Chuyện đời như giỡn chơi

Thứ Năm, 22/12/2016, 15:43
Đang mùa ủ lá trong miền Nam, chiều qua mới phơi phới vậy mà rì rầm cái lẩm rẩm đau, lẩm rẩm nhảy mũi, lẩm tẩm mỏi cơ. Ngô già rồi, đến cái tuổi nắng không ưa mưa không chịu, ghét gió kỳ mùi sương, lại nhớ nhớ quên quên đâm ra lẩn thẩn.

Trong cơn chớm buồn vì tuổi tác, chớm tủi phận vì đãng trí lại chứng kiến quá nhiều hiện thực khó hiểu, thiệt tình không biết phải làm sao cho đặng.

1. Lãnh đạo một bộ mới vừa khiến Ngô bật ngửa, đầu va vào cột nhà bầm đen mấy chỗ. Ấy là khi ông trần tình với ý đại khái là “Hàng không đang vét hết khách của xe lửa, nên phải siết lại hàng không, không được mua máy bay, không được tăng chuyến bay… Đại loại là Ngô nghe xong ù ù cạc cạc, thất kinh hồn vía.

Sợ mình nhầm, Ngô gọi điện thoại cho vài chỗ quen, hỏi ai cũng thừa nhận ông lãnh đạo bộ kia nói vậy.

Cái tư duy “Đi  máy bay nhiều hết khách của xe lửa”, thiệt không khác tư tưởng “Gái làng ta phải lấy trai làng ta” là mấy. Nhẽ ra làm lãnh đạo bộ thì ông phải vui mừng vì sự phát triển của hàng không, phải tạo thêm cơ chế để xem đây là ngành mũi nhọn, thì vô lý thay ông lại đang kỳ thị nó. Làm sao một người đứng đầu lại có thể kỳ thị một loại hình dịch vụ đang phát triển trực thuộc Bộ mình quản lý, Ngô tôi tuyệt đối không có câu trả lời.

Không thể không thừa nhận ngành đường sắt đã có những nỗ lực, cố gắng vượt bậc trong thời gian vừa qua để níu khách quay trở lại thời hoàng kim của đường sắt. Thế nhưng, nỗ lực ấy là vẫn chưa đủ. Nhất là khi giá vé xe lửa với giá vé máy bay không có sự chênh lệch quá cao. Nhất là khi các hãng hàng không có nhiều mức giá hợp lý dành cho người đặt chỗ trước.

Đi xe lửa thì lâu, đi máy bay thì nhanh. Lấy ví dụ, bay chặng TP.HCM – Nha Trang, chưa đầy 40 phút. Trong khi đi xe lửa thì thăm thẳm chiều trôi, oằn mình mãi mới đến.

Đương kim lãnh đạo bộ ngại sự phát triển của hàng không nhanh quá sẽ dẫn đến tình trạng ách tắc, thậm chí ông còn lo ngại chuyện sân bay thiếu chỗ đậu, chuyện các hãng mua nhiều máy bay.

Đây là vấn đề mà bộ ông phải giải quyết, phải tháo gỡ, phải luôn tay luôn chân làm việc, phải tư duy hoạt động không ngừng nghỉ vì sự phát triển của ngành, của xã hội. Vì sự thụ hưởng dịch vụ tốt nhất mà nhân dân xứng đáng được nhận lãnh bằng với số tiền mà nhân dân bỏ ra. Chứ hà cớ gì mà thấy rối, ngay lập tức đã vội vàng kìm hãm sự phát triển của một loại hình dịch vụ được đông đảo nhân dân lựa chọn.

Không lẽ bây giờ ép hàng không nhường khách cho xe lửa, đến khi xe lửa nhiều khách thì lại ép xe lửa nhường khách cho xe đò. Đến khi xe đò quá tải thì nhân dân phải đi bộ, nhân dân đi bộ chán thì lại khai thông cho hàng không. Đúng thật như cái vòng luẩn quẩn.

