Tại sao phải quay ngược tấm hình?

Thứ Năm, 26/07/2018, 10:56
Quay ngược tấm hình trong một đề thi, ta sẽ thấy những điều tưởng chừng phi logic trở thành logic. Đọc ngược một bài thơ, ta sẽ thấy một sự sống tưởng chừng đang mất đi lại là một sự sống sinh sôi, kỳ diệu...

"Theo em, chiếc ô tô đang đậu ở số mấy? Thật khó phải không? 16-06-68-88-?-98. Dường như bãi đậu xe này đánh số không theo một quy tắc nào cả. Không phải thế đâu. Chỉ cần quay ngược lại tấm hình, em có thể dễ dàng tìm ra câu trả lời. Cũng như vậy, trong cuộc sống đôi khi chỉ cần thay đổi góc nhìn, ta sẽ khám phá ra bao điều thú vị. Em có đồng ý như vậy không? Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em".

Đấy là một câu trong đề thi học sinh giỏi ngữ văn lớp 9 TP HCM năm học 2017 - 2018. Một câu hỏi khiến nhiều thầy cô giáo, nhiều em học sinh cứ xuýt xoa mãi vì "nó hay quá", "độc và lạ quá"!

Còn với chúng ta, những người đã qua cái thời học sinh lớp 9 từ rất lâu, câu hỏi đặc biệt trong cái đề thi đặc biệt ấy cũng chợt đánh động nhân sinh quan của chúng ta, khiến chính chúng ta có một thoáng như là sửng sốt, như là bừng tỉnh, để rồi nhận ra một cái gì đó như là một sự đơn điệu bấy lâu trong chính lòng mình.

Bằng trí thông minh và sự trải nghiệm của một người lớn, tại sao nhiều người trong chúng ta (tôi nghĩ là "nhiều người", chứ không phải là "tất cả") lại không nghĩ đến việc xoay tấm hình ấy theo một hướng khác, để tìm ra một thứ logic khác với cái logic mà mình vẫn đang cố tìm tòi trong vô vọng?

Tại sao nhiều người trong chúng ta không nghĩ đến việc xoay phải, xoay trái, xoay ngược... tấm hình cho đến trước khi người ra đề chỉ dẫn? 

Tại vì chúng ta chỉ biết nhìn tấm hình - nhìn vấn đề một chiều từ rất lâu rồi? Tại vì chúng ta ngại dịch chuyển, ngại thay đổi, ngại tìm tòi chân lý theo hướng khác? Tại vì chúng ta đã bị chây ỳ và chẳng tìm thấy bất cứ một tốc lực nào để vượt qua sự chây ỳ ấy?

Trong cuộc sống đôi khi chỉ cần thay đổi góc nhìn, ta sẽ khám phá ra bao điều thú vị. 

Cuộc sống hóa ra cũng giống như tấm hình trong đề thi của tụi nhỏ: chỉ cần xoay hướng khác, đáp án có tức thời! Nhưng để "xoay hướng khác" con người ta đôi khi phải có một sức mạnh ghê gớm để chiến thắng những định kiến, những thói quen vốn đã hằn in thành những vết nhăn sâu hoắm trong não trạng mình.

Ai cho chúng ta sức mạnh đó?

Câu hỏi này chợt dẫn tôi trở về một bài toán khác mà tôi đã biết đến từ năm lớp 9: bài toán về 2 phương trình tương đương. Thời ấy, sách giáo khoa toán của chúng tôi dạy rằng, 2 phương trình tương đương là 2 phương trình mà nghiệm của phương trình này cũng đồng thời là nghiệm của phương trình kia.

Đúng quá rồi! Đúng hiển nhiên rồi! Đúng đến mức không còn gì để mà bàn cãi, tranh luận nữa rồi. Và cậu học-sinh-tôi giữ nguyên cái đúng ấy trong đầu mình cho đến tận năm lớp 10, trước khi "bị" thầy giáo Chử Xuân Dũng (người hiện giờ là Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội) gọi lên bảng và hỏi:

- 2 phương trình tương đương là gì?

