10 năm Internet Viẹt Nam: Sự khởi đầu của hội nhập

Thứ Hai, 07/01/2008, 13:30
Cách đây đúng 10 năm, ngày 19/11/1997, với một lễ khai trương khiêm tốn, có phần trầm lặng tại tầng 2 hội sở của Tổng cục Bưu điện và Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, nhà 18 Nguyễn Du, Hà Nội (nay là trụ sở của Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam đã chính thức kết nối vào mạng Internet toàn cầu.

Thời điểm khai trương ấy, vẫn có không ít người chưa thấu hiểu hết về tính ưu việt của mạng thông tin này cũng như những mối quan ngại về an toàn thông tin, hay sự xâm nhập của các luồng văn hóa tư tưởng độc hại từ bên ngoài… Nhưng, sự kiện đó không những được giới công nghệ thông tin (CNTT) đánh giá cao mà còn được cả cộng đồng chào đón đã trở thành bước mở đầu cho cuộc hành trình đi đến hội nhập…

Vạn sự khởi đầu nan, từ lúc lập các phương án dự kiến, cho đến lúc được cả Đảng và Chính phủ thông qua với quan điểm "Quản đến đâu, mở đến đấy" và để đến ngày "khai thông quan lộ" đưa Internet Việt Nam hòa đồng với mạng toàn cầu là cả một quá trình dài.

Để mà kể công thì cần ghi nhận sự nỗ lực của Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT mà đại diện là các ông Phạm Gia Khiêm (khi đó là Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ), Đỗ Trung Tá (nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông), Nguyễn Khánh Toàn (Thượng tướng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an), Mai Liêm Trực (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện), Chu Hảo (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ)…, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực CNTT như GS Đặng Hữu, TS Bạch Hưng Khang, TS Nguyễn Quang A… và sự ủng hộ đầy nhiệt huyết của anh em phóng viên chuyên trách về CNTT và viễn thông thời đó.

Hãy khoan nói về những mặt trái của Internet, dẫu nó cũng đầy bộn bề, vẫn len lỏi hữu hình và vô hình, những gì mà Internet đem đến cho chúng ta quả là rất nhiều.

Giờ đây, Internet đã gần gũi như một điều tất yếu của cuộc sống mà để thực sự cảm nhận được có lẽ là từ sự cố đứt cáp quang biển hồi cuối năm 2006 khi toàn mạng Internet châu Á, trong đó có Việt Nam bị đứt mạch nối với mạng toàn cầu.

Với khoảng 1 phần 5 dân số Việt Nam, buổi sáng vào mạng Internet check mail, đọc báo, xem tin tức thông tin tài chính, kinh tế, xã hội và sử dụng dịch vụ trên nền Internet để phục vụ công việc của mình đã là chuyện không thể thiếu.

Số người kiếm tiền trên nó, dùng nó để giảm stress, gửi gắm tâm sự, giải trí và cả lừa đảo cũng ngày càng nhiều hơn. Chẳng ai còn thấy Internet là con ngáo ộp hay xa lạ như 10 năm trước, nhưng để được như những người mở đường kỳ vọng thì hẳn chặng đường còn xa...

Mặc dù đã phát triển rất nhanh trong 10 năm, nhưng mức độ khai thác Internet vẫn chưa được hiệu quả một phần do chất lượng chưa tương xứng với số lượng, mặt khác do ý thức của người sử dụng. Như hai mặt của một vấn đề, người sử dụng Việt Nam dẫu chưa biết khai thác hết những ưu việt của Internet nhưng đã rất rành những mặt trái của nó như blog đen, web đen…

Vấn đề an toàn mạng với sự phát tán cả vô thức lẫn ý thức nhiều loại virus của các hacker cũng như các hình thức tội phạm thương mại mạng, lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp… đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của Internet Việt Nam.

Một thị trường mở…

Sau 10 năm, Internet Việt Nam đã qua thời kết nối gián tiếp và dù số lượng người sử dụng ADSL đã lên tới ngưỡng 1 triệu thì tốc độ của Internet Việt Nam vẫn được ví von là "rùa trên xa lộ". Nếu mở mạng Yahoo Messeger sẽ thấy rất nhiều status mang dòng chữ "mạng lởm quá"!

Thị trường Internet Việt Nam đang có sức cạnh tranh cao với sự tham gia của 26 nhà cung cấp dịch vụ dẫn đến giá cước đã giảm mạnh trong 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, chất lượng vẫn là vấn đề người sử dụng quan tâm nhiều nhất, đặc biệt sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra kết quả là một số doanh nghiệp chưa cung cấp đạt chuẩn chất lượng ADSL mới đây.

Để kỷ niệm cho ngày sinh nhật thứ 10, các nhà cung cấp dịch vụ kết nối (IXP) và dịch vụ truy cập (ISP) đã công bố về việc tổ chức một chuỗi sự kiện 10 năm Internet Việt Nam để điểm lại thành tựu mà Internet mang lại cho cộng đồng trong 10 năm qua, tôn vinh những tập thể có công trong phổ cập Internet tại Việt Nam và thiết lập quan hệ “hợp tác nâng cao chất lượng dịch vụ Internet”.

Đáng ngạc nhiên là sự kiện này lại không có sự tham gia của 1/5 IXP hiện có của Việt Nam, cũng là nhà cung cấp dịch vụ có số lượng lớn thứ 2 trên thị trường: FPT Telecom.

