Có bình yên nào mà không xót xa:

Vợ chồng nhà báo Hữu Thọ - Trần Thị Trâm: Vợ chồng phải biết hàm ơn nhau

Thứ Tư, 28/01/2009, 09:00
Không khí Tết Nguyên đán Kỷ Sửu đã ăm ắp trong ngôi nhà xinh đẹp ở ngõ số 6 phố Lê Thánh Tông (Hà Nội) từ những ngày đầu tiên của tháng Chạp này.

Ngay khi bà Trần Thị Trâm, người vợ đã sống với nhà báo Hữu Thọ 47 năm trong cuộc hôn nhân hạnh phúc hé mở cánh cửa sắt, sau lưng bà, bình hoa đào phai nở sớm đặt bên cạnh khay hoa quả đựng những trái bưởi Diễn vàng xuộm nắng trên bàn thờ ngoài trời ngay bậc tam cấp bước vào nhà thì chao ôi, Tết đã hiện hữu rõ rệt nơi đây rồi.

Tôi bước vào nhà, các phòng, những lọ hoa đã đầy chật những cành dơn đỏ thắm. Bà Trâm nét mặt tươi rói, chỉ vào những bình hoa lộc và cười: Là người Việt, Tết cổ truyền vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa.

Chính vì thế mà sang tháng Chạp, nhà tôi đã bắt đầu mua đào, mua dơn cắm khắp các phòng. Tôi muốn cả nhà, các con cháu cảm nhận mùa xuân đến sớm hơn, Tết kéo dài hơn ở ngay trong ngôi nhà mình.

Bà Trâm pha trà nóng mời tôi và gọi chồng là nhà báo Hữu Thọ xuống nhà tiếp khách. Bà vội vã quay trở lại bếp núc, với công việc mà tôi có cảm giác như bà dồn vào đó bao yêu thương và sự chăm chút ấy là lo bữa cơm trưa cho ông và bữa cơm chiều cho cả gia đình.

Lần nào tôi đến nhà ông bà cũng thấy ông ngồi ở bàn làm việc với chồng sách báo ngổn ngang, còn bà lúi húi ở bếp. Lúc nào cũng vậy, một khung cảnh ấm áp thân thương của đôi vợ chồng già, mà người vợ suốt đời nép mình một bên, lui mình xuống bếp nhường chỗ cho chồng, bàn tay người vợ luôn lo toan cơm áo, thu vén bữa ăn giấc ngủ cho chồng và con.

Đến đây, nhìn ông bà, tôi có cảm giác như tìm được ở đây một khung cảnh gia đình trí thức thuần Việt ở Hà Nội trong các mối quan hệ vợ chồng, cha con, ông bà và các cháu. Tôi nói điều đó với nhà báo Hữu Thọ, ông cười lớn. Ông bộc bạch cùng tôi, rằng một gia đình, một cuộc hôn nhân hạnh phúc đến đầu bạc răng long như ông bà đây cả hai người đều phải nhường nhịn nhau, bảy tám bỏ làm mười.

Nhà báo Hữu Thọ kể về vợ với những câu chuyện chứa đầy sự hàm ơn trong tâm trạng của một người chồng luôn biết ơn công lao của vợ. Ông bà lấy nhau từ năm 1962, quen nhau từ Trường Trung cấp Báo chí khóa đầu tiên. Hồi ấy bà Trâm học cùng với nhà báo liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý, Lý Biên Cương.v.v.

Còn nhà báo Hữu Thọ thì đã tác nghiệp, đến trường báo cáo kinh nghiệm công tác cho lớp sinh viên học tập. Quen nhau, cảm mến rồi yêu thương, chính cuốn sách đầu tiên của nhà báo Hữu Thọ "Cô gái Thôn Bạt" bà Trâm mua ở hiệu sách Tây Bắc và làm quà cho tác giả đã viết nó là người yêu của mình.

Thời kỳ ấy, bà Trâm xung phong lên Tây Bắc công tác, nhà báo Hữu Thọ làm việc tại Hà Nội. Thư đi thư lại cho nhau, kết hôn rồi lại xa nhau biền biệt vì nhà báo Hữu Thọ đi chiến trường.