- Thưa thầy, là 2 phương trình mà nghiệm của phương trình này cũng đồng thời là nghiệm của phương trình kia.

- Vậy, 2 phương trình cùng vô nghiệm thì sao? Nó có tương đương không?

Khi thầy Chử Xuân Dũng hỏi xong câu đó, tôi cứng họng! Nếu xét theo định nghĩa "nghiệm của cái này cũng đồng thời là nghiệm của cái kia" thì 2 phương trình vô nghiệm, rõ ràng không thể tương đương.

Nhưng xét về mặt nguyên lý, đến trẻ con cũng hiểu 2 phương trình cùng vô nghiệm đương nhiên thuộc cùng một tính chất và đương nhiên nó là 2 phương trình tương đương. Thế là thế quái nào nhỉ? Phải trả lời thầy ra sao bây giờ? Để tôi lúng túng một lúc, thầy Chử Xuân Dũng mới gỡ nút thắt:

- Phải định nghĩa theo quan điểm tập hợp: 2 phương trình tương đương là 2 phương trình có cùng một tập hợp nghiệm.

"Có cùng một tập hợp nghiệm" vừa bao hàm quan điểm "nghiệm của cái này đồng thời là nghiệm của cái kia", lại vừa bao hàm quan điểm "2 phương trình cùng vô nghiệm". (Bởi cùng vô nghiệm là cùng thuộc một... tập hợp rỗng).

Như thế, cái định nghĩa đầu tiên - cái định nghĩa mà mình cứ tưởng là đúng một cách bất khả tư nghị hóa ra lại đúng... một cách thiếu thốn. Và bài học về "cái đúng thiếu thốn" luôn đi theo tôi trong suốt quá trình làm báo sau này. 

Mỗi khi nghĩ đến một vấn đề của cuộc sống, tôi luôn tự phản biện mình: cái đúng của mình đã hết chưa, đã thấu chưa, đã thực sự bao quát được một tập hợp những bản chất cần bao quát hay chưa?

Một bài học nhân sinh khác từ những câu chuyện toán học theo đuổi tôi mãi đến tận bây giờ. Đó là chuyện về 2 đường thẳng song song, với cái suy nghĩ được đóng đinh một cách vĩnh cửu trong đầu tụi học sinh lớp 9 chúng tôi ngày xưa: 2 đường thẳng song song là 2 đường thẳng không bao giờ gặp nhau.

Đã song song thì "không bao giờ gặp nhau" là đúng quá rồi còn gì. Nhất định không thể gặp nhau. Nhưng sau này, chúng tôi mới "vỡ" ra một cách phát biểu khác: 2 đường thẳng song song là 2 đường thẳng gặp nhau ở... vô cực.

Vô cực là ở đâu? Là cái thế giới xa xôi của xa xôi? Là cái miền ảo vọng, hoang đường, không thực tế? Vâng, vô cực trong hình dung của tất cả chúng ta là thế! 

Nhưng dẫu biết thế, ta vẫn thấy cái định nghĩa "có thể gặp nhau" hay hơn nhiều so với cái định nghĩa "không bao giờ gặp nhau". Bởi nếu đã xác định trước là "không bao giờ gặp nhau" thì có nghĩa là không nuôi nấng bất cứ một niềm hy vọng nhỏ nhoi nào.

Còn nếu xác định là "có thể gặp nhau", dẫu là gặp nhau ở "vô cực" thì con người ta vẫn còn có cái để mà tin nhau, để mà hy vọng vào nhau, để mà nuôi nấng những xúc cảm cho nhau trong từng bước đi song song nhau, trong cái hành trình cùng nhau tiến về... vô cực. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, "có thể gặp nhau" vì thế vẫn đẹp hơn nhiều so với "không bao giờ gặp nhau".

