Tại sao ngọn lửa quyền năng?

Thứ Sáu, 29/03/2019, 16:33
Hôm ấy, khi tôi bật bếp ga nấu cơm thì cậu con 3 tuổi cứ đứng nhìn chằm chặp. Ánh mắt nó không hướng vào tôi, không hướng vào cái nồi, mà cứ hướng vào ngọn lửa xanh đang từ từ cháy sém. Ánh mắt nó nhìn ngọn lửa đầy tò mò. 

Và chính sự tò mò đó nhắc nhở tôi, từ bao giờ tôi - một người lớn đã đánh mất đi sự tò mò vào những điều giản dị, thường ngày như lửa? Từ khi tôi tự cho rằng mình đã hiểu đến tường tận về lửa chăng? Hay từ khi trong những ngôi nhà tôi từng ở, trong cái thế giới tôi đang sống, lửa không còn là một thứ giá trị diệu vợi, xa xăm nữa?

Từ ánh mắt của con tôi, những ký ức về lửa, những tò mò về lửa, những thiêng liêng và huyền bí lửa lại cháy lên trong lòng tôi dữ dội.

Thần thoại Hy Lạp xa xưa có hẳn một câu chuyện lý giải về nguồn gốc của lửa. Thuở ấy trái đất buồn tẻ quá, hai anh em Prômêtê (người tiên đoán) và Êpimêtê (người đần độn) được các vị thần cho phép tạo ra một cuộc sống đông vui. Êpimêtê liền lấy đất và nước nhào nặn ra các con vật, rồi tạo cho mỗi con vật một đặc ân: con thì có thân hình khổng lồ, con thì có nọc độc ghê gớm, con thì chạy nhanh như gió, con thì nhìn thấu bóng đêm... 

Xong xuôi, Êpimêtê gọi anh trai Prômêtê tới xem xét thì người anh mới giật mình nhận ra có một con mà cậu em đần độn đã quên không ban cho bất cứ một đặc ân - một vũ khí nào. Đó chính là con người. Mà nếu không có bất cứ đặc ân - vũ khí nào thì làm sao con người có thể sống giữa bầy lang sói, làm sao có thể đối chọi với bão tố, nắng mưa? 

Thế là Prômêtê sửa sai cho cậu em đần độn bằng cách băng đến nơi có cỗ xe của thần mặt trời Hêliôt, lấy lửa của thần mặt trời châm vào ngọn đuốc rồi đem xuống thế gian trao cho con người. Từ đó con người có lửa, có một công cụ để thoát khỏi tối tăm giá lạnh, có một vũ khí để đối chọi với sự tấn công đe dọa của loài lang sói. 

Prômêtê trộm lửa và...

Chính nhờ ngọn lửa được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của Prômêtê, ngọn lửa mà tôi đang nấu thức ăn, ngọn lửa mà con trai tôi đang chăm chú nhìn mà sự sống con người được duy trì.

Thế nhưng, việc Prômêtê lấy trộm lửa khiến thần Dớt nổi giận. Dớt liền sai con trai mình - thần Thợ rèn Hêphaixtôx trói Prômêtê vào tảng đá cao nhất trên dãy núi Côcadơ bằng những vòng dây xích đầy sức nặng. Ngày ngày thần Dớt còn sai một con đại bàng đến mổ bụng, ăn gan Prômêtê... 

Theo thần thoại Hy Lạp thì con người chúng ta đến tận ngày hôm nay vẫn hay đeo những vòng trang sức bằng đá là để tưởng nhớ đến những vòng xích mà thần Prômêtê phải mang theo. Câu chuyện thần thoại nói với chúng ta rằng, sâu xa, lửa là một quyền năng riêng có trong thế giới của các vị thần. Lửa vốn dĩ không thuộc về con người. Và khi lửa bị “ăn cắp” từ thế giới thần linh về thế giới con người thì “người ăn cắp” đã phải trả một cái giá đắt.

Nhưng đấy là cách giải thích của thần thoại. Hẳn nhiên các nhà cổ sinh học cần một cách giải thích khác và sau quá trình dài nghiên cứu họ đã giải thích sự ra đời của lửa gắn liền với chi người Homo Erectus (người đứng thẳng) ở vào khoảng từ 1,8 triệu năm đến 200 000 năm trước - chi  người thứ ba sau hai chi “Autralopithecus” (vượn người phương Nam) và “Homo Habilis” (người khéo léo). 

Các nhà cổ sinh học tin rằng có thể người Homo Erectus lần đầu tiên nhìn thấy lửa khi sét đánh vào cỏ khô. Và có thể họ đã mang cành cây đang cháy về hang động, rồi cứ thế giữ ngọn lửa tiếp tục cháy vài tuần. Nhờ lửa, Homo Erectus có thể ăn thịt chín thay vì thịt sống, nhờ thế dễ nhai hơn và nhờ thế răng hàm dần nhỏ lại. 

Cũng nhờ lửa - nhờ thịt chín, họ có thể tích trữ thức ăn và ăn nhiều hơn, từ đó cơ thể khỏe khoắn, bộ não phát triển hơn. Tiếp tục nhờ lửa, họ có thể thắp sáng đêm tối, không phải đi ngủ sớm và kéo dài thời gian lao động. Quan trọng nhất, nhờ lửa mà Homo Erectus có thể sống quần tụ với nhau ở bất cứ không gian nào - tạo nên một liên kết, một sức mạnh cộng đồng, để rồi từ đó có thể vượt khỏi cái xuất phát điểm châu Phi để đi xa hơn, xa mãi, đến những châu lục - những chân trời mới tinh tươm.

