Mai vàng xuân trước

Thứ Bảy, 21/02/2015, 19:59
Những ngày Tết xưa được chính tay ba chăm chút cho cành mai mang sắc màu của niềm hân hoan và ước nguyện mong sao xuân sang chúng tôi khôn lớn, mong cầu Tết tới mấy mẹ con được ăn ngon… giờ đã cùng ba mẹ tôi mãi đi về miền quá vãng.

Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong gia đình tôi duy nhất có ba là người đi làm. Lương thợ cả cũng đủ nuôi vợ và bầy con 7 đứa nheo nhít - con gái lớn nhất mới lên tú tài (lớp 12) cả tuần đến trường luân phiên mặc 2 tấm áo dài trắng vạt ngắn cũn cỡn ngang gối, thằng út nằm ngửa trong vòng tay mẹ tôi cong người vừa khóc vừa sặc mỗi khi có chiếc máy bay trực thăng phầm phầm quạt cánh sà xuống những mái nhà nội ô, tuôn xuống trăm ngàn mẩu giấy có in dòng chữ: “Bà con đừng nghe những gì Cộng sản nói…”.

Chỉ có thứ thanh âm sầm sầm dữ tợn đó mới đủ sức khuấy động nếp nhà êm đềm, chứ ngày ngày chúng tôi vẫn miệt mài chúi đầu vào tập sách, vô tư chạy chơi, đến bữa cơm cũng vô tư xúm xít quanh chảo rau muống xào to tướng mà mẹ tôi châm vào thật nhiều nước để làm canh chan cơm, ăn bữa trưa gối cả bữa chiều cũng đủ cho cả nhà 9 miệng ăn no nưỡng. Ngày thường ăn mặc sao cũng xong, nhưng mấy ngày Tết, với ba, phải khác. Chỉ 3-4 ngày Tết thôi nhưng con cái phải được ăn ngon để còn lấy sức mà học, rồi phải sắm cho mỗi đứa bộ quần áo mới, dù chỉ một bộ thôi, ba mẹ tôi mới không buồn là đã không lo được cho con mình bằng với con cái người ta.

Có lẽ quen rồi nhìn mẹ sáng sáng lèn chặt cơm vào lon sữa guigoz, trên phủ một góc tư cái trứng chiên tráng thật mỏng làm bữa trưa cho ba ăn được no, phần còn lại mấy mẹ con chia nhau làm bữa lót dạ, nên khi nghe ba mẹ chặc lưỡi nói với nhau: “Quay đi quay lại đã năm hết Tết đến rồi”, mấy chị em chúng tôi lại rạo rực mường tượng đến chén cơm trắng ngào ngạt mùi mỡ thấm ra từ khoanh giò thủ nhai giòn sần sật. Mường tượng ra thế và rạo rực là thế nhưng chỉ có thể nhấm nháy nhìn nhau mà toe toét cười, không tưng tưng nhảy lên mà phải dằn nỗi háo hức trẻ thơ xuống đáy lòng như cách lèn giấu khoanh giò xuống đáy chén cơm nóng, và chậm rãi nhấm nháp niềm hạnh phúc đón chờ phong vị ngày xuân mới dần hiện rõ hình hài theo bàn tay ba xé từng tờ lịch cuối cùng.

Minh họa: Hữu Khoa.

Cuối chiều 29 Tết, mẹ tôi luôn miệng hối ba lấy xe đạp chở mẹ đi mấy vòng khắp chợ Bà Chiểu. Chị em chúng tôi lua láo ăn cho qua bữa cơm chiều rồi cả đám lố nhố đứng ngồi trong sân ngóng đợi. Xe của ba vừa thắng kít trước cổng, cả lũ la á lên, ùa ra nắm hai bên ghiđông, hì hụi cùng ba mẹ khiêng vào 2, 3 cái giỏ nhựa bên dưới phồng căng su su, bông cải, càrốt, bún tàu…, bên trên bung xòe nào xà lách, hành ngò, cải ngọt, rau cần…

