Sự trở lại của “máy bay siêu thanh”: Một nàng thơ trên bầu trời

Thứ Hai, 02/07/2018, 07:22
Trước đây, máy bay siêu thanh thương mại Concorde từng được mệnh danh là “nàng thơ của ngành công nghiệp hàng không” nhờ khả năng rút ngắn thời gian di chuyển. 

Thế nhưng, “nàng thơ” đã nhanh chóng bị xóa sổ sau khi thị trường hàng không hạ nhiệt sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, bên cạnh những lý do rất... vật chất như chi phí bảo dưỡng và giá vé quá đắt đỏ.

Dù đã hoàn toàn “chết yểu” sau gần hai thập kỷ nhưng Concorde vẫn để lại những dư âm lớn trong giới công nghệ, tạo nên nỗi ám ảnh và thúc đẩy tham vọng một ngày nào đó  sẽ sải cánh trở lại trên bầu trời. Và thực tế là đến lúc này, điều này hoàn toàn có thể xảy ra

Những dấu hiệu manh nha

Chuyến bay cuối cùng của “nàng thơ” Concorde diễn ra hơn 15 năm trước, vào ngày 24-10-2003. Ở vào thời kỳ hoàng kim, Concorde được mệnh danh là cỗ máy của sự xa hoa, tạo nên nét quý tộc và đẳng cấp hoàn toàn khác biệt so với những chuyến bay thông thường khác.

Một chuyến đi đặc biệt siêu xa xỉ trên máy bay siêu thanh ở thời kỳ đầu là chuyến đi một ngày đến kim tự tháp tại Cairo (Ai Cập) vào năm 1982 với mức giá lên đến 780 bảng Anh, trở thành “hiện tượng lạ” và tạo nên cơn sốt cho những chuyến bay thương mại.

Từng có lúc, giá vé của một chuyến bay khứ hồi trên Concorde từ London (Anh) tới New York (Mỹ) cán mốc “khủng” trên 14.000 bảng Anh. Nhiều ý tưởng độc đáo được đề xuất về cách khai thác hoạt động của Concorde, đơn giản như đưa hành khách từ London đến Monaco để dự giải đua công thức 1 The Grand Prix.

NASA công bố kế hoạch chế tạo máy bay phản lực siêu thanh X-Plane, dự kiến hoàn thành vào năm 2021.

Sự xa xỉ đã báo trước “cái chết” của máy bay siêu thanh. Tuy nhiên, chính thảm họa Concorde của Air France diễn ra vào ngày 25-7-2000 tước đi sinh mạng của 113 người, và rồi vụ khủng bố 11-9-2001 tại Mỹ đã dập tắt hi vọng Concorde thay đổi ngành hàng không. Kể từ sau chuyến bay cuối cùng, giới công nghệ buộc phải chấp nhận sự thật rằng Concorde sẽ không bao giờ được đưa vào hoạt động một lần nữa.

Họ đùa nhau rằng sẽ không còn những chuyến đi vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ qua Đại Tây Dương, giống như việc “cân đẩu vân” để di chuyển hàng nghìn cây số về nhà ăn tối đúng giờ.

Sự “chết yểu” của máy bay siêu thanh đã ảnh hưởng nặng nề đến các thành viên gắn bó với nó như phi hành đoàn hay những hành khách thường xuyên.

Thế nhưng, khi thế giới kỷ niệm 90 năm chuyến bay thương mại đầu tiên được đưa vào hoạt động, một nhóm các chuyên gia Concorde đến từ Anh tuyên bố đã nhận được sự ủng hộ đầy đủ về mặt tài chính để tái khởi động lại những chuyến bay siêu thanh vào cuối thập kỷ này.

Trước mắt, họ ấp ủ hi vọng sẽ giúp những người có đam mê về hàng không nhưng lại không có khả năng bay trên những chiếc siêu thanh có thể chiêm ngưỡng một chiếc Concorde phiên bản hiện đại dự kiến được trưng bày tại trung tâm của London. 

