Kỳ 2: Con gái là người tình kiếp trước

Thứ Tư, 21/11/2018, 10:09
Trong giây phút rung động ngọt ngào, môi vừa kịp chạm môi, những run rẩy của cô bé học trò 18 tuổi lần đầu tiên biết yêu chưa kịp ngân lên thì bố cháu từ đâu chạy tới thô bạo xô bạn lớp trưởng ra...

Kính thưa các cô các chú trong toà soạn!

Những gì cháu kể ra trên đây mới chỉ là khởi đầu của câu chuyện gây cho cháu bao nhiêu ám ảnh. 

Kể từ hôm đi dự lễ hầu Thánh cùng bố, rồi gặp ông pháp sư kia, nghe ông ấy phán "Con gái là người tình kiếp trước của bố" cháu đã thấy gai gai cả người. Càng nghĩ lại những hành động trong phân biệt đối xử của bố với hai anh em cháu, cháu càng thấy gợn lên trong lòng những cảm giác sợ sợ không rõ từ đâu.

Từ đấy cháu không hay đeo bám theo bố mỗi lúc mỗi nơi như trước đây. Thú thật, cháu hợp với bố cháu và rất hay chơi với bố. Bố cháu đi đâu làm gì cũng cho cháu đi cùng. Nếu cứ để mọi việc tự nhiên thì cháu sẽ vô tư thoải mái mà sống hồn nhiên đúng theo tình cảm của mình.

Đằng này, lời ông pháp sư kia luôn vang lên trong tâm trí cháu, gây một ấn tượng vừa đáng sợ, vừa khó chịu rất mơ hồ trong lòng cháu. Càng ngày lại càng rõ rệt hơn cùng với những hành động lạ của bố, khiến cho cháu luôn cảm thấy bất an và sinh ra dò xét tất cả những gì ở bố. Kể cả những việc bình thường nhất.

Nhưng mọi việc quả đúng đã diễn ra như trong nỗi sợ hãi mơ hồ của cháu các cô chú ạ!

Rõ ràng bố cháu đối với cháu không bình thường như những ông bố khác. Cháu đã lớn lên, đã qua tuổi trẻ con, đã không còn là đứa trẻ ngây thơ luôn thích được ngồi trong lòng bố để bố ôm ấp, vuốt ve và hôn hít.

Nhưng hình như bố lại không nghĩ là cháu đã lớn rồi, cháu sắp đến tuổi dậy thì, những đụng chạm cơ thể của bố và con gái, dù bất luận là những động chạm vô tư nhất thì cũng không nên xảy ra. 

Khi cháu đã 13 tuổi, phản xạ giới tính ở cháu hình thành một cách tự nhiên và bản năng. Cháu không thích bất kỳ sự đụng chạm ve vuốt nào từ bất kỳ người  thân, bạn bè, cả bạn cùng giới, và cả với mẹ cháu cũng vậy chứ chưa nói là bố.  

Thế nhưng bố cháu không chịu hiểu điều đấy. Trong mắt bố, cháu vẫn là đứa trẻ lên ba. Cháu vẫn là cô con gái nhỏ được bố cưng chiều. Bố vẫn giữ thói quen đi làm về là tìm cháu, bắt bằng được cháu ra để bố ôm ấp, hôn hít cưng nựng một lúc bố mới chịu đi làm việc khác.

Sự phản kháng ban đầu ngấm ngầm của cháu, sau đó là phản ứng ra mặt, tỏ rõ sự khó chịu của cháu với các hành động cưng nựng của bố. Nhưng bố cháu không quan tâm tới thái độ của cháu. Đến khi cháu phải ngấm ngầm dựng nên một bức tường thành trước những cảm xúc thái quá của bố thì bố mới nhận ra thái độ phản kháng của cháu.

Khi bố cháu nhận ra sự khước từ tình cảm của cháu với bố thì mọi chuyện đã đi quá xa. Ban đầu bố tỏ ra giận dữ và phản ứng dữ dội trước thái độ "lì lì" của cháu. 

Nhưng sự giận dữ mau chóng trở thành những phản ứng lệ thuộc như việc bố luôn ra những thoả thuận: "Lại đây với bố rồi bố cho cái này, cho cái kia, bố cho đi chơi, bố cho tiền…". 

