Quần thể kiến trúc cổ đại Gobekli Tepe, Thổ Nhĩ Kỳ: Ngôi đền thiêng trên núi

Thứ Năm, 10/08/2017, 14:59
Gobekli Tepe là một quần thể kiến trúc cổ đại nằm trên đỉnh của dãy núi kéo dài 15km về phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Gobekli Tepe nổi bật với những cột trụ lớn bằng đá sa thạch nguyên khối hình chữ T cao tới hơn 3m, hầm chứa di vật của người cổ đại… nguồn gốc của nó vẫn còn là một bí ẩn lớn. 

Các nhà khảo cổ học tin rằng Gobekli Tepe được những người cổ đại xây dựng vào khoảng 9.000 năm trước Công nguyên với những công cụ thô sơ ở thời kỳ đó. Gobekli Tepe đã có mặt trước nền văn minh Lưỡng Hà khoảng 5.500 năm và trước cả những vòng tròn đá Stonehenge nổi tiếng của Anh quốc tới 6.000 năm. 

Nơi đây đã trở thành “khu đền thiêng trên núi” và trở thành nơi tập trung của các cư dân quanh vùng. Cho tới nay đã có tới 6 ngôi đền được tìm thấy trong quần thể kiến trúc này và công việc khảo cổ vẫn đang tiếp tục…

Kiến trúc cổ nhất được con người khám phá

Gobekli Tepe được phát hiện vào năm 1964 bởi các nhà khảo cổ học đến từ Đại học Istanbul và Đại học Chicago bởi những cấu trúc khác thường về địa lý. Một số lượng lớn đá lửa và các phiến đá vôi tập trung ở khu vực đã khiến các nhà nghiên cứu đưa ra phỏng đoán dưới những ngọn đồi là một nghĩa trang của người Byzantine (một đế quốc Trung Cổ phát triển cực thịnh vào thế kỷ XI - XII). 

Chỉ tới năm 1994, nhà khảo cổ học người Đức Klaus Schmidt đưa ra những bằng chứng khảo cổ chứng minh rằng nơi đây là một khu di tích thời kỳ đồ đá cổ đại, thì những cuộc khai quật qui mô lớn mới được bắt đầu.

Một căn phòng được bảo quản gần như nguyên vẹn.

Điểm nổi bật đầu tiên trong khu quần thể kiến trúc Gobekli Tepe là các bức tường được xây dựng bằng đá thô, những cột đá nguyên khối hình chữ T cao hơn 3 mét. 

Ở trung tâm của kiến trúc là hai cột đá lớn, với những bục đá chạy dài theo toàn bộ bức tường phía ngoài. Có tới tám cột được bố trí đều quanh tường căn phòng chính, các phòng hình chữ nhật liền kề với sàn được nện bởi bột đá vôi… Các phiến đá chưa đẽo gọt được đặt giữa khoảng trống giữa các cột. Trên những cột đá là các hình chạm khắc động vật như sư tử, cáo, lừa, các loại chim, rắn và cả hình người. 

Tại khu mỏ đá gần Gobekli Tepe, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những bức tượng đá, cột đá chưa hoàn thiện và cả dụng cụ khai thác là những chiếc cuốc bằng đá. Những cuộc khai quật gần đây đã cho thấy quy mô sự phức tạp của Gobekli Tepe, nó bao gồm nhiều tầng được xây chồng lên nhau cho thấy thời gian xây dựng có thể kéo dài vài nghìn năm.

Hình động vật được chạm khắc trên cột đá.

Không có nhiều hình chạm khắc mô tả người ở Gobekli Tepe, chỉ có duy nhất một hình người phụ nữ khỏa thân ở tư thế ngồi tương tự như những bức tượng được tìm thấy ở Bắc Phi có cùng thời kỳ.  

Ở một số cột đá có khắc hình tay người, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là sự cách điệu các vị thần hình người của người cổ đại. Cũng có những cột đá khắc hình bàn tay như đang cầu nguyện với một khăn choàng đơn giản, tựa như là chiếc áo tế có thể để thể hiện thầy tu của ngôi đền.

Việc khám phá ra Gobekli Tepe đã làm thay đổi cơ bản sự hiểu biết của con người về giai đoạn mang tính quyết định trong sự phát triển của xã hội loài người cổ đại. Có thể thấy con người ở thời kỳ săn bắt hái lượm cũng đã có thể xây dựng lên các khu phức hợp đền đài, chứ không chỉ ở những cộng đồng phát triển hơn. Gobekli Tepe là bước đầu tiên trong việc xây dựng các thành phố sau này.

