Số hóa não bộ chặng đường còn nhiều gian nan
- Não bộ không được “lập trình” để vừa lái xe vừa dùng điện thoại
- Con người trở thành siêu nhân nhờ ghép máy tính vào não bộ
- Hệ thống ngân hàng não bộ phục vụ nghiên cứu khoa học
Từ xa xưa, rất nhiều bậc đế vương hao công tốn của để tìm kiếm sự “trường sinh bất lão”. Không khó để thấy sự bất tử được thể hiện ở những câu chuyện thần thoại, nhân vật thần thánh… ở nhiều nền văn hoá.
Ngày nay con người với công nghệ giúp sức đã tìm ra những loại thuốc, phương pháp gien và thậm chí cả vi khuẩn để nhằm chống lại sự lão hoá của cơ thể.
Mới đây, những cuộc tranh luận về phương pháp số hoá não bộ, hay còn gọi là cuộc sống bất tử ở dạng thức khác, đã làm dấy lên những tia hy vọng về một ngày nào đó ở tương lai khi con người thức dậy với đầy đủ tri thức, suy nghĩ và ký ức như hiện tại.
Giấc mơ bất tử
Trong một bộ phim giả tưởng SelfLess/, một tỷ phú già mắc bệnh hiểm nghèo đã chuyển toàn bộ trí não của mình sang một cơ thể mới, trẻ và khoẻ mạnh. Bộ phim đã nêu bật được ý tưởng sự sống bất tử trong một cơ thể khác. Đây cũng chính là đề tài được các nhà khoa học thần kinh đặt nhiều sự quan tâm.
Cuộc sống bất tử được các nhà khoa học, tương lai học và triết học định nghĩa là sự sống tồn tại mãi mãi bằng các hình thức can thiệp của y sinh học vào động vật, thực vật và cơ thể con người.
Cần xác định chính xác cách thức các tế bào thần kinh tương tác trong việc số hoá não bộ. |
Những nghiên cứu khoa học gần đây đã đạt được một số thành tựu trong việc điều khiển các chức năng của não bộ, và còn có thể thay đổi các hoạt động phức tạp bên trong nó. Tuy nhiên việc chuyển toàn bộ ký ức sang một cơ thể mới lại không hề dễ dàng.
Nhà khoa học thần kinh Wolfgang Fink, Đại học Arizona cho rằng: “Cần phải chuyển cả tâm thức chứ không đơn giản là truyền ký ức sang cơ thể mới”. Điều này làm nảy sinh vấn đề do mỗi người lại có một “phần cứng” thần kinh khác nhau, không dễ dàng như việc copy từ máy tính này sang máy tính khác được.
Các nhà khoa học cũng đã thành công trong việc sử dụng phương pháp cấy ghép tế bào, sau đó chiếu sáng chúng bằng tia laser để tạo nên các ký ức trong vùng não của chuột thí nghiệm. Tuy nhiên đây cũng mới chỉ là các ký ức cấy ghép đơn giản, khác xa việc chuyển toàn bộ suy nghĩ và ký ức sang một bộ não mới.
Trong khi sự bất tử vẫn chỉ tồn tại ở thì tương lai, thì các nhà khoa học đã tìm kiếm cả những phương pháp giúp bảo quản cơ thể sau khi chết, để hy vọng sẽ hồi sinh lại trong tương lai.
Dùng khí nitơ để “đông lạnh” cơ thể. |
Tờ Telegraph đăng tải một bài báo về trường hợp bé gái 14 tuổi đã tự nguyện “ngủ đông”, đóng băng cơ thể mình để hy vọng trong tương lai khi khoa học công nghệ phát triển sẽ đánh thức và chữa khỏi căn bệnh nan y mà cô bé này mắc phải. Để có thể đóng băng một cơ thể sau khi xác nhận đã chết. Những nhà khoa học sẽ gắn thiết bị trợ tim để ngăn quá trình hoại tử.
Tiếp đó thi thể sẽ được làm lạnh ở nhiệt độ 10oC trong vòng 2-3 giờ. Máu trong cơ thể sẽ được rút dần ra và thay bằng dung dịch đặc biệt, dung dịch này có khả năng chống đóng băng để ngăn hiện tượng hình thành băng bên trong cơ thể. Những túi chứa nước được bơm CO2 giúp làm lạnh cơ thể từ từ xuống nhiệt độ -70ºC, cuối cùng thì cơ thể sẽ được ngâm trong bình đá khô và môi trường nitơ lỏng có nhiệt độ tới -196ºC.
Tiến sĩ Aaron Drake, Phó Giám đốc Quỹ kéo dài cuộc sống Alcor cho biết đã tiến hành 130 ca đông lạnh cơ thể, người trẻ nhất mới hơn 2 tuổi và già nhất là 102 tuổi. Chi phí cho mỗi ca đông lạnh không hề rẻ, thế nhưng số người đăng ký dịch vụ này vẫn ngày một nhiều lên.
