Danh hiệu cho ai

Thứ Ba, 20/01/2015, 16:16
Người ta tin rằng, hương hoa cho Đức Phật, kiếp sau sẽ được làm người có diện mạo xinh đẹp. Người ta tin rằng, dâng đèn cho Đức Phật, kiếp sau sẽ được thông minh. Vậy đó, cái đẹp được xác đoán là một phước phần từ kiếp trước tu dưỡng mà thành.

Hơn cả kim tiền

Tự xưa, nhan sắc đã là một thế lực. Không chỉ là một thế lực, đó còn là cả một quyền năng. Thứ quyền năng vô thanh vô ảnh, đủ khiến người khác lâm vào tình cảnh tận cùng của hạnh phúc hay tận đáy của tai ương. Và khi có quyền năng, người ta bắt đầu nghĩ đến chuyện so sánh xem quyền năng của ai là tối thượng. Bởi, thích được công nhận mình hơn người khác đã là bản chất của con người. Các cuộc thi nhan sắc bắt đầu hiện hữu.

1. Bất cứ cuộc thi nhan sắc nào cũng đều vướng víu thị phi. Thị phi vô tình hay hữu ý, thị phi hồn nhiên hay toan tính đều không thay đổi được bản chất. Cô gái vừa đoạt ngôi Hoa hậu của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm nay cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Tôi không bàn đến nhan sắc, bởi Thị Nở là hoa hậu của Chí Phèo, còn Hằng Nga là hoa hậu của Hậu Nghệ, biết thế nào mà lần. Lại nữa, tôi ít khi quan tâm đến những thứ chẳng bao giờ thuộc về mình. Hoa hậu, là một trong những thứ mà tôi tự nhận không thuộc về tôi.

Tân Hoa hậu, đối mặt với một trường bão giông từ dư luận. Bão giông từ việc mỉa mai cái tên rập khuôn từ tên họ của một M.C hải ngoại nổi tiếng, bão giông cho đến “Hoa hậu gì mà xấu quắc”.

Xấu hay không xấu, tên giống hay không giống, thì có quan trọng gì đâu. Nhất là lúc nhan sắc đã trở thành Hoa hậu thì đã không còn là chuyện hạ hồi phân giải nữa. Bởi, có phân giải hay không thì mọi việc đã không thể khác đi.

Như năm nào đó, cô Hoa hậu gốc Đà Nẵng phải khốn cùng với những ầm ào chỉ vì chưa tốt nghiệp tú tài đã trở thành Hoa hậu. Rồi nữa là cô Hoa hậu gốc Bạc Liêu hứng chịu gió sương vì có thực là sinh viên hay chỉ là học viên. Rồi cô Hoa hậu vội vã thôi học để chụp ảnh bikini, rồi cô Hoa hậu bị bắt bởi bán buôn son phấn…

2. Dư luận vẫn ác cảm nhiều đối với Hoa hậu, sự ác cảm mà tôi cho rằng có nguồn cơn từ mối hồ nghi: “Không thấy Hoa hậu làm gì, chỉ thấy Hoa hậu giàu thôi”. Hoa hậu, không phải là một nghề. Nhưng, tự thân sắc đẹp đã hơn cả hiện kim rồi, toan tính hay suy đoán mà làm gì.

Người muốn ngước nhìn Hoa hậu, tâm thế phải khác, khả năng cũng phải khác. Như tôi từng tếu táo rất nhiều lần: “Thật không công bằng cho một người đẹp, nếu họ trót yêu một gã nghèo xác xơ như tôi”.

Nên phải cảm thấy hết sức bình thường nếu Hoa hậu ngồi xe hơi xịn, ở villa và sử dụng phục sức hàng chục nghìn USD.

Không phải tiền nhân đã dạy: “Nồi nào vung đó” sao.

Quan trọng hơn, danh hiệu Hoa hậu tạo thêm điều kiện cho cá nhân trong việc kiếm tiền một cách chân chính, từ những sự kiện, show thời trang, quảng cáo… Mà giả không có show, thì danh hiệu Hoa hậu vẫn kiếm được nhiều tiền thôi.

Đừng cãi tôi, đây đã là chân lý và được chứng minh rất nhiều từ thực tế rồi.

