Điện thoại, thánh phán, facebook và loa phường
Loa phường trên facebook
Những cái loa phường đang mất dần đi, những cái loa mỗi sáng hay chiều vẫn phát những bài hát đại chúng, đọc những tin tức trong phường, xã hay tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Những chiếc loa gắn liền với ký ức của người này nhưng hiện tại đã biến thành sự khó chịu với người khác.
Tội nghiệp những chiếc loa!
1. Nếu chịu khó để ý kỹ một chút, sẽ phát hiện rằng không phải ngẫu nhiên mà những chiếc loa tồn tại trong thời điểm xã hội phát triển như hiện nay. Bởi, chiếc loa phường xét trên khía cạnh văn hóa như là một biểu trưng của nền văn hóa làng xã, nơi mà tính cộng đồng luôn được đề cao. Thoạt kỳ thủy là những người mõ làng, sau lên loa phường và hiện tại là mạng xã hội facebook.
Mạng xã hội facebook vào nước ta áng chừng năm năm trở lại và thông dụng chừng hơn ba năm nay. Tuy nhiên, facebook đã thống lĩnh toàn bộ thói quen của những người sử dụng mạng xã hội này.
Những cảm xúc hỉ nộ ái ố, những nhật ký đời thường, những hạnh phúc, sung sướng hay buồn đau, khốn khó đều được người sử dụng ném lên facebook.
Bởi bất cứ ai sinh ra trên đời đều có nhu cầu được sẻ chia, dẫu rằng sự sẻ chia ấy có được phụng bồi hay không?
Cũng như có nhiều cá nhân chỉ có nhu cầu được tâm sự, mặc dù họ biết câu chuyện của bản thân mình không liên quan đến người nghe, không được người nghe quan tâm hay tìm từ người nghe chuyện một lời ủi an.
Facebook cho chúng ta nhìn thấy một đặc tính của người Việt - một trong những điểm yếu của văn hóa cộng đồng. Đó là thói quen nhiều chuyện.
Thói quen này được sinh ra trong bối cảnh sinh sống ở không gian hẹp, ít công việc và thừa mứa thời gian rảnh rỗi. Điều này, có lẽ đã được am tường nên tôi không bàn sâu.
2. Facebook đã thay thế được người mõ làng khi muốn loan tin gì đó, facebook lại càng xuất sắc hơn khi thay thế vai trò của cái loa phường. Facebook thật sự là mảnh đất vô cùng màu mỡ để hạt giống nhiều chuyện có đủ điều kiện để sinh trưởng.
Hẳn nhiên, facebook không có gì là xấu cả. Không chỉ facebook, bất cứ phương tiện hiện đại nào đều không có gì là xấu, vấn đề là người sử dụng đang sử dụng phương tiện đó cho mục đích nào.
Quan sát người sử dụng facebook ở nước mình, tôi phát hiện ra rằng facebook cũng như đặc tính người Việt, luôn có hai mặt, tích cực và tiêu cực. Khi tích cực cũng cực đoan mà khi tiêu cực cũng rập khuôn lúc tích cực.
Người Việt, như học giả Trần Trọng Kim nhận định, luôn biết tương thân tương ái, giúp đỡ người khác trong hoàn cảnh khốn cùng.
Nhưng, không ít người Việt lại thích nói khoác, thích nói vống về khả năng của bản thân, thích được nghe lời khen, thích được xiểm nịnh, ghét những cá nhân giỏi hơn mình. Đặc biệt, có những người Việt rất ghét người giàu. Trong cuốn sách của các vị tu sĩ viết ở triều Nguyễn, có nhận định này: “Ở xứ này, giàu có nhiều tiền lắm bạc là một tội to. Ai cũng sinh sự và hãm hại người giàu mãi cho tới lúc họ bị rơi vào cảnh nghèo nàn quẫn bách thì mới chịu thôi” (Thư của các giáo sĩ thừa sai).
