Đao kiếm ngôn từ

Thứ Bảy, 18/07/2015, 03:18
Người phương Tây bảo: “Một câu nói gây đau đớn hơn nghìn vết dao”. Người phương Đông nói: “Đao kiếm từ miệng”. Nhưng để đúc kết được điều này, tâm phải tịnh như nước hồ thu. Chứ không phải vác ba tấc lưỡi là đủ hành trang chu du thiên hạ hay sao.

Giữ gìn thì tốt

Mấy anh mấy chị trong làng giải trí vừa cãi nhau một chặp rất ầm ĩ. Thật ra, chuyện cãi nhau là chuyện vẫn thường xảy ra ở nước mình. Không phải người ta từng tếu táo: “Không tham không quan huyện/ Không nhiều chuyện không phải Việt Nam” hay sao?

Từ nhiều chuyện cho đến cãi nhau là không xa. Có điều, thường nhân cãi nhau thì ít được chú ý. Người có danh vọng phút chốc mà như cháy rừng, lửa loang rất khó kiểm soát.

1. Tào lao nhất là chuyện ngồi đây rồi phán, nghệ sĩ nên giữ gìn hình ảnh trước công chúng khi cãi nhau.

Bởi muốn giữ gìn hình ảnh thì việc đầu tiên phải có hình ảnh đã, chứ không có hình ảnh thì giữ gìn làm sao? Vì như không ai bàn chuyện lễ nghĩa với một kẻ dùng miệng lưỡi giết người như Hồ Tôn Hiến.

Thêm nữa, đã là người thì cáu lên ngay lập tức phải giải quyết. Kẻ mạnh thì giải quyết bằng nắm đấm, kẻ không mạnh thì giải quyết bằng miệng. Dẫu sao, chửi nhau vẫn là phương pháp có độ sát thương cực lớn nhưng lại được khoác lớp áo mù sương.

Như anh chàng thiết kế vừa xắn áo xắn quần chửi nhau không khác mấy những chị trong chợ mắng nhau giành bạn hàng.

Như anh chàng ca sĩ vừa hóa thân thành kẻ có thù giết cha với anh ca sĩ khác vì liên quan đến một cậu chàng có giọng hát giống một danh ca.

Như có chị chàng nữ hoàng hot girl hóa thân thành Hoạn Thư để chửi nhau với một kẻ mà chị cho rằng giành mất người đàn ông của chị. Mặc cho, người đàn ông của chị đã có gia đình. Xét ra, chị cũng chỉ là người thứ ba mà thôi.

Trước đây, không phải là người ta không từng chứng kiến cảnh diễn viên, người mẫu, ca sĩ, danh hài… chửi nhau đúng điệu cơm hàng cháo chợ. Không chỉ chửi nhau, người ta đã từng nghe chuyện thuê mướn dân xã hội dằn mặt người này người kia, rồi còn ám hại bùa chú tâm linh duy tâm đủ trò.

Không cung bậc cảm xúc nào mà không hiện hữu trong làng giải trí Việt.

2. Chửi nhau do bực tức thì cũng không có gì là kinh thiên đại nghĩa, cũng không thương hải tang điền, cũng không ném bom tàn sát lương dân, ôm bom cảm tử, khủng bố IS.

Người đang mê mải chửi nhau, rất khó đủ bình tĩnh để điều khiển về hành vi và ngôn ngữ. Chửi nhanh hơn cả tư duy, thế mới có chuyện một người thường thì nói nhại nhưng chửi nhau như súng liên thanh, không hề có lấy một viên đạn lép.

Chửi nhau, từa tựa như hai người ném nhau trong phạm vi một vòng tròn, bốn bề xung quanh chật kín người.

Bất chấp điều này, hai cá nhân vẫn miệng là đại bác, lời là đạn pháo cứ bắn nhau tới tấp, chỉ hận không thể biến lời nói thành núi đá như lúc Phật Tổ Như Lai lật tay đè Yêu hầu Tôn Ngộ Không suốt năm trăm năm dài. Lại cẩn thận dán thêm một đạo bùa để cho con khỉ không thông đạo lý biết thế nào là lễ độ.