Tóm lại là cứ ngoan ngoãn trong vòng tay của bố để bố cưng nựng thì cháu sẽ được bố chiều chuộng đủ thứ. Nhưng lời của ông pháp sư luôn văng vẳng bên tai cháu, nên bố càng gần gũi, càng làm đủ mọi cách để được gần cháu như ngày cháu còn bé thì cháu lại càng lánh xa bố. 

Nhưng dù tìm cách xa lánh và từ chối những tình cảm vồ vập của bố thì cũng không thể triệt để được khi hằng ngày bố vẫn lãnh trách nhiệm đưa đón cháu đi học. Dù bận làm việc cơ quan đến cỡ nào thì bố vẫn tranh thủ đưa cháu đi học và đón cháu về. Bố nói với mẹ, con gái càng phải chăm sóc trông nom nó kỹ càng kẻo hối không kịp.

Lên cấp 3 cháu nằng nặc đòi bố mẹ cho cháu đi xe đạp một mình đến lớp, nhưng bố vẫn không cho. Cháu rất xấu hổ và e ngại khi các bạn khác tự đi học được một mình bằng xe đạp, còn cháu dù lớn tồng ngồng rồi vẫn được bố chở như một con ngố. Bạn bè cháu còn lấy chuyện này chế làm trò, trêu cháu là "công túa lúa" khiến cháu rất ngại và chán.

Nhưng cũng do thái độ lạnh lùng của cháu khi dựng bức tường ngăn cách tình cảm giữa bố với cháu mà bố cháu càng có những hành động kỳ quặc chẳng giống ai. 

Ví dụ đang đêm, cháu đang học bài, bố gõ cửa vào phòng cháu xin nói chuyện. Cháu không đồng ý vì nói thật cháu rất dị ứng với thái độ thái quá của bố trong chuyện đối xử với cháu, thì bố cháu hết nổi đoá lên la mắng cháu rồi lại đổi giọng van xin năn nỉ cháu cho bố vào nói chuyện. Cháu thấy hành động đó của bố rất bệnh.

Có lần đang đêm, bố cứ đứng ngoài cửa phòng cháu hết giận dữ lại van vỉ, cực chẳng đã, cháu để bố vào để nói chuyện một lần cho xong. Cháu định bụng sẽ nói hết với bố rằng cháu không thích những cách cư xử mà bố đối với cháu. Rằng cháu giờ đã lớn, không hợp với việc ngồi trên đùi bố nghe bố kể chyện cổ tích nữa. Nhưng thưa các cô các chú, đó là buổi nói chuyện gây cho cháu hoang mang cùng cực.

Thưa các cô các chú!

Thật kỳ lạ, buổi nói chuyện của bố cháu và cháu không hề giống một cuộc trò chuyện của bố con mà nó giống như một cuộc kể lể đầy đau khổ của một ông bố yếu đuối bỗng một ngày không chịu nổi cái cách mà con gái yêu của ông đối xử lạnh nhạt và xa lạ với ông. 

Bố cháu đã van xin cháu nghĩ lại, rằng tình yêu của ông ấy đối với cháu mênh mông hơn trời biển, rằng cháu chưa đủ lớn để hiểu được tình yêu đó. Rằng bố cháu không chịu nổi, bố cháu sẽ chết mất nếu cháu cứ tiếp tục lạnh lùng khước từ tình cảm của bố. Mỗi ngày cháu phải để ông ấy được ôm cháu vào lòng, hôn lên trán cháu và âu yếm cháu thì ông ấy mới chịu nổi.

Đến nước này thì cháu cảm thấy vô cùng mỏi mệt và đau đầu. Tại sao lại có cái thứ tình cảm bố con kiểu gì mà là gánh nặng lên cháu thế này, và gây áp lực cho cháu kinh khủng. 

Ở nhà, bố thường xuyên có kiểu làm phiền cháu, làm mất thời gian của cháu bằng cách lèo nhèo nói chuyện chưa đủ, vào phòng cháu thường xuyên, đến khi đang đi học bố cháu lại tra tấn cháu bằng những tin nhắn kiểu: "Con đang làm gì? Con đang học môn gì? Con có đói không? Có cần bố mua đồ ăn đến trường cho con không?" làm cháu mất tập trung và cảm thấy áp lực kinh khủng. Tình yêu của bố thật bệnh, khiến cho cháu càng sợ hãi và xa lánh.

Nhưng đỉnh điểm của nỗi sợ hãi ấy là một lần khi cuối lớp 12, lần đầu tiên cháu xin bố mẹ buổi tối vắng nhà đi sinh nhật bạn cùng lớp.