Ý tưởng trưng bày máy bay siêu thanh đã khiến thế giới trở nên phấn khích hơn, một phần là bởi họ sẽ có cơ hội được ngắm nhìn lại “huyền thoại bầu trời” một thời.

Lần này, các chuyên gia tính toán đặt hai chiếc Concorde “phiên bản cũ” tại Vòng quay thiên nhiên kỷ và bên bờ sông Thames (Anh). Quan trọng hơn, họ sẽ công bố phác thảo dự án “hồi sinh” máy bay siêu thanh với những thiết kế hiện đại.

Với khoản đầu tư 40 triệu bảng, các chuyên gia đã mua lại hai chiếc Concorde đặt gần sân bay Orly ở Paris, và biến chúng thành một địa điểm tham quan thú vị nhằm khởi dậy những hồi ức đẹp về “nàng thơ” trên bầu trời. Tuy nhiên, để đưa những chiếc Concorde trở lại bầu trời là một điều phức tạp hơn rất nhiều.

Các chuyên gia đã thành lập được một quỹ nghiên cứu trị giá 120 triệu bảng và lên kế hoạch sử dụng tiền mua lại một chiếc Concorde khác hiện đang đặt tại sân bay Le Bourget (Paris). 

Khi chiếc Concorde này được sửa chữa và nâng cấp, cũng như đảm bảo về độ an toàn khi cất cánh, nó có thể được sử dụng trong các buổi trình diễn trên không và sẵn sàng cho những sự kiện hàng không đặc biệt cũng như đáp ứng dịch vụ bay cá nhân.

Sau hơn 15 năm kể từ chuyến bay cuối cùng của Concorde, nhóm chuyên gia người Anh tin rằng Concorde sẽ “hồi sinh” nhờ kế hoạch từng bước của họ, đồng thời minh chứng khả năng tuyệt vời của khoa học hiện đại khi có thể tái sản xuất máy bay siêu thanh, thậm chí tạo nên những chiếc Concorde thế hệ mới sải cánh trên bầu trời từ năm 2019, khuấy động thị trường hàng không.

Thảm họa Concorde của Air France xảy ra vào ngày 25-7-2000 đã khiến giấc mơ Concorde “chết yểu”.

Điều này hoàn toàn khả thi nếu nhìn vào thành công “hồi sinh” chiếc máy bay Avro Vulcan V-bomber XH558 - “linh hồn của nước Anh vĩ đại” được sử dụng trong giai đoạn từ 1960 đến 1992. 

Nhờ sự tài trợ từ các tổ chức lớn, cùng việc áp dụng kỹ thuật hàng không tiên tiến, các chuyên gia Anh đã “tái chế” máy bay Avro Vulcan V-bomber XH558, đưa vào sử dụng nhiều phiên bản khác nhau suốt hơn một thập kỷ qua.

Cuộc đua thống lĩnh bầu trời

Kể từ khi Concorde “nghỉ hưu”, chưa máy bay nào khác có thể lấp được khoảng trống về tốc độ nhanh hơn đạn mà nó để lại. Vì vậy, ý tưởng “hồi sinh” máy bay siêu thanh đã tạo nên một cuộc đua đầy hấp dẫn trong kỷ nguyên Concorde 2.0.

Tại Triển lãm về kỹ nghệ hàng không và vũ trụ Paris Air Show (Pháp), giới công nghệ đã chính thức đặt cược vào viễn cảnh khai thác trở lại các chuyến bay siêu thanh, trong đó đáng phải nhắc đến tham vọng của Boom Technology - một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Denver, bang Colorado (Mỹ).

Để thực hiện tham vọng này, Boom đã huy động được 70 triệu bảng tiền đầu tư từ đối tác chiến lược, bao gồm hãng hàng không Virgin Atlantic.

Theo đó, Boom đang phát triển máy bay siêu thanh chở khách XB-1 có khả năng bay với tốc độ 2.335 km/h, gấp đôi tốc độ âm thanh.

