Dân chơi Facebook

Chủ Nhật, 01/02/2015, 10:42
Trên mạng xã hội facebook, có rất nhiều chuyện vui. Nhưng ngoài xã hội thực không phải ai cũng biết cách đùa. Thêm nữa, đặc tính cơ bản nhất của con người chính là đối diện để trò chuyện thì ngại, nhưng thông qua một kênh giao tiếp trung gian thì lại rất hăng hái. Vậy là, sinh chuyện.

Đúng sai - Facebook

Làm gì có đúng, làm gì có sai đối với đám đông, chỉ có người trong cuộc là am tường.

Thế nhưng, với những thứ người trong cuộc đã tương trên facebook thì rất khó để kiểm chứng.

Nhẽ yêu ghét được chọn làm yếu tố quyết định. Ví như, ghét kẻ này thì thấy ai viết bôi nhọ kẻ ấy lập tức vỗ tay tung hô. Vì như, yêu kẻ này thì thấy ai đó viết ngợi khen kẻ ấy lập tức đập tay tán đồng.

Tôi nghĩ rằng, facebook chính là một kênh thông tin rất hay để cá nhân nhắc đến những thứ liên quan đến chính mình. Nghệ sĩ không là một ngoại lệ.

Trừ những facebook giả mạo, hay facebook không chính danh thì đa phần nghệ sĩ đều sử dụng nghệ danh hoặc tên thật khi chơi facebook. Tếu táo gọi là facebook chính chủ. Đã facebook chính chủ thì thông tin trên facebook ấy được truyền thông loan tin cũng là lẽ rất thường.

Mà phàm đã là nghệ sĩ, thì chơi facebook lại càng phải cẩn trọng hơn. Y như dân chơi vậy, dân chơi phải hành xử cho đúng chuẩn mực của dân chơi.

Cái đận anh của nữ ca sĩ chia tay muốn đòi quà với bạn gái, nữ ca sĩ lợi dụng facebook của mình để làm hầm bà lằn mọi thứ. Nữ ca sĩ viện dẫn rất nhiều lý do vì sao anh trai mình hành xử như vậy, nhưng lý do cùi bắp nhất là anh trai của nữ ca sĩ đã đánh bạn gái thì nữ ca sĩ lờ đi.

Tất nhiên, anh em không bênh nhau thì bênh ai. Nhưng có những chuyện im lặng đã là một cách bênh vực tốt nhất rồi. Đàn ông mà đi đánh phụ nữ, là chuyện tuyệt đối không thể chấp nhận được. Huống hồ, đánh người vốn dĩ đã có một đoạn luyến ái cùng nhau.

Không xa xôi gì lắm, một nữ ca sĩ khác lên facebook tấn công một nam ca sĩ tới tấp. Hẳn là không tấn công trực diện, chỉ tấn công xa gần, tấn công đại khái, tấn công miêu tả hình dong, nhưng ai đọc thì cũng biết. Truyền thông đận ấy, như lên đồng tập thể, nào là bình luận, phân tích loạn cả lên.

Mới nhất thì có vụ siêu mẫu này đòi nợ siêu mẫu kia thông qua facebook. Vợ của siêu mẫu bị đòi nợ lại lên tiếng nói lại cho rõ sự vụ.

Facebook, quả nhiên rất lợi hại.

Nghệ sĩ tận dụng sự lợi hại của facebook để đòi nợ, để chửi nhau thì người có mối quan hệ với nghệ sĩ cũng tận dụng facebook để tố cáo tình ái bán buôn.

Nam ca sĩ mới lấy vợ bị tố cáo lừa tình lẫn tiền một người hâm mộ ở nước ngoài. Nam ca sĩ khác thì bị người tình đồng tính tố cáo bắt cá hai tay, chỉ chăm chăm vào phần vật chất.

Lại có bác sĩ thẩm mỹ tố cáo nữ diễn viên kiêm ca sĩ sau khi đã ngốn của mình hàng chục tỷ đồng, tiền chi phí yêu đã im lặng tính đường “quất ngựa truy phong”.

Người hâm mộ khác lại tố cáo nam ca sĩ ăn hết ốc rồi tính chuyện không đổ vỏ… Loạn hết cả lên.