Cũng phải nói thêm rằng, FPT Telecom cũng là đơn vị đã đi cùng Internet Việt Nam từ thuở sơ khai (kể cả giấy phép được cấp là nhà cung cấp dịch vụ lẫn việc triển khai cung cấp dịch vụ). Về ISP cũng chỉ có 1 đơn vị tham gia là Netnam (cũng là đơn vị tiên phong của thị trường Internet Việt Nam).--PageBreak--

Không đại diện nào, kể cả FPT bật mí tại sao mà họ không tham gia sự kiện này cũng như có tham gia hay không vào cái gọi là "liên minh chiến lược" của các nhà cung cấp dịch vụ Internet nhằm hướng tới đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng?

Sự đứng ngoài của FPT Telecom, cũng như nhiều nhà ISP khác cho thấy không thể có được 1 liên minh chiến lược đúng nghĩa. Nhưng vấn đề lại là, có cần đến một liên minh như vậy hay không và liên minh này có thực sự mang lại hiệu quả?

Thực tế của thị trường CNTT từ trước đến nay đã chứng kiến nhiều sự liên minh về phần cứng, phần mềm nhưng hầu hết chỉ dừng lại ở 2 chữ liên minh, còn các thành viên trong đó vẫn cạnh tranh chí chết để giành thị trường.

Vì vậy, cái sự ngồi lại cùng mâm để bàn của Internet này với sự ngay từ đầu đã thiếu một "lão làng" càng chứng minh rằng sự tồn vong của các thương hiệu, các doanh nghiệp chỉ phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm của họ cung cấp ra thị trường và mức độ "chấp nhận" của người tiêu dùng.

Điều này còn ý nghĩa hơn nữa khi tới đây, thị trường ICT của chúng ta không còn chỉ là "đàn gà một mẹ" mà còn phải đón nhận các doanh nghiệp nước ngoài tham gia.

Miếng bánh thị phần và gánh nặng công ích

Theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ nay đến năm 2010, hướng phát triển chủ đạo của Internet Việt Nam sẽ chủ yếu xoay quanh công nghệ băng thông rộng cả hữu tuyến và vô tuyến để tạo tiền đề thành cho "cơn lốc" Internet phủ kín mọi ngõ ngách.

Để được vậy, thì việc tham gia đưa Internet xuống vùng sâu, xa phải được đặt ra như một trách nhiệm với cộng đồng, đối với tất cả các nhà cung cấp dịch vụ. Công nghiệp nội dung cũng đặt ra những vấn đề lớn cần giải quyết nghiêm túc để có thể đưa Internet xuống nông thôn.

Điều này cần có sự hoạch định rõ ràng và cụ thể: Đâu là hỗ trợ của chính phủ, đâu là xã hội hóa, đâu là trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân…

Chia sẻ với báo giới, ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc Công ty Điện toán truyền số liệu (VDC), đơn vị đại diện của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông là 1 trong 5 IXP chia sẻ: "Vấn đề là xác định Internet không chỉ là một lĩnh vực kinh doanh đơn thuần, lãi lỗ, sao cho Internet có thể đến được với người dân vùng sâu, vùng xa để họ nắm thông tin, nâng cao chất lượng cuộc sống là một trong những mục tiêu hàng đầu...".

Tuy nhiên, không phải nhà cung cấp dịch vụ nào cũng lĩnh hội được ý nghĩa này, vì thế hiện tại, Internet đi xuống các vùng sâu, vùng xa chậm cả về tiến độ lẫn chất lượng đường truyền, thiếu cán bộ tin học phụ trách và hướng dẫn người dân, thiếu nội dung, ứng dụng để tăng sức thu hút... khiến mức chênh lệch khoảng cách số của người sử dụng Internet giữa nông thôn và thành thị quá chênh lệch.

Hiện lượng người sử dụng Internet ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm tới 65% thị trường. Chưa kể, ngay tại 2 thị trường này thì tại chính nhiều công sở của Nhà nước thì có nơi Internet vẫn không được phổ cập, cả phòng, ban chung nhau một máy tính có kết nối.

Thậm chí bị "cấm vận" vì sợ lộ thông tin và lãng phí?! Việc đưa Internet đến trường học cũng chỉ dừng lại ở tính hình thức, máy tính nối mạng được bảo quản trong phòng khóa kín và cho dùng theo phút!

Rõ ràng, 10 năm trước khi chúng ta "chấp nhận mạo hiểm để không bị bỏ rơi và trở thành ốc đảo"… (lời của GS Chu Hảo về việc quyết định Việt Nam hòa nhập vào Internet toàn cầu) đã được chứng thực.

 Nhưng, trước một vận hội mới của sự hội nhập, sao cho mỗi thành viên trong xã hội có thể có được những thông tin có lợi (căn bản nhất) mà không phải trả phí; những thông tin, dịch vụ giá trị cao được khai thác một cách triệt để nhất để Internet Việt Nam thực sự là công cụ hữu hiệu giúp người sử dụng phát triển tiềm năng của mình tại thời đại số thì sự đúng đắn của chính sách, công nghệ và mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp sẽ quyết định!

Theo thống kê từ Trung tâm Internet Việt Nam VNNIC, đến nay, tổng số thuê bao Internet quy đổi là trên 5 triệu và có tới hơn 1 triệu thuê bao ADSL, dung lượng Internet quốc tế lên tới 15Gb, Internet đã đến được nhiều xã trên toàn quốc và tập trung vào các dịch vụ mới mang tính giá trị gia tăng cao như E-commerce, WiFi, Wimax…

Hiện số người sử dụng Internet ở Việt Nam là khoảng gần 16 triệu người, tỷ lệ sử dụng Internet là 18,6%, vượt ngưỡng trung bình thế giới (16,9%), bỏ xa Thái Lan (12,65%), Trung Quốc (9,41%)…

Mục tiêu đến năm 2010, mật độ thuê bao Internet đạt 13-15%/100 dân, tỷ lệ người sử dụng Internet 25-30% dân số, trong đó có 30% sử dụng băng thông rộng

Hàn Phi
.
.