Virus!

Chủ Nhật, 01/03/2020, 14:12
Đất nước Trung Quốc khổng lồ đang phải gồng mình để chống lại một kẻ thù gần như vô hình: virus Corona 2019...

Một chiến dịch kiểm soát chưa từng có

Thế giới đang chứng kiến một chiến dịch kiểm soát chưa từng có trong lịch sử loài người: trong nỗ lực cực hạn nhằm khống chế dịch bệnh, khoảng 780 triệu người dân Trung Quốc, có nghĩa là hơn một nửa dân số nước này, đang chịu một số dạng kiểm soát đi lại, phong tỏa nhằm hạn chế sự lan rộng và lây nhiễm của virus Corona 2019.

Con số khổng lồ này được tờ New York Times phân tích dựa trên các lệnh phong tỏa ở những mức độ khác nhau mà các tỉnh, thành phố của Trung Quốc đã chính thức công bố.

Nếu như xét đến một thực tế là nhiều khu dân cư và địa phương của Trung Quốc còn đưa ra những quy định giới hạn đi lại riêng rẽ thì con số thực tế những người bị giới hạn còn nhiều hơn ước tính 780 triệu người.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trước công chúng kêu gọi phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: L.G.

Để có thể kiểm soát được một lượng người có thể nói là lớn nhất trong lịch sử này, Trung Quốc đã huy động tối đa bộ máy chính quyền ở các cấp, đồng thời thực thi tinh thần “chiến tranh nhân dân” mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi trong phòng chống dịch Covid-19. Một lượng nhân lực khổng lồ đã được huy động.

Chẳng hạn, theo New York Times, thành phố Chiết Giang với dân số 60 triệu người cần 330.000 nhân lực, Quảng Đông ở phía Nam Trung Quốc kêu gọi được 177.000 người, Tứ Xuyên ở phía Tây  được 308.000 người, Trùng Khánh được 118.000 người.

Các ủy ban và tổ tự quản ở địa phương trở thành lực lượng mũi nhọn trên tiền tuyến chống dịch. Các tổ hay ủy ban này thay chính quyền giám sát các khu dân cư, duy trì trật tự ở địa phương, dựng các chốt chặn, kiểm tra người phải cách ly, điều phối việc cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm, tiếp nhận số liệu về nhiệt độ, vị trí của những cư dân vốn phải báo cáo hằng ngày cho các nhân viên y tế.

Nhiều thành phố đã ra lệnh cho mỗi gia đình chỉ được một người ra ngoài vài ngày một lần (dẫn đến tình cảnh gia đình có người hóc xương cũng không thể đi viện do không có người đưa đi). Các khu dân cư phải cấp “giấy thông hành” tạm thời để kiểm soát số người ra ngoài mỗi ngày. Chính quyền nhiều thành phố lớn đã chính thức ra lời kêu gọi người dân ở lại trong nhà để giảm bớt khả năng lây truyền dịch bệnh. Các ga tàu cấm hành khách vào thành phố nếu không chứng minh được đang sinh sống và làm việc tại thành phố đó.

Tại nhiều vùng nông thôn, các ngôi làng bị chặn lối vào bởi các trạm kiểm soát, hàng rào tạm hoặc xe cảnh sát.

Nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ tại khu dân cư ở Vũ Hán. Ảnh: L.G.

Toàn bộ đất nước rộng lớn với 1,4 tỷ dân đang trở thành chiến trường mà kẻ thù chính là loại virus chết chóc nhỏ đến mức mắt người không nhìn thấy nhưng đã lan tỏa cái chết cho hàng ngàn người, đồng thời gieo rắc nỗi sợ hãi trên khắp thế giới. 

Những nhà tiên tri

Nhưng, đây không phải là nỗi sợ mới nảy sinh. Nó đã được cảnh báo rất nhiều lần, trong lịch sử nhân loại và qua những học giả, nhà văn hay nhà khoa học, những người thực sự là “tiên tri” mà không cần phải đưa ra những câu sấm ngôn mơ hồ kiểu như Nostradamus.

Trải qua những bước phát triển và tiến hóa trong hàng ngàn năm, con người đã đúc kết được 4 loại “kẻ thù” chung đáng sợ nhất của mình: thủy, hỏa, đạo, tặc. Nạn lũ lụt (thủy), cháy (hỏa) hay cướp bóc (tặc) thường xuyên diễn ra và có thể gây nên những thiệt hại trầm trọng cho con người, đe dọa cuộc sống của những cộng đồng người, thế nhưng vẫn chẳng thấm vào đâu so với kiếp nạn thứ ba, đạo (dịch bệnh). Tuy tần số không nhiều bằng 3 thứ kiếp nạn kia nhưng mỗi khi xảy ra, nó có thể gây nên những thiệt hại khủng khiếp, làm nhiều quốc gia, dân tộc, thậm chí toàn cầu, phải kinh hãi.

“Dịch cúm Tây Ban Nha”, một tên gọi hoàn toàn không phản ánh đúng bản chất của bệnh dịch này vì nó có rất ít liên hệ với Tây Ban Nha, xảy ra hồi cuối thập niên thứ hai đầu thế kỷ XX ở châu Âu, đã giết chết ít nhất từ 50 triệu đến 100 triệu người (chỉ có thể ước tính vì hồi đó chưa có điều kiện để thống kê như sau này). Nếu như so sánh rằng ở thời điểm đó, dân số toàn cầu mới vào khoảng 2 tỷ người thì mới thấy mức độ hủy diệt mà dịch bệnh này gây ra kinh hoàng đến thế nào.