Trong cơn hăng máu, nào hay những thứ cố giấu bấy lâu đều lộ ra cả.

Như nàng Tiên Dung ngày trước dội nước đến đâu lộ thân Chử Đồng Tử đến đấy. Không có cơ hội nào lấy cát mà phủ lên lại được. Chỉ có điều, nàng Tiên Dung thấy chàng Đồng Tử thì yêu, còn những người xem chửi nhau càng thấy hả hê rất hạnh tai lạc họa.

3. Mỗi người luôn có nhiều cái mặt nạ khác nhau, cứ hình dung vậy cho dễ mường tượng. Một mặt nạ phù hợp với một khung cảnh, thiếu đi những cái mặt nạ thì chắc chắn đó không phải là người thường nữa mà đã là thần tiên trên trời rồi.

Chỉ là, khi đang cãi nhau hăng máu, mặt nạ đều rơi rụng. Có sự trần trụi nào không để lại những ấn tượng không hay ho.

Như tôi vừa viết ở phần trên, điều này cũng không sao vì cuối cùng ai cũng sẽ có lúc nào đó trở về với bộ mặt thật của mình. Chỉ là, sớm hay muộn mà thôi.

Nhưng, người có danh quan trọng vẫn là cái mặt nạ đang đeo, huống hồ là nghệ sĩ nổi tiếng.

Thế nên, tốt nhất vẫn là giữ gìn được mặt nạ lâu lúc nào thì tốt hơn lúc đó mà thôi. Tháo mặt nạ sớm quá, chắc chắn không phải là chuyện đáng mừng rồi.

Diễn viên Minh Luân: Lời nói không mất tiền mua

- Thỉnh thoảng, dư luận, báo chí nhắc đến chuyện nghệ sĩ này, nghệ sĩ kia mắng nhau, nặng nề hơn thua nhau từng chút một. Đó rõ ràng là điều không hay ho, nhất là đối với người nghệ sĩ phải không Minh Luân?

- Trong cuộc sống, hỉ nộ ái ố là chuyện bình thường, nhưng nếu cứ có chuyện gì lại lôi nhau ra chửi bới trên báo hay các trang mạng xã hội thì là điều không hay. Có chuyện gì thì mình tự giải quyết riêng với nhau, đừng kéo dư luận theo vì làm như vậy thì càng ngày hình ảnh của người nghệ sĩ càng xấu đi. Bởi khi chuyện xảy ra, sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau, có người nghĩ đó là câu chuyện PR tên tuổi để nổi tiếng; có người lại nghĩ đó là chuyện cá nhân, sao lại chửi bới um xùm lên như hàng tôm hàng cá vậy?!

Luân thấy mình có thể gọi điện để nói chuyện trực tiếp, hay là giải quyết theo cách nào đó khác thật nhẹ nhàng, êm đẹp. Chứ xử sự như trên sẽ làm ảnh hưởng không chỉ riêng họ mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh người nghệ sĩ nói chung.

Bản thân Luân rất không hài lòng với việc điều gì cũng mang chia sẻ trên trang cá nhân. Tất nhiên, đó là trang cá nhân, ai cũng có quyền riêng tư, nhưng làm như vậy sẽ tạo ra một hình ảnh xấu trước mắt công chúng khi nhìn vào nghệ sĩ.

Diễn viên Minh Luân.

- Người xưa hay nói:“Họa từ miệng mà ra”. Có biết bao chuyện lùm xùm, tai tiếng từ những lời nói thiếu kiểm soát. Mà là nghệ sĩ thì phải đặc biệt cân nhắc lời ăn tiếng nói của mình, dù trực tiếp hay trên facebook (FB), trên báo chí, phải không anh?

- Thật ra người bình thường nào cũng có những hỉ, nộ, ái, ố khác nhau nhưng với  người nghệ sĩ, đặc biệt là người nổi tiếng, sự chú ý của công chúng là nhiều hơn. Người hâm mộ có thể sẽ bắt chước cách ăn mặc, kiểu tóc hay là những phát ngôn của nghệ sĩ. Vì thế mọi biểu hiện của nghệ sĩ có thể gây ảnh hưởng trực tiếp, chứ không phải chỉ là gián tiếp nữa.

