Xin người lớn hãy sống lại!

Thứ Sáu, 20/05/2016, 23:47
Cách đây vài ngày trên mạng xã hội chia sẻ video một nữ sinh tát bạn liên tiếp gần 50 cái làm chảy máu mũi giữa lớp học. Việc này khiến nhiều phụ huynh có con đang học THCS thấy vô cùng bức xúc và hoang mang...


Chị Ngô Anh Yến (Giáp Bát, Hà Nội): Thưa nhà báo, cách đây vài ngày trên mạng xã hội vừa chia sẻ video một nữ sinh tát bạn liên tiếp gần 50 cái làm chảy máu mũi giữa lớp học. Việc này khiến một phụ huynh như tôi cũng có con đang học THCS thấy vô cùng bức xúc và hoang mang. Hiện tượng học sinh bạo hành bạn có dấu hiệu gia tăng và mức độ nguy hiểm cũng ngày càng tăng lên. 

Giờ đây có rất nhiều lý do cá nhân để một học sinh đánh bạn của mình một cách không thương tiếc. Không phải chỉ là hành động thiếu kiểm soát bột phát tức thời khi học sinh mâu thuẫn, ở đây việc học sinh tát bạn đến 50 cái tới chảy máu hay những vụ đánh hội đồng giữa các học sinh,.. đã phần nào mang tính hành xử giang hồ, có màu sắc "xã hội đen" ngay trong bầu không khí học đường là một điều thật đau lòng. 

Thêm nữa, như một số vụ đánh hội đồng bạn học trước đây, vụ tát bạn này diễn ra ngay tại lớp (nữ sinh bị đánh cũng đang mặc đồng phục của trường) mà xung quanh nhiều học sinh khác chứng kiến, còn ghi hình lại. Thậm chí trong video còn có tiếng reo hò cổ vũ của học sinh xung quanh, đó là điều không thể chấp nhận.

Tôi thực sự không hiểu nổi sao những học trò của chúng ta giờ đây hành xử với nhau như thế? Và trách nhiệm, vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội ở đâu? Để chấm dứt chuyện này thì chúng ta phải bắt đầu từ đâu?... Nhà báo có thể cho chúng tôi những suy nghĩ về vấn đề này?

Nhà báo Minh Đức: Thưa chị Ngô Anh Yến, tôi đã đọc hai lần câu hỏi của chị cho dù tôi không muốn đọc hết. Bởi chính câu hỏi của chị vừa làm tôi hoảng sợ vừa làm tôi rơi vào ít nhiều hoang mang. Câu hỏi của chị chính là một hiện thực đang làm cho người lớn chúng ta lo sợ về tương lai của những đứa trẻ và sự bất an càng ngày càng tăng lên trong đời sống chúng ta.

Thưa chị, theo thống kê của các cơ quan chức năng và các tổ chức nghiên cứu xã hội, chúng ta thấy bạo lực trong thanh thiếu niên càng ngày càng tăng. Càng ngày chúng ta càng chứng kiến những tội ác kinh hoàng của tuổi vị thành niên như giết người thân trong gia đình vì không được đáp ứng những đòi hỏi vô lý của chúng, giết người cướp của, giết bạn cùng trường vì một vài mâu thuẫn nhỏ, chửi bới ông bà, cha mẹ, chửi bới và đe dọa thầy cô.

Với những tội ác như thế thì việc những học sinh lột quần, lột áo bạn học rồi đánh đập dã man và quay video clip đưa lên mạng xã hội là việc làm không gây ngạc nhiên. Đánh đập bạn học một cách không mảy may thương tiếc làm cho chúng ta kinh sợ. Kinh sợ hơn là chúng thản nhiên quay video clip rồi đưa lên mạng xã hội như một trò tiêu khiển. Khi những đứa trẻ đã phạm tội ở mức đó thì lòng nhân ái đã xóa sạch trong tâm hồn chúng và thay vào đó là sự độc ác giá lạnh. 

