Giáo sư - Tiến sĩ Ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân:

“Xã hội thay đổi thì ngôn ngữ cũng thay đổi”

Thứ Ba, 22/11/2011, 14:49
"Xã hội thay đổi, thì từ ngữ cũng thay đổi. Nhận thức của con người về một sự kiện thay đổi thì phạm vi sử dụng một từ ngữ cũng thay đổi. Có nhiều từ, lúc đầu dùng ít, sau dùng rất nhiều và rồi lại dùng rất ít, dù nhà quản lý muốn dùng nhiều cũng không nổi."  Giáo sư, Tiến sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân nói về sự thay đổi của ngôn ngữ.

- Cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” vừa bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi. Theo ông, cuốn sách này phản ánh điều gì về đời sống ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay?

 - Một bộ phận giới trẻ hiện nay thường muốn tự khẳng định, trước hết về ngôn từ. Hầu hết chưa thể tạo ra những sáng tác đích thực nên họ thường dựa vào những cái đã có để tạo ra những cách nói vui, cách nói khác người lớn và “mới lạ”. Đó chỉ là những cách nói một thời.

Chả cứ giới trẻ hiện nay mà giới trẻ thời xưa cũng vậy. Họ luôn luôn “sáng tác” ra những câu nói mới, bài hát mới mà nhà quản lý thường bảo đó là xuyên tạc. May mà những “sáng tác” này không được công bố, xuất bản thành sách nên dần dần bị lãng quên. 

Bài hát động viên khỏe vì nước với câu “Anh nghe chăng cùng kèn rạng đông/ Giơ tay lên nào xem…” bị chế biến thành bài hát vui về râu: “Anh em ta tri kỷ vì râu/ Giơ tay lên nào xem râu đâu/ Ơ cái râu xồm xoàm, ơ cái râu xồm xoàm, cái râu mọc quanh cái mồm…”. 

Lời ca “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh” cũng bị hát trẹo thành lời cho một đám ma: “Chết rồi, đem cho vào áo quan... thằng chết đi đằng trước, thằng sống đi đằng sau…”. Năm 1946, ngay cả Tiến quân ca cũng bị hát chệch đi nhằm châm biếm quân Tầu Tưởng đói rách, phù thũng vào Bắc Bộ thay Pháp giải giáp quân Nhật: “Đoàn quân Tầu ô đi/ Sao mà ốm đói/ Dắt chân phù sang đây ăn hại Việt Nam…”. Bây giờ có ai còn nhớ nữa đâu? Có gây hại ghê gớm gì đâu?

- Với những cuốn sách như “Sát thủ đầu mưng mủ”, nhìn dưới góc độ ngôn ngữ học, theo ông có nên thu hồi không, vì sao thưa ông?

- Những câu trong sách này chưa đạt tới chuẩn của thành ngữ. Số câu hay và sáng tạo, như: “Đã siđa còn xông pha hiến máu”, rất hiếm. Chúng nhái lại nhiều thành ngữ, tục ngữ theo cách nói vần vè, phần lớn vô nghĩa, chủ yếu để gây cười. Lại có một hai câu gây cười vô ý thức, xúc phạm tới người khác, chẳng hạn: “Bộ đội phải chơi trội”; “Hận đời cắt tóc đi tu, nghĩ đi nghĩ lại đi tù sướng hơn”. Nhìn chung, chúng là những “ranh ngôn” cho tuổi teen.

Không thể cấm được những nhu cầu. Trong thần thoại Hy Lạp, một ông vua có cái tai lừa. Người thợ hớt tóc cho nhà vua biết điều này, nhưng bị cấm nói cho mọi người biết. Bức xúc quá, anh ta đào một cái hố sâu, nhảy xuống đó và hét lên: “Vua Midas có cái tai lừa!”. Thế là âm vang lòng đất và lau sậy rì rào truyền đi. Rốt cuộc mọi người đều biết.  Thu hồi Sát thủ đầu mưng mủ là cách “quảng cáo” hiệu quả nhất cho nó. Lẽ ra cứ lẳng lặng rút nó khỏi quầy bán sách. Vậy thôi!