3. Có điều, dư luận vẫn rất khó chịu vì cái cách mà những đơn vị tổ chức cuộc thi nhan sắc tạo ra để dọa đám đông.

Nào là đại diện cho phụ nữ Việt Nam, đại diện cho cô gái vừa có nhan sắc vừa có trí tuệ, vừa vị tha lại vừa nhân ái, vừa nhân văn lại vừa tinh tế, vừa gìn giữ truyền thống văn hóa lại vừa tiên tiến cùng thế giới.

Toàn những thứ tào lao cả.

Nhan sắc đi thi Hoa hậu, đều là vì mình đã. Còn những thứ phù phiếm khác như hoạt động thiện nguyện hay gì gì đó, chẳng qua là tôn trọng hợp đồng Hoa hậu mà thôi. Chắc cũng có cô Hoa hậu thích làm từ thiện, nhưng đó là số ít. Còn Hoa hậu thì phải thích kiếm nhiều tiền, thích kiếm chồng là đại gia đã chứ.

Chính cái lối tạo ra những trò đạo đức giả, những thứ vinh danh, sự hão huyền này khiến cho Hoa hậu ngày càng trở nên lố bịch trong mắt đám đông.

Hoa hậu là gì, Hoa hậu là người đẹp nhất.

Còn người thông minh hay trí thức nhất thuộc về các cuộc thi khác, chứ không phải thuộc về cuộc thi Hoa hậu.

Cái gì thực của César hãy trả lại cho César, ai đời lại vớ những thứ không thuộc về một cuộc thi nhan sắc vào một cuộc thi nhan sắc.

Sự thắng cố ấy chỉ khiến mọi thứ trở nên lố bịch và kệch cỡm.

Siêu mẫu Hà Anh: Danh hiệu - Được nhiều hơn mất

- Trước những lời chê bai, thị phi về nhan sắc của một người đẹp vừa đăng quang, Hà Anh có suy nghĩ gì?

- Ngày nay, với sự xuất hiện của ngày càng nhiều cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp, người ta dần quên đi ý nghĩa ban đầu của những cuộc thi là nhằm tôn vinh vẻ đẹp hình thể, trí tuệ và tâm hồn của phụ nữ. Vì vậy, thay vì dành tặng những lời khen tích cực cho những cố gắng, nỗ lực của họ thì lại công kích, chê bai, đó là điều không nên, đặc biệt là đối với những cô gái còn trẻ tuổi.

Siêu mẫu Hà Anh.

- Có ý kiến cho rằng, chúng ta đang ngày càng thi thố theo kiểu vơ vét nhan sắc, các người đẹp đăng quang gần đây luôn đối mặt với sự chê bai. Hà Anh có nghĩ nhan sắc của người đẹp có danh hiệu đang kém đi?

- Tôi nghĩ chúng ta sống trong một xã hội quá “trọng” danh xưng, bởi vậy các cuộc thi ngày càng mọc như nấm với chất lượng và quy mô tổ chức không phải lúc nào cũng tốt.

Còn các cô gái chạy đua theo các cuộc đua sắc đẹp để lấy danh hiệu nhằm tăng giá cát-sê, nhằm bước chân vào showbiz, và muốn được nổi tiếng với nhiều lý do khác nhau. Nhưng họ quên đi rằng nếu chỉ có danh hiệu hay danh xưng mà không trau dồi kiến thức, học thêm kỹ năng cho một nghề nào đó, thì dù có nổi tiếng hay giàu có cũng khó được giới chuyên môn và công chúng thực sự nể trọng. Danh hiệu thì ngày càng có nhiều nên tất yếu sẽ bị bão hoà nếu như các người đẹp không có được tài năng hay cống hiến gì cho xã hôi.

- Tôi thì nghĩ không có người đẹp nào làm hài lòng tất cả, bởi đẹp - xấu là cặp phạm trù không mang tính bất biến, Vì thế, những tranh cãi là không đáng có. Trong khi đó, điều quan trọng hơn là những hoạt động của người đẹp sau đăng quang. Hà Anh đồng ý chứ?