Theo Tiến sĩ Aaron Drake: “Những người mắc bệnh hiểm nghèo tin rằng trong tương lai, những công nghệ mới sẽ giúp họ hồi sinh và khỏi bệnh”. Với phương pháp sử dụng tế bào gốc, hoặc dùng kỹ thuật in 3D để thay thế các bộ phận cơ thể… sẽ khiến việc chữa trị các bệnh nan y trở nên đơn giản trong tương lai.
Thách thức lớn nhất là làm thế nào chuyển hoá từ chất nền tế bào kết nối trong não bộ đến thần kinh, suy nghĩ, cảm xuc…' của con người. |
Số hoá - công nghệ giúp sức ước mơ
Có thể nói, khoa học phát triển sẽ khơi gợi ra một lộ trình tiến hoá cho loài người, với những đặc tính được lựa chọn và vượt lên trên cả thể thức vật lý tự nhiên. Trong vô vàn những ý tưởng nhuốm đầy màu sắc khoa học viễn tưởng về sự bất tử của con người, ý tưởng đáng chú ý nhất là việc số hoá ý thức trở thành dạng kỹ thuật số và được “tải lên” hệ thống máy tính.
Ray Kurzweil, Giám đốc thiết kế kỹ thuật tại Google là một trong những người đi đầu trong việc phát triển ý tưởng số hoá não bộ và hy vọng sẽ ứng dụng công nghệ này vào năm 2045. Ông cho rằng, muốn việc số hoá não bộ trở thành hiện thực thì con người phải vượt qua những khó khăn rất lớn về nhận thức và cả kỹ thuật.
Theo một bài viết đăng trên tờ Express thì trong tương lai, việc chuyển đổi tâm trí con người thành kỹ thuật số để giúp họ tồn tại bên ngoài cơ thể vật lý có thể trở thành hiện thực. Tuy nhiên điều này không hề đơn giản, não người với khoảng 86 tỷ tế bào norơn thần kinh và hàng nghìn tỷ kết nối.
Điều bí ẩn lớn nhất chính là quá trình não bộ điều khiển suy nghĩ chúng ta như thế nào. Thách thức lớn nhất là làm thế nào chuyển hoá từ chất nền tế bào kết nối trong não bộ đến thần kinh, suy nghĩ, cảm xúc… của con người. Nền tảng lý thuyết cho việc truyền tải bộ não con người cho rằng, nếu coi bộ não như một chiếc máy tính, thì não tính toán và xử lý đầu vào là dữ liệu và tri giác; sau đó đầu ra là hành vi con người.
Để xây dựng và truyền tải tâm thức kỹ thuật số thì việc trước hết là phải bản đồ hoá những kết nối này. Với công nghệ hiện tại thì phải vài thập kỷ nữa con người mới có thể thực hiện được điều này.
Chuyển toàn bộ ký ức và suy nghĩ sang cơ thể mới không dễ dàng. |
Trong một số thí nghiệm, các nhà khoa học đã mô phỏng được một số khía cạnh hoạt động của não bộ, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là có khả năng tạo ra một bộ não hoàn chỉnh.
Việc xác định chính xác cách thức các tế bào thần kinh tương tác là hết sức quan trọng, ngay cả khi chúng ta có “biểu đồ kết nối” của não bộ. Những nghiên cứu này ở mức độ phân tử và cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết số lượng phân tử có trong não.
Cho tới thời điểm hiện tại, chưa có hệ thống máy tính nào có khả năng mô phỏng bộ não chi tiết đến cấp độ phân tử và việc số hoá não bộ chỉ thành công khi chúng ta thành công trong việc nghiên cứu cơ chế xử lý dữ liệu và logic ở cùng cấp độ. Quá trình tiến hoá giúp bộ não phát triển và nó không phải là dạng sản phẩm thiết kế có sẵn nên quá trình số hoá não bộ thật sự khó khăn.
Người đồng hành cùng những ý tưởng của Ray Kurrweil là Giáo sư Brian Cox, một chuyên gia vật lý lượng tử.
Theo ông: “Việc mô phỏng não bộ của con người trên máy tính là có thể… Lĩnh vực vật lý lượng tử đã chứng minh, một AI (trí tuệ nhân tạo) giống hệt con người là hoàn toàn có thể”.
Giáo sư Cox cho rằng, sẽ tới lúc con người đạt tới “điểm kỳ dị công nghệ”, tức là khi trí thông minh nhân tạo phát triển mạnh tới mức có thể số hoá ý thức, tình cảm, suy nghĩ của con người. Đã có nhiều dự án được sự tài trợ của các nhà tỷ phú với mục đích nghiên cứu cách thức cấy não người vào các cỗ máy và sau cùng là chuyển được ý thức của người thành dạng kỹ thuật số.
Câu hỏi được đặt ra với các nhà khoa học là vào lúc nào thì giấc mơ bất tử của con người, dù là ở dạng thức nào đi nữa sẽ thành hiện thực, và những hệ luỵ không lường trước mà nó mang lại?!