Những “cây xà nu” nơi biên viễn

Thứ Bảy, 19/08/2023, 18:20

“Với tổng diện tích tự nhiên 1.113,79 km², lớn hơn các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, xã Krông Na (thuộc huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) nắm giữ kỷ lục là xã lớn nhất cả nước hiện nay. Tôi là trưởng Công an xã “to” nhất cả nước”, Thiếu tá Phùng Minh Công tếu táo chia sẻ với chúng tôi.

Không chỉ là một “siêu xã”, Krông Na còn có 46,7km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Chứng kiến Công an xã cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng đồng bào với bà con nơi đây, chúng tôi thấy các anh như những cây xà nu bền bỉ góp phần bảo vệ đại ngàn Tây Nguyên đầy nắng gió.

1. Trước khi xuống xã, chúng tôi được Thượng tá Đinh Quang Thành -Trưởng Công an huyện Buôn Đôn phấn khởi cho biết, Công an xã Krông Na là đơn vị đầu tiên của huyện vừa được bàn giao trụ sở mới do Bộ Công an cấp kinh phí xây dựng. Quả thật khi tới nơi, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy trụ sở Công an xã khang trang, to đẹp nằm ngay cạnh đường lớn. Ngắm công trình mới có diện tích gần 170m2  với đầy đủ phòng làm việc, phòng họp, kho vật chứng, phòng hành chính, khu bếp ăn, chúng tôi hiểu đó là sự quan tâm của Bộ Công an, Công an tỉnh Đắk Lắk, Công an huyện Buôn Đôn dành cho Công an xã biên giới nhiều đặc thù như Krông Na. 

32- số đb- Những “cây xà nu” nơi biên viễn -0
Công an xã Krông Na cùng Đảng uỷ xã, Ban Chỉ huy Quân sự xã tại cột mốc biên giới Việt Nam – Campuchia.

Thiếu tá Phùng Minh Công, Trưởng Công an xã thoăn thoắt dẫn chúng tôi đi tham quan trụ sở. Bằng giọng nói sang sảng, anh chia sẻ: “Ngay từ năm 2019 đã có đủ 10 cán bộ Công an xã chính quy về với bà con Krông Na. Đây đúng thực là một “siêu xã” khi bao chứa một phần diện tích Vườn quốc gia Yók Đôn với địa hình hơn 90% là rừng núi. Có tới 16 dân tộc anh em như Êđê, M’nông, Tày, Nùng,… sống phân tán ở 7 buôn, 1 thôn. Tình hình an ninh trật tự ở xã có những diễn biến phức tạp”.

Nhiệm vụ mới, địa bàn công tác mới, nhưng những khó khăn, thách thức đặt ra không làm anh và đồng đội chùn bước. “Chúng tôi bắt tay ngay vào việc nắm bắt đặc điểm địa bàn, nắm hộ, nắm người, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát. Phải đi 60km từ trung tâm xã mới đặt chân tới nơi xa nhất của xã là vành đai biên giới Việt Nam - Campuchia. Đrang Phốk là buôn xa xôi nhất cũng cách trung tâm xã 20km. 10 đồng chí Công an xã, trung bình mỗi đồng chí quản lý địa bàn rộng hơn 100km2, sức người như muối bỏ bể. Phải mất nhiều ngày trời chúng tôi mới có thể đi hết địa bàn rộng mênh mông. Mùa mưa đường rừng lầy lội, mùa khô thì bụi đỏ mù mịt. Mới đó mà đã gần 5 năm gắn bó với bà con”, Thiếu tá Công nhớ lại.

Thời điểm đó, ở xã nổi lên tình trạng trộm cắp tài sản, nạn buôn bán gỗ lậu, lâm tặc chặt phá khai thác gỗ lậu ở Vườn quốc gia Yok Đôn khiến người dân bất an. Công an xã đã lên kế hoạch xử lý dứt điểm các điểm nóng, từ đó kiềm giảm các vụ vi phạm pháp luật, tăng cường công tác răn đe để bà con yên tâm lao động sản xuất. Năm 2022, Công an xã đã giải quyết 6 vụ việc và 9 đối tượng liên quan tới trật tự an toàn xã hội, giảm 2 vụ và 7 đối tượng so với năm 2021.

