Hoa hậu, vương miện và đàn ông cả tin

Em hãy cứ làm hoa hậu thôi!

Chủ Nhật, 18/10/2015, 09:54
Hỡi các hoa hậu trẻ, các em hãy cứ làm một hoa hậu xinh đẹp, hấp dẫn là được rồi, các em đừng ví von suông mình là Bồ Tát cứu độ thế giới nữa!

1. Từ đầu năm đến giờ, tổng cộng đã có hai cuộc thi nhan sắc lớn trong nước là Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 vừa kết thúc. Tôi may mắn được chiêm ngưỡng các người đẹp thi thố trong hai đêm chung kết của cả hai cuộc thi này. Thú thật, nếu như vài năm về trước tôi và các đồng nghiệp thường rất háo hức chờ ngày lên đường tác nghiệp các cuộc thi hoa hậu thì bây giờ, cảm xúc không còn là mấy nữa, phần vì nó không có gì mới mẻ, phần các cuộc thi đến hẹn lại lên, có nhan nhản hàng năm.

Hoa hậu, hoa khôi bây giờ rõ nhiều! Tôi hay nói rằng: Bây giờ ra ngõ là gặp hoa hậu! Điều đó hoàn toàn không ngoa, làm việc trong giới showbiz, hay dự sự kiện này nọ, gặp một người đẹp nào đó lạ, tôi hỏi ra thì cứ khoảng 10 cô thì có đến 8 cô trong số ấy đều là người đẹp có danh hiệu rồi!

Nhưng hoa hậu nhiều thì xã hội có tốt đẹp hơn như những gì thuộc về sứ mệnh mà họ nói ra không?

Nếu ai theo dõi các cuộc thi nhan sắc thì sẽ biết rằng, trong mỗi cuộc thi đều đặt ra cái gọi là sứ mệnh cho người đẹp. Tùy vào mỗi cuộc thi mà có sứ mệnh tương ứng, như Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thì có sứ mệnh chung là tìm ra người phụ nữ đẹp cả về nhan sắc lẫn tâm hồn, có lòng nhân ái, cùng cộng đồng làm những việc có ích lợi cho xã hội, đất nước... 

Với Hoa hậu Đại dương thì sứ mệnh cụ thể hơn, ngoài các hoạt động thiện nguyện, hoa hậu cuộc thi này còn là “đại sứ” môi trường biển Việt Nam và thế giới! Hay với Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long thì người đẹp từ cuộc thi phải có sứ mệnh quảng bá nét đẹp văn hóa, con người của vùng đất này đến khắp nơi trên đất nước và thế giới…

Nói chung, sứ mệnh mà cuộc thi đặt ra cho các người đẹp là khá nhiều và to tát! Chính các người đẹp khi đăng quang cuộc thi cũng tự hứa hẹn hay thậm chí hô hào những khẩu hiệu… trên mây đó. Dẫu rằng, nhu cầu làm người tốt, làm việc có ích cho xã hội là điều phải ghi nhận ở các cuộc thi nhan sắc và các người đẹp đăng quang. Song, giá như những mong ước đó thực tế một chút, cụ thể một chút, lời nói được chuyển hóa thành hành động hơn một chút… thì hay biết mấy!

Minh họa: Hữu Khoa.

Tôi không nghĩ tất cả các hoa hậu chỉ là vì mình, còn sứ mệnh chỉ là những thứ sáo rỗng, phi thực tế. Song, cũng phải thừa nhận rằng các người đẹp đổ bao công sức, tiền của, thời gian để tham gia các cuộc thi nhan sắc là vì cái gì? Chắc chắn không phải vì cộng đồng!

Bởi nếu nói vì cộng đồng thì sẽ không có chuyện rất nhiều hoa hậu, á hậu đăng quang song là… mất tích hẳn. Mà trường hợp phần nhiều là họ theo chồng đại gia định cư ở nước ngoài, từ bỏ cuộc chơi phù phiếm.

Hoặc sau khi đăng quang, người ta lại thấy một số hoa hậu xuất hiện nhan nhản trong các sự kiện với váy áo lộng lẫy, kiêu sa. Hoặc là họ sẽ làm đại sứ cho các nhãn hàng, họ làm người mẫu, đóng phim, đóng quảng cáo; họ kinh doanh đủ thứ từ cửa hàng thời trang, nhà hàng đến spa, rồi từ quán bar cho đến quán ốc… Nói chung là hoa hậu có rất nhiều hoạt động sinh lợi, mà cái lợi đó không phải để cho cộng đồng, hoặc có cũng rất ít!