- Nhiều người coi kết quả của mỗi cuộc thi là đích đến nhưng để nhìn nhận một cách bao quát hơn thì đó chỉ là cánh cửa mở ra một hành trình mới để mỗi người đẹp có cơ hội được thể hiện nhiều hơn.

Nói về các hoạt động thì phải xem những hoạt động ấy là gì. Trong ý kiến chủ quan của tôi, hoạt động từ thiện thôi chưa đủ, các người đẹp nên tìm cho mình một nghề nghiệp hay chuyên môn yêu thích để hoạt động bởi hoa hậu không phải là một nghề. Rồi những năm sau, sẽ có nhiều các cô gái khác đăng quang, họ phải chứng tỏ được giá trị chuyên môn của mình, họ không thể sống dựa vào danh xưng ấy suốt đời được.

- Là siêu mẫu từng tham gia các cuộc thi nhan sắc và đạt danh hiệu, theo Hà Anh, danh hiệu có ý nghĩa thế nào?

- Mỗi thí sinh khi đến với bất kỳ một cuộc thi nhan sắc nào cũng đều có khát khao giành được chiến thắng. Tuy nhiên, giá trị của những danh hiệu chỉ thực sự tồn tại và có ý nghĩa khi thí sinh có thể chiến thắng cuộc thi một cách công tâm và thuyết phục thay vì những lùm xùm mua bán giải. Sau đó, nó có thêm ý nghĩa nếu như người chiến thắng ấy có thể tiếp tục chinh phục công chúng bằng không chỉ sắc đẹp, mà còn là tài năng và trái tim của mình qua những việc làm có ý nghĩa và thiết thực.

- Danh hiệu mang lại cho người đẹp nhiều thứ, song xem ra nó cũng lấy đi của người đẹp không ít. Hà Anh nghĩ gì về hai chữ “được” và “mất” của người đẹp có danh hiệu?

- Nhìn chung, với danh hiệu đạt được, các người đẹp sẽ có những bước đệm mới cho con đường tiến thân của mình. Khi có tên tuổi họ sẽ được báo chí quan tâm hơn, nổi tiếng hơn đôi chút, bởi vậy có khả năng thực hiện những điều họ muốn làm trước khi đăng quang. Mỗi người đến với một cuộc thi đều đã xác định rõ những điều họ muốn đạt được nên dĩ nhiên được sẽ nhiều hơn mất. Những hệ quả của nó như bị mọi người chú ý, hay thậm chí soi mói là bản chất của thế giới họ bước chân vào nên họ phải chấp nhận, không thể coi rằng “mất” được!

Điều họ nên quan tâm đến hơn là liệu vì danh hiệu và nhiều thứ hào quang thật, ảo có làm họ đánh mất mình hay không. Đây là những cám dỗ lớn mà các cô gái trẻ sẽ phải đối mặt. Lưa chọn, là ở họ. Được, mất chỉ là tương đối. Có những thứ ta nghĩ họ mất, đôi khi lại là được đối với họ và ngược lại.

- Có vẻ người đẹp cũng bị áp lực rất lớn với danh hiệu mà họ đang sở hữu đấy chứ, bằng chứng là không ít hoa hậu phải xin trả vương miện. Hay đơn cử tôi thấy người bình thường khó có thể chịu được những áp lực vừa qua của hoa hậu Kỳ Duyên. Hà Anh nghĩ sao?

- Tôi nghĩ rằng bản thân người chiến thắng xứng đáng phải có được sự tự tin và bản lĩnh nhất định trong cuộc sống. Mỗi sự việc đều có hai mặt của nó, ta không thể thay đổi mình để làm vừa lòng tất cả. Dư luận hay sự phản đối một phần nào đó tạo nên cho mình động lực để hoàn thiện bản thân và trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nếu mới chỉ gặp một chút khó khăn mà đã chấp nhận bỏ cuộc thì cho dù có là ai cũng không thể thành công được.

Đã là hoa hậu thì sẽ phải chịu sức ép là lúc nào cũng phải đẹp, có hình ảnh đẹp trong mắt mọi người nên các người đẹp phải phấn đấu vì điều đó cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên cô ấy nên hướng đến một lối sống tích cực và có những đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng thì hình ảnh ấy sẽ có ý nghĩa hơn trong mắt cộng đồng.

