Chuyện đời oái oăm của cha mẹ tôi

Thứ Hai, 17/07/2017, 07:05
Chuyện đời của cha mẹ tôi thật oái oăm... Oái oăm cho đến tận khi cha tôi nhắm mắt xuôi tay vẫn còn đau đớn bởi những quyết định sai lầm của ông. 

Kính thưa các anh các chị!

Năm nay gia đình tôi rất buồn bởi gặp phải một mất mát vô cùng to lớn. Mẹ tôi khuất núi. Sau khi mẹ tôi mất, tôi đã làm một cái việc không giống ai là tôi sang xin phép bên gia đình vợ của cha tôi để cho phép đưa mẹ về an nghỉ bên cạnh mộ cha tôi. 

Để về bên kia thế giới hai ông bà tiếp tục trả nợ cho nhau những gì mà kiếp này họ còn chưa trả được. Thật may là tâm nguyện của tôi đã thực hiện được và ở bên kia thế giới, hẳn mẹ tôi cũng hài lòng trước quyết định của tôi, vì thực ra cả đời, bà chỉ yêu một mình duy nhất cha tôi và cha tôi cũng chính là người chồng duy nhất của mẹ.

Chuyện đời của cha mẹ tôi thật oái oăm... Oái oăm cho đến tận khi cha tôi nhắm mắt xuôi tay vẫn còn đau đớn bởi những quyết định sai lầm của ông. Hai ông bà đã phải gánh chịu một nỗi đau, sự mất mát... mà suốt kiếp người họ đã từng sống, chưa có lúc nào họ nguôi quên.

Cha mẹ tôi người cùng làng, yêu thương nhau rồi hò hẹn. Cha tôi ra chiến trường mang theo lời thề hẹn của mẹ, khi nào chiến tranh kết thúc, cha về sẽ tổ chức đám cưới to nhất làng để đón mẹ về làm vợ, làm cô dâu của cha.

Cha mẹ may mắn hơn vạn những người lính trẻ thời chiến đó là họ vẫn thực hiện được trọn vẹn lời thề ước. Cha đi bộ đội sau hai năm nghỉ phép tranh thủ về thăm nhà và cưới mẹ làm vợ.

Đám cưới thời chiến, vội vã, đơn sơ mà lại lãng mạn vô cùng. Mấy người lính đơn vị cha cùng được nghỉ phép dịp ấy đã dành mấy ngày phép ít ỏi về quê nhà của cha, giúp cha dựng rạp, tổ chức đám cưới cho cha. 

Những giò phong lan rừng còn đượm mùi thuốc súng được xách từ đơn vị về để trang trí đám cưới. Pháo dù sáng, và dù hoa thu được từ chiến lợi phẩm chiến tranh, bắn rơi máy bay Mỹ được mấy người lính thu gom về, trước thì giăng lên làm phông màn trang trí đám cưới, sau nữa làm quà cho cô dâu và cho em bé tương lai. 

Đám cưới cha mẹ tôi rộn rã cả ngôi làng nhỏ. Những người lính bạn của cha tôi mang về cây đàn măng - đơ - lin và vừa đàn vừa hát rất nhiều bài hát tặng cho cha mẹ tôi. Khoản văn nghệ bốc và vui đến nỗi cả làng thay nhau đứng lên tặng cô dâu chú rể các bài hát tự biên tự diễn. 

Và mẹ tôi, một cô dâu xinh đẹp, hát hay nhất làng cũng ôm bó hoa đồng nội hái từ vườn nhà đứng lên say sưa hát tặng chú rể. Có thể nói đó là phần ký ức đẹp đẽ nhất, lãng mạn nhất trong mối tình nhiều thăng trầm và cay đắng của cha mẹ tôi mà phần sau đây tôi sẽ kể để các bạn được biết.

Làm vợ của người lính đang chiến đấu ở chiến trường đã là một niềm tự hào không có gì sánh nổi. Làm cô dâu thời chiến trong một đám cưới vừa lãng mạn, vừa sôi nổi, vui ngút trời xanh như thế, mẹ tôi lại càng hạnh phúc chất đầy hơn. 

Thế nên, sau đám cưới là sự chờ đợi, là nỗi trống vắng của người vợ thời chiến thì với mẹ tôi, đó vẫn là nỗi buồn cao thượng, nỗi buồn đẹp và đáng tự hào. Cha mẹ tôi đã yêu nhau, nên chồng nên vợ như vậy.

Nhưng cuộc đời không như những gì mà cha mẹ đã mong ước. Những cơn bão dữ thời hậu chiến đã đổ vào cuộc hôn nhân của cha mẹ biết bao đày ải cay đắng. 