Để bảo vệ Vườn Quốc gia Yok Đôn – khu bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp duy nhất tại Việt Nam, công an xã Krông Na luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các đồn biên phòng, trạm kiểm lâm đóng trên địa bàn xã trong việc xử lý tội phạm khai thác rừng. Ngày 8/2/2023, khoảng 7 giờ tối, nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân, Công an xã đã phối hợp với Công an huyện Buôn Đôn tiến hành kiểm tra một xe máy cày càng chở lâm sản trái phép đang lưu thông trên đường tỉnh lộ 1 thuộc xã Krông Na. Qua làm việc, người điều khiển phương tiện không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số lâm sản trên xe. Tổ công tác tiến hành lập biên bản và đưa phương tiện cùng tang vật về Công an huyện xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Thời điểm chúng tôi đến xã, Công an xã đang hỗ trợ bà con làm CCCD đợt vét. Thiếu tá Trần Quang Duy, Phó trưởng Công an nói với chúng tôi: “Ở một xã rộng, dân cư sống rải rác như Krông Na, công cuộc làm CCCD cho bà con gặp nhiều khó khăn. Đơn giản nhất là tên của bà con thường có nhiều kí tự đặc biệt nên chính họ cũng không nhớ chính xác cách viết. Bà con sống rải rác trong rừng, trên nương rẫy, một số đi làm ăn xa không có thông tin liên lạc, nên việc đi tìm không dễ dàng ngày một ngày hai”.

32- số đb- Những “cây xà nu” nơi biên viễn -0
CBCS Công an tận tình hướng dẫn người dân làm các thủ tục hành chính.

Sáng hôm ấy, anh Y Nhic Rya, SN 1983 ở buôn Emar đã được làm CCCD. Anh rời quê vào Bình Dương đi làm đã lâu không về. Sau nhiều ngày Công an xã tìm mọi cách liên lạc, cuối cùng cũng đã tìm thấy anh. Đây là một trong số ít những công dân cuối cùng chưa làm CCCD ở xã. “Tôi được các anh Công an xã đến tận nhà đón đi làm CCCD. Sau đó lại được đưa về tận nhà. Các anh ấy rất tận tình, chu đáo”, anh Y Nhic Rya cười rất tươi nói với chúng tôi.

Đến Krông Na, thật thú vị khi chúng tôi được gặp chị Nang Bun Sốm Lào - Chủ tịch UBND xã, cũng là nữ Chủ tịch xã duy nhất của huyện Buôn Đôn. Chị Chủ tịch xã người gốc Lào chia sẻ: “Krông Na chúng tôi là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa, thường xuyên đón người nước ngoài đến địa bàn xã, trong đó có khách nước ngoài đến tham quan du lịch và các đoàn cán bộ, chuyên gia đến làm việc tại Vườn quốc gia Yok Đôn. Có công an xã chính quy nên công tác quản lý hành chính, nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, người nước ngoài luôn sát sao, ANTT trên địa bàn bàn được giữ vững. Có như vậy mới thu hút ngày càng nhiều du khách đến địa phương. Dù địa bàn rất rộng, nhưng khi có vụ việc là Công an xã đều nhanh chóng có mặt. Các anh quản lý chặt chẽ từng địa bàn, chia sẻ số điện thoại để thuận tiện liên lạc nên bà con yên tâm”.

Trong số 10 cán bộ Công an xã chỉ có 1 đồng chí là người địa phương, còn lại 9 anh em đều công tác xa nhà. Họ ở lại trụ sở, tăng cường xuống địa bàn, chủ động học tiếng của bà con. Sự bất đồng về ngôn ngữ là áp lực lớn đối với Công an xã khi về cơ sở lúc ban đầu giờ đã xoá nhoà. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã thực sự trở thành người con của buôn làng, dân bản, có thể “nghe dân nói, nói dân hiểu”.

Không giống như những vùng đất màu mỡ ở Tây Nguyên, đất đai ở Krông Na cằn cỗi, nhiều sỏi đá do mùa mưa bị xói mòn, mùa khô thì hạn hán. Bám đất, bám rừng nhưng bà con trồng cây gì cũng khó. Quanh năm trên nương rẫy, nhọc nhằn trồng lúa, trồng cây ăn trái nhưng năng suất không cao, cuộc sống của bà con vẫn khó khăn, lạc hậu. “Chỉ mong người dân được quan tâm đầu tư, hỗ trợ trồng những loại cây hợp với thổ nhưỡng. Có thêm nhiều trạm nước tưới tiêu hỗ trợ trồng cấy khi thời tiết khô hạn, có thu nhập, ổn định cuộc sống”, Thiếu tá Công nói những lời trăn trở.               

Ở nơi biên cương, tình nghĩa quân dân gắn bó, đồng chí, đồng đội luôn sát cánh để bảo vệ vững chắc phên giậu của Tổ quốc. Những bước chân của các anh ngày đêm in dấu trên khắp các thôn buôn, góp thêm nụ cười tràn đầy niềm tin cho buôn làng. Các anh nguyện là những cây xà nu vươn lên để bảo vệ cho những nếp nhà sàn bình yên, cho dòng sông Sêrêpôk quanh năm hiền hoà, cho rừng Yok Đôn xanh mãi.

Huyền Châm
.
.