Ảnh trong bài: L.G.

Trong cuộc sống, có những người mà chúng ta xác quyết là không có một tý tẹo nào phù hợp với mình. Những người mà thế giới của ta và thế giới của họ giống như 2 thế giới của 2 đường thẳng song song.

Khi ấy, nếu có thể thay đổi góc nhìn, để thay vì nghĩ rằng "không bao giờ gặp nhau", chúng ta lại nghĩ đến việc "sẽ gặp nhau" - dù là gặp nhau ở "vô cực", thì cuộc sống của chúng ta có phải sẽ thú vị, ấm áp hơn không? Hoặc chí ít cũng bớt đi sự ghen ghét, thù nghịch hơn không?

Không nói chuyện toán học dễ khiến người ngoại đaọ đau đầu nữa, hãy động chạm một chút đến thi ca. Chuyện kể rằng một lần thi sĩ Yoda (Nhật Bản) sáng tác một bài thơ Haiku tuyệt hay, chép lên một mảnh giấy lụa tuyệt đẹp với những nét bút tung hoành như những đường kiếm tuyệt luân:

“Con chuồn chuồn ngô
Bứt hai cánh
Quả ớt”.

Khi đưa bài thơ - mảnh giấy này cho Basho, một bậc thầy của thơ Haiku thì Yoda rùng mình trước cảnh Basho quay ngược lại mảnh giấy, đọc ngược lại bài thơ với một ánh mắt lấp lánh khác thường.

- Ngài đang đọc ngược đấy, Yoda nói!

- Tướng quân à, ngược thế mới thuận, Basho trả lời.

Thấy Yoda vẫn chưa hiểu, Basho liền đọc ngược bài thơ:

Quả ớt

Chắp hai cánh

Chuồn chuồn ngô

Yoda lặng người, chìm vào một rung động đặc biệt từ bài thơ đọc ngược của Basho. Đến khi bừng tỉnh trở lại, muốn tạ ơn Basho thì thấy vị thầy lớn của mình đã ra đi tự lúc nào chẳng hay...

Vẫn chừng ấy chất liệu, nhưng nếu bài thơ của Yoda biến con chuồn chuồn thành quả ớt thì bài thơ đọc ngược của Basho lại biến quả ớt thành con chuồn chuồn. Và rõ ràng là một con chuồn chuồn mất cánh, thành quả ớt không thể hay bằng một quả ớt được chắp vào đôi cánh của chuồn chuồn để bay lên. 

Cuộc sống xét cho cùng là thế, vẫn chừng ấy những vận động cơ bản, nhưng tùy theo cách nhìn của mỗi chúng ta mà những vận động ấy hoặc bị xấu xí, đơn điệu, giản lược hóa, hoặc tươi đẹp, thánh thiện, nhân văn hóa.

Trở lại với đề thi học sinh giỏi văn lớp 9 ở TP Hồ Chí Minh với lời khuyên "quay ngược tấm hình" mà chúng tôi nói đến ở đầu bài viết, không hiểu khi ra một đề thi như vậy, người ra đề có nhớ tới giai thoại "bài thơ đọc ngược" của Basho hay không, nhưng rõ ràng cả hai câu chuyện ở hai thời đại, thuộc về hai thế giới đều để lại cho chúng ta những bài học lớn về nhân sinh quan và thế giới quan mà mỗi chúng ta bắt buộc phải trang bị cho mình.

Quay ngược tấm hình trong một đề thi, ta sẽ thấy những điều tưởng chừng phi logic trở thành logic.

Đọc ngược một bài thơ, ta sẽ thấy một sự sống tưởng chừng đang mất đi lại là một sự sống sinh sôi, kỳ diệu...

Mà sự sống, xét cho cùng, mỗi người chỉ có một lần sống thôi mà!

Phan Mỹ Chí
.
.