10 năm thảm họa Fukushima: Nơi ấy bình mình vẫn mọc

Thứ Tư, 24/03/2021, 10:29
Namie, một thị trấn nhỏ nằm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi Nhật Bản khoảng 10 km, đã từng có tới 25 công ty chế biến thủy sản, nhưng giờ chỉ còn một công ty. Ông Koichi Shiba, 82 tuổi, người cuối cùng đã có thể mở lại công ty duy nhất này vào cuối năm ngoái, thậm chí vẫn không tin rằng sẽ có nhiều người quay lại Namie, dù 10 năm đã trôi qua kể từ thảm họa kinh hoàng ấy.


Điều còn lại sau nỗi đau…

"Không ai muốn quay lại một khi họ đã làm quen với cuộc sống mới ở những nơi khác trong nhiều năm sau thảm họa", ông Shiba nói. Thảm họa mà ông nhắc tới, không gì khác, chính là thảm họa kép động đất và sóng thần tấn công bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản ngày 11/3/2011. Theo thống kê của Nikkei Asia, trận động đất mạnh 9,0 độ richter gây sóng thần khổng lồ đã khiến 22.000 người chết hoặc mất tích, phá hủy 122.000 ngôi nhà và gây ra sự cố lò phản ứng hạt nhân phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Gần 470.000 cư dân buộc phải rời bỏ nhà cửa, nhiều làng mạc và khu dân cư tại tỉnh Fukushima trở thành những vùng đất chết, diện tích có mức độ phóng xạ nguy hiểm lên tới hơn 1.150 km2. Một thập kỷ đã qua, nhiều lệnh sơ tán đã được dỡ bỏ, vùng giới hạn xung quanh nhà máy được thu hẹp xuống còn 337 km2, và Namie cũng đã tiến hành mở cửa trở lại một phần vào năm 2017.

Hình ảnh một khu phố tại Onagawa, Miyagi bị tàn phá nặng nề, được chụp ba ngày sau thảm họa kép. Ảnh: Ken Kobayashi

Thế nhưng, từ thời điểm ấy, chỉ có 1.100 trong tổng số 21.000 cư dân trở về đây. Ngay cả ông Shiba, người kế thừa công việc chế biển thủy sản truyền thống của gia đình, cũng gần như quyết định tái định cư vĩnh viễn tại một khu vực gần thủ đô Tokyo, cho tới khi các quan chức và ngư dân địa phương liên lạc và đề nghị ông trở lại.

Vùng Tohoku - bao gồm một phần lớn phía Đông Bắc Nhật Bản, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa kép - từng được coi là khu vực nông nghiệp trọng yếu của Nhật Bản, đặc biệt là về trồng lúa và chăn nuôi. Khu vực này chiếm tới 15,7% tổng sản lượng nông nghiệp của Nhật Bản vào năm 2008. Nhưng ngay cả trước "ngày định mệnh" năm 2011, Tohoku, giống như nhiều vùng nông thôn khác, đã phải vật lộn với tình trạng suy giảm dân số, khi người dân có xu hướng dịch chuyển đến các thành phố lớn hơn để tìm việc làm.

Thảm họa kép 11/3/2011 đã làm phức tạp thêm những thách thức cũ và khởi tạo những thách thức mới khốc liệt hơn cho vùng đất này. Trong vòng 9 năm kể từ khi thảm họa xảy ra, dân số tại khu vực thuộc các tỉnh Fukushima, Miyagi và Iwate giảm tới 6% xuống còn 5,3 triệu người. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp giảm liên tục 10% từ năm 2009 đến năm 2016. Tại Rikuzentakata, hơn 1.750 người, tương đương khoảng 7% dân số, đã thiệt mạng do sóng thần.

