, hải dương học, đời sống đáy biển, kiến tạo địa tầng. Hiện đang có 7 lục địa là Phi, Á, Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Cực, Úc và hy vọng cái tên Zealandia sẽ là lục địa thứ 8 của Trái đất.


Hoàng Ngọc
.
.