Khi nhân loại càng phát triển, khoa học công nghệ càng hiện đại, những tưởng dịch bệnh ắt phải lùi xa. Nhầm to! Từ đại dịch HIV/AIDS xuất hiện trong những năm 1980 làm chết hàng chục triệu người, bước vào thế kỷ XXI, những dịch bệnh mới nối tiếp nhau xuất hiện, với những tên gọi mới hằn sâu vào ký ức nhân loại những vết tích tàn nhẫn: thảm họa dịch SARS năm 2003, Ebola năm 2014 và bây giờ là Covid 2019.

Năm 1997, tác giả Jared Diamond, trong cuốn sách Súng, vi trùng và thép, đã coi vi trùng là một trong số 3 yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất đến định mệnh của xã hội loài người. Theo Jared Diamond phân tích thì những kẻ xâm lược đến từ châu Âu non trẻ có các thanh gươm bằng thép và có súng ống, trong khi người thổ dân châu Mỹ chỉ có đá và vũ khí bằng gỗ.

Thế nhưng, súng, gươm thép và ngựa không phải là các nhân tố trực tiếp duy nhất trong cuộc chinh phục Cựu thế giới của châu Âu. Số người Indian bị giết trên chiến trường bởi súng và gươm ít hơn nhiều số người bị giết ở nhà của họ do các bệnh dịch truyền nhiễm như bệnh đậu mùa và bệnh sởi. Các bệnh dịch này từng lan tràn ở châu Âu và người châu Âu đã có được khả năng miễn nhiễm di truyền những khả năng này nhằm chống cự với chúng nhưng người Indian thì không có khả năng đó ngay từ đầu. Các bệnh dịch được lây lan từ người châu Âu tới người Indian rồi truyền từ bộ lạc Indian này sang bộ lạc Indian khác.

Nền kinh tế Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. (Hình ảnh công nhân sản xuất trong một nhà máy tại Quảng Đông). Ảnh: L.G.

Càng lùi ngược về quá khứ, Jared Diamond càng thấy các yếu tố môi trường là vấn đề quan trọng. Jared Diamond cho rằng sản xuất lương thực là nhân tố tối hậu, còn súng, vi trùng và thép là nhân tố trực tiếp tác động đến lịch sử phát triển của nhân loại.

Gần hơn, tỷ phú Bill Gates, bằng con mắt thấu thị, đã cảnh báo nguy cơ của dịch bệnh lớn hơn hết thảy mọi nguy cơ khác đang lơ lửng trên đầu nhân loại. 5 năm trước, trong một bài nói chuyện trên TedTalk, Bill Gates đã chỉ ra rằng không phải vũ khí hạt nhân mà một loại vi trùng nhỏ bé có thể giết chết đến 10 triệu người trong một đại dịch trên toàn cầu. Bill Gates cho rằng sau đại dịch Ebola, con người “có thể gặp loại virus mà khi nhiễm bệnh, ta vẫn thấy mình đủ khỏe mạnh để đi máy bay hay ra chợ. Nguồn virus có thể là đại dịch tự nhiên như khuẩn Ebola, hay có thể là khủng bố sinh học.”

Cứ như thể Bill Gates đang nói về Covid-19 vậy, từ 5 năm trước!

Cũng theo Bill Gates thì hiện tại, loài người chưa sẵn sàng cho một đại dịch như vậy. Một nhóm các nhà dịch tễ học đẹp trai đi vào vùng dịch và cứu thế giới chỉ có trong những bộ phim của Hollywood. Khi chưa chú ý đầu tư thích đáng cho phòng dịch thay vì đổ tiền đổ của vào phát triển vũ khí, loài người sẽ còn phải trả giá bởi những con virus bé tí teo mắt thường không nhìn thấy được.

Trả giá

Mà trong đại dịch Covid-19 hiện nay, Trung Quốc đang là quốc gia phải trả giá đầu tiên, rất đắt.

Đầu tiên chính là việc Trung Quốc không sớm công bố tình trạng lây nhiễm trong những ngày đầu tiên, khiến cho khoảng “thời gian vàng” quý báu để khoanh vùng và dập dịch trôi qua. Cảnh báo đầu tiên được đưa ra công khai từ ngày 30-12-2019, vậy mà đến ngày 23-1-2020, Vũ Hán mới bị phong tỏa. Trong khoảng thời gian ấy, đã có bao nhiêu triệu người, trong số đó có không ít mang mầm bệnh, lưu chuyển trên khắp các thành phố của Trung Quốc và thế giới.

Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên đưa ra cảnh báo về cúm Vũ Hán và chết vì chính loại cúm này, đã gây nên một làn sóng công phẫn trong cư dân Trung Quốc.

Nhưng Covid-19, ngoài việc trực tiếp gây ra số lượng người tử vong cao, còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trong về kinh tế của Trung Quốc, từ đó tác động đến toàn cầu. Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc là điều chắc chắn. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã ngừng hoạt động ở trung Quốc, vốn từng là thị trường lớn nhất của các tập đoàn này. Những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, hàng không, khách sạn.

Xét tới việc Trung Quốc đóng vai trò như một mắt xích sản xuất vượt trội, các chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc đóng cửa hàng nghìn nhà máy sản xuất đồng nghĩa với sự gián đoạn sản xuất không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở các nước sử dụng linh kiện do Trung Quốc sản xuất trên khắp các lục địa.

Trong bối cảnh cuộc thương chiến Trung-Mỹ, những hậu quả của dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc và làm cho đối thủ của Trung Quốc, là Mỹ được hưởng lợi.

Điều đó có nghĩa là con virus nhỏ bé Corona 2019, theo một cách nào đó, đã tác động đến bức tranh địa chính trị của thế giới này.

Yên Ba
.
.