Theo Boom, dự án sẽ tạo ra phiên bản nâng cấp Concorde 2.0 bay êm và hiệu quả hơn 30%, với mức giá hợp lý chỉ bằng 1/3 so với Concorde cổ điển. Phần thân máy bay được chế tạo từ sợi carbon, cùng với động cơ phản lực cánh quạt turbo, thiết kế khí động lực học được cải tiến giúp giảm đáng kể trọng lượng và lượng tiêu thụ nhiên liệu, chi phí vận hành và bảo dưỡng máy bay.

Ngoài Boom, nhiều công ty hay hãng hàng không khác cũng đang tìm cách đưa máy bay siêu thanh vào phục vụ trong ngành hàng không dân dụng, tạo nên “thương hiệu riêng” cho các chuyến bay thương mại. Nhà sản xuất máy bay Spike Aerospace có trụ sở tại Boston (Mỹ) tuyên bố chiếc phản lực Spike S-512 sẽ đạt tới tốc độ “không tưởng” và có thể cất cánh vào năm 2020. 

Để giảm trọng lượng hay lực cản xuống mức thấp nhất mà vẫn giữ được tốc độ, Spike S-512 dự kiến được chế tạo từ những vật liệu tổng hợp “độc đáo và độc quyền” của Spike.

Concorde từng được mệnh danh là “nàng thơ của ngành công nghiệp hàng không” nhờ khả năng rút ngắn thời gian di chuyển.

Trong khi đó, hãng Airbus cũng cạnh tranh với kế hoạch tung ra “Concorde Mark 2” - một chiếc phản lực siêu thanh có thể bay từ London đến New York trong vòng một giờ. 

Với kế hoạch bắt đầu thử nghiệm trong năm nay, tập đoàn sản xuất máy bay Aerion có trụ sở tại Nevada dự kiến thực hiện các chuyến bay siêu thanh Aerion AS2 đạt tốc độ gấp 1,5 lần tốc độ âm thanh. Ở tốc độ như thế, AS2 sẽ chỉ mất khoảng 5 giờ để bay từ Los Angeles đến Tokyo, so với con số 12 giờ hiện nay.

Gần đây, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố kế hoạch chế tạo máy bay phản lực siêu thanh X-Plane, dự kiến hoàn thành vào năm 2021.

Bên cạnh đó, NASA bày tỏ tham vọng đưa Concorde quay lại bầu trời với khoản đầu tư 2,3 triệu bảng Anh dành cho các chương trình nghiên cứu nhằm tập trung giải quyết các vấn đề kỹ thuật như ảnh hưởng của hành trình siêu thanh đối với bầu khí quyển, hay giảm ồn đối với máy bay.

Dự án đáng chú ý nhất là thiết kế “thân lai cánh máy bay”, trong đó cánh của máy bay sẽ được tích hợp dọc vào thân máy bay, giúp giảm tối đa lực cản khí động học, nhờ đó cắt giảm cả chi phí nhiên liệu cũng như tiếng ồn và khí thải do máy bay tạo ra.

Nhiều ý kiến lạc quan tin rằng viễn cảnh máy bay siêu thanh được “hồi sinh” là khả thi nhờ sự phát triển của những loại vật liệu tổng hợp hay công nghệ mới sẽ khiến nhiên liệu không còn là một vấn đề nan giải.

Dù vậy, máy bay siêu thanh vẫn cần vượt qua không ít rào cản nếu muốn thu hút người sử dụng. Trên thực tế, các hãng máy bay thường quan tâm nhiều đến những vấn đề như tầm bay, kích thước cabin và chi phí vận hành hơn là tốc độ máy bay. 

Một trở ngại khác là lệnh cấm các chuyến bay siêu thanh bay qua đất liền của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) do lo ngại về tiếng nổ siêu thanh.

Thế nên, có lẽ phải ít nhất 10 năm nữa, con người mới có thể được chiêm ngưỡng lại những chiếc Concorde 2.0 sải cánh, và chứng kiến chuyến bay đầu tiên của phi cơ siêu thanh tiếng ồn thấp trên bầu trời...

Lê Nam
.
.