Minh họa: Lê Phương.

Ngô tôi để ý tự lâu rồi, một bộ phận lãnh đạo trong thời điểm này tư duy không theo kịp tình hình, thường chọn cái tối giản để giải quyết mọi sự, bất chấp có hợp lý hay không? Phát ngôn của ông chỉ là một ví dụ điển hình thôi. Còn đó rất nhiều ví dụ khác, như nghiên cứu mỗi cá nhân chỉ được mua một xe gắn máy, rồi không cho xe gắn máy biển số tỉnh vào thành phố, rồi xe gắn máy ra đường theo biển chẵn biển lẻ…. 

Trong lúc quy hoạch là điều không được tính đến và cương quyết thực hiện, thậm chí là giờ giấc vào công sở, đến trường cũng chưa được lưu tâm. Nguyên tắc cơ bản nhất ai cũng biết chính là, “Đông người dồn vào một chỗ cùng thời điểm thì sẽ gây ách tắc”. Vậy mà cứ loay hoay mãi. Phải làm sao đó để phụ huynh an tâm đi làm và con cái được xe buýt đưa đến trường chẳng hạn, thì sẽ hạn chế kẹt xe thôi.

Như xe lửa vắng khách, giờ phải tính đến chuyện cải tiến phương tiện, trang thiết bị nội thất, giá vé, cung cách phục vụ… Thậm chí là các hình thức khuyến mãi, khuếch trương thương hiệu, giới thiệu sản phẩm. Phải làm sao để cho nhân dân tin rằng thay vì chấp nhận đi máy bay bị hoãn chuyến liên tục thì có thể sử dụng dịch vụ xe lửa, vừa nhanh lại vừa không bị hoãn chuyến mà giá vé chỉ bằng 1/3, hay  1/2 so với giá vé máy bay.

Chuyện đó là rất khó nhưng phải tính cách mà làm. Nếu không càng khiến cho hiện thực càng nảy sinh ra những vấn đề vừa hài hước vừa chua xót như hiện nay. Bởi không hài hước, không chua xót sao được khi nhân dân chọn máy bay, phương tiện nhanh và an toàn nhất thì lại không mừng mà còn quay ngược sang gắt gỏng thì còn hy vọng gì nữa đâu.

Không lẽ bây giờ họp cứ nói, “Tại dân chạy xe máy ra đường, chứ dân ở trong nhà hết thì làm sao có chuyện kẹt xe, ùn tắc giao thông được”.

2. Ngô tôi sắp trình bày điều dưới dây, mạn phép lãnh đạo bỏ quá cho vì Ngô tự bé đến lớn, mỗi lần viết ra, mỗi lần suy nghĩ đều chỉ với mục đích xây dựng nhằm hướng đến sự tốt đẹp cho tương lai. Mà đến bây giờ Ngô mới dám viết điều này, khi mà mọi thứ đã bắt đầu lắng xuống. Đấy là chuyện phát âm của một cán bộ nọ.

Cách đây chừng 5 năm, Thủ đô Hà Nội đã chi rất nhiều tiền để sửa tật nói ngọng, phát âm sai giữa “n” và “l” cho nhiều giáo viên lẫn học sinh ở các khu vực ngoại thành. 

Đấy cũng là lúc các lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội thừa nhận, “Những giáo viên nói ngọng do tồn tại của lịch sử thì đành phải nỗ lực tìm cách sửa ngọng. Nhưng khi tuyển mới giáo viên, cần phải có tiêu chí phát âm và viết chuẩn. Trên thực tế, một số trường tiểu học ở các quận nội thành Hà Nội đã kiên quyết “nói không” với giáo viên nói ngọng. Bởi một giáo viên nói ngọng có thể kéo theo mấy chục học sinh nói ngọng”.