Bắt đầu từ việc sau đám cưới, cha đi biền biệt đến 10 năm sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, kết thúc chiến tranh cha mới trở về. Mẹ đã đợi chờ cha trọn một tuổi xuân xanh mơn mởn và căng tràn sức sống. Tuổi thanh xuân của mẹ héo mòn đi trong những lo âu, khắc khoải, trong ám ảnh về cái chết, về việc rất có thể cha đã hy sinh bỏ xác lại đâu đó ở chiến trường.

Nhưng mẹ còn may mắn hơn vạn những người vợ lính khác đó là suốt trong những năm chờ đợi đằng đẵng đó, đôi ba năm khi đã tuyệt vọng vì bặt tin tức của cha thì mẹ lại nhận được thư cha báo tin cha vẫn còn sống nhưng đang chiến đấu ở chiến trường xa chưa về được. 

Nghĩa là mẹ không quá vô vọng, không quá tuyệt vọng như những người vợ khác bặt tin chồng rồi cuối cùng thứ họ chờ đợi là tờ giấy báo tử trên tay. Mẹ may mắn hơn vạn người vợ lính khác là sau chiến tranh cha vẫn nguyên vẹn trở về. Dẫu muộn màng nhưng cha đã trở về vun đầy cho mẹ một hạnh phúc chồng vợ. Ngỡ là như thế!!!

Cha mẹ tiếp tục xây tổ ấm đang thiếu hụt tiếng cười thơ trẻ. Lúc đó mẹ đã 27, 28 tuổi, ngày xưa ở tuổi đó, cưới chồng 10 năm mà chưa có con đã là muộn lắm rồi. Cha cũng đã xấp xỉ 30, bom đạn, khói lửa nơi chiến trường đã khiến cha già sọm đi so với tuổi tác, sức khỏe yếu do mấy lần bị sức ép bom, và bị thương phải nằm lại quân y viện để điều trị.

Tiếp đó là những tháng ngày cha mẹ mong mỏi có tiếng trẻ thơ. Tôi ngày đó, ngoan cố khuất náu ở đâu đó trong số phận cuộc hôn nhân oái oăm của mẹ mà vẫn không chịu xuất hiện. Để cho cuộc đời của mẹ tôi quá buồn tủi vì cái sự muộn màng... chưa có con, và theo một nghĩa nào đó thì bất hạnh hơn do có tôi trên đời. 

Cha về 1 năm, hai năm rồi ba năm, bụng mẹ vẫn lép kẹp. Mang mặc cảm lỗi do mình, do chiến tranh, do chất độc da cam, hay do di chứng của những lần bị sức ép bom nên cha càng thương mẹ hơn, chăm bẵm mẹ nhiều hơn và tình cảm với mẹ nhiều hơn. Nhiều lần cha nói với mẹ nếu cha mẹ không có con thì cha không bao giờ bỏ mẹ, mà cha sẽ suốt đời chăm sóc mẹ cho đến khi cả hai khuất núi.

Lời thề nguyện của cha sẽ chăm sóc mẹ và ở bên mẹ suốt đời đã không bao giờ thực hiện được vì cuối cùng cha đã phản bội lại lời thề. Phản bội mẹ trong một hoàn cảnh trớ trêu và oái oăm không thể tả nổi.

Đó là vì trong một lần bị thương bác sĩ quân y nơi trạm quân y dã chiến cha điều trị có nói với cha về chuyện di chứng để lại ảnh hưởng tới việc khó khăn trong sinh sản. 

Thế nên cha đã mặc định trong lòng việc do chiến tranh, do nhiễm chất độc da cam, do những lần bị thương tích mà cha không thể có con nhưng cha lại sợ mẹ bỏ cha mà đi, cha sợ cha mất mẹ nên cha đã giấu kín nỗi mặc cảm trong lòng. Cha giấu kín nỗi đau đó mà không hé răng cho ai biết. 

Chỉ có mẹ là cuống cuồng trong 3 năm rồi 5 năm tìm hết thầy hết thuốc khám. Ai mách có bà lang nào chữa giỏi về việc sinh nở, mẹ đều đến lấy thuốc, có món gì bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực cho đàn ông mẹ đều âm thầm giấu cha đi lùng tìm bằng được về ngâm rượu cho cha uống với hi vọng cha mẹ có con.

Oái oăm ở chỗ, mẹ không hề hay biết việc chưa thể mang thai, chưa thể sinh nở là do cha. Mẹ lại cứ nghĩ là do mẹ. Thế nên mẹ càng áp lực sợ hãi, lo lắng nhiều. Và cả cha với mẹ đều mang trong lòng niềm tâm sự riêng tư đó mà không một ai nói ra cho ai biết nỗi niềm sâu kín của lòng mình vì đều sợ sẽ làm đau lòng, tổn thương đến người khác. 