Vậy thì cớ gì lại bảo: Em muốn trở thành hoa hậu là vì cộng đồng, vì xã hội, thay vì cứ nói: “Em đi thi vì em thì có làm sao đâu!”.

Tôi có quen anh giám đốc công ty người mẫu nọ, anh nói không ít người đẹp đi thi còn với mục đích kiếm danh hiệu để dễ bề sánh bước với đại gia! Anh nói, đêm chung kết của cuộc thi nhan sắc nào thì dưới hàng ghế khán giả cũng tràn ngập các đại gia. Chính người đẹp của công ty anh cũng có lần bị các đại gia ngã giá ngay trong đêm chung kết!

Thế nên, giá như các người đẹp không gá hành động đi thi nhan sắc của mình là “vì cộng đồng” thì thật ra nhu cầu kia cũng không có gì đáng bàn. Đại gia thì sánh với người đẹp, mà người đẹp là hoa hậu thì lại càng xứng chứ sao!

2. Trong các cuộc thi nhan sắc hàng năm, người ta luôn bắt gặp được những người đẹp vốn rất quen thuộc của năm trước, mà không phải là người vô danh, họ là những người đã đạt danh hiệu cao. Họ nhảy từ cuộc thi này qua cuộc thi kia, họ biến sứ mệnh cao quý của một hoa hậu thành sứ mệnh chinh phục, chuẩn hóa danh hiệu tại các cuộc thi nhan sắc.

Như tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 của chúng ta, năm 2010, cô tham gia Vietnam’s Next Top Model và lọt vào Top 8 của cuộc thi. Năm 2011, cô tiếp tục chinh phục F-idol và trở thành quán quân. Chưa dừng lại ở đó, năm 2014, cô tham gia Hoa hậu Thể thao thế giới và đạt giải Á hậu 1. Ngay trong năm, cô Nam tiến và thi luôn Hoa hậu Việt Nam, nhưng kết quả chỉ dừng lại ở Top 10. Và mới đây là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015, còn trước mắt là Hoa hậu Hoàn vũ thế giới! Nhiều người tự hỏi, cô ấy đi thi vì cộng đồng đấy ư?!

Nói như thế không phải là tất cả người đẹp đi thi nhan sắc đều chỉ háo danh, chỉ vì tư lợi. Tôi có quen với vài cô hoa hậu, á hậu, họ cũng tham gia rất nhiều vào các hoạt động cộng đồng, các chương trình từ thiện… bên cạnh việc tham gia các công việc khác mà danh hiệu mang lại để nuôi sống bản thân. Chẳng hạn như Hoa hậu Đại dương Đặng Thu Thảo, Hoa khôi Lan Khuê…

Ai đó nói rằng “cái đẹp cứu rỗi thế giới”, nhưng nhiều khi ngay chính bản thân người đẹp còn không cứu rỗi được mình.

Và xưa nay, sự bẽ bàng đến từ các người đẹp không phải là chuyện hiếm hoi gì! Lúc thì hoa hậu này gây thất vọng về văn hóa ứng xử tệ bạc với người lớn nơi công cộng, lúc thì người đẹp kia bị chê trách là trình độ tri thức, khi thì hoa hậu gian dối… Thỉnh thoảng còn có cả những người đẹp còn bị vướng vòng lao lý vì hành vi phi pháp!

3. Người đẹp mà có danh hiệu thì dễ dàng hơn trong việc vận động, kêu gọi cộng đồng làm công tác xã hội. Song, cộng đồng cũng không ai quá kỳ vọng vào các người đẹp có thể hoàn thành sứ mệnh mà họ đã nêu ra khi đăng quang. Bởi hoa hậu hiện nay rất bận, bận chinh phục các danh hiệu, bận làm ăn, kinh doanh...

Như thế thì hỡi các hoa hậu trẻ, các em hãy cứ là một hoa hậu xinh đẹp là được rồi, các em đừng ví von suông mình là Bồ Tát cứu độ chúng sinh nữa!

Hoãng Lãm
.
.