Luân nghĩ chuyện lời ăn tiếng nói của mình - nghệ sĩ nên cân nhắc. Nhưng làm được thì khó. Bản thân Luân cũng từng gặp phải chuyện đó, dù không phải chuyện gì to tát lắm. Chẳng hạn như khi đóng phim mệt mỏi, lúc trời oi bức, lại gặp những chuyện không hay nên mình dễ bực bội, nói chuyện không dễ nghe. Vô tình mình bị đồn là hằn học, thô lỗ. Luân rút kinh nghiệm từ những chuyện đó nên cố gắng kiểm soát mọi hành vi, lời nói của mình.

Tóm lại, Luân thấy, đã là một người nghệ sĩ được khán giả mến mộ thì mình nên có lời nói, cử chỉ, hành động đẹp để những người yêu quý mình thấy những hình ảnh tốt khi nghĩ tới mình. Đặc biệt là nghệ sĩ không nên chửi bới nhau, vì “lời nói đâu mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

- Có ý kiến cho rằng do cái tôi cá nhân của người nghệ sĩ quá lớn nên mới có những trường hợp ứng xử kém tinh tế như thế. Anh nghĩ thế nào!?

- Luân thấy có những cá nhân, nếu họ biết mình đang ở đâu thì sẽ rất dễ kiểm soát, rất dễ cư xử, lời ăn tiếng nói sẽ đúng mực hơn. Những người khiêm tốn thì luôn biết lắng nghe và cẩn thận, tôn trọng các mối quan hệ. Còn có những người ở vị trí này mà nghĩ mình cao hơn nên luôn có cái tôi rất lớn. Đặc biệt là nghệ sĩ này nổi tiếng ở lĩnh vực này, nghệ sĩ kia nổi tiếng ở lĩnh vực khác, nhưng khi có chuyện với nhau thì người ta không muốn thua, chỉ muốn hơn thôi.

Cũng có những chuyện không đáng để mất đi tình đồng nghiệp, cũng không phải chuyện gì kinh khủng lắm để kéo cả cộng đồng mạng vào phân tích đúng sai nhưng họ cũng làm ầm lên. Công chúng nhìn vào sẽ nghĩ, một là họ đánh bóng tên tuổi, hoặc thì cái tôi của người này quá lớn và cách cư xử quá dở. Và khi đó, khi mình hát hay mình đóng phim, người ta nhìn vào và nhận xét rằng: À! Biết rồi. Cậu này thế này, thế kia. Điều này không hay chút nào.

Trong lúc làm việc, có thể mình bực bội mà cãi vã, lớn tiếng nhưng chỉ ở phạm vi vừa phải là các cá nhân với nhau thôi. Bực tức thì ai cũng có, nhưng phải xử lý gói gọn hoặc là mình kiểm soát, ngăn chặn lại ở một mức độ nào đó, chứ không phải động cái gì cũng lôi  truyền thông, công chúng mà chửi! Đương nhiên, báo chí thì hay theo dõi trang cá nhân của các nghệ sĩ tên tuổi. Nhưng nhiều khi thông tin trên đó chưa chính xác 100%, chỉ cần sai một từ, một dấu thôi là đã khác nghĩa rồi… Luân nghĩ rằng nghệ sĩ nên kiềm chế bản thân mình, đồng nghiệp sau này biết đâu còn đứng chung sân khấu, diễn chung phim trường!

- Nghệ sĩ hiện nay đều xài FB  và đã có rất nhiều scandal trong giới nghệ sĩ bùng nổ từ đây, xuất phát từ những “status” mà tôi cho là thiếu cân nhắc, kiểm soát. Tôi nghĩ, muốn làm một nghệ sĩ văn minh thì trước hết người nghệ sĩ đó cần sử dụng FB văn minh?

- Về cá nhân Luân khi sử dụng FB thì ngoài chia sẻ hoạt động nghệ thuật như hôm nay quay ở đâu, làm gì thì còn giao lưu, chia sẻ cùng nhau những tấm hình vui nhộn, hoặc những vui buồn… Nhưng không phải lên FB để đập người này, để chửi bới người kia, rồi cho rằng đó là trang cá nhân của mình, mình có quyền nói bất cứ gì, giống như Thánh Cô cô bóc vừa qua. Điều đó là hoàn toàn sai.