Thông tin trên facebook là thông tin do cá nhân cung cấp, thông tin do cá nhân cung cấp lại rất khó để đi kèm bằng chứng xác đáng. Hơn nữa, như tôi đã nói ở phần đầu bài viết, sự suy đoán từ thông tin trên facebook phụ thuộc rất nhiều vào cảm quan ghét yêu.

“Yêu nhau trái ấu cũng tròn/Ghét nhau bồ hòn cũng méo”, hiển hiện rõ nhất trên facebook.

Tấn công nhau trên facebook là kiểu tấn công tổng lực nhất, tấn công không khoan nhượng nhất, tấn công theo chiêu thiết bàn kiều đá quét dưới thắt lưng nhiều nhất.

Tôi không cực đoan đến mức cho rằng cá nhân chơi facebook phải bình tĩnh trước khi viết gì đó trên facebook của mình. Mặc dù, luật đã quy định rất rõ cá nhân phải chịu trách nhiệm về những gì mình thể hiện trên facebook. Vì đôi khi, facebook chính là nơi nhảm nhí nhất để cá nhân giải tỏa stress.

Nhưng dẫu sao đi chăng nữa, thì facebook cũng chính là gương soi của mỗi người. Với lại, đời sống đã đủ phức tạp rồi, vui cũng nên biết điểm dừng, cáu cũng nên biết điểm buông.

Ca sĩ Thái Trinh: Đừng để giận quá mất khôn

- Theo quan niệm của Thái Trinh thì nghệ sĩ dùng facebook (FB) thế nào là văn minh?

- Nghệ sĩ là người mang niềm cảm hứng, niềm vui cho khán giả, vậy thì tốt nhất hãy chia sẻ, tuyên truyền những điều hay, điều tốt ngoài việc dùng nó để chia sẻ thêm về công việc cũng như sản phẩm mới.

Ca sĩ Thái Trinh.

- Nhiều người nói, FB là “con dao hai lưỡi”, nếu không khéo sẽ vướng phải những scandal từ chính những điều mà mình đã chia sẻ! Điều này quá rõ ràng với nghệ sĩ rồi, phải không Thái Trinh?

- Điều này là chính xác, không chỉ trên FB mà trong lời ăn tiếng nói, trong ứng xử hằng ngày nếu không suy nghĩ kĩ càng thì bất kì ai, chứ không riêng gì nghệ sĩ cũng sẽ gặp rắc rối vì những điều mình lỡ nói ra. FB có điều đáng sợ vì nó là một phần của Internet, nơi người dùng thoải mái chia sẻ, bàn luận, là thế giới phẳng ai ai cũng có thể xem và tiếp cận được lời nói của mình. Nguy hiểm hơn hiện tại đó còn là kênh để nhiều trang báo mạng lấy thông tin, đăng bài! Nên nghệ sĩ dùng FB lúc nào cũng phải nghĩ rằng bất cứ những gì mình chia sẻ đều có thể trở thành nội dung của một bài báo!

- Như vậy, nghệ sĩ dùng FB cần có những hạn chế nhất định khi quyết định chia sẻ điều gì?

- Trinh cũng nghĩ vậy, bản thân Trinh mỗi khi chia sẻ điều gì trên FB đều suy nghĩ rằng nó có ảnh hưởng đến người khác không, có làm tổn thương ai mà mình chưa kịp nghĩ tới không?... Và Thái Trinh quan niệm rằng, tốt nhất là đừng chia sẻ nhiều, bởi đôi khi một thời gian sau chính những chia sẻ đó quay lại tố cáo mình!

- Nhưng có một thực tế là thời gian vừa qua có quá nhiều những scandal đình đám nổ ra từ FB nghệ sĩ. Từ những lời tố nhau, nói xấu nhau đến chuyện khoe những bức ảnh nhạy cảm. Hẳn Mark Zuckerberg không mong muốn như vậy khi sáng lập ra FB! Thái Trinh nghĩ sao?

- Trinh nghĩ điều này lại rất thú vị đối với Mark đấy chứ, vì mục đích của anh ấy là FB ngày càng có nhiều người dùng tương tác hơn.

Tuy nhiên, nghệ sĩ mà biến FB thành “bãi chiến trường” thì thật không hay. Họ là người của công chúng, là biểu tượng của cái đẹp, của cảm xúc thăng hoa. Chính vì thế những trần tục mà phơi hết trên nhà thì thật là tội cho công chúng của họ, tội cho cái danh nghệ sĩ nói chung và cuối cùng là tội cho bản thân họ. Đôi khi, chỉ vì một lúc nào đó quá bức xúc, thiếu kiềm chế nên nghệ sĩ mới hành động như vậy. Đó cũng là điều đáng cảm thông, nhưng có câu rằng: “bút sa, gà chết”, vì vậy sự cẩn trọng không bao giờ là thừa!