Những bí ẩn chưa có lời giải

Việc xây dựng Gobekli Tepe cần tới một lượng nhân công đồ sộ, một lượng lớn xương động vật được tìm thấy tại khu khảo cổ được cho là nguồn thực phẩm cung cấp cho những người thợ xây dựng khu đền. 

Nhà khảo cổ học Joris Peters, Đại học Ludwig Maximilian, Munich sau khi phân tích hàng nghìn mảnh xương động vật được tìm thấy tại Gobekli Tepe, đã đưa ra giả thiết về cách những người xây dựng thời kỳ đó sinh sống.  

Dựa vào những vết cắt, vết chặt trên xương… ông cho rằng những con vật đã được đưa đến đây để giết thịt và nấu chín. Những người cổ đại đã đứng trước sự thay đổi lớn trong cách sinh sống. Họ đã thuần hóa những con cừu, heo… và cả những loại hạt trong quá trình định cư để xây dựng nên Gobekli Tepe. 

Những cột trụ hình chữ T được liên kết bởi các bức tường, ở giữa là bệ thờ.

Vậy điều gì đã khiến họ thay đổi? Các nhà khảo cổ đã tìm thấy tại một ngôi làng thời tiền sử chỉ cách đó chừng 30km những bằng chứng về sự thuần hóa lúa mì. Xác định niên đại bằng carbon cho thấy chỉ năm thế kỷ sau khi Gobekli Tepe ra đời, nông nghiệp đã rất phát triển ở đây.

Trong khi các cuộc khai quật được tiến hành thì câu hỏi tại sao Gobekli Tepe lại bị chôn vùi ngay nơi nó được xây dựng cũng gây nhiều tranh cãi. Khi những kết cấu cuối cùng được xây dựng, có vẻ như những người cổ đại đã cố tình chôn vùi và che giấu Gobekli Tepe trong hàng ngàn năm. Điều gì đã khiến họ làm như vậy? 

Nhiều giả thiết được đặt ra như việc che giấu sự có mặt của người ngoài hành tinh, hoặc đơn giản chỉ là để bảo vệ công trình này khỏi những người ngoại đạo,… tất cả đều không có lời giải đáp thỏa đáng, chỉ biết rằng sau hàng nghìn năm những trụ cột và hình chạm khắc vẫn được bảo quản trong tình trạng tốt.

Những người thợ xây đã cắt, đục đẽo và vận chuyển hàng tấn đá khối mà không hề có bánh lăn hoặc động vật kéo. Những cột trụ theo ước tính nặng từ 4~6 tấn và câu hỏi được đặt ra là làm thế nào những nhà xây dựng ở thời kỳ đó có thể dựng chúng lên chỉ với những dụng cụ cầm tay đơn giản? 

Một giả thiết được đưa ra bởi Klaus Schmidt, nhà khảo cổ có công lớn trong việc phát hiện ra Gobekli Tepe là cách thức những người thợ thủ công chế tác các cột đá khổng lồ ở đây. Klaus Schmidt cho rằng: “Những phiến đá vôi khá mềm và người thợ thủ công có thể dùng đá lửa để gọt giũa thành những cột trụ ngay tại chỗ”.

Trong một bài báo được đăng tải trên tờ Telegraph, những hình chạm khắc trên các cột trụ ở Gobekli Tepe để miêu tả một vụ va chạm giữa sao chổi với Trái đất. Những nhà nghiên cứu đã phân tích các biểu tượng trên cột đá, với sự trợ giúp của máy tính, những hình ảnh trên được diễn dịch thành các ký tự thiên văn và liên kết với bản đồ sao. Điều này cho phép họ xác định vụ va chạm cách đây hàng nghìn năm. 

Sự kiện này đã dẫn tới nạn tuyệt chủng của nhiều loài trên Trái đất nhưng cũng khởi nguồn cho nền văn minh thời kỳ đồ đá mới. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra giả thiết về việc Gobekli Tepe là một đài thiên văn và những cột đá là để tưởng niệm vụ va chạm giữa sao chổi và Trái đất.

Một cột đá chữ T đang được khai quật.

Những cuộc khai quật cũng đã tìm thấy một số mảnh xương người trong các lớp đất, có lẽ dưới đáy cùng của Gobekli Tepe chứa đựng mục đích của nó: một thế giới của người chết. 

“Gobekli Tepe có thể là trung tâm của một giáo phái, nơi những người chết được chôn cạnh những vị thần cách điệu và linh hồn ở thế giới bên kia” – Schmidt nói. 

Đã có rất nhiều trung tâm tôn giáo lớn trên thế giới là điểm đến của người mộ đạo như Vatican, Mecca, Jerusalem, Bodh Gaya hay Cahokia… và khu đền cổ đại Gobekli Tepe có thể là công trình tôn giáo đầu tiên trên thế giới.

Hoàng Ngọc
.
.