Đây là quan điểm hết sức đúng đắn và văn minh. Một giáo viên muốn truyền thụ tốt kiến thức cho học sinh thì ngoài nghiệp vụ sư phạm, kiến văn, thái độ hòa nhã, cởi mở chân tình còn phải có một giọng nói chuẩn mực. Không phải vô duyên vô cớ mà tiền nhân đã đúc kết, “Chim khôn hót tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.

Ngô đã tham vấn nhiều anh chị, Ngô tin là nói ngọng giữa “n” và “l” hoàn toàn chữa được nếu chú trọng khi phát âm, nhả tiếng từ tốn, không bị lúng túng, hấp tấp. Chữa nói ngọng là khó, cần phải kiên trì nhưng để bảo vệ sự tôn nghiêm cho hình ảnh nhà giáo thì bắt buộc phải thực hiện điều này.

Mười mấy năm đi học, Ngô đã từng chứng kiến cảnh bạn bè trang lứa giễu cợt phía sau lưng những thầy cô giáo mắc chứng nói ngọng như thế nào. Đó là chưa kể đến một vấn đề nguy nan khác là đọc sao nói vậy, rất dễ khiến học sinh bị ảnh hưởng về đọc, viết.

Quan trọng hơn, người dân không muốn thay đổi thói quen do thiếu kiên nhẫn, do lười; nhưng thân làm thầy cô giáo thì phải sửa. Nhất định phải sửa đổi, nhất định phải chiến thắng bản thân mình, nhất định phải hoàn thiện mình.

Ngô tôi tin rằng khó đến độ ngồi vào vị trí lãnh đạo nào đó còn làm được thì những thứ vụn vặt này không có gì là quá ghê gớm đến mức phải bó tay thúc thủ, trước sao nay vậy được. Đơn giản, đây không phải là trót không may vướng phải khiếm khuyết hình thể bẩm sinh, mà là do thói quen hình thành trong môi trường sinh sống. Đã là thói quen thì có thể thay đổi được nếu có đủ sức mạnh của ý chí, của nghị lực.

Ngô rất không muốn tranh cãi với nhiều anh chị xuề xòa, đó là giọng địa phương nên không có gì phải bàn cãi. Nếu như không làm lãnh đạo, nếu như không làm thầy cô giáo, chỉ chăm lo cày cấy, buôn bán tiểu thương, Ngô tôi hoàn toàn không dám mon men lạm bàn đến. Tuy nhiên, y phục xứng kỳ đức, khi đã lựa chọn cho mình một con đường, khi đã đạt được một vị trí thì không thể nói giọng địa phương thế này hay giọng địa phương thế khác.

Không lẽ cấp dưới chấn chỉnh cứ chấn chỉnh, cấp dưới muốn làm gì thì làm còn cấp trên cứ mặc lòng “n” đâu thì “n”, “l” đâu thì “l”.

Thứ đến, người đứng đầu một lĩnh vực thì dẫu muốn dẫu không cũng chính là bộ mặt của toàn ngành. Bộ mặt của toàn ngành thì chắc chắn phải chỉnh chu, tươm tất chứ không thể biện hộ thế này hay thế khác nữa.

3. Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng một Chính phủ kiến tạo và liêm chính, một Chính phủ gần dân và lắng nghe dân. Thủ tướng cố gắng không mệt mỏi, giữ gìn từng chút một từ phát ngôn cho đến hành động.

Thế nên, Ngô mong mỗi tư lệnh ngành cũng hết sức vì cái chung mà phụng sự, cùng Thủ tướng góp tay vực dậy kinh tế, xã hội.

Người sống chỉ một đời, vinh hoa phú quý cũng chỉ một đời. Thứ để lại cho hậu sinh thì mới trường tồn, thì mới là mãi mãi.

Trăm năm bia đá, nghìn năm bia miệng là vì vậy. Mong lắm thay, nhất là khi một tay vỗ không nên tiếng được bao giờ.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.