- Một số nghệ sĩ hay chia sẻ những status, những bức ảnh sốc nhằm thu hút sự chú ý của dư luận, đánh bóng tên tuổi. Và thực tế, hiện tại FB cũng là một kênh PR hữu hiệu cho “người của công chúng” bằng cách đó. Thái Trinh nghĩ gì về kiểu PR này?

- PR quảng cáo trên FB đã và đang là cách phổ biến của nhiều nhãn hàng, nhóm kinh doanh không riêng gì người nổi tiếng. Trinh nghĩ hiệu quả PR thu hút sự chú ý trên FB tốt hay xấu đều do khách hàng, những cư dân mạng sẽ đưa ra câu trả lời chính xác. Cũng vậy, với nghệ sĩ thì những gì họ thể hiện mình trên FB hay trên bất kỳ sân khấu, diễn đàn nào đều sẽ được công chúng đánh giá. Và công chúng ngày càng công minh và công bằng!

- Nhiều người biện giải rằng FB giống như nhà riêng, muốn làm gì là quyền của cá nhân, kể cả điều xấu. Tôi cho rằng đó là cố bao biện cho việc sử dụng mạng xã hội thiếu văn minh. Bởi rõ ràng, FB không chỉ là để giải trí, là nhà riêng mà những gì bạn chia sẻ trên đó sẽ thể hiện 1 phần văn hóa của chủ nhân?

- Trinh nghĩ là lời bao biện như vậy chỉ là cố nói cùn. Họ không phân biệt rằng phòng riêng của họ thì có 4 bức tường và một cái cửa khoá chặt, họ muốn làm gì trong đó là quyền riêng tư, mọi người không nhìn thấy cũng chẳng cần đàm tiếu.

Nhưng với FB thì hoàn toàn khác, hằng ngày biết bao người dạo qua dạo lại, như mái hiên nhà bạn vậy. Việc nghĩ rằng tôi đang đứng trên mái hiên nhà tôi, tôi làm gì là quyền của tôi, cũng như tôi làm gì cũng không ai thấy, là sai. Mái hiên đó còn góp phần làm nên vẻ đẹp của con đường. Việc làm gì thiếu văn minh trên đó chỉ để làm người qua lại phì cười vào bạn mà thôi!

- Cá nhân Thái Trinh có tiêu chí thế nào với những chia sẻ của mình trên FB?

- Tiêu chí của Trinh là, trước tiên để chế độ riêng tư trước, rồi suy nghĩ thật kĩ, khi cơn giận qua rồi, hay cái hứng chia sẻ qua rồi, đọc lại mới thấy thật may mình đã để riêng tư trước khi lộ diện điều chia sẻ đó ra bên ngoài! Người xưa có câu “giận quá mất khôn”, và cũng có câu “im lặng là vàng”, Trinh luôn muốn áp dụng nó, kể cả ở giao tiếp ứng xử ngoài đời!

Ca sĩ Phan Đinh Tùng: Giới hạn nào cho facebook?

- Là người hay dùng facebook, chắc anh hiểu rõ những ích lợi của nó với nghệ sĩ?

- Chuyện gì cũng có hai mặt và FB cũng vậy, nếu sử dụng một cách đúng đắn thì nó trở thành một “trang báo”, là tiếng nói riêng của người nghệ sĩ. Thông qua FB, nghệ sĩ đưa đến những thông tin tốt cho độc giả, cập nhật thường xuyên những hình ảnh, dự án công việc cũng như những tâm tư nguyện vọng, tình cảm của mình. Với ý thức FB là một “trang báo” riêng của mình cho nên mình phải cẩn trọng trong mỗi phát ngôn để tránh rơi vào trường hợp đem đến cho khán giả những điều nhàm chán, không hay.

Bên cạnh đó, nếu bạn cứ dùng FB để chửi xéo người này người kia thì đó là một vấn đề đáng lo ngại bởi bạn đang dùng phương tiện là trang báo của mình để mình nói xấu, kể tội người khác. Nhưng không đơn giản là chỉ người mình kể tội chịu mà tất cả mọi người đều biết hết, vô tình bạn đã bôi nhọ thanh danh của người khác. Vì vậy, mình phải ý thức và thận trọng.