Trong 10 năm kể từ đó, nhiều người đã từ bỏ việc tái thiết nhà cửa, dẫn đến lượng cư dân giảm 20%. Nhiều dự án tài chính đã được đầu tư để gia tăng mật độ cộng đồng và ngăn chặn thiệt hại do sóng thần trong tương lai, nhưng các khu đất trống vẫn mãi nằm rải rác trong thành phố. Chính phủ Nhật Bản cũng đã trợ cấp cho các khu vực nông thôn bị ảnh hưởng để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Trong đó, hơn 30 nghìn tỷ yên (khoảng 280 tỷ USD) đã được chi cho việc tái thiết toàn khu vực. Ngoại trừ một số điểm tại Fukushima vẫn là vùng cấm, công việc xây dựng ở các khu vực ven biển bị sóng thần tàn phá ít nhiều đã hoàn thành.

Song, khả năng tiếp cận các ngư trường địa phương vẫn bị hạn chế, với việc các tàu thuyền chỉ được ra khơi hai hoặc ba ngày một tuần, mặc dù hiệp hội hợp tác xã nghề cá Fukushima đặt mục tiêu hoạt động toàn phần trở lại. Điều đáng buồn nhất lại là, khi vùng Tohoku đang ở thời điểm sẵn sàng để phục hồi nhất, thì COVID-19 xuất hiện, tiếp tục giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế khu vực vốn đang rất mong manh. Với riêng công ty thủy sản của ông Shiba, COVID-19 kéo theo các lệnh giãn cách xã hội đã khiến nhu cầu thủy hải sản tại các nhà hàng giảm mạnh, tác động tới nguồn thu của doanh nghiệp mà ông đang nỗ lực tái sinh. "Đôi khi tôi ước giá như COVID-19 đừng tới", ông Shiba thở dài nói.

Sự tái sinh trong lòng thảm họa

Thế nhưng, sau những lo âu, và thậm chí cả khi COVID-19 đe dọa nguồn thu, ông Shiba vẫn nghe theo tiếng gọi của quê hương và trở về Namie gây dựng lại cuộc sống. "Tôi đang làm điều này cho thị trấn", ông nói, hào hứng khoe rằng sớm thôi, sẽ có thêm một công ty chế biến thủy sản khác kỳ vọng mở cửa trở lại ở Namie, giống như ông. Ông Shiba không phải người duy nhất nỗ lực gieo mầm sống tại những vùng đất tưởng như không thể phục hồi này.

Cũng chính Onagawa, 10 năm sau thảm họa, được ví von là vùng đất tiên phong trong việc tái thiết. Ảnh: Ken Kobayashi

Bà Kyouko Tanaka đã mở lại cửa hàng bán đồ ăn địa phương ở thị trấn Minamisoma, Fukushima vào năm 2015, sau khi buộc phải từ bỏ công việc kinh doanh vì cửa hàng của bà nằm cách nhà máy Fukushima Daiichi chỉ 20 km. 20 người từng cung cấp thực phẩm cho cửa hàng của bà cũng đã thiệt mạng trong thảm họa kép 2011. Nhưng Tanaka cho biết, bà quyết tâm "cầm cự ít nhất 10 năm". Vì sao ư? Nhật Bản đã mất một thập kỷ để công cuộc tái thiết của Minamisoma cuối cùng có thể diễn ra, với những người hàng xóm của bà Tanaka đang quay trở lại khu vực từng là vùng đất chết. Một hiệu thuốc mới gần cửa hàng của bà cũng vừa khai trương vào tháng Giêng.

"Mọi thứ đang dần được xây dựng. Đây thực sự là ước mơ của tôi", bà nói. Khi trở về vào năm 2015, bà Tanaka đã nghĩ về những nhân viên và khách hàng của mình, những người đã bị chia cắt khỏi người thân, bạn bè và bị tổn thương vì mất mát. "Tôi muốn nơi đây sẽ là một cộng đồng", bà nói về cửa hàng nhỏ, đồng thời bày tỏ mong muốn đây cũng sẽ là nơi hỗ trợ nông dân địa phương tiêu thụ sản phẩm của họ. 

Nằm giữa Fukushima và Iwate, thị trấn nhỏ Onagawa thường được nhắc đến như vùng đất tiên phong trong việc tái thiết hậu thảm họa. Các cửa hàng và quán ăn đã được xây dựng dọc theo con phố rợp bóng cây xanh chạy giữa ga xe lửa và bờ biển. Một cơ sở đánh bắt cá và xưởng đông lạnh lớn tại địa phương đã bắt đầu hoạt động từ năm 2012, cùng một nhà máy xử lý nước chung được thiết lập để đáp ứng nhu cầu sống.

