Nhà giáo từ đường làng cho đến internet

Định kiến phấn trắng

Thứ Năm, 26/11/2015, 16:27
Trong đằng đẵng trưởng thành cuộc đời, có lẽ khoảng thời gian tuổi học trò là giai đoạn sơ khởi nhào nặn nên nhân cách mỗi con người, tôi cho là vậy. Tôi luôn tin có 3 ngôi nhà quan trọng để hình thành được một tâm hồn tử tế, nhà mình (gia đình), nhà chùa (tôn giáo) và cuối cùng là nhà trường (giáo dục).

Thi thoảng mỗi đận lần giở Internet, tôi thật khó có thể hình dung nổi nhan nhản các bản tin đâu đó miêu tả tường tận thói vô phép, hỗn hào, bạo lực, cài bẫy của không ít thế hệ học trò đương đại với thầy cô giáo. Điều mà trước đây dù học trò còn lôm côm nghèo khó, sinh trưởng dưới những mái nhà lụp xụp trong xóm chợ, nhịn đói đến lệch người tới trường mỗi buổi sáng thì dù có cho ăn gan giời cũng không dám làm. 

Minh họa: Hữu Khoa.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng quả thực thời cũ thì mọi hành động bất nhã ấy hình như không có cơ hội nhen nhóm xuất hiện hay do công nghệ quá lạc hậu để lan truyền.

Khi các cô cậu học trò tân thời biết được sức mạnh của truyền thông xã hội, mỗi anh chị trên tay lăm lăm “vũ khí” là những chiếc điện thoại di động rình rập, cào bằng khoảng cách, ứng xử giữa thầy và trò thì đó quả là mạt hạng. Sức mạnh lan tỏa trò lố thói vô đạo đức thời đại Internet quá dễ dàng, nhao nhao “trẻ trâu” cổ súy vô hình trung tạo ra một góc nhỏ xấu xí không câu chữ nào miêu tả nổi, đau xót lắm chứ.

Đáng tiếc hơn, những vết dơ học đường đó nhếch nhác tràn lan trên mạng, trên không ít trang thông tin, tờ báo điện tử vô hình trung tạo thành một thói quen nhàm chán đến vô cảm với thứ văn hóa vô lễ thớ lợ đó, cũng chả mấy ai buồn lên án nó nữa. À cũng có đấy nhưng vô cùng yếu ớt, tôi luôn cố nhìn về quá khứ để vớt vát những điều tử tế.

Tôi có một tuổi thơ khá êm đềm, còn nhớ như in ngày bắt đầu tiên tới trường trong vắt một sáng thu 1985. Đêm trước mẹ sắp xếp cho vào cái cặp da bò Mông Cổ hàng viện trợ thời bao cấp còn thơm nức, bên trong vài cuốn tập bọc họa báo. Thế là cứ vậy mà tung tăng một mình đến trường, tôi cũng không nhớ là làm sao tìm được lớp nữa, hình như có một cô giáo ra hỏi và dẫn vào tận nơi.

Ngôi trường lụp xụp chật chội trong phố cổ Hà Nội đó lại là nơi mà tôi nhớ mãi những bước đầu chập chững đến trường. Lớp học cấp một “quy hoạch” theo cụm dân cư, đại khái cả đám trẻ trong phố cùng độ tuổi là chung lớp, có vài đứa bạn dân nhập cư sống ven đường tàu hỏa dù hơn 1, 2 tuổi cũng cùng lớp nốt. Cô giáo chủ nhiệm tên Mỹ đã khá lớn tuổi, yêu thương, chăm sóc đám trẻ nhếch nhác, nghịch ngợm hiếu động bởi phần lớn con em dân lao động sống quanh trường như một người mẹ thực sự. Tôi kinh ngạc bởi khi ấy vẫn có học sinh đúp lớp 1, cả giáo viên lẫn gia đình đều coi đó là chuyện không có gì nghiêm trọng. Tôi tuột mất vài anh bạn thân thiết khi bước lên lớp 2, vẫn cùng cô giáo cũ chủ nhiệm. 

Năm đó có lẽ không muốn mất thêm học sinh, cô Mỹ tách từng nhóm lũ con trai đã hiếu động lại còn học dốt ra dạy thêm chữ, thêm toán học ở nhà chiều cuối tuần, tất nhiên là hoàn toàn miễn phí. Cô thậm chí thường xuyên làm cả sữa chua cho chúng tôi ăn, ôi chao cái thời khổ sở đói khát bao cấp thì có lẽ đó là một động lực khổng lồ thúc đẩy đám trẻ đi học thêm cần mẫn, chăm chỉ. Không biết với đồng lương giáo viên chật hẹp thời ấy, đám trẻ đã ăn hết bao phần trong đó của con trai cô giáo? Trong lớp có vài nam phụ huynh đạp xích lô kiếm sống, thi thoảng lại có chú chở cô giáo đi đây đó như một cách hoàn trả, đền đáp công sức cho nữ giáo viên tỉnh lẻ mới chuyển về Hà Nội.

Có lẽ những ký ức đẹp đẽ đó hằn quá sâu, năm 2013, tôi dẫn con trai đến trường để xin cho cháu nhập học lớp 1. Tất nhiên tôi sốc, ngôi trường khang trang rộng rãi hơn gấp vài lần vì được thành phố cấp cho thêm đất nhưng con tôi bị từ chối dù vẫn là diện đúng tuyến bởi lý do đã nhận đủ hồ sơ. 

Một cô giáo thấy tôi gay gắt thì kéo ra ngoài thầm thì ám chỉ về việc có thể làm dịch vụ, “Mấy trăm đô thôi mà em cho nó xong để chị cho vào danh sách luôn”. Tất nhiên tôi từ chối và dù biết rõ rằng cư dân có con em đúng tuyến trong 2 phường nơi tôi sinh sống không thể lên tới cả ngàn học sinh cùng độ tuổi. Cũng lại bởi những ký ức đẹp nơi mang cho tôi một tuổi thơ trong sáng bên cô Mỹ, tôi tự cho mình cái quyền tha thứ cho họ dù người ta đang vẩy mực lên mái trường cũ.

Phải chăng những công đoạn “đầu tiên” như vậy tại ngôi trường này nói riêng và giáo dục nói chung với việc đầy “tế nhị” ấy đang làm tổn thương, sứt mẻ ít nhiều những ký ức đẹp của không ít người và cũng là tiền đề cho thứ văn hóa chợ búa, mua bán trong giáo dục đương đại? Tôi nghĩ ai cũng có một câu trả lời riêng, để bới móc cả hai chiều về thầy - trò có lẽ sẽ là hành động không đẹp trong dịp tri ân thầy cô giáo 20-11 tới đây. Nhưng điều gì cũng có 2 lẽ và hiển nhiên người thầy tốt, học trò ngoan vẫn đang chiếm số đông.

Hoàng Minh Trí
.
.