Ca sĩ Phan Đinh Tùng.

- FB đang ngày càng trở thành một kênh thông tin chính thống của người nghệ sĩ. Một số người chia sẻ những status, những bức ảnh sốc trên đó để thu hút dư luận. Và thực tế, hiện tại FB cũng là một kênh PR hữu hiệu cho “người của công chúng”. Anh nghĩ sao về xu hướng này?

- Những người đó họ sẽ được lợi trước mắt nhưng hại lâu dài và tất nhiên hình ảnh cũng như thương hiệu của họ sẽ không còn như mình mong muốn nữa. Tôi nghĩ, qua một thời gian thì họ sẽ hối hận vì những bước đi sai như vậy trong sự nghiệp của mình. Cho nên, với thời đại công nghệ thông tin và FB phát triển mạnh như hiện nay thì người nghệ sĩ cần phải cẩn trọng, tỉnh táo hơn rất nhiều khi quyết định chia sẻ những gì.

Tuy nhiên, hạn chế hay không là do mỗi người tự quyết định. Bạn không tự đặt ra giới hạn cho mình trong những phát ngôn, chia sẻ lên trang FB thì nó dễ dàng biến thành “cái chợ”, tạo ra những tai tiếng bất ngờ. Cho nên theo tôi, việc đặt ra giới hạn là không thừa, mỗi người nghệ sĩ nên có những giới hạn trong phát ngôn cũng như chia sẻ để tránh những sai lầm đáng tiếc.

- Anh nghĩ gì về những trường hợp người nghệ sĩ lại lên FB tố cáo nhau, nói xấu nhau? Năm nay có quá nhiều những scandal nổ ra đều từ FB nghệ sĩ!

- Có những scandal xảy ra vì người này người kia cứ nói xấu qua lại, báo chí nhanh chóng phát hiện và dựa vào đó sẽ có những bài báo, thế là tạo scandal. Và có lẽ những người kia cũng thừa biết rằng những cuộc đấu khẩu như vậy sẽ tạo nên scandal. Thực tế là họ đang cố tình lợi dụng FB để tạo dư luận, đánh bóng tên tuổi.

Cái lợi trước mắt là họ thu hút được sự chú ý của dư luận nhưng theo hướng tiêu cực, tò mò chứ không phải theo hướng tích cực là họ có làm được gì, có gì mới trong nghệ thuật không. Chưa kể những lời lẽ thiếu văn minh, văn hóa trong những cuộc tranh cãi, tố nhau đó dù là cố ý tạo dư luận hay là bức xúc thật thì đều làm hình ảnh người nghệ sĩ trở nên méo mó. Xây dựng được một hình ảnh đẹp với nghệ sĩ là rất khó, đòi hỏi quá trình lao động miệt mài và sự phấn đấu nhưng phá đi thì chỉ trong vòng… vài nốt nhạc. Vì thế, nghệ sĩ cần cẩn trọng trong lời ăn, tiếng nói, trong từng chia sẻ, phát ngôn của mình trên FB hay là bất kỳ đâu đều cần thiết như nhau!

- Anh có quan niệm, FB là một cái nhà riêng của mỗi người?

- FB là nhà lúc nào cũng mở toang hoang hết cửa, mọi người lúc nào cũng có thể vào nhà bạn để mà xem trong nhà bạn có gì. Anh phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã trưng bày cho mọi người xem. Cho nên không nên có những suy nghĩ trẻ con rằng, FB là nhà riêng của tôi, tôi muốn làm gì thì làm được!

Và theo tôi, nghệ sĩ không nên dùng FB để đả kích hay nói xéo ai đó, nhất là đồng nghiệp mình vì tất cả những chia sẻ đó, khán giả đều đọc được nên nó có thể thổi bùng lên sự bất hòa trong giới nghệ sĩ.

- Anh có cho mình là người dùng FB văn minh?