- Chuyện người đẹp sử dụng danh hiệu của mình để đóng quảng cáo, để kinh doanh, để dự sự kiện có cát-sê… trong thời gian gần đây cũng bị soi mói nhiều. Có ý kiến cho rằng, người đẹp tìm danh hiệu chỉ để làm giàu bản thân?

- Tôi nghĩ không có gì phải lên án nếu chúng ta biết tự chăm lo cho cuộc sống bằng lao động chân chính, bằng công sức và nỗ lực mình. Mỗi người đều có quyền được lựa chọn cách sống của mình và đó là điều đáng được trân trọng, miễn là điều đó không đi ngược với đạo đức hay pháp luật. Bản thân những người đẹp với danh hiệu của mình xứng đáng được nhận lại những quả ngọt với những nỗ lực trước đó. Tuy nhiên theo tôi, việc dùng hình ảnh và danh hiệu của mình cũng nên được tiết chế và sử dụng một cách hợp lý để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng bởi lẽ họ là những người nổi tiếng, có sức tác động lớn, đặc biệt là đối với giới trẻ. n

Hoa hậu Đại dương Đặng Thu Thảo: Danh hiệu không phải là áp lực

- Khi tham gia Miss International vừa qua, Thảo có bị áp lực về chuyện thành tích không khi mà và năm gần đây, người đẹp Việt thường “trắng tay” trên đấu trường quốc tế?

- Dù là lần đầu tham gia một trong những cuộc thi nhan sắc lớn thế giới nhưng Thảo không bị áp lực hay lo lắng gì nhiều. Thảo đi thi trong tâm thế rất thoải mái như là một chuyến tham quan, học hỏi.  Và Thảo đã học được rất nhiều thứ, từ văn hóa, tri thức đến sự kiên cường và lòng tự tin hay cách sống nói chung của không chỉ người Nhật mà còn của bạn bè là những người đẹp trên khắp thế giới. Đặc biệt, Thảo cảm nhận rõ ràng nhất về cái gọi là niềm tự hào dân tộc, đất nước.

Hoa hậu Đại dương Đặng Thu Thảo.

- Thảo nghĩ gì về việc một hoa hậu tham gia vào các hoạt động nghệ thuật như đóng phim, làm người mẫu?

- Thảo nghĩ điều đó cũng tốt thôi, vì đó là một hoạt động văn hóa nghệ thuật. Mình có tài năng thì mình cứ thể hiện hết tài năng ấy. Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng hơn của hoa hậu vẫn là tham gia vào các hoạt động xã hội và hoàn thành trách nhiệm với cộng đồng.

- Trong thời gian ngắn sau khi đăng quang vừa qua, Thảo đã tham gia đóng vài phim như “Mỹ nam kế”, “Người thương kẻ nhớ”, Thảo muốn trở thành một hoa hậu - diễn viên chăng?

- Thảo đam mê diễn xuất từ nhỏ, Thảo có thể hòa vào cảm xúc nhân vật, có thể khóc cười theo nhân vật. Tuy nhiên, có thể Thảo sẽ không theo hẳn nghề diễn xuất mà chỉ tham gia khi có điều kiện thời gian và cơ hội mà thôi.

- Từng bị dư luận so sánh về nhan sắc với Hoa hậu Việt Nam 2012 cùng tên nhưng Thảo lại luôn ở thế thua thiệt về nhan sắc. Thảo nghĩ sao?

- Thảo không sợ bị so sánh bởi mỗi người có nét đẹp, cá tính riêng, cũng như có mục đích trong cuộc sống riêng. Và Thảo tự tin vào nét riêng đó của mình.

- Tân Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Cao Kỳ Duyên bị bàn tán, chê bai về nhan sắc, Thảo có sự đồng cảm gì khi mà trước đây Thảo cũng rơi vào trường hợp gần như tương tự?