Cứ xem lại cách mà các nhà khoa học lý giải, đánh giá về sự xuất hiện của lửa mới thấy nó có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong tiến trình phát triển văn minh con người.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn quân sự học, không thể không thừa nhận lửa - đến một trình độ phát triển nào đó lại trở thành công cụ để con người giết nhau. Chỉ lấy một đơn cử nhỏ, những trận đánh khốc liệt nhất thời Tam Quốc, từ trận Xích Bích khiến gần 80 vạn quân Tào mất mạng đến trận Di Lăng khiến gần 70 vạn quân Lưu Bị mất mạng đều là những trận... đại hỏa công. Lịch sử quân sự cổ đại ghi nhận rất nhiều nhà quân sự lỗi lạc thích dùng hỏa công và luôn coi hỏa công là vũ khí số 1 của mình.

Một đạo quân bị thiêu đốt, một cánh rừng bốc cháy, một tòa thành nhem nhuốc tang thương - lửa với sức tàn phá khủng khiếp của nó đã tạo ra bên thắng - bên thua, kẻ khóc - người cười. Với người này, lửa là chính nghĩa. Với người khác lửa là phi nghĩa.

Nhưng không chỉ giới hạn trong phạm vi người này - người khác, lửa còn là đối tượng chọn lựa của chính mình, trong những trường hợp tự thiêu để hoặc bảo vệ chân lý tối cao, hoặc đánh động hồi chuông nào đó cho xã hội. 

Chúng ta không quên câu chuyện diễn ra vào một ngày tháng 6 năm 1963 trên đường phố Sài Gòn, khi Hòa thượng Thích Quảng Đức ngồi tọa thiền và châm lửa tự thiêu mình để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Vị hòa thượng chọn lửa (chứ không phải nước) để chết. 

Vị hòa thượng chọn lửa (chứ không phải nước) để bảo vệ chân lý của mình. Và vị hòa thượng chọn cách tự thiêu (chứ không phải bất cứ một cách thức nào khác) để nói với chính quyền đương thời rằng, chân lý không thể bị tiêu diệu. 

Hãy nghe một nhà báo người Mỹ mô tả về hành động tự thiêu này: “Lửa bốc lên từ một người đang sống. Thân thể ông từ từ khô héo đi, đầu ông ám đen lại... Ông không cử động, không thốt lên một lời, vẻ điềm tĩnh của ông tương phản sâu sắc với những người đang khóc xung quanh” (Thời báo New York - 1965)

Câu hỏi đặt ra: tại sao lại là lửa? Tại sao lại là tự thiêu?

Gaston Bachelard, tác giả của cuốn Phân tâm học về lửa có thể gợi mở cho chúng ta câu trả lời: “Lửa là hiện tượng đặc quyền có thể giải thích mọi thứ. Lửa là thành tố sống siêu việt. Nó vừa riêng tư, vừa phổ quát. Nó sống trong trái tim ta. Nó sống trên trời. Nó trỗi dậy từ những lớp sâu của vật chất và mang đến hơi ấm của tình yêu... Nó tỏa rạng thiên đường. Nó thiêu đốt địa ngục. Nó vừa là sự dịu dàng, vừa là sự tra tấn. Nó là nghệ thuật ẩm thực và là tận thế”. 

Cách giải thích của Bachelard về tính thiêng của lửa nói với chúng ta tại sao ở một số tôn giáo, người ta thậm chí đã chọn lựa việc tự thiêu như một cách thức để giải thoát. Còn với những người tự thiêu vì mục đích chính trị thì hành động tự thiêu sẽ tạo nên những cái chết được nhìn thấy, khác hẳn so với những cuộc tự sát bởi nhảy sông, nhảy hồ...

...hình phạt của thần Dớt... Ảnh: L.G.

Mà những - cái - chết - được - nhìn - thấy với sự cộng hưởng bởi tính thiêng của lửa sẽ là những cái chết dễ tạo ra những rung động trong dư luận, những tác động tới các giáo phái chính trị, từ đó giúp cho mục đích chính nghĩa của người tình nguyện chết dễ được chấp nhận và thực thi.

Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta va chạm với lửa mỗi ngày. Chúng ta bật lửa khi hút thuốc, nhóm lửa khi nấu cơm và đốt lửa sưởi ấm trong những mùa đông giá lạnh... Sự gần gũi ấy khiến chúng ta đôi khi lãng quên  tính thiêng của lửa, quyền năng của lửa và cả một vận động lịch sử kéo dài hàng triệu năm gắn liền với lửa. Đôi khi vì mất lửa mà chúng ta nguội lòng.

Tôi, người viết bài này cũng chỉ chợt nhớ lại tất cả những quyền năng của lửa nhờ ánh mắt chằm chặp tò mò mà cậu con trai hướng về phía bếp ga. Nhưng sau khi viết xong bài này thì trong đầu tôi lại cứ vang vọng những câu thơ của thi sĩ - nhà cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ, Nadim Hikmet:

“Nếu tôi không đốt lửa
Nếu anh không đốt lửa
Nếu chúng ta không đốt lửa
Thì làm sao
Bóng tối
Có thể trở thành
Ánh sáng...”.

Phan Mỹ Chí
.
.