- Tôi không có quan niệm đó. Nhưng việc dùng FB chuẩn mực, tinh tế sẽ tạo nên những điều tốt đẹp. Ví dụ ở thời trước khi có facebook, tôi có giận một ai đó thì sẽ nói chuyện riêng với người đó. Sự cư xử đó khiến một là tôi mất luôn người bạn đó, hai là tôi sẽ có lại người bạn đó một cách thân thiết hơn. Nhưng nếu bây giờ tôi đưa chuyện lên FB để đá xéo thì người bạn đó và tất cả khán giả đều biết. Vậy thì khi đó tôi sẽ không thể cứu vãn được mối quan hệ đó nữa và còn thổi bùng lên ngọn lửa hận thù cho cả hai bởi tôi đã vô tình bắt tội họ trước công chúng, mà có khi chưa phải tội của họ nữa!

Nếu như mình xử sự theo cách văn minh thì nên đi đến giải quyết trực tiếp hơn là mượn FB và báo chí để công kích nhau. Bản thân đã là người của công chúng thì nghệ sĩ nên cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói cũng như những phát ngôn để chứng tỏ mình là một người văn minh!

Người mẫu Trương Nam Thành: Facebook không phải chiến trường

- Hầu như nghệ sĩ nào cũng xài FB. Mà đã là nghệ sĩ, là người của công chúng thì lúc nào cũng nhận được sự quan tâm của truyền thông, công chúng. Vì vậy, những chia sẻ trên FB của nghệ sĩ cần có những hạn chế hơn so với người bình thường. Nam Thành nghĩ sao về điều này?

- FB giống như con dao hai lưỡi, nếu khéo dùng thì nghệ sĩ được nhiều người chú ý hơn, tăng sự quan tâm cũng như sự tương tác với công chúng hơn. Nghệ sĩ có thể chia sẻ những công việc, như đang đóng phim gì, vào vai gì, đang làm album gì, ca khúc ra sao… Đó là một điều hay của FB là giúp cho nghệ sĩ gần với công chúng nhiều hơn.

Tuy nhiên, trong cuộc sống, nghệ sĩ cũng như người thường, cũng có những bất đồng, bức xúc không thể kiềm chế, cũng không biết sẽ chia sẻ cho một cá nhân cụ thể nào. Và FB là nơi mà họ chia sẻ nhiều thứ, chẳng hạn như chuyện “anh mượn tiền tôi mà không trả”, hoặc “anh là kẻ phụ tình”, hay “cô là người đào mỏ”… Song, vấn đề là những chia sẻ đó không dừng lại trên FB mà nó được những trang báo điện tử kéo về. Từ đó mọi chuyện trở nên ồn ào hơn, rắc rối hơn, phức tạp hơn.

Vì vậy, theo Thành quan niệm, người nghệ sĩ cần kiểm soát tốt những gì mình ghi trên FB. Những gì có thể ảnh hưởng đến xung quanh, những gì quá riêng tư nhạy cảm thì nên tránh chia sẻ. Hãy để công chúng cảm thấy rằng FB của nghệ sĩ là nơi giao lưu, giải trí, là phương tiện gắn kết nghệ sĩ và người hâm mộ. Hoặc chia sẻ những điều hay trong cuộc sống để cùng nhau hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Đừng biến FB người nghệ sĩ thành bãi chiến trường hay là nơi để khoe thân!

Người mẫu Trương Nam Thành.

- Vậy, theo Trương Nam Thành thì các trang mạng chính là thủ phạm làm cho những chia sẻ của nghệ sĩ trở thành câu chuyện giật gân?

- Điều đáng nói là nhiều bài báo lại có mục tiêu giật tít sốc, câu khách làm công chúng hiểu sai lệch vấn đề. Hoặc là thậm chí có bài báo còn đưa tin sai hoặc tự ý suy diễn từ những chia sẻ của nghệ sĩ làm câu chuyện vốn không có gì thành phức tạp.

- Hình như, nghệ sĩ ngày càng sử dụng FB như là một kênh thông tin chính thống để chia sẻ hình ảnh, thông tin chứ không đơn giản chỉ là nơi giải trí, giao lưu với khán giả. Đúng thế không Nam Thành?

- Đó là thực tế, nhưng cũng là xu hướng dễ hiểu bởi sự phổ biến, thuận lợi và nhanh nhạy của FB với người dùng. Còn chuyện phía truyền thông, báo chí tiếp nhận và xử lý những thông tin đó thế nào thì còn tùy!

Hơn 1 tháng nay, Trương Nam Thành không xài FB nữa, không phải vì quá bận không có thời gian hay không phải không cho khán giả biết những công việc của mình mà do Thành muốn tạm thời rời xa cái gì đó không có thực. Thành muốn dành thời gian cho cuộc sống của mình hiện tại, thực tế hơn là chia sẻ nó trên FB.