- Kỳ Duyên đăng quang khi mới chỉ là cô bé 18 tuổi nên những gì đã và đang trải qua sẽ là bước ngoặt lớn, một trải nghiệm lớn cho cuộc đời em. Lâu nay phần nhiều Kỳ Duyên sống trong sự bao bọc của gia đình, nhưng khi vừa bước ra khỏi gia đình thì lại đối mặt với dư luận, thị phi nên nó có thể tạo ra áp lực rất lớn đối với bản thân hoa hậu này. Riêng Thảo thì đã tự lập từ rất sớm, cũng trải qua môi trường công việc với nhiều va chạm, hơn thua nhau nên mọi dư luận với Thảo tương đối nhẹ nhàng.

Nhưng Thảo tin rằng, hoa hậu Kỳ Duyên sẽ vượt qua áp lực và làm rất tốt để chứng minh cho mọi người thấy bản thân em ấy xứng đáng với danh hiệu. Hơn nữa, không phải tất cả mọi người đều không ủng hộ Thảo hay Kỳ Duyên thành hoa hậu mà đã có người ủng hộ và trao vương miện cho mình nên phải trân trọng và cố gắng phát huy. Hơn nữa, Thảo xem những lời xung quanh là động lực, là bài học để mình không ngừng phấn đấu chứ không phải là áp lực để rồi bị đè bẹp.

- Thảo cảm nhận thế nào về áp lực danh hiệu hoa hậu đối với bản thân mình?

- Đối với Thảo, danh hiệu không phải là áp lực mà áp lực hay không là do bản thân mình. Thảo trân trọng danh hiệu của mình và muốn phát huy để danh hiệu ngày càng tỏa sáng. Và Thảo muốn sử dụng danh hiệu đó để làm cầu nối giúp Thảo gần gũi hơn với những mọi người, cuộc sống xung quanh. Với Thảo, danh hiệu hoa hậu là điều tuyệt vời chứ không phải áp lực gì!

Có chăng, Thảo suy nghĩ làm sao để mình chiến thắng bản thân mình, để từ đó có thể làm được những điều mình mong muốn. Thảo cảm thấy bản thân mình may mắn khi nhận những món quà mà cuộc sống ban cho, Thảo muốn chia sẻ những may mắn đó với những hoàn cảnh bất hạnh xung quanh. Tuy nhiên, muốn làm được vậy thì mình phải là người thành công. Và Thảo đang cố gắng để đạt được điều đó.

- Nói về mặt được và mất của một hoa hậu, theo Thảo là gì?

- Thảo thấy, làm hoa hậu chỉ mất đi khoảng thời gian vui chơi, thoải mái đùa giỡn bên bạn bè, nói chung là mất đi một phần những điều tự nhiên nhất của tuổi trẻ. Bởi khi đã là một hoa hậu thì mình phải thể hiện sự chính chắn hơn trong mọi hành động, lời nói.

Còn mặt được thì rất nhiều, hoa hậu được gần với mọi người, với cuộc sống xung quanh, được chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh một cách dễ dàng hơn. Khác với hồi chưa có danh hiệu, khi Thảo rất muốn giúp một cuộc đời khốn khó nào đó nhưng lại không biết bằng cách nào. Lúc đó Thảo chưa có tiếng nói, sự tin tưởng để kêu gọi sự đồng lòng, chung tay của mọi người. Bây giờ thì mọi việc thuận lợi hơn.

Á hậu Tú Anh: Danh hiệu không chỉ đơn giản là nhan sắc

- Nhiều người nói, danh hiệu với người đẹp là một áp lực, nhất là áp lực từ phía dư luận. Tú Anh có thấy mình bị áp lực như thế không?

- Tú Anh nghĩ bản thân danh hiệu không phải là áp lực mà danh hiệu mang đến cho ta niềm tự hào, mang lại nhiều cơ hội trong cuộc sống. Tuy nhiên, để có thể được công chúng đón nhận và hài lòng cũng không phải là điều dễ dàng, và đôi khi chính sự đòi hỏi đó phần nào lại là trở thành những động lực để cho những người đẹp càng phải phấn đấu để hoàn thiện bản thân mình hơn. Thời gian đầu mang trên mình danh hiệu Á hậu, Tú Anh cũng luôn luôn cảm thấy lo sợ, lúc nào cũng sợ mình làm gì đó chưa đúng… Nhưng dần dần Tú Anh hiểu rằng, bỏ bớt đi những áp lực sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn rất nhiều, cứ hãy là chính mình và luôn hướng tới những điều tốt đẹp thì mọi ấn tượng ban đầu có thể là chưa tốt sẽ dần dần thay đổi.