Mẹ tôi thở hào hển bước vào nhà sau cùng, mỗi tay mẹ giữ chặt một bó 4-5 cành mai chi chít những chùm nụ xanh tươi màu cốm. Đó là thứ mai cắt cành bán giá rẻ, được người ta trỉa ra từ một cây mai nào đó trong lúc tạo dáng cho cây, hay do người bán không thể bỏ một số vốn lớn mua vài chục gốc mai nên chỉ nhặt nhạnh từng ấy từ nhà vườn, từ các chuyến buôn sỉ để rồi bán lại cho tầng lớp thợ thuyền hầu bao nhẹ bỗng. Gian nhà ngày thường bàng bạc đơn sơ, có năm bảy nhánh mai tươi lòe xòe trong bình xem ra cũng xông xênh nhà có hoa mai chưng Tết.

Giáp Tết năm 1974, trước khi tôi sắp vào lớp một, tôi được ba dắt đi chợ hoa Tết. Chợ hoa Tết Sài Gòn họp ngay trên đường Nguyễn Huệ (bây giờ tết nào cũng trên con đường này, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phố hoa xuân). Ba chở tôi trên chiếc xe đạp khó lẫn với hàng trăm chiếc xe đạp khác nhờ một tay thắng ba tôi chế từ chuôi ống tẩu hút xì gà người ta bỏ đi, ra tới thương xá Tax, hai cha con cùng xuống xe dẫn bộ.

Ba tôi thủng thẳng ghé hết hàng mai này đến lô chậu tắc kia, tần ngần ngắm những gốc mai sù sì to cỡ bắp tay người lớn, tán mai chĩu chịt những nụ xanh căng mẩy, hỏi giá xong chỉ thấy ba lắc lắc đầu, miệng lẩm nhẩm “Mắc quá!”. Tôi lẽo đẽo đi sau, miệng há hốc trước dãy chậu tắc chùm trái vàng hực vít cong oằn cành, một tay vẫn nắm chặt yên xe để không bị lạc mất ba giữa biển người huyên náo.

Bỗng từ đâu, một đôi anh chị tôi nghe người lớn gọi là “tụi thanh niên hippy” tóc để dài như nhau, mặc áo in hoa to bó chẽn tấm lưng, quần jean xanh dày cộp bó thít tới ngang đầu gối rồi tõe ra thành đôi ống xùm xòe như váy, vì mải nhả nhớt nói cười mà lủi sầm vào tôi. Anh trai vừa đưa tay ra chắc có ý xoa đầu tôi thì rụt phắt ngay lại vì bị ba tôi táng bốp vào đầu, giọng ba gầm lên: “Tiên sư bố chúng mày! Hai đứa lớn đầu tính ăn hiếp thằng nhỏ hả!”. Tôi rúm cả người lại vì sợ ba tôi đánh nhau với người ta, vậy mà hai anh chị nhìn dị hợm như thế trước điệu bộ như hùm như hổ của ba chỉ líu ríu: “Chú cho con xin lỗi!...”.

Thời ấy, chắc Sài Gòn ngoài đường giăng đầy thứ văn hóa ngoại lai Âu - Mỹ trong khi người lớn một lòng giữ cho nếp nhà thanh sạch mà khinh ghét ra mặt trào lưu hippy. Nhưng lần giáp mặt bất đắc dĩ đôi anh chị hippy đó, tôi thấy họ không hề bặm trợn côn đồ vì ít ra đã biết nói lời xin lỗi. Họ chỉ hippy trong cách phục sức, kiểu nói cười nhưng vẫn biết kính trên nhường dưới…

Lần dạo chợ hoa năm ấy, cuối cùng ba tôi cũng chọn được cặp chậu cúc tây hoa đơm đủ màu đỏ, cam, hồng, tím. Một chậu ba tôi lấy dây ràng chếch trên ghiđông xe, chậu còn lại buộc ghé lên một nửa yên sau, nửa còn lại đủ nhét vào thằng con ngơ ngáo. Thật là vui thích vì tôi được nép sát vào lưng ba lại còn được ba mua cho một gói mía hấp, nhón nhai một khoanh, hương lá dứa ngát thơm khoang mũi cùng vị nước mía ngọt thanh và ấm nóng tứa tràn vòm miệng.