Với lại, giờ đây Thành đã trải qua rất nhiều chuyện, Thành cũng biết cái gì tốt xấu, nên hay không nên chia sẻ trên FB. Nhưng đôi khi có những chuyện làm mình quá bức xúc, trong một lúc thiếu suy nghĩ, mình lại chia sẻ lên FB và tạo ra những lùm xùm không hay. Vì thế, tạm thời Thành không xài FB nữa. 

- Trước những chuyện đồng nghiệp nói xấu nhau, tố nhau, mắng nhau trên FB, Thành có đánh giá gì?

- Thật ra, đó là chuyện cá nhân nên mình cũng không thể bắt họ nói hay không, nói thế này chứ không nói thế khác được. Thêm nữa là sự thật đúng - sai của những lời tố cáo nhau đó thế nào thì người ngoài cũng không thể xác định nên không thể bình luận gì.

Nhưng có một điều dễ thấy là những chia sẻ kiểu tố nhau, mắng nhau của một vài trường hợp nghệ sĩ gần đây khiến cho khán giả càng nhìn về giới nghệ sĩ với thái độ thiếu thiện cảm hơn. Rằng người nghệ sĩ kém văn minh khi thứ gì cũng có thể cho lên FB được. Đôi khi chỉ vì những chia sẻ thiếu cân nhắc, thiếu tế nhị, tinh tế trên trang FB của nghệ sĩ nào đó có thể làm ảnh hưởng cả một sự nghiệp mà họ đã dày công xây dựng hay hình ảnh đẹp trong mắt công chúng trở nên phai mờ.

Nam Thành cũng từng gặp những scandal không mong muốn và những chuyện không có thật từ những chia sẻ trên FB của mình. Qua đó Thành rút ra bài học rằng nghệ sĩ dùng FB phải biết tôn trọng mình và sau đó là tôn trọng khán giả của mình, đừng vì những bức xúc cá nhân mà làm ảnh hưởng đến mình cũng như công chúng.

- Một số bạn trẻ hiện nay dùng FB để PR mình bằng cách chia sẻ những hình ảnh, status sốc?

- Như Thành đã nói FB là con dao hai lưỡi, bạn gây sốc trên đó, bạn có thể nổi lên, người ta sẽ biết tới bạn qua những gì sốc nổi. Nhưng rồi người ta cũng sẽ quên bạn rất nhanh vì bạn không có thực lực thật sự, không có gì để người ta nhớ. Thậm chí sau đó, nhiều người còn nhìn bạn bằng con mắt thiếu thiện cảm. Nếu là người thật sự yêu nghề, muốn đến với nghề thì liệu có nên PR mình như vậy không?! Thành nghĩ là không nên chút nào.

- Người ta quan niệm, FB là trang cá nhân, cũng như là ngôi nhà riêng của họ nên họ muốn làm gì, chia sẻ gì là chuyện của họ, nhố nhăng cũng được!?

- Tất nhiên, không ai có quyền cấm họ chia sẻ gì trên FB. Nhưng, nếu trên cương vị là một người bạn, người yêu hay quen biết thì thay vì viết status tố cáo, nặng lời với nhau thì việc gửi tin nhắn hoặc gọi một cuộc điện thoại sẽ hay hơn rất nhiều. Đó là với người thường thôi chứ chưa nói đến nghệ sĩ.

Và đồng ý FB là nhà bạn, nhưng nhìn vào nhà bạn, người ta cũng dễ dàng nhận ra chủ nhân của nó là người thế nào! Vậy để nhà bạn “sạch” hay “dơ” đó là tùy mỗi người!

- Với cá nhân Nam Thành, nghệ sĩ dùng FB như thế nào thì được coi là văn minh?

- Mỗi người sẽ có cách suy nghĩ riêng, một nét văn hóa riêng nên sẽ có cách dùng FB không giống nhau. Với Thành, đơn giản là khi dùng FB, bạn chia sẻ những gì cần chia sẻ trong giới hạn, chia sẻ những gì có thể khiến bạn vui và người tiếp nhận cũng vui, tránh nói chuyện cá nhân người khác trên FB mình; đó là cách dùng FB văn minh!

Thực hiện: Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng
.
.