 - Có nhiều từ, ngữ được sinh ra trong một bối cảnh xã hội nhất định, khi bối cảnh xã hội đó không còn nữa, thì nhiều từ, ngữ cũng biến mất. Theo ông, có nên để ngôn ngữ “sinh tồn” theo cơ chế “kiểm duyệt tự nhiên” hay là các nhà quản lý phải can thiệp vào?

- Xã hội thay đổi, thì từ ngữ cũng thay đổi. Nhận thức của con người về một sự kiện thay đổi thì phạm vi sử dụng một từ ngữ cũng thay đổi. Có nhiều từ, lúc đầu dùng ít, sau dùng rất nhiều và rồi lại dùng rất ít, dù nhà quản lý muốn dùng nhiều cũng không nổi. Từ “đồng chí” là một ví dụ.

Trong văn học Việt Nam trước cách mạng Tháng Tám, từ này chỉ xuất hiện một hai lần trong Giông tố của Vũ Trọng Phụng. Sau tháng 8/1945, nó trở thành từ cửa miệng của nhiều người. Nay từ này chỉ xuất hiện trong một số văn bản sách báo chính thống, hầu như không còn trong khẩu ngữ xã hội nữa. 

Vậy nên các nhà quản lý có thể ra lệnh “cấm nói, cấm dùng” những từ ngữ nào đó, hay tịch thu sách, nhưng đó không phải là những biện pháp hiệu quả và khôn ngoan. Từ ngữ vẫn tồn tại và phát triển theo quy luật tất yếu của nó. Càng cấm đoán không hợp lý càng phản tác dụng. 

- Để giới trẻ biết nâng niu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và phát huy tiếng Việt ngày càng giàu, đẹp, vai trò của nhà trường và các phương tiện truyền thông trong việc định hướng ngôn ngữ cho giới trẻ phải như thế nào, thưa ông?

 - Người lớn là tấm gương, có ảnh hưởng mọi mặt và rất quan trọng tới trẻ em, từ đạo đức, lối sống tới ngôn từ. Tiếng Việt ngày càng dở đi. Điều này dễ thấy qua những văn bản phát ra từ các cấp chính quyền. Người lớn không coi trọng ngôn từ, trẻ em tất cũng vậy. Cho nên, để giới trẻ biết nâng niu trân trọng tiếng Việt, trước hết cần có những biện pháp cụ thể, quyết liệt để người lớn coi trọng tiếng Việt.

Hãy bắt đầu bằng việc đưa tiếng Việt thành một môn trong thi tuyển công chức. Tư duy tốt thì ngôn từ sẽ chuẩn. Vậy điều quan trọng nhất là nâng cao năng lực tư duy, năng lực tư duy phản biện, trong xã hội chúng ta, nhất là của các quan chức. Cần nghiên cứu đưa môn lập luận vào trong trường phổ thông.

Với học sinh, hãy dùng quyền của người thầy buộc các em phải viết chuẩn. Chẳng hạn, nếu trong bài kiểm tra tiếng Việt yêu cầu học sinh kể ra một số tục ngữ, thành ngữ, học sinh nào viết “ăn trong nồi, ngồi trong xó”, “cái khó ló cái ngu”… thầy cô hãy cương quyết cho điểm thấp nhất.

Hãy dùng quyền của người tuyển chọn, gạt ngay khỏi cuộc thi những ai trả lời phỏng vấn xin việc theo kiểu “sát thủ đầu mưng mủ”. Ở bất cứ môn học nào, thầy cô cũng nên đòi hỏi học sinh phải dùng thứ tiếng Việt chuẩn

Nguyệt Lãng- Hoàng Nhân
.
.