Điều này, cũng được phổ truyền trong những câu chuyện cổ tích thường được tán tụng về hành động của các toán cướp hay anh hùng hảo hán cướp của người giàu chia cho người nghèo. Bất chấp người giàu ấy là giàu chân chính hay giàu bất hợp pháp. Đặc tính này, may mắn là ngày càng có chiều hướng giảm bớt.
Chỉ còn đặc tính càng ngày càng chưa có dấu hiệu bớt đi là thói nhiều chuyện và thích phán xét.
3. Bạn sử dụng facebook, bạn sẽ phát hiện ra rằng bất cứ ngày nào, bất cứ thời tiết ra sao, bất cứ là cá nhân nổi tiếng hay vô danh, đều bị bàn luận và phán xét trên facebook.
Không chỉ có phán xét, họ còn chế ra những bức ảnh hay clip lồng ghép để thỏa mãn một trò vui theo quan điểm của họ.
Tôi không nghĩ rằng những phán xét, những bức ảnh hay những clip lồng ghép có tính chất chế giễu ấy là ác ý. Chỉ vì đó là đặc tính được truyền đời cộng thêm sự thừa thãi về thời gian.
Quan trọng hơn, chúng ta vẫn thường duy trì thói quen như tôi đã từng viết: “Luận chuyện mình thì dễ, xét chuyện người thì khó”.
Chúng ta vẫn luôn miệng bảo nhau: “Nên cho người khác một con đường sống”, rồi là: “Đánh kẻ chạy đi”. Thế nhưng, những điều đang hiện hữu trên facebook hoàn toàn không có yếu tố này. (Cần phải hiểu, facebook cũng thể hiện được sự phản biện ở một mức độ nào đó, khi tôi viết điều này, không phải là tôi phủ định toàn bộ những giá trị của mạng xã hội. Tôi chỉ đang nói đến một khía cạnh khác).
Người ta phán xét một cách rất duy tình, phán xét rất hăng, phán xét cứ như người bị phán xét là kẻ thù không đội trời chung vậy.
Người ta phán xét từ một thương hiệu, một hãng máy bay, cho đến một tấm biển cảnh báo ở nước ngoài có dòng chữ Việt, một thùng trà đá miễn phí, một chiếc siêu xe được quyên bán đấu giá để làm từ thiện.
Người ta phán xét một ca sĩ văng tục trên facebook cá nhân, một nữ nghệ sĩ cặp kè với đàn ông đã có vợ, một tay biến thái thích mặc váy cổ trang, một nữ nghệ sĩ cho con tè vào túi nôn trên máy bay, một giảng viên tiếng Anh chửi nhau với học viên, hai cô bé con hẹn hò đánh nhau, hai du khách ăn cắp mắt kính ở nước ngoài…
Người ta chuyền cho nhau những clip nữ sinh đánh bạn, người lớn đánh ghen, đấm đá vì va chạm giao thông, chửi lộn…
Người ta chia ra hai phe để tự suy luận về một vụ việc nghiêm trọng, một trọng án, một vụ cướp của giết người, một vụ trả thù tình…
Tóm lại, người ta đầy buồn bã trong đời sống này và người ta rất vui mừng khi có một sự náo nhiệt.
Cũng như, anh mõ ngày xưa chạy khắp làng rao chiềng làng chiềng chạ, mỗi lúc sắp có phạt vạ ai đó.
Cũng như, cái loa phường vô tri, ra rả bất chấp gió sớm mưa chiều.
4. Tôi nghĩ, cá nhân có quyền bày tỏ chính kiến và quan điểm của mình trong mọi lĩnh vực, trong bất cứ chuyện xảy ra ở xã hội. Thế nhưng, cá nhân cần phải biết điểm dừng.
Gì cũng vậy thôi, vừa đủ thì hay, quá thì phản cảm. Thậm chí, có thể gọi là lố bịch.
Chỉ là, khi hăng hái bày tỏ quan điểm cũng như khi đang nhiệt tình phán xét, người ta bỏ quên mất một đặc tính khác của người Việt. Đặc tính khiến người Việt trở nên tốt đẹp trong mắt những chủng tộc khác.
Đặc tính, khoan dung.