Tháng cuối cùng của năm 1974, cậu tôi lễ mễ đem về từ Phú Quốc một cây mai nhánh thẳng, lá to và dài “biếu anh Tư”- vì ba vốn thương  mấy ông em vợ như em ruột, trong khi cậu biết ý ba tôi, người vốn con nhà nông nên thích trồng tỉa trên thửa đất bé tí tẹo trước nhà bụi chuối sứ, gốc xoài, mấy cây bù ngót, rồi bắc cả giàn cho dây mướp hương leo lên xoắn xít. Ba không đem trồng gốc mai Phú Quốc vào chậu mà đào một lỗ lớn giữa thửa đất ấy, tháo lớp bẹ chuối khô ôm giữ bó đất của gốc mai, nhẹ nhàng đặt xuống, rồi cặm cụi xúc phân gà khô rải quanh trước khi lèn lấp đất.

Đúng ngày rằm tháng Chạp, tôi tròn mắt nhìn ba dậy sớm ơi là sớm, ra vườn tỉ mẩn lặt bỏ từng chiếc lá to xanh. Vừa rung nhẹ những nhánh mai vươn tay thẳng đuột hứng từng sợi nắng mai, ba tôi vừa giải thích: “Phải làm vầy cho mai đâm chồi, ra hoa đó con!”. Chiều 29 Tết năm đó, chở mẹ đi “vét chợ” về xong, ba tôi bới một tô cơm đầy bưng ra vườn, vừa ngồm ngoàm xúc cơm ăn, vừa đi quanh gốc mai từ cành dưới thấp đến ngọn trên cùng đặc kín những chùm nụ xanh óng biếc, ba hể hả cười cùng cơm đầy trong miệng: “Giống mai rừng này cho bông đẹp lắm, mỗi bông 8-9-10 cánh, có khi hơn…”.

Sáng 30 Tết, ba tôi dùng cưa gỗ cưa chéo thân mai, chừa lại đoạn gốc cao gần hai gang tay của tôi, rồi cung tay, khom lưng vác cây mai vào sân nhà, cẩn trọng như hội đình người ta vác lọng. Mẹ tôi và anh ba cùng đỡ lấy cây mai, chìa phần gốc ra, chờ ba quấn một nhúm giẻ, nhúng dầu hôi, bật quẹt. Đóm lửa phừng lên, ba tôi đưa lại gần gốc mai, nhựa cây từ vết cưa gặp lửa nóng phun xèo xèo. Thấy tôi và chị kế sán lại, ba trừng mắt: “Coi chừng phỏng!”, rồi tức thì ông đấu dịu nói với cả nhà: “Phải đốt vậy cho sớ gốc nở ra, nó mới hút nước nhanh. Cây mai cắm bình to như vầy, nước đưa lên không đủ là nụ mai sẽ khô, dễ rụng. Đầu năm để mai rụng nụ là không hên!”.

Rồi cả bầy thê tử lóc cóc theo chân ba, nín thở nhìn ba cắm cây mai vào chiếc bình sứ men trắng đặt trên đầu chiếc tủ buýtphê do chính tay ba tôi đóng.

Đây có lẽ là lần đầu tiên nhà tôi được chưng một cây mai đàng hoàng, bề thế nên trong lúc mấy chị lăng xăng nhón chân treo lên vài tấm thiệp xuân thì ba tôi, nhìn thấy có mấy nhánh mai dài quá, quệt vào bức tường loằng ngoằng vệt nước mưa dột, nhẹ nhàng cắt từng nhánh nhỏ, đem cắm vào 3 chiếc bình trên bàn thờ thờ Phật Quan âm, Bà Tổ cô và ông nội.