Ông Masanori Takahashi, người đứng đầu Onagawa cho biết, số lượng người kinh doanh và làm việc tại đây đã giảm xuống còn hơn 300 người, so với gần 500 cách đây một thập kỷ. Nhưng, con số "đã chạm đáy" và đang dần tăng lên, khi các doanh nghiệp mới được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp kinh doanh của địa phương đang dần xuất hiện. Mặc dù vậy, việc dân số giảm xuống còn khoảng 6.000 người từ hơn 10.000 người trước khi thảm họa xảy ra cũng khiến tình trạng kinh doanh trở nên ảm đạm. "Nền kinh tế đang suy sụp. COVID-19 có nghĩa là doanh thu du lịch ít hơn, trong khi đây lại là một trong những trụ cột kinh tế của cộng đồng. Và trong khi việc xây dựng lại các tòa nhà gần như hoàn tất, việc khôi phục thực sự vẫn là một câu hỏi mở", ông nói.

"Phần còn lại sẽ phụ thuộc vào thế hệ trẻ", người đứng đầu Onagawa bỏ ngỏ, khi nhìn về con phố lát gạch đỏ đang ngày càng sầm uất hơn. Thế hệ trẻ mà ông Takahashi nói, có lẽ sẽ xuất phát từ những người như Ami Endo, 23 tuổi, một người con của vùng Tohoku. Thảm họa kép xảy ra năm Endo 13 tuổi, đủ để cô hình dung được hậu quả mà sức tàn phá nặng nề của nó gây ra.

Trở về quê nhà với tấm bằng đại học trong tay, Endo ấp ủ: "Tôi muốn khôi phục lại cảnh quan nông thôn và sự tương tác làng xóm vốn từng rất quen thuộc", giải thích thêm rằng đó cũng là lý do khiến cô theo học chuyên ngành kỹ thuật nông nghiệp. Chính Endo đã động viên cha cô tiếp tục trở về Minamisoma làm nông nghiệp, để rồi sau một thập kỷ, những thân lúa mới một lần nữa mọc lên từ mảnh ruộng mang tên hai cha con. "Tôi không thấy những người ở độ tuổi của mình tham gia các buổi tụ họp cộng đồng, và tôi hiểu được rằng những người trẻ tuổi đang rời xa nông nghiệp", cô bày tỏ.

Nhưng, với đôi mắt lạc quan, Endo nói: "Tôi có thể học hỏi những điều tôi chưa biết từ những người đi trước. Tôi muốn tạo ra một công ty toàn diện, đảm nhiệm việc sản xuất, thương mại hóa và phân phối các sản phẩm nông thôn".

Một thập kỷ đã trôi qua, nhưng nỗi đau mang tên "thảm họa kép" vẫn âm ỉ cháy trong lòng hàng nghìn người dân Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã cam kết sẽ dồn lực tái thiết lại các khu vực bị ảnh hưởng, và điều đó đang dần trở thành hiện thực, với những công trình và cơ sở vật chất ngày càng được nâng cao. Song, nỗ lực phục hồi ngày nào vẫn luôn đối diện thách thức không hề đơn giản: Làm sao để đưa những cư dân trước kia trở về xây dựng quê hương một lần nữa, hướng tới một nền kinh tế nông thôn bền vững, nơi con người - thay vì cơ sở vật chất - là mấu chốt cho sự phát triển và trường tồn. Những con người lặng lẽ nhưng nhiệt huyết như ông Koichi Shiba, bà Kyouko Tanaka, hay cô gái trẻ Ami Endo có lẽ sẽ trả lời câu hỏi này, bằng chính nỗ lực tái thiết của họ. Và trên những mái nhà nhỏ của vùng Tohoku, bình minh vẫn sẽ mọc sau sóng gió, và một ngày mới sẽ lại bắt đầu.

An Nhiên
.
.