Những năm tháng ở chiến trường Khu 4, vợ ông, nhà báo Trần Thị Trâm đã ghé vai gánh đỡ cho ông mọi việc hiếu nghĩa của gia đình. Một tay bà thay ông chăm nom nâng giấc bố mẹ chồng, và nuôi nấng hai đứa con nhỏ để ông yên tâm công tác.

Vừa nuôi bố mẹ chồng, vừa chăm sóc con nhỏ, nhưng bà Trâm luôn có một chí tiến thủ rất tốt. Bà tiếp tục học Đại học hàm thụ trong chiến tranh. Có những lần, khi nhà báo Hữu Thọ đi công tác về, nhìn thấy vợ mình đang đạp xe chở hai đứa con nhỏ vào nhà trẻ của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân để gửi con ở đấy cho kịp lên lớp học. Hình ảnh người vợ tảo tần, lo toan, đảm đang mọi việc luôn đọng mãi trong tâm trí của ông những ngày vợ chồng xa nhau.

Là vợ chồng cùng nghề, có thuận lợi là hiểu nhau, thông cảm và chia sẻ cho nhau rất nhiều. Nhưng cùng nghề cũng có sự khó chịu riêng, ấy là khi một nửa của nhau lại chính là độc giả khó tính nhất trước những bài báo của người bạn đời.

Nhà báo Hữu Thọ phải thừa nhận rằng, ông chưa từng gặp một độc giả nào khó tính, khắt khe và đòi hỏi cao ở ông như chính người vợ của mình. Không có một bài báo nào của ông viết ra trước khi đưa đến toà báo mà vợ ông không đọc trước.

Bà vốn là một người biên tập giỏi, giàu kinh nghiệm, chính vì vậy, dù nhà báo Hữu Thọ tên tuổi nổi tiếng và xuất sắc đến đâu, khi đọc bài ông, bà vẫn bắt lỗi như thường. Thế mà lỗi nào bà bắt, dù khó chịu đến mấy thì ông vẫn phải tâm phục khẩu phục.

Nói về cuộc hôn nhân đã gần tròn 50 năm của mình, nhà báo Hữu Thọ rút ra những chiêm nghiệm: Vợ chồng sống được bên nhau hạnh phúc trăm năm nào đâu có dễ. Ngay như vợ chồng ông, tính khí hai người cơ bản khác nhau. Ông nhỏ nhẹ, ít lớn tiếng, thì bà lại nóng nảy, bộc trực.

Nhiều khi ông bà cũng bực mình nhau lắm, còn có những khi bất đồng quan điểm nữa đấy. Nhưng rồi hầu hết những lần cãi vã, giận nhau ông đều nhường bà hết. Tính bà thẳng, nóng, và dễ lấn lướt, chính vì vậy phải có một người nhường.

Để nhường được cũng khó lắm chứ, nhưng lúc nào khó quá, nhà báo Hữu Thọ lại nhớ tới những năm tháng đi chiến trường, vợ ông thay ông chăm bố mẹ chồng, chăm các con, ơn nghĩa chồng vợ sâu hơn biển cả, cao hơn núi thì cớ gì ông không nhường bà được.

Và thế là ông nhịn bà, nhường bà, chín bỏ làm mười, để gia đình ông bà luôn được yên ấm và hạnh phúc. Nhìn vào cuộc sống của hai ông bà, không ai không mơ ước được như vậy. Hai vợ chồng đều thành đạt, 3 đứa con trưởng thành, giỏi giang và họ đều có một cuộc sống khá giả.

Năm nào cũng vậy, đại gia đình ông có lệ cứ trưa ba mươi Tết là vợ chồng con cái cháu chắt họ hàng quây quần tụ tập tại nhà ông bà để cúng gia tiên và ăn bữa cơm tất niên. Sáng mồng một Tết, vợ chồng con cái cháu chắt tụ họp lại chúc Tết và mang quà Tết cho ông bà, sau đó mới đi đâu thì đi.

Đã thành lệ như vậy, các con ông bà dù có quyền cao chức trọng đến đâu, bận bịu việc nhà chồng, nhà vợ, lễ nghĩa anh em bạn bè đến đâu thì sáng 30 và mồng 1 Tết đều không thể vắng mặt tại nhà bố mẹ đẻ.

Nếp sinh hoạt ấy đã là truyền thống của gia đình nhà báo Hữu Thọ và đó cũng là nét đẹp văn hóa từ bao đời nay của con dân đất Việt trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền

.
.