Trong bất cứ mối quan hệ nào trong xã hội này, tôn trọng nhau là điều tối thiểu nhất. Tuy FB là trang cá nhân của mình, sử dụng thế nào là quyền của mình, nhưng phải văn minh chứ, phải biết tiết chế câu từ trong những phát ngôn của mình, vì mình là nghệ sĩ. Nghệ sĩ thì có rất nhiều người theo dõi, chia sẻ nên nếu chỉ nói một điều gì đó gây sốc thì sẽ được lan truyền rất nhanh. Vì thế, qua những chuyện vừa qua, Luân thấy nếu mỗi người nhịn một câu thì mọi chuyện sẽ không đi xa lắm, và sẽ được sắp xếp êm đẹp theo cái nghĩa, cái tình.

Theo Luân, làm nghệ sĩ, đã đẹp trên sân khấu, trong phim ảnh thì hãy đẹp cả ở ngoài đời.

- Anh ý thức như thế nào về việc xây dựng hình ảnh một nghệ sĩ văn minh?

- Bản thân mình còn chưa dám tự tin nhận mình là một nghệ sĩ văn minh hay chưa dám khuyên nhủ người này thế này, nêu tên người kia thế nọ. Nhưng nói về cá nhân, nhận thức của riêng Luân, trừ khi về đến nhà là người của gia đình, còn ra ngoài làm việc thì mình là người của công chúng. Do đó phải kiềm chế cảm xúc, đừng nên giữ cái tôi quá lớn; mình phải tạo và giữ một ánh nhìn thiện cảm của công chúng về một người nghệ sĩ.

Một người nghệ sĩ văn minh thì phải có những cư xử văn minh với đồng nghiệp, với tất cả những mối quan hệ bên ngoài, đặc biệt là khán giả bởi khán giả là người mang lại thành quả cho nghệ sĩ. Nếu không được khán giả hâm mộ thì chắc chắn không có show để diễn. Vậy tại sao lại tra tấn khán giả bằng những ngôn từ, hành động phản văn hóa? Nghệ sĩ thì đừng nên làm những chuyện như tự biến mình trở thành trò cười cho thiên hạ!

Ca sĩ Ngọc Phạm: Nước từ một giếng múc ra

- Theo chị thì để trở thành một người nghệ sĩ văn minh, người nghệ sĩ đó cần gì?

- Trời sinh ra cho ta hai tai một miệng, để nghe nhiều để học hỏi nhiều và nói ít. Người nghệ sỹ nào chịu khó lắng nghe, thấu hiểu và biết vai trò, trách nhiệm của mình là “làm đẹp cho đời”; nghệ sĩ không bêu xấu, làm trò cười cho thiên hạ để cá nhân mình nói riêng và giới nghệ sỹ nói chung không bị đánh giá thấp, tôi cho đó là người văn minh.

- Nhưng chuyện hai nghệ sĩ mắng nhau cũng diễn ra khá thường xuyên, thưa chị! Rõ ràng, đó là điều không có gì thú vị, ngay cả với người thường?!

- Người ta chỉ vỗ tay, hoan nghênh hòa bình, chẳng ai ủng hộ chiến tranh dù đó là lý do gì. Người cười, kẻ đau và sự mất mát cũng từ đó mà ra. Và những người đó đang vẽ ra hình ảnh ngược lại với cái đẹp của người nghệ sĩ. Nên chắc chắn là không hay ho gì.

Ca sĩ Ngọc Phạm.

- Tôi thấy, rất nhiều chuyện chỉ từ cái miệng mà ra cả! Mà đó là cái miệng nói lời thiếu cân nhắc! Chị nghĩ gì về điều này?

- Người ta hay nói: Họa từ miệng, phúc cũng từ miệng, hay sảy chân còn hơn để sảy miệng; rồi các cụ cũng dạy “uốn lưỡi bảy lần” hãy nói mà. Làm người hơn nhau ở những tình huống xử  lý sự việc dù nó là sự việc gì, nhất lại là nghệ sỹ. Chớ dại mà vạch áo cho người xem lưng, bởi “nước trong một giếng múc ra, đó chê đây đục, đó đà trong chi”.