Với sự độc ác như vậy thì đến một ngày nào đó chúng có thể cầm dao đâm một cách tự nhiên vào người khác mà chẳng cần suy nghĩ. Và đến một ngày nào đó, những đứa trẻ ấy có thể đâm vào chính những người thân yêu trong gia đình chúng. Chuyện này chẳng có gì lạ lùng cả. Đó là một logic và đó là hiện thực mà chúng ta đã từng biết đến trong những năm gần đây.

Câu hỏi chị có nói đến cảnh những học sinh đánh hội đồng và những học sinh khác đứng hò reo tán thưởng. Một hình ảnh man rợ và nhiều thú tính mà cách đây mấy chục năm chúng ta không hình dung ra. Nhưng tất cả những điều kinh hoàng ấy đều lần lượt trở thành sự thật. Sự vô cảm, giá lạnh và độc ác của những đứa trẻ không chỉ là của một cá nhân mà là của một nhóm những đứa trẻ. Đó là sự lây lan của độc ác. Sự lây lan này đang ngày một phát triển và chưa hề có dấu hiệu dừng lại.

Chị hỏi tôi vì sao những đứa trẻ lại độc ác như vậy? Câu trả lời mà tôi tin chị cũng đã trả lời. Việc chị hỏi chúng tôi là biểu hiện của sự hoang mang tột độ về những điều tồi tệ ấy. Trong cách hỏi ấy chứa cả sự không muốn tin vào hiện thực ấy. Nhưng thật đau đớn là đó là hiện thực mà không ai phản bác được. Tất cả là bởi người lớn của chúng ta. 

Người lớn là các bậc ông bà, cha mẹ. Người lớn là các thầy cô trong nhà trường. Người lớn là chúng ta trong công sở, trên đường phố và ở tất cả những nơi công cộng. Người lớn là những người hoạch định chiến lược giáo dục. Người lớn là người quản lý xã hội. Chúng ta đã gieo hạt nào thì gặt quả ấy.

Đã mấy chục năm nay, đặc biệt từ thời đất nước mở cửa, chúng ta quả thực lao như thiêu thân vào mục đích vật chất. Hầu hết mọi định giá của người lớn chúng ta trong đời sống là bằng tiền. Thăng quan tiến chức bằng tiền, bằng cấp mua bằng tiền, xin điểm bằng tiền, xin việc bằng tiền, xin bằng khen nhiều khi cũng bằng tiền, xin danh hiệu cũng bằng tiền...

Khi con người ứng xử với nhau bằng tiền thì tình thương yêu, sự cảm thông chia sẻ, sự tha thứ... sẽ dần dần không còn nơi trú ngụ trong con người nữa. Khi người lớn giảm đi lòng tham thì trẻ con sẽ bớt đi lòng tham. Khi người lớn giảm đi sự ích kỷ thì trẻ con bớt đi sự ích kỷ. Khi người lớn giảm đi sự vô cảm thì trẻ con giảm đi sự vô cảm. Và khi người lớn tăng thêm lòng nhân ái thì trẻ con sẽ tăng thêm lòng nhân ái. Tất cả những gì mà con em chúng ta đang làm là bởi chúng ta đã và đang làm điều đó.

Vấn đề giáo dục thanh thiếu niên chúng ta phải làm lại như từ đầu. Chúng ta sẽ làm bằng cách nào? Rất đơn giản nhưng lại vô cùng khó khăn: người lớn chúng ta phải sống lại. Chúng ta phải thay đổi cách sống của mình. Chúng ta chính là những người tạo ra môi trường sống cho gia đình, nhà trường và xã hội. 

Hay nói chính xác hơn là chúng ta là môi trường sống mà thanh thiếu niên sống trong môi trường ấy và bị ảnh hưởng lớn nhất từ môi trường ấy. Nó đơn giản như vậy. Nếu hầu hết những người lớn sống chân thành, tôn trọng yêu thương nhau, công bằng, yêu thiên nhiên, biết khát vọng... thì môi trường ấy sẽ là một môi trường của nhân ái và văn minh. Và khi những đứa trẻ lớn lên trong môi trường ấy chúng sẽ mang một tâm hồn trong sạch.

Xin người lớn hãy sống lại!

ANTG Giữa tháng số 100
.
.