Không có được đặc tính này, loa phường đã biến chuyển từ đời thực lên facebook, một cách đầy chủ động. Chỉ có điều, sự vô tri vẫn vẹn nguyên.
Điện thoại thông minh
Có lẽ khi phát minh ra hệ thống máy ảnh cho điện thoại di động năm 1997, ông người Pháp Philippe Kahn sẽ không thể hình dung nổi mức độ ảnh hưởng của nó như thế nào đến cuộc sống hiện tại.
Phát minh ấy đã biến đổi bộ môn nhiếp ảnh xa xỉ của những thập kỷ, thế kỷ trước trở thành một thứ giải trí đại trà, chẳng hề thua kém gì tình dục hay uống bia. Giống như mọi hình thức nghệ thuật phổ biến khác, chúng ta không còn coi nhiếp ảnh như một thứ nghệ thuật, thay vào đó là một nghi thức rất xã hội đời thường và một công cụ của “quyền lực”. Nhớ cái thời bàng bạc gian khó bao cấp, mỗi dịp trọng đại để đời mới lục tục hồ hởi đậy lên người những thứ đẹp đẽ nhất dẫn nhau đi chụp hình ngoài tiệm. Nhiếp ảnh đã từng để lưu nhớ, một cách biểu tượng tính “đại đồng đường” đang dần biến mất trong đời sống gia đình.
Điều tử tế ấy đang bị lấn lướt, mai một dần bởi dễ dãi nhàm chán ảnh tự sướng, ăn uống tôm hùm bỏ lò pho-mai đầy mồm và guốc giày xe pháo…
Một chiếc điện thoại thông minh được tích hợp camera siêu nhanh siêu nét kết hợp cùng đất diễn lan tỏa mạng xã hội đã trở thành một thứ “vũ khí” của bất kể ai. Một bức ảnh hơn vạn lời nói, trên Facebook đang lan tràn những câu chuyện ác ý tầm phào luôn đầy thuyết phục bởi đi kèm những bức hình được ghi lại đầy tính “thời sự” thông tin một chiều, hạ nhục nhau hoặc giật gân trở thành trào lưu.
Có vẻ như bản tính hiếu kỳ, “nặng nhọc” gánh trên vai trách nhiệm của người đưa tin “nổi tiếng” thể hiện rõ nét hơn cả trên mạng Internet. Những bức ảnh chụp có nội dung giật gân, ác ý thông tin một chiều ngày nay thành mốt, chúng được lan tỏa một cách chóng mặt. Những thứ ảnh, clip đó như một thứ ma dược đầy lôi cuốn thúc đẩy đám đông rủa xả ra những lời cay nghiệt và nạn nhân hiếm ai chống lại được. Điều kinh hãi là những hành vi chụp lén, quay lén nhau bằng điện thoại rồi đưa lên mạng lại là “mốt” thời thượng. Xã hội giờ đây dường như ai cũng tiềm tàng là nạn nhân dự bị của mạng xã hội bởi những sản phẩm ấy.
“Nạn nhân” mới nhất của camera điện thoại không thể không nhắc tới vụ lùm xùm của nữ ca sĩ Lệ Quyên, chỉ một bức ảnh chụp lén trên tàu bay và những lời lẽ đầy kỳ thị trong đó đã đẩy cô ta vào tình thế vất vả. Thanh minh với một đám đông mạng ư? Thiên nan vạn nan, thậm chí việc vợ chồng cô ta bị xử phạt 8 triệu đồng vì hành vi cho con “tè” vào túi nôn được nhiều luật sư cho rằng là sai luật. Phải chăng sự vội vàng trong quyết định xử phạt hành chính ấy bởi thứ “dư luận” tầm phào mạng và bức ảnh có nội dung chú thích ác ý kia?
Cách đây mấy tháng, trên mạng xã hội có đoạn clip được quay bởi một khách hàng, trong đó nhân viên tiệm cafe Starbucks, Hoa Kỳ cãi vã với khách hàng rồi đuổi cô ta: “Cút, cút khỏi nơi đây…”.