- Đành rằng, nghệ sĩ cũng là con người, cũng có những hỉ, nộ, ái, ố, bi, lạc, dục. Tuy nhiên, đã là nghệ sĩ thì phải rất ý thức trong kiểm soát những hành động, phát ngôn, lời ăn tiếng nói của mình. Chắc chị đồng ý với tôi về điều này?

- Nghệ sỹ khác với người thường là được trời phú cho tài năng bẩm sinh, được phúc nên được yêu thương săn đón vì thế cần phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Nếu không thì nghệ sĩ đó cũng sẽ chỉ như chú vẹt hót giỏi mà thôi. Điểm khác biệt giữa người nghệ sỹ có tư duy và người nghệ sỹ kém tư duy nằm ở ngay hành động văn hoá ứng xử và sự cẩn trọng trong phát ngôn.

- Nhiều ý kiến phản ánh rằng, một số nghệ sĩ có văn hóa ứng xử không được đứng đắn, mà điều đó diễn ra một cách công khai trên các trang mạng xã hội như FB hay thậm chí là trên báo. Theo chị có phải do cái tôi cá nhân của nghệ sĩ lớn quá?

- Xã hội phát triển, du nhập, hoà nhập với văn minh thế giới nên cư xử thế nào đó là quyền tự do ngôn luận. Nhưng tôi nghĩ một số nghệ sỹ nhầm lẫn, tự do không có nghĩa là tự tung tự tác, tự thác tự loạn. Họ không hiểu giá trị và trách nhiệm của người nghệ sỹ cao thế nào.

Tôi lại không cho rằng do cái tôi họ lớn, thậm chí ngược lại. Tôi cho rằng đó là sự thiếu hiểu biết, tự cao, tự đại thậm chí là tự ti nên mới dẫn những đến ứng xử thiếu văn hoá như vậy.

Người nghệ sỹ rất quan trọng, cá nhân tôi cũng còn đang phải học hỏi để hoàn thiện mình hơn, phải làm sao để không còn người nói “xướng ca vô loài” nữa.

Càng được đặt lên vị trí cao càng phải học ăn, học nói, học gói, học mở làm sao cho xứng với tình yêu thương và niềm tin công chúng dành cho mình và để thế hệ tiếp nối noi gương. Vị trí càng cao trách nhiệm càng nhiều... đó mới là người thật sự có văn minh, văn hoá, nhân văn và thông minh.

- Về cá nhân chị, chị ý thức thế nào về việc xây dựng hình ảnh người nghệ sĩ văn minh cho riêng bản thân?

- Tiên học lễ, hậu học văn. Tài năng thiếu có thể rèn giũa, học hỏi, chứ tâm thiếu thì thật khó. Vì vậy, tôi cho rằng người nghệ sỹ văn minh cần phải học lễ giáo trước, có lễ giáo, có giáo dục nghiêm túc sẽ có sự tôn trọng và từ sự tôn trọng, nét văn minh mới hình thành trên nền tảng nhân văn.

Diễn viên Nhã Phương: Kiềm chế cái tôi

- Cổ nhân nói: “Họa từ miệng mà ra”, ở khía cạnh là người nghệ sĩ, Nhã Phương ý thức thế nào về chuyện này?

- Là một nghệ sĩ thì điều cần phải để ý đó là lời nói và hình ảnh của bản thân trước công chúng. Phương luôn tự nhủ mình phải thận trọng trong phát ngôn khi làm việc với báo chí hoặc đăng tải nội dung lên mạng xã hội để tránh hiểu lầm. Thực tế đã có biết bao chuyện không hay xuất phát từ FB nghệ sĩ, từ những chia sẻ thiếu cẩn trọng trên báo chí. Đôi khi đó chỉ là những chuyện hiểu lầm thôi nhưng cũng tạo ra những điều không hay, ảnh hưởng đến hình ảnh người nghệ sĩ nói chung.

Diễn viên Nhã Phương.