Cha mẹ loay hoay trong nỗi khổ của riêng mình mà không ai chia sẻ với ai. Ngày xưa việc chửa đẻ không như bây giờ. Đề cập đến chuyện sinh nở đã ngại ngần, ngay cả việc đi khám chửa đẻ cũng ngại... Mọi người chưa cởi mở như hôm nay, và điều kiện y tế khám chữa bệnh cũng không hiện đại như bây giờ, thế nên cha mẹ cứ sống mù mờ, mù mờ trong một cảm giác đáng sợ là có thể lỗi chưa đẻ được là do mình. 

Nhưng công bằng mà nói, đó lại là những năm tháng hôn nhân hạnh phúc nhất của đời mẹ. Dù ôm nỗi lòng sâu kín, dù mang âu lo, dù áp lực phải sinh cho cha một đứa con thì cha mẹ vẫn ở bên nhau và yêu thương nhau tròn đầy. Cha chăm sóc mẹ còn hơn cả người chồng chăm sóc vợ mới cưới. Cha thương mẹ và lặng lẽ chăm mẹ như để bù đắp cho mẹ cả một quãng đời thanh xuân cha đi biền biệt. Cha chăm mẹ như thể sợ ngày mai mẹ sẽ biết sự thật cha không còn khả năng sinh nở và rồi mẹ sẽ bỏ cha mà đi.

Cuối cùng sau 5 năm nỗ lực của mẹ, mẹ đã mang thai tôi, đứa con trai nhiều hờn tủi là tôi đã sinh ra không đúng lúc, hay không đúng chỗ, hay số phận đã sai sót điều gì đó để lẽ ra tôi là niềm hạnh phúc tự hào của cha mẹ thì thay vào đó, tôi lại là nỗi bất hạnh của cuộc hôn nhân cha mẹ, vì tôi mà cha  mẹ bỏ nhau.

Số là mẹ tôi, do son rỗi chưa có con cái, không vướng bận việc gia đình nhiều nên mẹ có tham gia trong ban chấp hành phụ nữ xã. Thỉnh thoảng mẹ làm công tác đoàn thể, họp hành, văn nghệ, hay tham gia hòa giải hạnh phúc gia đình. Công việc khiến mẹ đi họp hành nhiều, hòa giải nhiều. Mẹ tôi lại là một cây văn nghệ của xã rất hợp với dòng nhạc dân gian nên mỗi khi có hội thi của xã mẹ vẫn thường hay đi biểu diễn trên tỉnh, trên huyện. Mang một mặc cảm sẵn về việc không giúp vợ sinh nở được nên cha tôi rất hay ghen với mẹ. Cũng đúng thôi, cha sợ mất mẹ, sợ mẹ sẽ chê cha mà bỏ đi lấy người đàn ông khác để tìm một đứa con.

Đúng vào dịp kết thúc cuộc thi hát ru ở huyện, mẹ phát hiện ra mình có thai. Mang niềm vui sướng vỡ òa để về báo tin cho cha, cha đã đờ người ra, mặt lạnh lẽo tái dại đi và bỏ ra ngoài sân hút thuốc. Bàng hoàng trước thái độ kỳ lạ của cha khi mẹ báo tin mẹ có thai, mẹ đã vô cùng sốc. Mẹ đã không hiểu nổi vì lí do gì, cha không vui mừng ôm chặt lấy mẹ sung sướng nghẹn ngào thốt lên một câu nói động viên mẹ, và cảm ơn Trời, Phật đã phù hộ độ trì cho cha mẹ có con. 

(Còn nữa)
Đặng Tuấn - Quảng Bình

Lời Ban biên tập

Một câu chuyện đời thật éo le! Cả hai người trong cuộc hôn nhân vì tình yêu, thứ tình cảm đó đã được tôi luyện thử thách trong chiến tranh, sống yêu thương nhau đến như thế lẽ ra phải vô cùng hạnh phúc mới đúng. 

Thế mà cuối cùng, họ đã phải chịu một kết cục bất hạnh khi vợ chồng chia lìa, cha không nhận con, con không có bố. Trớ trêu thay.... đứa con, lẽ ra đó là niềm mong mỏi của hai vợ chồng, là hạnh phúc tột cùng của ông trời ban cho, là niềm hân hoan vui sướng của trái ngọt hôn nhân thì cuối cùng lại là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ.

Cuộc đời không ai lường trước được bão tố sẽ đến và bất thần xé nát họ ra bất cứ lúc nào. Không một ai học hết được chữ "ngờ" của số phận.

Vì sao hôn nhân của họ đổ vỡ ngay sau khi biết tin người vợ mang thai được đứa con? Vì sao người chồng lại dứt áo ra đi sau khi người vợ mang thai? Câu chuyện vẫn còn dài. Và chúng tôi cũng xin chia sẻ thêm với độc giả, đứa con cũng chính là người đã viết bức thư này, kể lại câu chuyện đời éo le của cha mẹ ông với tòa soạn. Mời quý độc giả theo dõi phần tiếp theo của câu chuyện trên số báo tới. Trân trọng. 

ANTG Giữa tháng số 114
.
.