Điều đáng chú ý là Starbucks luôn tự hào rằng họ đã tạo được một văn hóa bền vững mà trong đó, nhân viên không bao giờ được phản ứng tiêu cực với khách hàng. Trong các cuốn sách đào tạo cho nhân viên, Starbucks dành hàng chục trang giấy để họ có thể tưởng tượng và viết ra cách thức xử lý những rắc rối, trong số đó điển hình nhất là đối mặt với các khách hàng đang trạng thái giận dữ.
Starbucks gọi đó là phương pháp biến nghị lực thành thói quen, các nhân viên sẽ phải phân tích để có thể kiềm chế bản thân trước những tình huống có khả năng khiến họ phát khùng, tập luyện vượt qua khoảnh khắc đó và biến ứng xử ấy thành phản xạ.
Nhưng con người luôn là con người. Trong một phút giây thiếu tự chủ, thì văn hóa của Starbucks cũng là cái đinh với một người đang chất chứa giận dữ. Cô nhân viên trong đoạn clip có thể đã được dạy về sự kiềm chế, nhưng cô hoàn toàn có thể đánh mất nó trong 1 phút giây nhất thời “mất cảnh giác”.
Không biết là có bao nhiêu bảo mẫu, cô nuôi dạy trẻ và cả giáo viên dạy Anh ngữ nói riêng đã được dạy trong trường sư phạm về kiềm chế, hoặc được giáo dục đúng nghĩa về kiềm chế bằng văn hóa trong môi trường đầy tử tế xung quanh.
Đó là một kỹ năng phải tập luyện gian khổ, nếu bạn vốn sinh ra ở cung bọ cạp hay cung thần tiên đi chăng nữa.
Bằng không, sẽ còn nhiều bảo mẫu, giáo viên Anh ngữ ứng xử kiểu rất “bọ cạp” trước những cô cậu học trò nhất quỷ nhì ma đang ngày một hiểu rõ quyền lực của chúng hơn và trong tay luôn lăm lăm những chiếc điện thoại thông minh, đó là điều thậm nguy hiểm.
Những cuốn sách của Starbucks có thể sẽ không có tác dụng gì nhưng những tai nạn “chết chìm” trong cơn sóng “phẫn nộ” của xã hội mạng sẽ là bài học lớn cho bất cứ ai.
Mọi hành vi của những con người bằng xương bằng thịt vẫn đang diễn ra, chỉ một sơ sảy hay bị không ưa thì có một kẻ hèn nào đó ứng sau ống kính của điện thoại, tạo nên một yếu tố sặc sụa hãm hại đẩy một người xa lạ vào thế khó đầy tai tiếng, thế giới hình ảnh và trường đoạn clip nếu đã được lan tỏa trên mạng, nó sẽ luôn tồn tại lâu hơn tất cả cuộc đời đầy đạo đức của bất kể ai.
Cách đây mấy lâu, khi đang lưu thông trên đường rất đúng luật, bất thần xe tôi bị va chạm. Khi vừa xuống xe, chưa kịp hỏi chuyện, ngay lập tức người va chạm xe tôi rút điện thoại và bảo: “Tao sẽ quay phim mày rồi quăng lên mạng”.
Tôi mỉm cười, im lặng. Vì thú thật, tôi không biết phải phản ứng như thế nào với sự cuồng tín về công năng của cá nhân vào chiếc điện thoại ấy.
Thư gửi Tổng thư ký OECD
Ông Jose Angel Gurria, tổng thư ký tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, thân mến!
Đầu thư, tôi gửi đến ông lời chào từ Việt Nam, và lời cảm ơn sâu sắc khi tổ chức của các ông đã xếp hạng giáo dục ở Việt Nam đứng thứ 12, vượt mặt cả các cường quốc như Anh và Mỹ. Điều đó làm chúng tôi xúc động lắm, vì chúng tôi thấy nỗ lực bao nhiêu đời của dân tộc chúng tôi đã được ghi nhận. Và có ghi nhận nào lớn lao nào bằng ghi nhận mình là người có giáo dục phải không ông?