Thú thực với các cô các chú. Không phải là cháu không có bạn bè nhưng vì bố cháu suốt ngày kè kè đưa đón cháu nên trong lớp không mấy bạn dám chơi với cháu hay rủ cháu đi chơi, đi sinh nhật, hay tụ tập bạn bè. 

Cũng vì sự kè kè của bố mà bạn bè cháu đứa nào cũng ngại chơi với cháu vì sợ vạ lây với phụ huynh. Suốt những năm cấp 3, cháu rất khổ tâm vì muốn đi chơi với bạn cháu phải tìm mọi cách để nói dối bố, để thoát khỏi sự kiểm soát gắt gao của bố. Thế nên thành ra cháu là người nói dối bố mẹ bất đắc dĩ.

Cũng tại bố quá khó khăn nên cháu mới nghĩ cách nói dối bố là đi học thêm để tụ tập bạn bè uống nước hay tán gẫu. Dù phải nói dối bố và tìm cách trốn bố mới được đi chơi với bạn thì các bạn trong lớp vẫn ngại chơi với cháu vì cháu có người bố cảnh sát.

Chỉ đến lần ấy, cháu sắp bước vào kỳ thi đại học, lớp sắp chia tay nhau, nhân sinh nhật của bạn lớp trưởng, người mà cháu có tình cảm riêng tư đặc biệt nên cháu đã xin phép bố cho cháu đi chơi một cách đường hoàng thoải mái mà không phải nghĩ cách nói dối. Khó khăn lắm bố mới đồng ý và cháu cảm giác như ông phải trải qua sự dằn vặt ghê gớm mới quyết định nổi cho con gái đi chơi.

Đêm ấy, tiệc với đám bạn đã tàn…. Bạn lớp trưởng đã tiễn cháu về một đoạn đường đi bộ dài trên vỉa hè. Trên đường, chúng cháu tranh thủ tâm sự với nhau.  Cũng trong đêm cuối tuổi học trò ấy, trước cổng nhà mình, ngay dưới tán cây Tường Vi cháu nhận lời tỏ tình từ bạn lớp trưởng bằng một nụ hôn đầu đời.

Thưa các cô các chú!

Các cô chú đã từng có những giây phút rung động đầu đời của tuổi học trò, các cô chú biết, cảm xúc ấy nó đẹp đẽ thiêng liêng đến mức nào. 

Thế mà chính trong giây phút rung động ngọt ngào ấy, môi vừa kịp chạm môi, những run rẩy của cô bé học trò 18 tuổi lần đầu tiên biết yêu chưa kịp ngân lên thì bố cháu từ đâu chạy tới thô bạo xô bạn lớp trưởng ra. Bố cháu dang tay tát thẳng vào mặt bạn ấy mấy cái tát làm cho bạn ấy loạng choạng ngã dúi dụi xuống đường. 

Chưa hết, bố cháu gào lên: "Tao sẽ giết mày, thằng khốn nạn".  Những ngôn từ chửi rủa trong cơn tức giận mất kiểm soát khiến cho bố trở nên hung hăng như một con thú, và khiến cho bạn cháu, cả cháu nữa vô cùng tổn thương và sợ hãi. Cậu ấy ôm mặt loạng choạng chạy trốn.

Còn lại cháu lúc đấy đang chết đứng như trời trồng, bố ôm lấy cháu và sờ sẫm lên môi lên má cháu gấp gáp: "Nó đã làm gì hại đến con chưa? Bố sẽ giết nó".

Thưa các cô các chú!

Lúc đó, trong một nỗi uất huận trào dâng, cháu đã gào lên trong nước mắt: "Bố! đó là người con yêu, sao bố lại làm mất mặt bạn con, sao bố lại đánh bạn ấy, bố làm con nhục nhã quá". 

Nghe cháu gào lên như vậy, bố cháu đứng ngây ra một lúc rồi ôm chầm lấy cháu cuống quýt: "Con không thể yêu ai khác, con đừng yêu ai khác. Bố xin con đấy, con không thể của ai ngoài bố, con hiểu chưa?". Cháu đã đẩy lùi bố ra, cháu hét lên: "Bố, bố thật bệnh hoạn, con kinh tởm bố" rồi chạy vào nhà lên phòng và nằm khóc. 