Á hậu Tú Anh.

- Tú Anh nghĩ gì về những lời khen chê, thị phi của một người đẹp vừa đăng quang trong một cuộc thi nhan sắc nào đó. Phải chăng đó cũng là một áp lực lớn đầu tiên mà người đẹp có danh hiệu cần phải vượt qua?

- Đẹp - xấu không mang tính bất biến, quan niệm và cách đánh giá cái đẹp của mỗi người là không giống nhau và theo thời gian cũng khác nhau. Bởi thế với những người đẹp, nhất là với người đẹp mới đăng quang thì không thể tránh khỏi những lời khen chê từ công chúng.

Tuy nhiên, những người đẹp mới đăng quang thường tuổi đời còn rất trẻ, các bạn còn cả một chặng đường dài phía trước để chứng minh cho công chúng thấy rằng mình luôn xứng đáng với danh hiệu; và hãy xem những nhận xét chưa tốt về mình là động lực để mình phấn đấu và hoàn thiện bản thân nhiều hơn. Tú Anh tin rằng thời gian cùng với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân các bạn sẽ dần được công chúng đón nhận.

- Theo Tú Anh, áp lực lớn nhất của một người đẹp có danh hiệu là gì, là thị phi từ dư luận hay là áp lực từ chính bản thân mình?

- Chúng ta cũng nên tôn trọng công chúng, họ có quyền đòi hỏi bởi cái đẹp của người đẹp có danh hiệu không chỉ đơn giản là nhan sắc mà còn là vẻ đẹp được tỏa sáng từ chính nhân cách, lối sống của chính con người họ. Là hoa hậu hay á hậu thì hãy sống tốt, lựa chọn lối sống lành mạnh, luôn hướng thiện… Làm được như vậy thì Tú Anh nghĩ rằng chính bản thân các bạn đã bớt đi rất nhiều những áp lực cho chính bản thân mình.

- Công chúng ngày càng khắt khe với người đẹp, nhất là người đẹp có danh hiệu, nhất là họ hoạt động thế nào, ứng xử ra sao… Tú Anh có thấy như vậy không?

- Trong xã hội hiện đại, công nghệ thông tin phát triển thì mọi người đều phải cố gắng học hỏi để đáp ứng kịp với những công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất. Bởi thế việc công chúng đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn với những người đẹp có danh hiệu cả về sắc đẹp, học thức, lối sống… cũng là lẽ đương nhiên và là điều cần thiết.

Tuy vậy, đôi khi cũng có một bộ phận nhỏ trong các bạn trẻ lại có cái nhìn theo hướng thiếu tích cực, săm soi đời tư của những người đẹp một cách thiếu thiện chí. Vì thế, đôi lúc người đẹp không tránh được những mệt mỏi không đáng có. Nhưng mọi người dường như quên mất một điều, ở độ tuổi cũng như các bạn, chưa có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống nên va vấp hay đôi khi mắc lỗi là khó tránh khỏi. Hãy nhìn vào những mặt tốt để khích lệ các người đẹp, để họ có thể cống hiến nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn. Và bằng chính hình ảnh, danh hiệu của người đẹp để kêu gọi sự chung tay của xã hội cùng thực hiện các hoạt động thiện nguyện san sẻ với cộng đồng.

- Có lẽ, thật ra rất khó để định nghĩa thế nào là một người đẹp xứng đáng với danh hiệu, nhưng theo cách nghĩ đơn giản nhất của Tú Anh thì thế nào là xứng đáng?

- Đúng là rất khó để có thể định nghĩa, nhưng có lẽ đơn giản nhất theo Tú Anh hiểu ngoài sắc đẹp thì người đẹp phải có nhân cách, học vấn… Bởi khi một người đẹp trở thành đại diện cho cái đẹp thì phải đẹp từ chính trong những hành động, lối ứng xử của bản thân họ. Đạt được danh hiệu đã khó, để sống xứng đáng với danh hiệu còn khó hơn nhiều!

Thực hiện: Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng
.
.