- Thật ra, ai cũng có thể nhận thức được cái được gọi là “nghiệp khẩu”, tuy nhiên tôi thấy gần đây một số nghệ sĩ lại thường mắc phải, họ lớn tiếng, họ hằn học nhau bằng những lời nặng nề, thậm chí thô thiển. Cá nhân Nhã Phương nghĩ sao?

- Như Phương nói ở trên, là một nghệ sĩ điều cần phải chú ý đó là lời ăn tiếng nói. Ở góc độ người ngoài cuộc Phương đánh giá dù là nghệ sĩ mới hay lâu năm việc hằn học, nặng nề với nhau do mâu thuẫn hay muốn gây chú ý là không nên. Họ đang vô tình đánh mất hình ảnh của mình trong mắt người hâm mộ, bên cạnh đó tạo kẽ hở cho các trang mạng khai thác, thêm bớt và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân.

- Bỏ qua chuyện văn hóa ứng xử của nghệ sĩ, phải chăng cái tôi cá nhân của một số người quá lớn nên họ dễ “nổi nóng” khi gặp chuyện bất như ý chăng?

- Phương nghĩ cũng có thể là như vậy, và thật ra ai cũng có cái tôi của mình. Nhưng ai là người biết kìm chế, xử lý khéo léo thì người đó đáng tôn trọng. Trong cuộc sống, không phải chuyện gì cũng phải thể hiện ra ngoài cho mọi người cùng biết, nhất là đối với những người nổi tiếng, người của công chúng. Bởi đôi khi, lúc bình tĩnh lại thì bản thân sẽ thấy hối hận khi mình lại hành động như vậy, mà lúc đó thì mọi thứ đã muộn rồi.

- Nhưng rõ ràng, sự nổi nóng qua lời nói, hành động đó chỉ có hại cho người nổi tiếng, bởi qua đó, nhiều người sẽ đánh giá không tốt về mình; nó cũng làm xấu đi cái danh nghệ sĩ. Đúng không Nhã Phương?

- Phương hoàn toàn đồng ý, dù nghệ sĩ mới hay lâu năm thì việc lời nói, phát ngôn không đúng chuẩn mực sẽ tạo ra ấn tượng không tốt với khán giả. Mà không chỉ cho cá nhân người phát ngôn mà có thể cho cả cái danh nghệ sĩ nói chung, kiểu “con sâu làm rầu nồi canh” vậy!

- Rồi gần đây nghệ sĩ cũng dùng FB như một kênh thông tin cá nhân. Và nhiều vụ lùm xùm cũng đều xuất phát từ những “status” thiếu kiểm soát trên FB  của họ. Tôi nghĩ, FB là trang cá nhân nhưng với nghệ sĩ thì việc chia sẻ trên đó cũng phải hết sức cân nhắc?

- FB là trang cá nhân nhưng một khi bạn đăng tải thông tin ở chế độ cộng đồng thì hiển nhiên bạn đã muốn cho cả thế giới này biết bạn đang suy nghĩ như thế nào. Theo Phương khi hành động như vậy cần phải cân nhắc vì bạn đang để hàng triệu người biết chuyện gì đang xảy ra đối với bạn. Phương cũng dùng FB và chỉ với mục đích chia sẻ những dự án, công việc hàng ngày và giao lưu với fan. Đôi khi trong công việc gặp rất nhiều cạnh tranh, mâu thuẫn nhưng Phương nghĩ mình nên giải quyết trực tiếp để tránh hiểu lầm thay vì đăng tải lên FB cho mọi người biết, rồi thậm chí còn lời qua tiếng lại với nhau. Đó là điều không hay với người nghệ sĩ!

- Chắc Nhã Phương sẽ đồng ý rằng, là người nghệ sĩ thực thụ phải là người văn minh, văn minh trong nghệ thuật lẫn cuộc sống qua lời ăn, tiếng nói!?

- Thật ra, nghệ sĩ cũng là con người và cũng sẽ có lỗi lầm, tuy nhiên điều đó khác với chuyện ứng xử kém. Đã là người của công chúng thì Phương nghĩ nên hành xử văn minh trước cộng đồng để khán giả nhìn nhận nghệ sĩ với góc nhìn tốt đẹp hơn.

Thực hiện: Hoàng Lãm – Nguyệt Lãng
.
.