Các cô chú có thể tưởng tượng được bố cháu đã làm gì không. Bố cháu đã chạy theo cháu, lao vào phòng cháu quỳ xuống trước mặt cháu và hệt như một con rối ngớ ngẩn, bố cháu khóc lóc như mưa như gió xin cháu tha thứ.

Thưa các cô các chú! Cháu chưa bao giờ chứng kiến hay nhìn thấy, hay nghe kể có một ông bố nào mà khi con gái có người yêu, (cháu lúc đó cũng đã 18 tuổi rồi) lại khóc lóc thảm thiết như một kẻ thất tình, một người bị bội phản, một người bị người yêu mình bỏ rơi. Bố cháu đã khóc lóc thảm thiết như thế, quỳ gối van vỉ xin cháu tha thứ….

Cháu đã quá sợ hãi… và tổn thương tinh thần quá lớn. Cháu rơi vào trầm cảm nặng.

Sau cú sốc ấy, bạn lớp trưởng xa lánh cháu luôn mà không một lời giải thích dù cay đắng. Cháu hiểu tình cảm học trò vốn mong manh, với lại bạn ấy chưa đủ lớn và trưởng thành để có thể bước tiếp một cảm xúc bị phía phụ huynh làm tổn thương quá mạnh. Cháu rất buồn. Còn bố cháu thì ngày ngày với cơn mưa quà cáp như trà sữa, chè trân châu, áo phông, váy, giày dép để mong làm lành với cháu. Và đáng sợ nhất là trong ánh nhìn của bố cháu đối với cháu, cháu thấy hiện thân ở đó là ánh nhìn của một con quỷ bệnh hoạn.

Kính thư ML

Lời Ban biên tập

Cháu ML thân mến!

Đọc hết câu chuyện của cháu, chúng tôi dâng ngập lòng một nỗi xót xa. Xót xa cho cháu đã đành, xót xa và thương hại cho cả bố cháu nữa. 

Trên đời này sao lắm kẻ nhân danh là cha đẻ lại tự tước đi quyền làm bố thiêng liêng. Bố cháu liệu sẽ suy nghĩ thế nào, ông có đau khổ vì thất vọng, vì hối hận, vì xấu hổ với lương tâm khi những gì ông đã làm với con gái của ông, đến nỗi trong mắt con gái, hình ảnh ông là "một con quỷ bệnh hoạn".

Cháu ML ạ. Cuộc sống này có những uẩn khúc thật khó tả. Câu chuyện của cháu xét cho cùng cũng bắt nguồn từ việc mê tín dị đoan của bố cháu. Sự u mê của bố cháu đã tin vào lời phán của ông pháp sư mà đinh ninh rằng con gái là người tình kiếp trước của bố. Để bố cháu trong cách ứng xử hằng ngày thật bệnh hoạn và đáng thương khi lẫn lộn giữa đời thực và u mê, giữa đời thường và trí tưởng tượng. 

Nhưng cháu hãy nhớ, dù vậy thì cũng chưa khủng khiếp và khó tin bằng những câu chuyện có những ông bố đẻ mà như loài quỷ dữ, biết đó là con gái ruột của mình, là quan hệ huyết thống máu mủ nhưng vẫn xâm hại con gái để lại những hậu quả nghiêm trọng. Thế nên giúp được bố lúc này cháu hãy nên giúp. 

Cháu nên chia sẻ với mẹ, với anh trai cháu, với ông bà để tìm được sự hậu thuẫn giúp bố cháu dứt khỏi những suy nghĩ u mê lầm lạc. Cháu và mẹ cháu nên trao đổi thẳng thắn với bố cháu, bày tỏ quan điểm phản đối và thái độ của mình trước suy nghĩ lập dị và bệnh hoạn của bố cháu, để bố cháu tỉnh ngộ khi chưa quá muộn, để ông trở về đúng nghĩa là một người cha, yêu thương các con với một thứ tình duy nhất đó là tình phụ tử.

Đừng xa lánh bố cháu, cũng đừng nên bỏ rơi ông ấy, hay để mặc ông ấy trong cơn mê lầm của mình. Hãy giúp ông ấy, vì xét cho cùng ông ấy đáng trách nhưng cũng thật đáng thương. Hãy nhân hậu với ông ấy cháu ạ, khi còn có thể. Chúc cháu bình tĩnh để xử lí đúng đắn những vấn đề rắc rối của mình một cách nhân văn và có hậu nhất.

ANTG GT số 130
.
.