Còn tôi là ai, có lẽ ông không nên quá bận tâm. Bởi nếu không phải tôi gửi lá thư này thì cũng sẽ có một người Việt khác gửi cho ông. Dân tộc tôi vốn trọng sự học mà.
Song, tôi buộc phải thú thực với ông rằng, chúng tôi cảm thấy ghi nhận về giáo dục không thôi là chưa đủ. Chúng tôi cần một ghi nhận cụ thể hơn, đúng tầm vóc hơn, một ghi nhận mà chúng tôi chờ đợi lâu nay. Ấy là chúng tôi muốn được khẳng định, đất nước chúng tôi hôm nay là một đất nước tiên tiến, văn minh vì toàn dân chúng tôi đều là những bậc trí giả cả.
Người dân chúng tôi rất quan tâm đến vận mệnh quốc gia, dân tộc và xã hội và họ thể hiện sự quan tâm ấy đến từng chi tiết nhỏ. Thế nên, chỉ cần một chuyện xảy ra, sẽ có rất nhiều người lao vào nghiên cứu nó, đặt nó dưới kính hiển vi được sản xuất bởi hãng kính lừng danh có tên đạo đức, và lật tung nó lên, đưa ra những quan điểm đầy tính tiến bộ của mình.
Nếu cần ví dụ, tôi có thể gửi cho ông một phiên dịch loại tốt (tôi tin mình cũng oách trong việc làm phiên dịch này) để mỗi sáng điểm tin Việt Nam cho ông nghe. Từ đó, ông sẽ hiểu hơn về các bậc trí giả, đại trí giả của nước tôi. Nhưng đã là trí giả, ông biết đấy, phải tế nhị một tí, nên chúng tôi hiểu ông không có nhiều thời gian bởi ông còn phải quan tâm đến nhiều đất nước đáng thương khác nữa. Thế nên, tôi cứ tóm tắt vài sự vụ cho ông dưới đây là ông nắm được ngay.
Tỷ như cách đây chưa lâu thôi, có chàng ca sỹ nước tôi, vì ẩn ức gì đó sau hậu trường, lên facebook văng tục một tiếng giải toả. Thế là chỉ sau 3 ngày, chàng phải lặng lẽ xoá đi những lời đã viết, lớn tiếng xin lỗi cộng đồng, âm thầm ẩn facebook mình lại nửa tháng để thành tâm hối lỗi. Dễ hiểu thôi, trong 3 ngày ấy, tất cả các bậc trí giả nước tôi đã tổ chức ngay một đại hội thảo tầm cỡ xuyên quốc gia, và online, để dạy dỗ chàng ca sỹ điển trai nọ thế nào là văn hóa và đạo đức. Quả thật, giáo dục có tác động lớn lao nhường nào và được giáo dục bởi các bậc trí giả thì tác động ấy còn đến nhanh gấp bội. Tôi nghĩ, chàng ca sỹ kia chắc không chóng thì chầy, chỉ dăm bữa nửa tháng thôi là có thể trở thành trí giả nếu như chàng thấm nhuần được những lời giáo dục từ đại hội thảo online tầm cỡ nọ.
Tấm gương ấy chưa mờ thì lại có một cô ca sỹ (phải thừa nhận là một số ca sỹ nước tôi đắt show quá nên ít có thời gian để đi học) đã cho con trai tè vào túi nôn trên chiếc Airbus 350 xinh đẹp của hãng hàng không xinh đẹp và vô cùng có đạo đức của nước tôi. Cho dù lúc đó máy bay đang chuẩn bị hạ cánh và toilet bị hạn chế sử dụng; cho dù cái túi nôn vốn dĩ là thứ để đựng chất thải, nhưng các đại trí giả nước tôi cũng không thể lơ là bỏ sót việc nâng tầm nhận thức cho cộng đồng.