Đêm ba mươi, thời gian chậm rãi đếm từng bước một, mẹ tôi trịnh trọng bày lên bàn cúng giao thừa đĩa xôi nếp đồ cùng đậu xanh đãi vỏ, mà mẹ tôi nói đó là xôi hoa cau. Vòm lá mận xanh ngoài hiên bồi hồi cựa mình rắc xuống những nhụy hoa trắng muốt, rơi vào đôi đèn cầy đội ngọn lửa bập bùng, xèo xèo tỏa lên sợi khói ngan ngát mùi nhựa mận. Trong bình, thật nhiều khóm mai nụ căng mẩy hé mắt vén lớp đài xanh phô sắc vàng lấm tấm như có tay ai trám lên cành lên nhánh mấy nắm xôi hoa cau… Trong thanh khiết của ban mai mồng một Tết Ất mão năm 1975, tôi hấp háy đôi mắt ngái ngủ, đáy mắt chập chờn ánh vàng mà cứ tưởng nắng sớm giở mái tôn xòa vào tận giường. Nghe tiếng người xuýt xoa, tôi choàng tỉnh. Ba mẹ đã thức, rồi lục tục đến mấy đứa con, nhưng ai nấy đều khẽ khàng cả hơi thở, ngỡ ngàng ngắm sắc vàng mai rừng rực bừng sáng cả căn nhà.

Tiếp sau mùa xuân ấy là những cái tết ngằn ngặt trong từng khoản chi tiêu, vậy mà ba mẹ tôi tài lắm, cũng lo cho mâm cơm cúng gia tiên và mấy miệng ăn chúng tôi đang tuổi lớn có đĩa thịt kho (mỡ nhiều hơn thịt), tộ cá chưng tương (bã tương nhiều hơn cá) và tô canh rau cần nấu với tôm khô vụn

Riêng gốc mai Phú Quốc năm trước được ba chăm chút tưới tắm, nảy tược sinh cành, ba tôi lại chiết ra, thế là 5-6 cây mai con lại hồn nhiên lớn lên nhờ công ba chăm bón bằng lá mục, phân gà, và cả xác chuột để cảnh nhà dù phải đón tết trong thanh bần cũng nương vào cây mai rực rỡ mà đượm màu phú quý. Tết nào cũng vậy, ba tôi lại ra vườn chọn cây mai khỏe nhất, dáng đẹp nhất, rồi lụi hụi đốt gốc, lụi hụi cắm vào chiếc độc bình, để sáng mồng Một Tết mỉm cười ngồi ngắm đàn con thi nhau tìm ra bông hoa mai nào có nhiều cánh nhất. Mấy anh chị em chúng tôi có lệ được bao nhiêu tiền lì xì mừng tuổi là xâu sợi chỉ các phong bao, treo điểm xuyết cho các nhánh mai thêm sắc xuân hồng đỏ.

Sáng mùng hai, mùng ba, những phong bao xoay xoay trong gió như cánh bướm đỏ chấp chới bay giữa nõn xanh mượt mà của lộc mai non và bao nhiêu đóa mai khai hoa viên mãn. Rồi phải đến mùng tám, mùng mười, khi cành mai chỉ còn lại tuyền màu xanh ngọc của các khóm đài hoa cùng nhiều chùm lá non bóng ngời, ba mẹ tôi mới tháo những phong bao đó xuống, đếm cho các con xem sang năm mới được nhận bao nhiêu lộc rồi cuộn từng tờ bạc đút vào con heo đất.

Những ngày Tết xưa được chính tay ba chăm chút cho cành mai mang sắc màu của niềm hân hoan và ước nguyện mong sao xuân sang chúng tôi khôn lớn, mong cầu Tết tới mấy mẹ con được ăn ngon… giờ đã cùng ba mẹ tôi mãi đi về miền quá vãng. Nhà riêng của tôi giờ có sân trước vườn sau nên tôi cũng tập tành bắt chước ba giữ lại gốc mai mua từ mùa trước, rồi cũng chăm chăm thay đất, bón tưới, tỉa cành. Nhưng cây mai xuất thân từ nhà vườn thời ăn xổi, quen ăn đẫm các loại phân sinh học, thuốc tăng trưởng… nên vào xuân trước bông đơm tưng bừng rực rỡ thì xuân sau chồi nụ hờ hững eo sèo.

Đâu đó trên tầng không, có nhìn xuống cảnh này chắc ba tôi lại cười xòa, nhắn nhủ rằng, chỉ có ba thôi, là người quanh năm phải đổ bao công khó mới có ngày mang được nhành lộc biếc vào nhà, cho từng đóa mai vàng tân xuân luôn rạng sắc thắm tươi hơn mùa xuân trước…

Kính dâng hương hồn ba mẹ!

Nguyễn Sĩ Tuấn
.
.