Một đại hội thảo online khác lại được tổ chức, tầm cỡ hơn, thậm chí còn mời cả một số chuyên gia trí giả chuyên về gieo hạt cải ở Anh quốc tham dự, để cho cô ca sỹ kia trắng mắt ra mà hiểu rằng, không dùng được toilet thì phải thét lên với tiếp viên hàng không là việc cấp bách rồi; rằng phải cẩn thận mang theo bỉm (mẹ bỉm sữa nước tôi thì vô số kể) mà đóng vào cho thằng bé, kể cả là đóng ngoài quần dài. Cuối cùng, cô ấy cũng nhận ra lỗi của mình, chịu xin lỗi công khai và chịu nộp phạt. Còn cô ấy có chịu tu dưỡng bản thân để đưa mình vào hàng ngũ trí giả tương lai hay không thì chưa biết. Nhưng chúng tôi hi vọng là thế.
Không chỉ giới ít điều kiện tiếp xúc chữ nghĩa mới là đối tượng của giáo dục mà cả giáo viên chúng tôi cũng không bỏ qua. Có cô giáo cung bọ cạp mới đây, chỉ vì chưa biết ăn nói cho đúng đắn với học sinh thôi, cũng đã được đem ra giáo dục thấm nhuần đạo đức chói ngời trí giả. Lần này thì tầm cỡ toàn quốc gia, 100% trí giả đều tham gia. Và kết quả là thành công rực rỡ.
Nói về phương pháp thì trí giả nước tôi áp dụng cương nhu rất tốt. Con người ta thích dí dỏm, hài hước nên chúng tôi ưa dùng phương pháp dạy trong mỉa mai chua cay. Nhưng truyền thống giáo dục cha ông là “yêu cho roi cho vọt”, nên chúng tôi áp dụng thêm cả phương pháp mắng chửi thậm tệ, mà chúng tôi gọi là “tẩn hội đồng trên mạng”. Mỗi lời nói có sức nặng bằng cả khối đá, đe dọa có, chửi bới có, lục cả tổ tiên ra cũng có, xỉa xói có. Với cách giáo dục ấy, đối tượng không thay đổi mới là cái lạ. Ví như chuyện ăn thịt chó thôi, trí giả nước tôi còn phải mang cả tiền kiếp, hậu kiếp ra để đe dọa. Thảo nào dạo này quán thịt chó vắng vẻ, và chó có vẻ bắt đầu được dạo chơi thong dong hơn.
Viết tới đây, chắc ngài đã thấy xứ tôi chói ngời thế nào và có một lực lượng hùng hậu các trí giả ra sao. Dễ hiểu thôi mà, con trẻ nước tôi chưa học chữ đã phải học bài đạo đức, mới biết chữ đã phải học bài giáo dục công dân. Tiên học lễ, hậu học văn mà ngài. Trước tiên là ông tiên phải học lễ để rồi sau đó bà hoàng hậu mới vào luyện thi văn. Tiên mà đi với hậu nghĩa là tâu hiện. Tâu hiện, tiếng quê xứ tôi nghĩa là “Tau hiện”. Vâng, đó là lúc một con người đích thực được khẳng định rằng mình đã hiện diện trong xã hội, như một tri giả sung sức và nhiệt tâm.
Tuy nhiên, thư này, ngoài việc muốn OECD ghi nhận chúng tôi là cường quốc trí giả, chúng tôi còn khẩn cầu ngài gửi sang cho chúng tôi một ít chuyên gia là trí thật. Nước tôi, vì ham học mà ít hành, nên đang thiếu trí thật trầm trọng. Nói đâu xa, các trí giả dạy dỗ mãi cái cầu dây văng Phú Mỹ để rồi mãi mới nhận ra rằng mình lầm khi có một trí thật hiếm hoi khẳng định rằng cái cầu ấy không nứt hay nguy hiểm gì mà thực ra, đó là nguyên tắc thiết kế cầu đường nó phải thế. Ừ, thì giáo dục mà, đôi khi cũng có dạy lầm. Nhưng thà dạy lầm còn hơn bỏ sót, đúng không ngài.
Vậy khẩn thiết mong ngài gửi sang nước tôi một ít trí thật, để chúng tôi được tiến bộ hơn, văn minh hơn nữa.
Mong đón ngài ở đâu đó, không xa…